Những chiêu trò hốt bạc của giới buôn gỗ sưa

Những chiêu trò hốt bạc của giới buôn gỗ sưa

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:51
0
Từ nhiều năm nay vùng Đồng Kỵ đã nổi tiếng khắp cả nước về những sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Trong “cơn lốc” gỗ sưa tràn qua nơi đây, nhiều dân buôn bỗng chốc trở thành “đại gia”, nhưng cũng có người khuynh gia bại sản.

Kẻ “lên voi” người “xuống chó”

Nhiều ngày qua vụ việc 3 cây sưa cổ thụ có giá đến nghìn tỷ đồng bị lâm tặc đốn hạ tại vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình) gây xôn xao và bức xúc trong dư luận. Nhiều thương lái Trung Quốc tung tin mua sưa về làm những vật dụng huyền bí với giá cao, khiến nhiều người Việt hám lợi trở thành “sưa tặc”.

Xã hội - Những chiêu trò hốt bạc của giới buôn gỗ sưa

Rất ít người Việt dám bỏ ra tiền tỷ để sở hữu bộ ghế gỗ sưa như thế này.

Để tìm hiểu thực hư về giá cả, công việc buôn bán đang diễn ra cũng như công dụng của loại gỗ “quý và hiếm” này, chúng tôi tìm về ba địa phương là Đồng Kỵ, Phù Khê, Hương Mạc nằm giáp nhau thuộc huyện Từ Sơn (Bắc Ninh). Đây là một trong những làng nghề nổi tiếng vào bậc nhất cả nước về các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Đặc biệt, cả ba địa phương này cùng sản xuất và cung ứng sản phẩm chủ yếu cho thị trường Trung Quốc thông qua cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn.

Chúng tôi gặp ông H (ở Hương Mạc, Từ Sơn, Bắc Ninh), một người buôn gỗ sưa lâu năm, đã trải qua không biết bao lần thăng trầm cùng loại gỗ quý này, nhưng nay đã “gác kiếm”.

Ông H cho biết: “Mấy năm trước, gỗ sưa đắt và “sốt” lắm. Nhà nhà, người người đi tìm thu mua sưa để bán trực tiếp cho thương lái Trung Quốc. Giá cả tùy thuộc vào kích thước, độ tuổi của sưa, dao động từ vài triệu cho đến vài chục triệu đồng/kg. Nhiều người ăn rồi chỉ đi “lùng sục” khắp vùng, thậm chí còn vào tận miền Trung, miền Nam để tìm mua, chỉ cần “ngửi thấy mùi sưa” là họ lên đường ngay. Việc buôn bán này giúp nhiều người “phất lên” trông thấy nhưng cũng khiến nhiều kẻ lao đao”.

Trước vẻ mặt khó hiểu của chúng tôi, ông H giải thích: “Đơn giản thôi, những người đổi đời nhờ dày vốn và có gan “ôm” hàng. Lúc giá còn thấp họ ém đến hàng tấn sưa, đến khi được giá thì “tháo” ra. Tính đơn giản lãi mỗi kg 1 triệu đồng thì họ cũng có tiền tỉ trong tay, có những thời điểm lãi đến vài triệu/kg, thu lời vài tỷ là chuyện bình thường”. Ông H còn bật bí: “Săn hàng sưa phải đi xa mới “kiếm”, bởi những người sở hữu các món hàng “độc” này khó thể biết gỗ sưa có màu sắc thế nào, mùi hương ra sao, trả giá cao một chút là họ bán ngay”.

Theo ông H, đám buôn gỗ sưa, có người “lên voi” chỉ trong một vài tháng, nhưng cũng có người phải “xuống chó” chỉ vài ngày. “Có trường hợp anh bạn tôi, lúc đầu công việc thuận lợi, mua một bán hai. Thấy giá ngày một tăng cao, trông thấy lãi trước mắt mà không “đầu tư” thì tiếc nên anh lại lao vào. Nếu “tháo” hàng lúc được giá thì thắng lớn, nhưng anh này “cố thủ” chờ giá lên “đỉnh” mới bán thì đã muộn. Giá gỗ sưa bất ngờ tụt hẳn, giảm nhiều so với giá gốc nên phải chờ thị trường xem có khá hơn hay không. Đối với những người vay vốn ít thì vẫn còn “chống” được, còn với người vay nhiều thì không khác gì “ngồi trên đống lửa”, lãi ngày một lớn mà hàng không bán được chỉ có mà “khóc”. Hơn nữa, để một “đống hàng” trong nhà, nếu cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện, không những mất trắng mà còn bị “bóc lịch” như chơi. Tuy nhiên, giới chủ lớn buôn gỗ sưa cũng “tinh vi” lắm, nếu có “hàng nguội” họ không để một chỗ mà gửi họ hàng mỗi người một ít, có kiểm tra cũng khó lòng mà bắt được”, ông H cho biết.

Ông hỏi: “Các cậu có biết cái gạt tàn này là gỗ gì không? Gỗ sưa đấy. Nếu không phải người trong nghề thì khó nhận ra, dân sành nhiều khi còn nhầm. Để tôi giới thiệu các cậu gặp anh M (cháu ruột của ông H - PV), sẽ có nhiều chuyện “hay” lắm.

Chiêu trò buôn bán sưa

Để hiểu thêm câu chuyện “hay” mà ông H gợi ý, chúng tôi gặp anh M tại một lán xưởng khá rộng rãi. Anh M cho biết: “Hiện mình không còn buôn gỗ sưa, nhưng vẫn “tồn” một ít chưa được giá nên chưa bán. Về giá cả thì phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái Trung Quốc, họ trả bao nhiêu biết bấy nhiêu”.

Xã hội - Những chiêu trò hốt bạc của giới buôn gỗ sưa (Hình 2).

Hỏi kỷ niệm vui buồn trong “nghiệp” buôn sưa, anh M bảo: “Hồi đầu thấy mọi người buôn trúng quả, mình đứng ngồi không yên, sau cũng lao vào như “con thiêu thân”. Gỗ sưa nguyên khối khó kiếm lắm, chủ yếu là từ khung cửa, giường, hoành nhà, tủ mà phải đi xa mới có, thậm chí lên cả vùng cao. Có lần nghe đứa em làm công trình ở Sơn La khẳng định như đinh đóng cột, có cây sưa tươi, giá chỉ khoảng 10 triệu đồng. Tưởng trúng quả lớn, mình tức tốc thuê xe lên ngay, đến nơi té ra không phải, cả một ngày trời uổng công vô ích.

Năm trước cũng “dính” một “quả” cùng với 3 người bạn thuộc dân “sành” sưa. Sau khi nghe thông tin ở Vĩnh Phúc có cây sưa, mình cùng với 3 người bạn gom tiền thuê xe lên xem. Đến nơi xem xét kỹ lưỡng và mặc cả trả cho gia chủ 300 triệu đồng. Đến lúc chuẩn bị hạ cây mang về thì xuất hiện một nhóm người đến đuổi đi, bảo “ai cho các anh đến đây cưa trộm cây và dọa sẽ gọi công an. Người bán cây cho các anh không phải chủ vườn này”.

Biết là bị lừa nhưng chúng tôi chẳng dám báo công an vì là hàng cấm nên đành ngậm ngùi ra về. Nhiều người cùng buôn sưa nên phải càng nhanh càng tốt khi có mối hàng, lợi dụng điều này lắm kẻ nghĩ ra nhiều “chiêu” để lừa. Chúng luộc mùn cưa gỗ sưa lấy nước rồi ngâm với một loại gỗ có vân giống gỗ sưa. Người mua vội vàng chỉ xem qua vân và ngửi mùi giống gỗ sưa là “nhấc”".

Giúp chúng tôi hiểu hơn về tình hình buôn gỗ sưa thực tế ở vùng này anh gọi điện trước cho một người bạn tên V ở xã Phù Khê, xã nằm giữa Đồng Kỵ và Hương Mạc. Anh này là một người khá cẩn thận và sẽ không gặp người lạ nếu hỏi về vấn đề buôn bán gỗ sưa.

Để thuận tiện anh M bảo tôi gặp anh V trong vai một người tìm mua bàn ghế gỗ sưa cho sếp. Tôi hỏi anh có gỗ để làm theo đơn đặt hàng không? Là dân lâu năm trong nghề nên anh V cơ bản nắm được hết lượng hàng vùng này. Anh bảo: “Gỗ bây giờ hiếm, bên Đồng Kỵ cũng vậy, có bao nhiêu hàng chuyển hết sang Trung Quốc. Có chăng chỉ có một số ít “đại gia” sẵn vốn nên om hàng chờ giá lên, nhưng họ cẩn thận lắm vì sơ hở là bị bắt ngay. Bây giờ hầu như chỉ có hàng làm sẵn thôi. Anh dẫn tôi sang nhà hàng xóm, khi có người lạ đến, chị chủ nhà kéo anh V ra hỏi nhỏá rồi mới đưa chúng tôi lên tầng 3 xem hàng. Anh V ghé tai tôi, hàng này không thể bán công khai, phải có người quen chủ nhà mới cho xem. Chị chủ nhà chỉ vào bộ Phù Dung có giá 1,8 tỷ đồng, bộ Minh Đế có 2 ghế nhỏ và một đôn giá 320 triệu đồng, nếu thêm ghế phải gần tỷ đồng.

Chị bảo: “Ăn thua gì, đợt này giá giảm, vừa rồi có người bên Hương Mạc bán cặp tủ cá giá 21 tỷ đồng. Người Việt ít người “dám” mua về dùng, chủ yếu bán cho người Trung Quốc. Bởi họ quan niệm trong nhà có đồ làm bằng gỗ sưa thể hiện sự quý tộc, đẳng cấp. Đặc biệt là các đôi vợ chồng mới cưới được tặng một đồ vật bằng gỗ sưa sẽ may mắn, phát đạt và hạnh phúc suốt đời”.

Tôi thắc mắc, mình bán còn phải giấu giếm thì thương lái Trung Quốc vậy chuyển thế nào? Anh M cho biết: “Họ vận chuyển cả một xe to chở các loại hàng làm bằng gỗ được cho phép lẫn trong các kiện hàng đóng gói cẩn thận sẽ ém một vài bộ gỗ sưa bên trong, có giời phát hiện. Hơn nữa nhà xe đã làm “luật” rồi.

Chúng tôi ra về mà vẫn không thể hiểu nổi sao loại gỗ này có giá cao “ngất trời” như vậy. Liệu công dụng của loại gỗ này có đúng như những lời đồn thổi hay chỉ là sự huyễn hoặc, là chiêu tung tin của thương lái Trung Quốc rồi bí mật tuồn về Việt Nam bán lại với giá cao ngất?.

Nhóm PV