Những

Những "bí mật" thú vị về phim Vợ chồng A Phủ

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:05
0
Tròn 50 năm kể từ ngày ra đời, bộ phim Vợ chồng A Phủ vẫn có một sức sống mãnh liệt trong lòng khán giả, với hình ảnh chàng A Phủ có ánh mắt đầy nội tâm đã trở thành một sự ám ảnh day dứt.

Ít ai biết rằng, người diễn viên đã hóa thân thành hình tượng nhân vật tài tình ấy chính là nghệ sĩ nhân dân (NSND), đạo diễn - Trần Phương.

Cảnh trong phim Vợ chồng A Phủ

Ám ảnh bùa yêu

Hơn nửa thế kỉ qua đi, ở tuổi 80 và có quá nhiều những bộ phim đã làm trong đời, thế nhưng kí ức về Vợ chồng A Phủ dường như vẫn in rõ trong tâm trí ông. Trong câu chuyện về Hồng Ngài (Tây Bắc) ngày ấy, Trần Phương nhớ nhất về thứ bùa yêu kì diệu của người Tà Sùa. Bản Tà Sùa (Hồng Ngài) là nơi được đoàn phim lấy làm bối cảnh để tái hiện cuộc sống của vợ chồng A Phủ và đồng bào miền núi (nơi chuyện phim xảy ra).

Cũng là không gian chính trong bộ phim. Hồi đó, để có thêm kinh nghiệm diễn xuất, Trần Phương cùng một số diễn viên khác phải lên thâm nhập đời sống thực tế của bà con. Trai gái Tà Sùa có tục yêu là ném pa pao. Mùa yêu là mùa xuân. Mỗi mùa yêu, đám thanh niên lại tổ chức hội ném pa pao. Khi đã thích nhau, các cặp đôi sẽ cố tình ném pa pao mỗi lúc một xa để cùng nhau tách khỏi đám đông. Rồi họ tìm cách đưa nhau vào rừng. Thổi kèn lá để tỏ bày lời yêu.

Theo Trần Phương, quả pa pao như chứa đựng một linh hồn, một thứ bùa yêu trong đó. Những đôi trai gái, dù không yêu nhau, nhưng lỡ bắt nhầm pa pao của nhau thì cuối cùng cũng sẽ thành vợ thành chồng. Nếu lấy người khác thì chẳng mấy đôi được hạnh phúc trọn vẹn.

Ông kể: "Có lần, tôi tham gia ném pa pao cùng thanh niên bản. Nhiều cô gái bản thích mình, vì thấy tôi cao to, trắng trẻo nên mê lắm. Họ thi nhau ném pa pao vào mình. Tôi cố tình bắt trượt vì nỗi ám ảnh bùa yêu Tà Sùa. Mặc dù vậy, khi có một cô gái rất xinh ném pa pao rất hay về phía mình, tôi vội bắt lấy. Và sau đó, có một câu chuyện xảy ra... khiến tôi tin rằng bùa yêu là điều rất thật. Nó không chỉ là văn hóa mà còn là một bí ẩn mà khoa học vẫn chưa chứng minh được".

Tục cướp vợ của người Tà Sùa cũng là một trong những câu chuyện ám ảnh ông cho đến tận bây giờ. Những năm 1960 (khi quay bộ phim Vợ chồng A phủ) đời sống của đồng bào miền núi vẫn còn nhiều hủ tục lạc hậu, hà khắc. Số phận của người phụ nữ bị rẻ rúng, áp bức.

Người Tà Sùa vẫn giữ chế độ đa thê. Nhà giàu có thể cướp nhiều vợ theo ý muốn của mình mà không hề vi phạm tục lệ của bản. Trai gái Tà Sùa cũng giống như nhiều bản Mông khác, thường tìm nhau qua tiếng gõ đầu vách nhà như một dấu hiệu của lời tỏ tình.

Cô gái sẽ phải nhận diện được tiếng gõ trên vách đó là của chàng trai mình yêu thương. Nếu cô gái mở cửa và bước ra theo tiếng gõ, tức là đã nhận lời làm vợ chàng trai. Tuy nhiên, khi đã trở thành vợ, họ không khác gì người làm thuê không công trong ở nhà chồng. Bị bóc lột sức lao động như thân trâu, thân ngựa. Và sống lầm lũi đến hết cuộc đời mà không hề mảy may nghĩ đến một sự phản kháng nào. Vì trong suy nghĩ của họ, khi đã làm vợ, tức là đã bị con ma nhà nó bắt đi vĩnh viễn.

Chuyện "ba cùng" với người Tà Sùa

Khi tham gia đóng bộ phim này, đạo diễn Trần Phương chỉ mới 29 tuổi. Đây cũng là vai diễn đầu tiên trong cuộc đời của ông. Để vào vai A Phủ thành công, Trần Phương đã phải học cách chăn bò, cưỡi ngựa của người Tà Sùa. Họ cưỡi ngựa quanh năm mà không cần cương. Mình không quen với cách đó nên mình mẩy cứ xây xước hết, mấy lần suýt bị què chân. Nhưng khi bộ phim hoàn thành thì mình cũng kịp trở thành một tay chăn bò, cưỡi ngựa cừ khôi không kém một chàng trai Mông nào.

NSND Trần Phương

Ba tháng ròng rã sống chung cùng gia đình anh hùng quân đội Sùng Phai Sình trên núi cao, cả Trần Phương và Đức Hoàn (người vào vai Mị lúc bấy giờ) gần như đã trở thành người Mông thực thụ. Chúng tôi đã “ba cùng” với họ, cùng lên nương làm rẫy, cùng gùi nước đi bộ hàng mấy cây số về bản và cùng ăn ngô, nói tiếng Mông sành sỏi.

Thú vị nhất là cách Đức Hoàn đi, ngoáy mông, vuốt tóc, cuốn khăn theo kiểu của người Mông giống y như thật. Cô ấy đã trút bỏ hoàn toàn kiểu cách của một tiểu thư khuê các Hà Nội và hóa thân thành một cô gái Mông thực thụ. Cực nhất là việc leo lên những ngọn núi như dựng đứng trước mắt mình.

Người Tà Sùa đi như thế bao nhiêu thế hệ rồi nên đôi chân họ sinh ra là để leo núi. Mới đầu, mình không quen nên mệt lắm. Nhưng anh Sùng Phai Sình cho uống thứ thuốc lá gì lạ lắm thì sáng hôm sau lại khỏe ngay. Người Tà Sùa, Hồng Ngài rất ít tắm. Họ cho rằng nước có thể làm chết người. Thuyết phục và giải thích mãi họ cũng không nghe.

Một lần, tôi mang một cậu bé con 6 tuổi đi tắm suối cùng. Về nhà mọi người cứ lo sợ nó sẽ bị chết. Nhưng sau đó thấy thằng bé không những không bị ốm mà còn khỏe mạnh hơn. Họ bắt đầu có cách nghĩ khác. Những lần trở lại sau đó để thăm và chiếu phim cho họ xem, tôi thường nửa đùa nửa thật hỏi han việc tắm giặt ấy.

"Bộ phim Vợ chồng A Phủ thực hiện ròng rã trong hơn một năm. Ngày đóng máy, chúng tôi đã có cuộc chia tay đầy xúc động với bản làng. Mọi người ai cũng lưu luyến và không ngừng thốt lên: "Pí lù, pí lù" (trở lại, trở lại) - đạo diễn Trần Phương nói.

Bích Đào