Những cao thủ 'Vùng đất võ ẩn danh' miền biên viễn

Những cao thủ 'Vùng đất võ ẩn danh' miền biên viễn

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:41
0
Xã Bính Xã (huyện Đình Lập, Lạng Sơn) vốn được mệnh danh là "miền đất võ" vùng biên viễn. Chúng tôi đã may mắn được diện kiến một cao nhân ẩn danh để tìm hiểu về bí kíp đỉnh cao của võ học "độc nhất vô nhị" tại miền quê này.

Cao thủ võ thuật ẩn danh

Mặc dù đã gần 90 tuổi nhưng cụ Bế Nguyên Giai vẫn rất rắn rỏi và nhanh nhẹn. Chỉ trong chớp mắt, cụ xuống tấn, bật cao chạm xà nhà và rút cây gậy găm trên tường. Trong tư thế ngồi trên không gian mà cụ đã biểu diễn xong tuyệt chiêu "hư ảo trượng". Khi chân cụ vừa chạm đất, cây gậy trong tay cụ đã quay được mấy chục vòng. Chớp nhoáng, cụ nghiêng mình rồi nhảy phắt lên ghế, ngồi vắt chân hình chữ "ngũ".

Cụ Giai là một trong những đệ tử hiếm hoi còn sót lại của những cao thủ võ học ẩn danh miền biên viễn. Theo lời cụ Giai, xã Bính Xã nằm giáp với vùng biên nước bạn Trung Quốc nên chịu ảnh hưởng của nền võ học nước này. Ngày trước có nhiều võ sư người Hoa đạt đến trình độ võ học uyên thâm đã xuôi về phương nam tìm nơi hẻo lánh luyện võ. Xã Bính Xã nằm ở vùng núi sơn thủy hữu tình, núi cao hiểm trở, có con sông Kỳ Cùng uốn lượn là nơi hội tụ linh khí của trời và đất nên không ít những cao nhân chọn làm nơi tu luyện võ thuật.

Xã hội - Những cao thủ 'Vùng đất võ ẩn danh' miền biên viễn

Cụ Bế Nguyên Giai là võ sĩ ẩn danh ở "vùng đất võ"

Cụ Giai cũng không nhớ nổi những bậc cao nhân này đến đây từ khi nào, chỉ biết rằng, khi ông sinh ra đã thấy họ sống bình dị như những người dân bản địa, cũng làm nương, cày ruộng. Hồi đó, vùng đất này còn nhiều thú dữ, nhiều thổ phỉ quấy nhiễu dân lành. Dân trong làng không dám một mình lên núi. Thấy vậy, các võ sĩ ẩn danh thương tình truyền dạy võ thuật cho dân làng.

Sau mỗi buổi lên nương, dân làng lại say mê luyện võ. Mấy tháng đầu, dân làng chủ yếu học đứng tấn, chống đẩy. Quá trình này phải được tập thường xuyên trong suốt mấy tháng để đôi chân và tay cứng như gỗ. Tiếp đó là học đấm tấn, đá tấn và những chiêu thức cơ bản... Mỗi buổi sáng, võ sinh dậy sớm chạy lên núi cao ngắm mặt trời mọc để luyện mắt tinh tường và khả năng tập trung khi có ánh sáng trực diện.

Khi đã thuần thục, thầy tiếp tục dạy những bài quyền cước phức tạp như xuất chiêu trên không trung, quan trọng nhất vẫn là xuất chiêu trong tư thế ngã. Các tư thế ngã lăn, ngã sấp, ngã ngửa, ngã nghiêng, ngã chéo, ngã thẳng đều được tập đi tập lại dưới nhiều trường hợp khác nhau. Khi đã thuần thục mới được học tuyệt chiêu đánh trong tư thế ngã, thầy bắt đầu truyền dạy các miếng đánh khác. Nguyên lý quan trọng nhất là nếu tay làm điểm tựa khi ngã thì chân sẽ phản cước, khi chân làm điểm tựa lực thì tay tung quyền.

Ông Giai cho rằng, điểm mạnh của những chiêu thức võ sĩ ẩn danh cốt ở bản chất "hư thực". Mỗi chiêu thức xuất ra đều có chiêu thức thủ thế đi kèm. Chẳng may chiêu thức bị đối phương bắt bài, võ sĩ đã xuất chiêu phản công trong tư thế bị ngã. Công lực hư ảo, khắc chế "cương và nhu" linh hoạt trong mọi tư thế.

Cụ Giai tiết lộ, võ học ẩn danh phải được luyện theo từng cấp bậc từ "biết" đến "hiểu" và trải qua "tinh thông" mới đến "biến hóa". Võ thuật đẳng cấp cao chính là sự biến hóa giữa "hư và thực", giữa "cương và nhu". Chính vì vậy, khi dạy đến trình độ "tinh thông" thì các thầy không dạy nữa, bởi biến hóa là đẳng cấp cao nhất của võ thuật nên không ai có thể dạy được mà chỉ có riêng bản thân người học tự lĩnh ngộ. Khi đạt đến trình độ biến hóa thì chiêu thức không còn quan trọng nữa, quan trọng là tâm thức.

Ngoài truyền dạy võ thuật, các võ sĩ còn dạy binh pháp như cách cầm quân, chiến thuật bày binh bố trận, cách thức đánh thủ, chiến thuật thần tốc... Những chiêu thức này đã được phát huy sức mạnh khi đánh hội đồng và chinh chiến. "Chúng tôi được các võ sĩ ẩn danh truyền lại "Binh pháp Tôn Tử" nhưng do không ghi chép cẩn thận, đã bị thất truyền khá nhiều nên hậu thế cũng ít người nắm được", cụ Giai cho hay.

Xã hội - Những cao thủ 'Vùng đất võ ẩn danh' miền biên viễn (Hình 2).

Võ thuật ẩn danh luôn xuất chiêu trong tư thế bị động.

Võ sĩ làng đánh phỉ, diệt giặc

Vào tháng 8/1945, lợi dụng thời cơ Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương, tháng 3/1945 quân Nhật lũ lượt kéo vào nước ta, bọn phỉ ở Quảng Tây (Trung Quốc) tràn vào cửa khẩu Bản Chắt (huyện Đình Lập, Lạng Sơn) kết hợp với bọn phỉ địa phương ra sức cướp bóc, hành hạ nhân dân.

Trước tình hình đó, những võ sĩ làng đã đứng dậy đánh đuổi phỉ. Tháng 4/1945, các đội tự vệ chống phỉ, giữa làng đã ra mắt nhân dân thôn bản sau một lễ uống máu ăn thề tại đình làng Pò Háng, xã Bính Xã. Sau đó, đội nghĩa quân làng cầm cuốc, thuổng, gậy gộc đứng dậy đấu tranh. Phong trào chống phỉ, giữ làng giành được nhiều thắng lợi đã vang truyền đến các địa phương khác như Ba Chẽ, An Châu, Sơn Động (Bắc Giang). Sau đó, Hội đồng Bảo an của huyện nói chung và của xã Bính Xã nói riêng được thành lập, tính mạng, tài sản của nhân dân thực sự được bảo vệ, nhân dân yên ổn làm ăn, đời sống sản xuất được khôi phục, nạn cướp bóc bị ngăn chặn.

Sức mạnh của những võ sĩ làng tiếp tục được phát huy trong những trận chiến đấu chống Pháp. Năm 1946, thực dân Pháp chiếm đóng Đình Lập. Trong bối cảnh đó, chiến khu Nà Thuộc gồm 3 xã là Bính Xã, Kiên Mộc, Bắc Xa đã được thành lập và liên kết chặt chẽ với nhau để đánh Pháp.

Ngày 14/4/1947, thực dân Pháp huy động một tiểu đoàn Âu - Phi cùng tay sai tấn công khu Nà Thuộc nhằm chiếm xã Bính Xã làm bàn đạp chiến lược của huyện. Song, những võ sĩ làng đã kết hợp với dân chiến khu Nà Thuộc chiến đấu kiên cường, đập tan mũi tấn công, tiêu diệt hàng chục tên địch, trong đó có một tên chỉ huy. Sau trận thắng đó, tinh thần người dân càng được đẩy lên cao, nhân dân hăng hái xung phong tham gia đánh giặc.

Bị thua, cay cú, Pháp huy động thêm hai tiểu đoàn Âu - Phi, có pháo và máy bay yểm trợ mở liên tiếp 15 cuộc tiến công tiếp tục đánh phá căn cứ Nà Thuộc. Các cụ già trong làng đã dùng đến chiêu thức "Hoa nở trên cây" để chống trả lại. Tại đình Pò Háng, nghĩa quân làm lễ xuất quân, phất cờ nổi dậy. Sau mỗi hồi chiêng trống nổi lên, nghĩa quân ào ạt tấn công đẩy lùi giặc Pháp. Trong trận Khau Háy, nghĩa quân đã tiêu diệt ba tên chỉ huy và nhiều tên lính của địch. Tin thắng trận đã khích lệ đến nhiều địa phương khác và vang đến chiến trường Việt Bắc. Bác Hồ đã ban tặng quân và dân Bính Xã bức trướng cao quý có ghi bốn chữ "Ủng Hộ Kháng Chiến".

Sau trận thua đau đó, Pháp tiếp tục tổ chức hai tiểu đoàn Âu - Phi và lực lượng phỉ, biệt kích và 27 máy bay bắn phá, yểm trợ chia làm 5 mũi tấn công vào căn cứ Nà Thuộc, mũi thứ 4 từ đồn Đình Lập đánh qua Nà Phạ, Nà Lừa, Bản Mọi, Còn Phiêng, Nà Lòng.

Cụ Giai cho hay, khi đó, nghĩa quân áp dụng rất rõ chiến thuật đánh du kích và chớp nhoáng: "Quân đội hành động thần tốc thì nhanh như gió cuốn, hành động chậm rãi thì lừng khừng như rừng rậm, khi tấn công thì như lửa cháy, khi phòng thủ thì như núi đá, khi ẩn mình thì như bóng tối, khi xung phong thì như sấm sét. Chiếm được làng xã phải phân binh đoạt lấy, mở rộng lãnh thổ, phải phân binh trấn giữ". Với chiến thuật biến hóa đó, sau khi đã giành được thắng lợi ở chiến khu Nà Thuộc, quân và dân ở xã Bính Xã đã kết hợp cùng với các đơn vị khác tiến công về miền Đông Bắc. Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương cùng lực lượng dân quân du kích phối hợp chặt chẽ với mặt trận đường quốc lộ 4 đánh đuổi giặc ở Tiên Yên, tỉnh Hải Ninh (nay là tỉnh Quảng Ninh).

Trong những năm 1951 - 1954, nhân dân Bính Xã cùng với chiến khu Nà Thuộc vừa kháng chiến vừa làm công tác hậu phương, kết hợp với lực lượng vũ trang huyện đánh chặn hàng chục trận lớn nhỏ, đập tan âm mưu tiến theo đường 4 đánh vào Đình Lập, bảo vệ Đại hội Đảng bộ Hải Ninh họp tại Bản Pục, xã Kiên Mộc (huyện Đình Lập, Lạng Sơn). Đồng thời, huy động hàng chục tấn lương thực và dân công lên đường phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, dân quân Bính Xã hưởng ứng khẩu hiệu "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người", lớp lớp võ sĩ làng của xã Bính Xã đã lên đường tòng quân cùng với quân dân miền Bắc tiến về giải phóng miền Nam. Hòa bình lập lại, những võ sĩ lại trở về với địa phương, hăng say phát triển kinh tế, rèn đức luyện tài và chuyện học võ, luyện võ một thời cũng lùi vào dĩ vãng. Chính vì vậy, những câu chuyện về vùng đất võ ở miền biên viễn cũng ít người biết đến.

Hoàng Thế Tào