Những câu chuyện chỉ có ở bản đỉnh trời

Những câu chuyện chỉ có ở bản đỉnh trời

Thứ 2, 04/03/2013 | 20:24
0
Người Hà Nhì ở Mường Nhé, Điện Biên vẫn thường gọi bản Tả Ló San, xã Sen Thượng là bản đỉnh trời. Cũng bởi chẳng có nơi đâu xa trung tâm xã bằng nơi này và những câu chuyện chỉ có ở trên giời vẫn tồn tại từ khi bản hình thành cho đến tận bây giờ.

Vòng vo ngược lên đỉnh trời

Cái duyên cớ khiến chúng tôi biết đến đỉnh trời của đồng bào Hà Nhì cũng thật tình cờ. Trong một lần mạo hiểm cung đường mới từ trung tâm huyện Mường Tè sang mốc ngã ba biên giới Việt - Trung - Lào, chúng tôi đã phải dừng chân ở Sen Thượng khi bóng tối bao trùm bản làng heo hút giữa núi rừng Tây Bắc.

Trước khi bắt đầu xuất phát ở thị trấn Mường Tè, Trung tá Khoàng Chùy Hừ (SN 1968), trưởng công an thị trấn đã cảnh báo về sự khó khăn của cung đường rút ngắn được gần 100 cây số này. Anh  khuyên chúng tôi nên quay ra Mường Lay, rồi quay lại Mường Chà và đi theo đường qua thị trấn Mường Nhé vào Mốc sẽ thuận lợi hơn.

Nhưng với sự hào hứng trải nghiệm mới lạ, chúng tôi vẫn quyết định cưỡi con ngựa sắt cà tàng, men theo một cạnh và bỏ qua ba cạnh của tứ giác (Mường Tè  - Mường Lay - Mường Chà - Mường Nhé) với quan niệm: Dân bản đi được thì mình cũng đi được. Chúng tôi chọn một cạnh của tứ giác ấy, tức là đi thẳng từ Mường Tè sang mốc ngã ba qua đường Pắc Ma, Mường Tè Xã, Mù Cả, Sen Thượng, vào Sín Thầu.

Xã hội - Những câu chuyện chỉ có ở bản đỉnh trời

Mây mù bao phủ bản Tả Ló San quanh năm.

Tuy nhiên, thay vì đi nửa ngày chặng đường khoảng hơn 100km như trong tưởng tượng, chúng tôi đã phải mất hai ngày mới có thể chinh phục được con đường tắt đầy gian nan đó. Đúng là lời khuyên của người bản địa chẳng bao giờ thừa! Đường leo đèo, băng rừng, thi thoảng lại thấy vài ba cái máy xúc san đường nằm im, không hoạt động. Đi qua xã nào, chúng tôi cũng thấy người dân phàn nàn: Con đường mở đã hơn chục năm nay trong dự án của tỉnh để rút ngắn khoảng cách giữa hai thị trấn Mường Tè - Mường Nhé.

Tuy nhiên, cũng từng ấy thời gian, chỉ thấy máy xúc san đường, bạt núi lầy lội. Mùa mưa thì sạt lở, mùa khô chỉ vài ba tháng, không đủ để cán sỏi rải xuống mặt đường. Có những đoạn suối đổ qua bản, để đi từ bản này qua bản kia chỉ có một cách duy nhất là bắc cầu qua suối. Nhưng qua mấy con suối mùa nước lên ngập ngang bụng, chúng tôi mới chứng kiến có một cây cầu bê tông đang làm dở, cũng chưa biết đến bao giờ mới khánh thành.

Còn lại, người bản cứ tự chặt cây trên rừng mà bắc qua suối. Mùa khô thì giữ được đôi ba tháng. Vào mùa mưa, có khi cầu bắc hôm trước, hôm sau nước ở thượng nguồn và trên núi dồn xuống sau cơn mưa là cầu đã bị cuốn phăng. Thành thử, bộ đội biên phòng ở nơi đây ngoài nhiệm vụ tuần tra biên giới thì công việc thường ngày là bắc cầu, là thông đường sạt lở cho dân đi qua.

Nhưng thay vì sự hối hận, chúng tôi lại thấy mình may mắn. Nhờ đường tắt, nhờ sạt lở mà chúng tôi đã gặp và cảm nhận tình cảm chân thành của bộ đội biên phòng và những người dân tộc ít người nơi miền biên viễn. Dừng chân ở trung tâm xã Sen Thượng khi trời đã nhá nhem tối, bà Mỳ Ba (SN 1963), bí thư Đảng uỷ xã thân mật dẫn chúng tôi vào ngôi nhà sàn lợp lá nhỏ đặc trưng của người Hà Nhì mà đại gia đình ba thế hệ của bà sinh sống để nghỉ qua đêm. Chuyện trò dông dài bên bếp lửa ấm cúng, bà Mỳ Ba kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện kỳ lạ chỉ có ở đỉnh Tả Ló San và hứa ngày mai khi sáng rõ mặt trời bà sẽ đưa chúng tôi mục sở thị đỉnh trời.

Bản thành lập từ những năm 97, 98 của thế kỷ trước. Sau  khi cắm mốc đường biên với Trung Quốc, từ mốc số 12 đến mốc số 16 đều nằm trọn ở bản đỉnh trời này. Vì thế mà bản là một vị trí chiến lược hết sức quan trọng. Người Hà Nhì lên đây không chỉ là mưu sinh mà còn là bám bản giữ đất, giữ biên cương của tổ quốc. Mà người Hà Nhì xưa nay vốn có truyền thống hiếu học và yêu nước.

Bởi thế, dù cuộc sống có khó khăn đến đâu, dù lợn gà chăn nuôi quanh năm không mấy khi có con nào sống sót được quá hai tháng, dù có đến phần tư trong số thời gian một năm cả bản phải sống trong cảnh thiếu ăn, đói kém, hay đến cả tiền giọt dầu nấu bếp cũng phải dựa vào viện trợ của Nhà nước thì người dân bản Tả Ló San vẫn bám đất, bám bản mà sinh sống gần hai mươi năm qua.

Xã hội - Những câu chuyện chỉ có ở bản đỉnh trời (Hình 2).

Người Hà Nhì ở bản Tả Ló San kiên quyết bám bản giữ vùng biên cương tổ quốc không muốn di dời.

Kiên quyết bám bản

Sáng sớm hôm sau, khi sương mờ còn phủ kín trên các sườn núi, bà Mỳ Ba đã giữ lời hứa làm hoa tiêu đưa chúng tôi đến với đỉnh trời. Xe máy cày nóng máy phải mất bốn, năm tiếng đồng hồ chúng tôi mới vượt qua được quãng đường hơn 30 cây số. Bản chỉ có 12 hộ dân sinh sống tập trung như một xóm tạm ven sông với những nếp nhà sàn lúp xúp lẫn vào với cây rừng.

Được biết, cả bản Tả Ló San chỉ có một đảng viên mới kết nạp năm 2012, là Lỳ Phu Cà (SN 1992), phụ trách mảng Lao động Thương binh Xã hội xã. Cuộc sống khó khăn, những hộ dân không có xe máy thì mỗi lần muốn đi ra trung tâm xã sắm chai nước mắm, gói mì chính phải cuốc bộ cả ngày trời. Còn không, họ phải đợi viện trợ từ cán bộ xã mang vào.

Cạnh nhà văn hóa bản, (thực chất chỉ là một mái lợp đã cũ kỹ trên những phên liếp cũng ngả màu - PV), chúng tôi bắt gặp ba đứa trẻ và một cô gái đang cùng hát múa trước một căn nhà lợp xiêu vẹo. Hỏi ra mới biết đó là lớp học duy nhất ở bản này của cô giáo tên Sen.

Cô Sen vốn là người gốc Hòa Bình. Từ ngày lên đây đến bây giờ, lớp học của cô đông nhất là có sáu học sinh, ba em lớp một, ba em lớp hai. Học sinh của cô khi đi học thường quên quyển tập, cái bút mà chỉ nhớ mang theo cái dao, cái rựa để khi nào học xong là lên rừng hái măng, lấy củi cho cha mẹ. Ở trình độ lớp một, lớp hai như các em, dưới xuôi, nhiều bạn đã biết lên sân khấu biểu diễn và học nhiều môn năng khiếu phát triển trí tuệ.

Thế nhưng với các em, con chữ tiếng Kinh vẫn chưa rõ. Cô giáo Sen buồn bã chia sẻ: "Có nhiều ngày, khi lên lớp không thấy các em học sinh của mình đâu, tôi lại phải đi tìm. Đến nhà thì không bao giờ thấy, nhưng cứ theo đường mòn vào sâu trong rừng, đi men lên các sườn núi cao quen thuộc thì thể nào cũng bắt gặp các em tìm măng hái củi. Người Hà Nhì vốn truyền thống hiếu học là thế mà ở cái bản đỉnh trời này hình như mọi quy luật đều bị phá vỡ".

Cô Sen kể: "Có những ngày nhớ gia đình, người thân, cô phải đi bộ lên đỉnh Tả Ló San để hứng sóng lạc cho chiếc điện thoại của mình. Hứng đến tối chẳng thấy, trưởng bản lại phải đốt đuốc lên đỉnh núi dẫn về. Tôi không thể quên được kỷ niệm đáng nhớ ấy. 

Ngày hôm sau, trưởng bản thương đã cử người biết đi xe máy trong bản chở tôi ra trung tâm xã để có sóng điện thoại liên lạc về với gia đình cho vơi nỗi nhớ và cũng là để tôi không bỏ bản mà đi. Người Hà Nhì vốn có truyền thống hiếu học. Dù khó khăn nhưng họ không bao giờ muốn con em mình bị mù chữ. Nên dù lớp có khi chỉ có một em học sinh tôi vẫn cố gắng phải duy trì vì cảm cái tình thân của người bản".

Cuộc sống có muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, nhưng hỏi người dân nơi đây thì nhất thảy họ đều không muốn dời đi nơi khác. Bà Mỳ Ba cho biết: "Những ngày đầu khi mới được tập hợp từ các xã Sín Thầu, Sen Thượng và xã Mù Cả (Mường Tè, Lai Châu), dân bản sợ lắm. Tất thảy họ đều xuống đồn biên phòng xin được về lại chốn cũ để sinh sống. Nhưng sau khi được bộ đội biên phòng phân tích nhiệm vụ giữ đất, giữ rừng cho tổ quốc, không còn thấy ai đòi về nữa. Họ vui vẻ sống, lạc quan và chấp nhận những điều kiện khó khăn của chính mình".                     

 Điều khó tin

Trong suốt mười mấy năm sinh sống, người bản bây giờ mới chỉ thêm được có hai hộ dân. Bà Mỳ Ba tiếc rẻ: "Muốn được vào ăn đám hỷ ở Tả Ló San mà khó lắm. Vì vậy, có một đám cưới được tổ chức là người bản được dịp mở hội và mời đông đủ người các bản trong xã. Đồ ăn tiệc mừng thì người bản chẳng có gì ngoài mấy con lợn còi, phần còn lại do các cán bộ xã và bộ đội biên phòng cắm bản chuẩn bị cho. Như thế vừa là để khích lệ, động viên, vừa được dịp tuyên truyền cho người dân thấy sự đoàn kết, gắn bó dân tộc và củng cố tinh thần khi họ ở lại giữ đất vùng trời giáp biên của tổ quốc".   

Hà Khê

Những câu chuyện cảm động trong giờ phút cuối cùng

Thứ 5, 03/01/2013 | 10:13
Một vắt cơm cũng chia nhau, khi đối diện với sự sống và cái chết, tình đồng đội đồng chí càng trở nên thiêng liêng hơn bao giờ hết. Cũng có những lúc họ chùn chân sợ hãi nhưng chỉ là phút mềm lòng thoáng qua. Họ đã sống và chiến đấu cho đến hơi thở cuối cùng.

Thủ lĩnh “cọp xanh” và những câu chuyện về Bác

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:04
Mọi người vẫn thường gọi ông thủ lĩnh "cọp xanh", người có 12 năm trực tiếp bảo vệ Bác Hồ trong thời gian kháng chiến. Những câu chuyện hào hùng cùng những kỷ niệm vô cùng cảm động về vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc được ông Lê Văn Bệ kể lại.

Những câu chuyện đắng lòng trong giới tính thứ ba

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:06
Bị bạn bè lôi ra chọc ghẹo, dè bỉu, khinh miệt; gia đình chửi bới, thậm chí đánh đập, bỏ rơi; bị xô đẩy đến thân phận của một "trai bao" và mắc phải căn bệnh thế kỷ AIDS.

Những câu chuyện chưa thể lý giải ở nơi khởi nguồn hát Xoan

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:44
Đến An Thái, chúng tôi được người dân nơi đây kể cho nghe rất nhiều câu chuyện huyền bí chưa có lời giải đáp xung quanh ngôi miếu cổ. Khi kể, hầu như ai cũng nói với giọng điệu tôn nghiêm, thành kính.