Những câu chuyện lạ ở quán cơm 2000đ

Những câu chuyện lạ ở quán cơm 2000đ

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:58
0
Cứ vào độ 10 giờ trưa là hàng trăm người dân sinh viên nghèo có mặt tại quán cơm 14/1 Ngô Quyền, phường 5, quận 10, TP. HCM để được xếp hàng mua phiếu cơm giá rẻ. Mỗi người một hoàn cảnh, nhưng khi về đây họ cảm nhận được chút ám áp của tình người tình đời khi lâm vào hoàn cảnh khó khăn.

Ý tưởng giúp người nghèo từ một bài báo

Anh Hoàng Mạnh Hải là người đầu tiên khởi xướng diễn đàn nguoitoicuumang.com với mục đích kêu goi cộng đồng mạng chung tay giúp đỡ người nghèo, người khó khăn mưu sinh tại TP.HCM. Ban đầu anh đọc bài báo kể về chuyện một cô gái trẻ phải thay cha mẹ nuôi ba người anh trai điên dại. Cha mẹ cô mất vì những vết thương chiến tranh để lại cho cô mấy sào ruộng, và ba anh trai điên dại, cô phải thực hiện nhiều vai trò khác nhau như vừa làm ruộng, khi rảnh đi làm phụ hồ kiếm thêm tiền trang trải thuốc men viện phí cho các anh, khi lại vào viện chăm sóc các anh mình khi trái gió trở trời.

Sự kiện - Những câu chuyện lạ ở quán cơm 2000đ

Toàn cảnh buổi ăn

Thông cảm với những người có hoàn cảnh thương tâm quanh mình, nhiều cư dân mạng đã tự nguyện đóng góp tiền của công sức để lập nên quán cơm 2000 đồng, với mục đích giúp đỡ những người vô gia cư, người khó khăn, sinh viên học sinh nghèo có một phần ăn trưa có giá 2000 đồng.

Anh Nguyễn Hồng Ánh, người trực tiếp quản lý bếp ăn và là một trong mười thành viên ban quản trị quán ăn cho biết: "Nói lấy 2000 đồng là nhằm động viên tinh thần người nghèo là chính, an ủi họ để họ không cảm thấy mắc nợ ai, họ sẽ vui vẻ hơn khi tới quán ăn chứ thực ra một phần cơm của quán chúng tôi bình quân chi phí một phần ít nhất cũng 12 ngàn đồng rồi. Hồi đầu chúng tôi cũng lo lắm, vì nguồn vốn sẽ rất lớn trong khi người đóng góp lại có hạn, không ổn định. Nhưng điều kỳ diệu nhất là mọi người biết chia sẻ, họ vạch ra kế hoạch rõ ràng, đóng tiền từng tháng như là một việc cần thiết của họ".

"Hiện ban quản trị có khoảng 10 thành viên chuyên môn phục vụ cho quán, còn những mạnh thường quân khác họ yêu cầu không cho biết tên vì mục đích của hpj là giúp người chú không thích phô trương bản thân. Mỗi ngày quán nấu khoảng 500 phần cơm, những hôm hết có khi lại phải nấu thêm, hoặc gấp quá chạy đi mua thêm", anh Ánh cho biết.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, quán cơm 2000 đồng được mở năm 2008 vớ giá 2000 đồng phục vụ đông đảo bà con nghèo không phân biệt giàu nghèo, già trẻ hay gái trai, bất cứ ai khó khăn là có thể đến xếp hàng mua phiếu ăn. Thức ăn được vệ sinh sạch sẽ, các khâu chế biến được bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm nên thực khách an tâm khi bước chân tới quán. Ngoài phần ăn chính như một món mặn cá, thịt, hoặc trứng còn có canh, rau. Bên cạnh đó còn có thêm phần trái cây tráng miệng là rau câu, thanh long, hoặc chuối thực khách được phục vụ chu đáo như thượng đế. Thường ngày mọi người xếp hàng để mua vé rất trật tự văn minh chứ không xảy ra chen lấn làm ảnh hưởng mọi người.

Sự kiện - Những câu chuyện lạ ở quán cơm 2000đ (Hình 2).

Một bà già mua vé cơm

Theo anh Nguyễn Hồng Ánh, người trực tiếp quản lý quán cơm cho biết: "Khi quán cơm mới mở nhiều người không tin, cứ nghĩ đó chỉ là tin đồn nhảm chứ thời buổi này làm gì có cơm 2000 đồng, ai hâm tới mức đó mà chịu lỗ khi kinh doanh, nên họ đã giả vờ người nghèo đến ăn thử. Họ đi xe hơi hẳn hoi nhưng gửi cách đó một đoạn, đi bộ tới, tất nhiên là họ ăn mặc giản dị theo kiểu dân nghèo đến vẫn xếp hàng mua vé rồi ngồi ăn như ai đàng hoàng. Đến ăn cơm xong, mấy hôm sau đăng ký trở thành mạnh thường quân đóng góp cho quán cơm. Điều bất ngờ là họ đóng hàng tháng như một việc làm tự nguyện và trở thành một trong những thành viên quan trọng cho ban tổ chức".

Tấp nập cả kẻ nghèo lẫn người giàu

Quán cơm là nơi hội tụ của nhiều thành phần khác nhau, cũng không ai xác minh là người này nghèo hay khó khăn như như thế nào, mà , cũng không ai bắt buộc phải thế này thế kia mới được mua vé, ngược lại rất thoải mái tự do tự nguyện. Em Nguyễn Văn Tân, sinh viên năm thứ hai trường Đại học Sài Gòn là khách thường xuyên của quán, cho biết: "Nhà em thuộc diện nghèo, bố mẹ lại làm nông, gia đình có ba anh em đang đi học, em cũng phải vất vả lắm mới học được, ngày em đi học, tối thì đi làm thêm ở quán ăn để có tiền đóng học phí. Từ ngày nghe tin quán cơm 2000 đồng mở em tranh thủ đến đây ăn để dành tiền mua thêm tài liệu phục vụ chuyện học tập”.

Sự kiện - Những câu chuyện lạ ở quán cơm 2000đ (Hình 3).

Phía bên ngoài quán

Nguyễn Văn Út, 40 tuổi, quê Hậu Giang nhưng lên Sài Gòn làm nghề phụ hồ kiếm sống, vừa ăn vừa kể: "Nhà tôi dưới quê không có nghề nghiệp gì, lại nuôi ba đứa con đang tuổi ăn học, tôi phải tìm lên thành phố làm nghề phụ hồ kiếm sống, ngày cũng được 100 ngàn đồng, lại phải chi phí tiền thuê nhà trọ tiền điện tiền nước sống sao nổi ở thành phố, phải tằn tiện để còn có chút ít gửi về cho con đi học. Do đó tôi cứ tranh thủ đạp xe bên Tân Bình qua đây ăn cơm 2000 đồng để đỡ phần nào chi phí. Tôi cũng không ngờ thời buổi này lại có những quán cơm rẻ tiền giúp những người nghèo khổ như chúng tôi".

Hay như em Huỳnh Thanh Tý, 11 tuổi, mẹ làm nghề gom ve chai, cha phụ hồ, cứ đến trưa thứ 3, 5, 7 là cả nhà lại tìm về quán cơm 2000 đồng để bớt đi chi phí đắt đỏ của cuộc sống thành thị xa hoa, chị Tuyết, mẹ Tý cho biết thêm: "Đây là quán cơm lý tưởng cho những người nghèo như chúng tôi, giúp chúng tôi vượt qua những tháng gian khó khi mới chân ướt chân ráo lên thành phố kiếm sống, nhà tận Hậu Giang nhưng vì vỡ nợ phải bán hết gia sản lên đây mưu sanh qua ngày.

Không những người đến ăn mới có hoàn cảnh, mà ngay cả những người đến giúp phục vụ cũng gặp vấn đề khó khăn về tinh thần, như em Huỳnh Văn Mẫn cha mẹ chia tay, em phải ở với bà ngoại, sống thiếu thốn tình cảm, học hết lớp sáu bỏ nhà đi lang thang, nhưng khi tới đây, em phục vụ ở khu vực bếp, làm rất vui vẻ, em nhận ra được cuộc sống này có nhiều người còn khổ hơn mình nhiều nhưng vẫn cố sống tốt.

Đến với quán cơm, Mẫn nhận ra nhiều bài học cho cuộc sống, vài tuần nữa là em sẽ theo ba sang định cư ở Mỹ tiếp tục con đường học hành của mình, quán lại mất đi một tay phụ bếp giỏi nữa. Hầu hết các bạn sinh viên nghèo tìm về tình nguyện tại quán rất đông, có em hoàn cảnh quá nên ban quản trị sắp xếp giờ làm trả lương phụ cấp thêm để các em đi học, Nguyễn Văn Hùng là sinh viên năm ba Đại học Mở TP.HCM từng làm thời gian dài tại quán, trách việc đi chợ rất giỏi, đồng thời em cũng có một khoản thu nhập phụ giúp cho việc học hành.

Điều đáng ngạc nhiên hơn khi quán cơm thành lập với mục đích cưu mang người nghèo nhưng lại không ít kẻ đủ đầy lại cố giành đất, cụ Tôn Ngọc Bích, năm nay 88 tuổi, có con cái đầy đủ, cuộc sống sung túc ở Bình Tân nhưng con trai cụ lại nỡ nói với mẹ: "Mẹ nằm làm gì suốt ngày, dậy mà đi ăn cơm 2000 đồng kìa, không hết đó, đi không tôi chở đi”, bà Bích thuật lại lời con trai.

Bà còn hào hứng kể: "Con tôi cũng ông này ông kia chứ bộ, ở nhà ăn uống có người hầu hạ nhưng tôi không thích, tôi ở riêng rồi, đi ăn ở đây tôi thấy ngon hơn, nhiều hôm tôi sợ trễ nên quyết định đón taxi đi cho lẹ, hồi đầu tôi đi ngoài đường nghe chị bán trái cây chỉ có quán cơm 2000 đồng, tôi nghĩ, ủa chứ thời buổi này sao có cơm giá đó chứ, chắc cơm không quá, nhưng tôi thử vào ăn, thấy ngon nên cứ đến ăn đây thường xuyên”. Không chỉ riêng bà Bích, theo phản ánh của một số người dân sống xung quanh thì họ cũng bắt gặp khá nhiều người đi xe tay ga, gửi ở đằng xa rồi đến quán để tận dụng bữa cơm 2000 đồng.

Trao đổi với PV báo ĐS&PL, anh Nguyễn Hồng ánh cho biết: "Chúng tôi không đề cập tiêu chuẩn này nọ để được vào ăn, hầu hết khách đến chỉ là những người nghèo, họ đến ăn những lúc khó khăn, còn khi họ vượt qua giai đoạn gian khổ họ nhường lại cho người khác, và thường thì khi họ quay lại họ thường góp một túi gạo hay mấy chục ngàn, có người nhiều hơn. Mục đích của quán chúng tôi là muốn làm lan tỏa những tấm lòng nhân ái giữa người với người để người nghèo còn tin tưởng rằng trên đời này vẫn còn nhiều người tốt vẫn có nhiều niềm vui”.

Lành Nguyễn