Những cây cầu tử thần

Những cây cầu tử thần

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:05
0
Do không được duy tu, sửa chữa thường xuyên cùng với sự bùng nổ các phương tiện siêu trường, siêu trọng và tình trạng quá tải trong vận chuyển hàng hóa, hàng loạt cây cầu đã xuống cấp và tiềm ẩn những tai họa khôn lường...

Thực trạng đáng lo ngại

Theo thống kê của ngành chức năng, tại Bình Thuận, trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ (chưa tính các đường liên huyện, liên xã, liên thôn) hiện có trên 11 cầu xuống cấp nghiêm trọng. Điển hình như cầu Láng Gòn, cầu Suối Đó (quốc lộ 55), cầu Trần Hưng Đạo (Phan Thiết), cầu Đá Dựng (ĐT-719), cầu Suối Dầu (ĐT-718) nguy cơ sập cầu có thể xảy ra bất cứ lúc nào, ảnh hưởng không nhỏ việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân.

Ảnh minh họa

Mặc dù đã được ngành giao thông sửa chữa, gia cố nhưng do bị xuống cấp nghiêm trọng nên việc sửa chữa chỉ là tạm thời, nếu kéo dài tình trạng này sẽ hết sức nguy hiểm cho người và phương tiện khi qua cầu. Cầu Láng Gòn trên tuyến giao thông chính nối quốc lộ IA với thị xã La Gi là một trong những cầu già nua đã bị xuống cấp nặng. Cầu đưa vào khai thác năm 1971, tải trọng thiết kế 25 tấn, nhưng đến nay tải trọng chỉ cho phép 13 tấn.

Để đảm bảo giao thông thông suốt, đơn vị quản lý đã đặt biển hạn chế tải trọng, nhưng giải pháp này xem ra không hiệu quả, bởi ý thức tham gia giao thông của không ít lái xe còn hạn chế, lực lượng tuần tra, không thể kiểm soát 24/24 giờ được.

Tại cầu Đá Dựng, trên tỉnh lộ ĐT-719 (nối xã Tân Bình với phường Tân An, thị xã La Gi), không ít phương tiện chờ nhau qua cầu, mỗi khi xe qua, mặt cầu lại rung, lắc, độ rung ngày càng lớn hơn. Hiện tại các loại phương tiện đi lại qua cầu rất khó khăn. Trước yêu cầu bảo đảm giao thông, tỉnh cũng đã chủ trương xây dựng cầu bằng bê tông cốt thép thay thế cho cầu sắt. Dự án đã được phê duyệt, nhưng đến nay do thiếu vốn nên dự án chưa được triển khai.

Còn tại Hải Phòng, từ khi cầu Bính gặp sự cố (bị tàu biển đứt neo đâm vào đêm 17/7/2010), toàn bộ các phương tiện vận hành 2 chiều Quảng Ninh - Hải Phòng và một số địa phương khác, đều phải cậy nhờ đến cầu Kiền. Và thế là cầu Kiền - cây cầu ở cửa ngõ phía Tây Bắc của Hải Phòng - bất đắc dĩ phải cõng thêm trọng trách nặng nề mà những người thiết kế ra nó chưa lường đến. Hiện trạng cầu Kiền là vậy.

Còn tại nhiều cầu khác như Quý Cao, Tiên Cựu, Hạ Lý, Thượng Lý, cầu Niệm cũng chịu chung số phận và bằng mắt thường cũng phát hiện nhiều cây cầu đang có biểu hiện bất thường.

Cần những giải pháp kịp thời

Được biết, năm 2007, Sở Giao thông -Vận tải Bình Thuận đã có kế hoạch xóa toàn bộ cầu yếu trên địa bàn. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có cầu yếu nào được thay thế. Theo Sở Giao thông -Vận tải tỉnh Bình Thuận, nguyên nhân chính là do thiếu vốn. Sở cũng đang tính đến phương án ưu tiên vốn cho xây dựng cầu yếu. Trước mắt ưu tiên vốn xây dựng ngay các cầu yếu trên những tuyến giao thông độc đạo, mật độ giao thông cao. Hiện tỉnh cũng đang vận động người dân và các nhà hảo tâm chung tay đóng góp để sửa chữa, xây dựng thay thế những cây cầu già nua nhất.

Còn theo Thanh tra Sở GTVT Hải Phòng, do sức ép cạnh tranh, tình trạng xe chở hàng quá tải diễn ra phổ biến, gia tăng cả về số lượng lẫn mức độ. Đây là thực trạng báo động cho nhiều cây cầu trên địa bàn thành phố. Đã tới lúc, mỗi cây cầu, tuyến đường cần nhanh chóng được ấn định về tải trọng cho phép để bảo đảm sức bền, tuổi thọ. Cùng với đó, các lực lượng chức năng phải khẩn trương rút kinh nghiệm, bố trí, tổ chức lực lượng kiểm tra tại các trọng điểm.

Trong khi đó, gần 100 doanh nghiệp vận tải tại Hải Phòng, rất ít doanh nghiệp đủ khả năng vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng, nhưng vẫn nhận chở loại hàng này. Đáng nói, việc xử lý các lỗi này thường rất nhẹ, không đủ yếu tố răn đe, phòng ngừa. Lý do được viện dẫn là nếu cứ xử lý nghiêm sẽ ảnh hưởng xấu đến việc giải tỏa hàng qua các cảng của Hải Phòng.

Trước thực trạng trên, Bộ GTVT cần sớm ban hành quy định cụ thể về tải trọng, khổ hàng; giới hạn xếp đặt hàng... đối với từng loại xe được phép tham gia giao thông vận chuyển trên các tuyến đường. Các đơn vị chủ quản cần thực hiện nghiêm các chế tài xử lý theo luật đối với các xe chở hàng siêu trường, siêu trọng trái quy định như: kiểm tra, xử lý xe quá tải ngay từ nơi xuất phát ở bến, kho bãi, sẽ tăng đáng kể hiệu quả giám sát trong việc này.

Các khách hàng, chủ phương tiện và người lái xe cần phải ý thức tự giác tuân thủ các quy định về tải trọng, khổ giới hạn về hàng hóa, đường bộ trên địa bàn do chính quyền địa phương công bố hoặc thông qua hệ thống biển báo hiệu giao thông nhằm từng bước giải quyết có hiệu quả sự bất cập, mâu thuẫn giữa quy định của luật với thực tế, góp phần vừa bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông vừa không ảnh hưởng tới hoạt động vận tải chung cũng như nhu cầu vận tải hàng hóa.

Nguyễn Thanh