Những cách xử trí sai lầm khi con trẻ gánh áp lực mùa thi

Những cách xử trí sai lầm khi con trẻ gánh áp lực mùa thi

Thứ 3, 04/06/2013 | 07:26
0
Nhiều bậc phụ huynh thay vì động viên tinh thần, giúp con thư thái thả lỏng đầu óc lại nghĩ ngay đến việc đưa con vào bệnh viện tâm thần để khám...

Mùa hè, mùa thi, mùa chia ly nhưng đây cũng là thời điểm học sinh cuối cấp THPT phải chạy nước rút cho bước ngoặt cuộc đời mình. Chính vì thế, nhiều em học sinh đã không đủ bản lĩnh để tự chủ trong suy nghĩ và hành động, đẩy áp lực thi cử lên cao tới mức stress (căng thẳng). Nhưng điều đáng tiếc hơn nữa là việc nhiều bậc phụ huynh thay vì động viên tinh thần, giúp con thư thái thả lỏng đầu óc lại nghĩ ngay đến việc đưa con vào bệnh viện tâm thần để khám... thần kinh! Hậu quả không chỉ dừng lại ở việc "chữa lợn lành thành lợn què" mà nguy hiểm hơn ở chỗ vô tình đã “giao trứng cho ác”. Sự việc mới đây, một bác sĩ bệnh viện đa khoa Sóc Trăng bị tố sàm sỡ học sinh lớp 12 khi đến khám bệnh là một điển hình.

Xã hội - Những cách xử trí sai lầm khi con trẻ gánh áp lực mùa thi

Các bậc phụ huynh không nên biến áp lực học tập của con thành một loại bệnh

Cứ đau đầu, mệt mỏi là khám... tâm thần kinh

Trường hợp em học sinh ở một trường THPT thuộc TP. Sóc Trăng chỉ là một trong rất nhiều trường hợp bị liệt vào danh sách bệnh thần kinh và cho đi khám khi đang khỏe mạnh bình thường. Tuy nhiên, em học sinh này có điều kém may mắn hơn những bạn khác. Nếu như nhiều bạn đến khám bệnh, chỉ "phải" uống vài viên thuốc bổ thần kinh hay hoạt huyết dưỡng não cho qua cơn căng thẳng rồi trở lại cuộc sống bình thường thì Huyền (tên nhân vật được đổi - PV) lại gặp ngay "yêu râu xanh" khiến em bị ám ảnh thực sự. Huyền được bố mẹ nhận định bị ảnh hưởng thần kinh vì áp lực học tập quá lớn. Để tiện bề điều trị, gia đình đã đưa Huyền vào bệnh viện đa khoa Sóc Trăng điều trị nội trú tại khoa Tâm thần kinh để phục hồi sức khỏe.

Theo lời Huyền khi kể lại với mẹ mình, tối 14/5, trưởng khoa Tâm thần kinh, nơi Huyền được chỉ định điều trị đã gọi em vào phòng trực và nhờ em canh phòng để mình đi tắm. Một lúc sau, vị bác sỹ này quay lại phòng và có những hành động bị cho là sàm sỡ bệnh nhân.

Huyền là trường hợp đặc biệt để cha mẹ có con chuẩn bị thi cử nhìn vào đó mà thay đổi nếp nghĩ của mình về stress học tập của con. Qua tìm hiểu của PV báo điện tử Người Đưa Tin, mùa thi, tại các bệnh viện về sức khoẻ tâm thần ở Hà Nội và Trung ương, số lượng cha mẹ đưa học sinh lớp 12 đến khám gia tăng.

Tiếp chuyện với phụ huynh tên Vân (ở Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội), tôi mới biết một sự thật khác, sau cái ý tốt muốn chữa bệnh cho con, là rất đau lòng. Bà Vân cho biết: "Hương, con gái tôi năm ngoái học lớp 11, vì muốn con đỗ trường đại học "đỉnh" nhất, vợ chồng tôi ép con học đến mức cháu đau đầu. Tầm này năm ngoái, tôi đã phải đưa Hương vào bệnh viện khám. Bác sỹ chỉ cho thuốc an thần, rồi về. Năm nay, Hương đau đầu nhiều hơn. Ra Tết Nguyên đán cháu đã có những đợt đau đầu kinh niên. Tôi đưa con đến chữa vào những ngày nghỉ trong tuần. Chẳng hiểu bọn trẻ biết thông tin ở đâu, bàn tán, nói rằng Hương bị thần kinh, thế là con tôi mắc bệnh càng nặng…".

Ngoài trường hợp Hương ra, nhiều học sinh khác, sau khi được bố mẹ đưa đi chữa bệnh đau đầu xong, đến lớn bị bạn rêu rao là thần kinh thành stress nặng, phụ huynh phải chuyển trường cho con. Có trường hợp, chỉ còn hai tháng là thi tốt nghiệp, không chuyển trường được, phụ huynh phải chấp nhận đi học cùng con để hạn chế thấp nhất việc con nghe được thông tin mình đi khám thần kinh. Lo lắng cho con là việc tốt nhưng thái quá tới mức, chỉ đau đầu đơn thuần mà đưa đi khám tâm thần kinh thì quả không nên chút nào và nhiều trường hợp đã "lợi bất cập hại".

Nhiều ông bố bà mẹ khi biết câu chuyện của Huyền, của Hương…đã bỏ ý định đưa con đi khám tâm thần kinh. Không phải cứ đau đầu, căng thẳng là quy kết cho việc bị thần kinh hay có vấn đề về tâm sinh lý. Việc đưa con em mình đến bệnh viện không đúng lúc, không đúng thời điểm rất dễ tạo ra hiệu ứng ngược, gây hại cho chính con mình.

Cần tỉnh táo để lựa chọn liệu pháp điều trị hợp lý

Liên quan đến vấn đề này, PV báo điện tử Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với TS Tâm lý học Phạm Mạnh Hà, trường ĐH KHXH&NV. TS Hà khuyến cáo: "Các bậc phụ huynh nên lưu ý việc thấy con mình có những biểu hiện như đau đầu, chóng mặt do quá trình học tập căng thẳng quá mức là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, bản thân người làm cha mẹ cũng không nên để các em rơi vào tình trạng stress trong một thời gian dài sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Xã hội - Những cách xử trí sai lầm khi con trẻ gánh áp lực mùa thi (Hình 2).

Tiến sỹ tâm lý Phạm Mạnh Hà

Mặc dù vậy, các bậc phụ huynh cũng không nên biến người không bệnh thành có bệnh như một vài ví dụ đã xảy ra trên thực tế thời gian qua. Muốn mang lại điều tốt cho con em mình thì bản thân mỗi phụ huynh cần thay đổi tư duy và thói quen, luôn thật tỉnh táo để có những biện pháp phòng bệnh, chữa bệnh thích hợp, tránh trường hợp cẩn thận quá đà dẫn đến "chữa lợn lành thành lợn què". Trước hết cần căn cứ vào những diễn biến của bệnh tình để tìm đúng thầy đúng thuốc. Khi thấy con cái có những dấu hiệu nhẹ như đau đầu, mệt mỏi do áp lực từ công việc học hành, thi cử, thay vì tâm lý thói quen "tống con vào bệnh viện", chúng ta nên khuyên con bố trí thời gian nghỉ ngơi cho hợp lý.

Có rất nhiều cách để xả stress như đi dã ngoại, tổ chức những bữa tiệc nhỏ, hay đưa con tham gia những hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Nếu cần thiết hơn nữa, có thể đưa con đến các cơ cở tư vấn tâm lý để các chuyên gia có biện pháp trị liệu phù hợp. Riêng những trường hợp có dấu hiệu bệnh phát triển nặng như chán ăn, bỏ ăn, đau đầu kéo dài trong nhiều tuần kèm theo các dấu hiệu khác như hoảng loạn, hoang tưởng…thì hãy đưa con đến điều trị tại các bệnh viện tâm thần bởi những phương pháp trị liệu phần lớn là dùng thuốc sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn”.

Tuy nhiên, thực tế tại Việt Nam, hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm lý vẫn chưa nhiều. Mặt khác, hầu hết việc chữa trị bằng liệu pháp tâm lý như vậy "vướng" phải tâm lý e dè trước một hình thức trị bệnh gần như không dùng thuốc của các chuyên gia. Trong khi đó quan niệm "đã bị bệnh thì phải tìm đến bệnh viện" khiến một số phụ huynh vì quá lo lắng nên dù bệnh chưa đến mức nghiêm trọng nhưng đã vội vàng cho con nhập viện để điều trị. Nhiều trường hợp dính "án oan" mình mắc bệnh tâm thần lại là nguyên nhân chính khiến bệnh tình ngày càng trầm trọng hơn.

Đồng quan điểm này, bà Lưu Hồng Minh - giảng viên khoa Xã hội học - HV Báo chí và Tuyên truyền (Hà Nội) bày tỏ quan điểm: Các bậc phụ huynh không nên tạo áp lực học hành quá mức cho con cái đặc biệt trong thời điểm mùa thi đang đến gần. Cần hỗ trợ con cái điều chỉnh lại thời khóa biểu ăn, ngủ, học hành kèm theo chế độ dinh dưỡng phù hợp giúp con cân bằng cuộc sống, đẩy lùi áp lực. Bên cạnh đó thường xuyên động viên, chia sẻ, tạo điều kiện cho con cái có cơ hội tâm sự bởi đây là một phương pháp "bắt bệnh" gián tiếp rất hiệu quả để kịp thời có kế hoạch trị bệnh đúng cách mà các bậc phụ huynh nên áp dụng.

Bà Minh nhấn mạnh: "Xã hội phát triển kéo theo những áp lực tâm lý đè nặng lên con người. Xu hướng ỷ lại vào bệnh viện, hay giao phó sức khỏe người thân của mình vào thuốc của mỗi cá nhân khi cho rằng bệnh viện là nhất, thuốc là trên hết, cực kỳ nguy hiểm. Để tránh va vào những điều không như ý muốn, mỗi cá nhân cần tự biết cách bảo vệ chính mình".

Thanh tra nhưng chưa thể có kết luận ngay được   

Về phía bệnh viện đa khoa Sóc Trăng, đại diện đơn vị này cho biết: "Lãnh đạo bệnh viện đã chỉ đạo thanh tra nhân dân làm rõ nội dung phản ánh của một lãnh đạo trường THPT nơi có học sinh nghi ngờ bị bác sĩ sàm sỡ.

Tuy nhiên, phía bệnh viện cũng nhấn mạnh chưa thể đưa ra kết luận chính xác ngay được vì bệnh nhân đang trong quá trình điều trị nội trú tâm thần kinh nên lời nói có thể là không chuẩn xác".

Dương Thu - Tuệ Linh