Nhộn nhịp phiên chợ trâu Pasar Bolu

Nhộn nhịp phiên chợ trâu Pasar Bolu

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:44
0
Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị (số 1.10.2012), đầu bếp danh tiếng Martin Yan cho biết “… Cả đời tôi chưa bao giờ thấy một chợ bán cả trâu như ở chợ Bắc Hà…”. Nếu mai này đến chợ phiên Pasar Bolu ở phố núi Rantepao, chắc ông Yan còn sửng sốt hơn nhiều.

Sự kiện - Nhộn nhịp phiên chợ trâu Pasar Bolu

Trâu được tắm táp vào buổi trưa ngay tại chợ.

Trên thực tế chợ Pasar Bolu, sáu ngày một phiên, không chỉ chuyên về gia súc như ở vùng Trung Á, Mông Cổ… tôi từng ngang qua. Chợ ngày thường vẫn hoạt động, bán buôn đủ thứ như một ngôi chợ bình thường. Đến phiên, chợ “phình” ra gấp mấy lần. Đông người về, nhiều hàng hóa, ngồn ngộn phẩm vật địa phương của miền cao nguyên Tana Toraja, quần đảo Sulawesi, Indonesia. Nhưng đông vui nhất, nhộn nhịp nhất vẫn là mảnh đất thênh thang dành cho việc mua bán các cô chú trâu.

Gần 200 triệu đồng một con trâu

Đối với người dân phố núi Rantepao, cũng như cả vùng Tana Toraja, trâu không chỉ là gia súc bình thường. Ngoài việc cày bừa, được dùng để đánh giá sự giàu có, quyền lực của người chủ, hay để trao đổi mua bán đất đai thay cho tiền bạc… trâu còn là vật hiến tế quan trọng nhất của các lễ hội. Nên sự đông đúc nhộn nhịp của phiên chợ trâu này không lạ. Nhưng nhiều du khách, kể cả tôi, đều giật mình khi biết rằng giá của một chú trâu bạch tạng trưởng thành, cao giá nhất, có thể lên đến 180 triệu đồng hay hơn nữa (hơn 80 triệu rupiah Indonesia; 1 Rp khoảng 2,2 đồng; www.xe.com). Còn một chú trâu đen bình thường cũng hơn trăm triệu đồng (50 triệu Rp).

Từ sáng sớm, các chú trâu béo mượt đã theo các chuyến xe tải từ các làng mạc, núi rừng xa xôi về chợ. Đường phố Rantepao ngày thường vắng ngắt giờ lại kẹt xe. Phần thì lắm xe đông người. Và, phần lớn lại vì các chú trâu thấy phố chợ đông đúc, xa lạ… không chịu xuống xe. Chủ nhân phải dỗ dành, vỗ về thật lâu trâu mới chịu xuống vào chợ. Có lẽ chỉ vì quý mến trâu (vì trong chợ không hề có cân để đong đếm) nên các chủ trâu đều mang theo nhiều bao cỏ mượt để mớm cho trâu móm mém nhai suốt buổi. Rồi biết trâu ưa mát, những vòi nước hay cả những bãi tắm luôn là nơi đông đúc các cô chú trâu. Việc ngắm nghía, sờ mó, bình luận, bàn tán… xôn xao cả chợ phiên. Nhất là khi trong đoàn trâu mới từ ngoài đường đủng đỉnh vào chợ có vài chú trâu bạch tạng trông nổi bật hẳn giữa các bạn bè đen bóng.

Sự kiện - Nhộn nhịp phiên chợ trâu Pasar Bolu (Hình 2).

Hàng thịt trâu gác bếp và thịt heo hơ khói luôn đông khách.

Phiên chợ trâu không chỉ có trâu

Việc mua bán diễn ra nhanh chóng một khi khách đã ưng ý. Từng xấp tiền dày cộp được trao tay, ít kỳ kèo trả giá tới lui. Mấy anh tre trẻ bán trâu sớm, ghé túp lều ven chợ làm mấy cốc ballok (rượu địa phương, lên men từ nước một loại cây giống thốt nốt) cho tăng khí thế. Anh nào nhớ vợ nhớ con thì tạt qua chỗ mấy thím, mấy dì mua mấy xâu thịt trâu gác bếp, thịt heo hơ khói xách tòng teng về. Mấy chú lớn lớn cũng trông bán xong để ghé sới gà chọi đầu chợ ngắm nghía, kiếm chú gà trống kiêu dũng bồng về nuôi dưỡng trau chuốt, chờ ngày hội làng cho ra đua tài… Những chú trâu chưa kịp đổi chủ cũng được đưa lên xe về lại quê cũ, khi cái nóng trưa gay gắt đổ xuống miền cao nguyên.

Chợ tan. Tôi về, cùng rất nhiều đoàn du khách Âu Mỹ hớn hở. Đôi lúc những gì thân quen với cuộc sống Á đông chúng ta lại là điều xa lạ, lôi cuốn họ. Không chỉ vậy, buổi sáng đó tôi còn nghe các hướng dẫn viên bản địa, qua phiên chợ trâu, qua những chú trâu, lồng ghép giới thiệu đến du khách nhiều điều hay ho khác. Nhiều du khách ở cùng khách sạn Wisma Maria đều hớn hở khoe với tôi, “… Sẽ lưu lại đây thêm vài ngày nữa so với dự định, vì không ngờ ở đây hay quá…” Mong sao, những nhà quản lý, những người làm du lịch nước nhà lưu ý phát huy những điều này. Dĩ nhiên là cũng sẽ cần thêm nhiều điều nữa, để Việt Nam không còn là điểm đến ngắn ngày của khách du lịch, như nhiều đánh giá hiện nay.

Theo SGTT