Những ám ảnh về đêm trên lòng hồ sông Đà

Những ám ảnh về đêm trên lòng hồ sông Đà

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
0
Lòng hồ sông Đà là những nơi yên bình nhất trên sông. Người dân thường tận dụng để thả những lồng cá kiếm thêm thu nhập và tranh thủ lúc buổi đêm giăng lưới kéo cá sông.

Ngày thường, lòng hồ bình yên chỉ có những con sóng lăn tăn gợn nhẹ nhưng những ngày mưa bão lại biến thành một vùng sóng nước hung tợn.

Xã hội - Những ám ảnh về đêm trên lòng hồ sông Đà

Dòng sông Đà khi dữ dội khi dịu êm đã gắn bó với cuộc sống của người dân vạn chài huyện Đà Bắc từ những ngày xa xưa

Đêm sông Đà

Đà Bắc là huyện nằm dọc men theo sông Đà đoạn chảy qua tỉnh Hòa Bình. Huyện lị cách trung tâm thành phố 12km, chiều dài huyện dọc theo con sông Đà lên đến gần 200km. Bên kia sông là các huyện Tân Lạc, Mai Châu. Đi ngược về phía cuối là giáp ranh với huyện Yên Châu của tỉnh Sơn La. Tiền Phong chính là điểm dừng cuối cùng của huyện Đà Bắc vì vẫn chưa có con đường bộ nào thông sang Sơn La. Mọi sự di chuyển đều phải ngược lại phía thị trấn Đà Bắc rồi đi ra theo đường thành phố Hòa Bình hoặc vượt sông Đà bằng thuyền. Tuy nhiên, rất ít người chọn cách đi này vì vừa mất thời gian vừa nguy hiểm, trừ những trường hợp bất đắc dĩ. Dòng Đà giang tính khí thất thường, nhiều người bị lật thuyền lật mà bỏ mạng giữa dòng, nhất là khi nước dâng lên vào mùa mưa bão.

Chúng tôi tìm đường vào xã Hiền Lương, xã liền kề với thị trấn Đà Bắc. Đi dọc con đường trải nhựa ngoằn ngoèo nhiều khúc quanh uốn lượn, lên xuống những bờ vực sâu thăm thẳm, có đoạn bị sạt lở vì bão vẫn ngổn ngang đất đá, chúng tôi phần nào cảm nhận được sự hùng vĩ cũng như sự khắc nghiệt của thiên nhiên nơi đây. Tuy nhiên vào những khi thiên nhiên không "trái gió trở trời" thì dọc miền sông Đà này hầu như là bình yên với sóng nước dập dềnh, với những đêm trăng dát vàng thơ mộng trên lòng hồ.

Có lẽ ít nơi nào của sông Đà lại có được cái yên bình như ở những lòng hồ nơi đây. Lòng hồ được hình thành do những khúc quanh theo núi của sông Đà khi núi lùi vào sâu bên trong thung lũng tạo nên. Theo thời gian, những thung lũng ấy bị sóng từ lòng sông liếm sâu dần trở thành những lòng hồ êm ả nước trôi. Dù là mùa hè mưa lũ hay mùa đông khô cạn, lòng hồ vẫn giữ được sự tĩnh tại nhất định. Độ chảy xiết của lòng sông Đà khi theo khúc quanh núi vào đến hồ cách chừng cũng 4, 5 cây số, sóng giảm dần, đến giáp khu dân cư thì mặt hồ trở nên yên ả lạ thường.

Dừng chân tại UBND xã Hiền Lương chúng tôi gặp ông chủ tịch xã Xa Văn Chính (SN 1946). Ông bảo, điều thú vị nhất ở nơi đây chính là những đêm đánh cá ngoài sông. Nhà ông cũng có 4 lồng cá nuôi ngoài lòng hồ và 6 cái vó cất cá. Thu nhập từ những lồng cá và vó cá này giúp cải thiện đời sống gia đình rất nhiều. Ông hứa buổi tối sẽ cử cậu con trai giỏi bơi chèo, giỏi cất cá đưa chúng tôi đi trải nghiệm một cuộc sống thật khác lạ. Đó là cuộc sống về đêm trên sông Đà. Đúng lời hẹn, khoảng 20h, sau bữa cơm thân mật, món măng tươi giòn cùng men rượu gạo tự nấu khiến chúng tôi ngây ngất và háo hức với một đêm trắng trên sông. Anh Xa Văn Huy (SN 1990), con trai ông Chính, rất nhiệt tình làm hướng dẫn viên đặc biệt cho chúng tôi.

Lần đầu tiên xuống chiếc thuyền nan nhỏ tròng trành, chúng tôi không khỏi thấy chới với. Nhưng cảm giác ấy mau chóng tan dần bởi gió từ lòng sông phả vào mặt mát lạnh tạo cảm giác rất lạ. Đêm trên lòng hồ sông Đà có thể nghe cả tiếng dế kêu ven hai bên bờ sườn núi. Tiếng mái chèo gõ vào mạn thuyền lạch cạch, đanh mà rất vang. Trong không gian tĩnh lặng ấy, nhìn lên là cả một bầu trời sao mênh mông. Phía dưới là lòng sông đen đặc huyền bí, xa xa có ánh đèn điện của những chiếc vó cá đêm. Tưởng như chỉ có mình ta với cả đất trời mênh mông, hoang vắng mà lại thú vị đến lạ kỳ.

Đang mải miết với những câu chuyện đời thường với người lái đò sông Đà (chúng tôi tự đặt cho người thanh niên trẻ cái biệt danh như thế vì 22 năm tuổi đời mà anh đã có thâm niên gần 17 năm lênh đênh với lòng hồ), chúng tôi bị giật mình bởi tiếng lách cách và sau đó là tiếng hô vang mà chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra. Biết tôi bị chột dạ, anh lái đò đính chính ngay: "Chị đừng sợ. Đó là một người bạn chài cùng cảnh đánh cá đêm thôi". Thì ra, những người đánh cá đêm thường chào hỏi nhau bằng tiếng gõ mái chèo lạch cạch vào mạn thuyền và nói chuyện với nhau bằng tiếng dân tộc thuần túy (nơi đây đại đa số là người Mường sinh sống).

Xã hội - Những ám ảnh về đêm trên lòng hồ sông Đà (Hình 2).

Cảm nhận cuộc sống nhà sàn bên lòng hồ Sông Đà cũng là một sự thú vị

"Phút tức giận" của thiên nhiên

Đêm trên lòng hồ sông Đà không chỉ có những huyền bí, những tĩnh lặng, yên bình. Vào ngày mưa gió bão bùng, khi người vạn chài phải ngủ trên bè cá trôi nổi trên sông để trông coi những lồng cá nhà mình thì quả là dữ dội. Trong hai ngày lênh đênh sông Đà, chúng tôi đã phải trải qua trận mưa lớn ảnh hưởng từ cơn bão số 5. Đang thả hồn với mây gió trăng sao thì gió kéo về nên người lái đò nhanh trí lái thuyền đưa chúng tôi vào bè trú ngụ.

Chiếc bè rộng chỉ chừng 4 mét vuông. Bè làm bằng thân cây luồng nên nổi trên mặt sông như có ai đó buộc dây xuống dưới đáy. Nhưng theo Huy thì chiếc bè chỉ lơ lửng trong khoảng 10 mét sâu trở lại so với cái độ sâu từ 60 - 80 mét của lòng hồ. Trên bè, điện sáng mờ mờ, có chăn, gối, một ấm nước nhỏ và chiếc điếu cày dựng ngay ngắn một góc. Chỉ đơn giản vậy thôi mà nó là "tổ ấm buổi đêm" quanh năm suốt tháng của những người dựng bè nuôi cá lồng trên sông. Bốn xung quang được che chắn bởi những tấm liếp. Liếp cũng được tước từ thân cây luồng. Trên mái bè được lợp bằng lá của cây luồng và những chiếc lá cọ bện chặt vào nhau che mưa, nắng.

Mưa bắt đầu đổ dồn xuống như trút khi chúng tôi vừa rời chân khỏi khoang thuyền lên đến bè. Gió hun hút lật bốn phía. Chiếc bè nhỏ nhắn ấm cúng bỗng chốc trở nên mong manh trước sức quật của cơn gió bão. Tiếng gió bão gầm rú làm chiếc bè tròng trành như sắp bị cuốn trôi khiến chúng tôi sợ thót tim. Nhưng hai người bản địa đi cùng dường như đã quá quen với cảnh bão gió này. Huy vừa nhả khói thuốc lào vừa chậm rãi: "Mưa gió thế này vẫn chưa là gì đâu. Nhiều khi bão lớn hơn còn tốc hết cả bốn phía liếp vừa ngủ vừa giữ mà vẫn ngủ say tít đến sáng luôn. Bao nhiêu năm ngủ trên bè em thấy quen rồi, mùa nào chả có bão, biết vậy nên mình làm bè cẩn thận, chắc chắn một chút để có mưa gió bão bùng vẫn yên tâm mà ngủ".

Mưa ngừng rơi khi ánh sáng ban ngày đổ dồn xuống lòng sông trắng sáng. Dòng sông đêm huyền bí đã được vén bức màn đen để trở lại với bộ mặt bình thản thường ngày. Không giống như trên đất liền, mưa xong là lá rơi, cây đổ, cát sỏi trôi đầy đường. Sau cơn mưa bão đêm, nước sông Đà tuy có bớt xanh trong một chút, nhưng mặt hồ vẫn bình yên và êm ả như chưa hề có một cơn bão vừa quét qua. Sóng vẫn lăn tăn theo nhịp chèo của người lái đò. Ánh mặt trời ló ra, rọi xuống lòng sông lấp loáng. Khí trời mát lành, thanh sạch. Cuộc sống vẫn diễn ra bình thường trên bờ Đà Giang. Người mang gùi lên núi hái măng, người lên nương rẫy phát cỏ trồng ngô, người bận bịu với viêc này việc khác... Chỉ có những người dân chài đánh cá đêm là còn nhớ về cơn giông bão lướt qua sông Đà đêm qua...

Có một cơn bão khác

Xưa nay, chúng tôi chỉ biết đến những cơn bão dưới mái nhà ấm cúng, bê tông gạch ngói chắc chắn. Còn hôm nay trên dòng sông Đà mênh mông sóng nước, như chỉ có một mình đối diện với bão tố, thậm chí nhận lấy bão tố, có cảm giác như sự nguy hiểm ngay sát bên cạnh. Trong tiếng gió, tiếng mưa và chút hoang lạnh của núi rừng sông nước, chúng tôi bất giác thấy thèm một mái nhà. Vậy mà bao nhiêu năm nay sóng nước sông Đà đã trở thành mái nhà của những người dân vạn chài như Huy. Với họ không chỉ trời, trăng, sông, nước mà gió bão, mưa rừng cũng đã trở lên quen thuộc.

Thu Nhung

(Còn nữa)