Những chuyện kỳ bí về “rừng ma” của người Vân Kiều

Những chuyện kỳ bí về “rừng ma” của người Vân Kiều

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:57
0
Với người Vân Kiều miền Tây Quảng Trị, “rừng ma” là lãnh địa của thế giới thần linh và người chết đã siêu thoát. “Rừng ma” sẽ bảo vệ cho cuộc sống bình yên của dân làng nếu không bị người sống vào quấy phá như chặt cây, đào bới hay đụng chạm đến.

Nơi bất khả xâm phạm

Người Vân Kiều quan niệm, chết không phải là hết mà đó là thuận theo quy luật của tự nhiên. Con người cũng như cái cây, con thú trên rừng vậy, có sinh ra lớn lên rồi sẽ chết đi. Sống được rừng che chở, được rừng cho cái ăn, cái mặc, ngôi nhà để ở, con nước để uống nên khi chết phải trở lại với rừng, tiếp tục sống gắn bó với rừng ở một thế giới khác. Khi chết, người Vân Kiều thường chôn người thân dưới những gốc cây to như tượng trưng cho những lời khẩn cầu, mong thần rừng che chở cho linh hồn của người đã khuất và họ luôn coi chốn ấy là cõi thiêng bất khả xâm phạm.

Xã hội - Những chuyện kỳ bí về “rừng ma” của người Vân Kiều

Một góc “rừng ma”

“Rừng ma” đối với người chết cũng giống như căn nhà sàn của người sống. Họ cũng mong được bình yên trong căn nhà của mình. Vì vậy, theo tục truyền, không nên khuấy động, phá rối cõi thiêng mà phải biết trân trọng, gìn giữ. Nếu ai vi phạm, nặng thì bị thần ma bắt tội chết mà nhẹ thì bị quở trách làm cho đến què quặt tay chân hoặc trở nên điên dại.

Tập tục chôn cất người đã khuất của người Vân Kiều hết sức đơn giản. Khi có người qua đời, họ chỉ lên rừng chặt một cây to rồi khoét lỗ ở giữa để người chết vào, tiếp đến là ra “rừng ma” chọn một mô đất cao đào huyệt rất cạn, bỏ xác người xuống lấp lại sơ sài và vĩnh viễn không bao giờ quay trở lại nơi này nữa.

Trong những trường hợp bất đắc dĩ, nếu muốn vào “rừng ma” thì phải sắm lễ cho giàng (già làng) cúng tế, xin phép con ma rừng trước. Nhà giàu có thì lễ thường là con trâu, con bò còn nhà nghèo khó thì phải có con heo trong chuồng hay con gà trống choai màu vàng óng đem lên dâng tế. Người nào tự ý vào “rừng ma” mà không xin phép trước sẽ bị con ma theo về gây họa cho mọi người trong gia đình và cả dân bản, lúc ấy sẽ bị làng dùng luật lệ phạt nặng.

Chính vì không được cải táng, không có người vào tu bổ, xây đắp lại nên theo thời gian, nhiều ngôi mộ trong “rừng ma” đã bị những trận mưa rừng làm xói lở hoặc bị thú đào bới tanh bành. Khi được hỏi về điều này một người dân bản địa giải thích: "Vẫn biết ngôi mộ của người thân bị hư hỏng và có thể là trồi cả hài cốt lên trên mặt đất nhưng dân bản không ai dám vào đắp lại. Luật tục từ ngàn xưa đã quy định rồi, để người sống được yên, không nên vào “rừng ma” dọn dẹp hay xây đắp gì ở các phần mộ đã chôn cả”.

Chuyện kể bên bếp lửa

Đêm xuống, rừng núi vùng biên chìm vào hiu hắt, vắng lặng đến lạ lùng, thi thoảng vọng ra từ sâu thẳm là những tiếng hú, tiếng côn trùng hoang dại. Sau một ngày vào rừng vất vả, chúng tôi tìm đến nghỉ tạm qua đêm tại nhà già làng Pả Chang- người đã sống hơn 60 năm ở bản Pa Ngay, xã Tà Long, huyện Đakrông (Quảng Trị). Dùng xong bữa cơm tối đạm bạc độn đầy sắn và ngô, bên bếp lửa bập bùng, già làng Pả Chang kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện về “rừng ma”, về phong tục tập quán của người Vân Kiều miền núi.

Xã hội - Những chuyện kỳ bí về “rừng ma” của người Vân Kiều (Hình 2).

Già làng Pả Chang rất tự hào mỗi khi kể chuyện về “rừng ma”

Thuở ấy, từ rất lâu rồi, bản Pa Ngay chỉ có trên dưới 10 nóc nhà sống nép mình bên dòng sông Sê Pôn hùng vĩ. Cách đó không xa, đi bộ chừng 2 tiếng đồng hồ, vượt qua 4 quả đồi cây cối rậm rạp là đến được “rừng ma” - nơi chôn cất người chết của dân bản. “Rừng ma” ngày đó còn nhỏ và thưa thớt lắm, chỉ có lác đác mấy ngôi mộ mới chôn. Nhưng về sau, thấy vùng đất Pa Ngay này có thế bằng phẳng lại tốt tươi nên người các nơi khác đổ về làm ăn sinh sống và định cư ở đây ngày càng đông. Dần dần, theo thời gian “rừng ma” cũng vươn rộng ra và ngày nay đã trở thành một khu rừng thiêng rộng lớn, chạy dọc biên giới Việt-Lào.

Theo lời Pả Chang, có một thanh niên ở ngôi làng nằm dưới chân dãy núi Trường Sơn vì không tin vào thần thiêng nên vào một buổi trưa, anh ta đã lên khu “rừng ma” chặt đót mà không xin phép trước. Khi gùi bó đót về đến nhà thì đột nhiên bị hộc máu miệng, rụng hết tóc và ba ngày sau thì chàng thanh niên lăn đùng ra chết. Sau cái chết ấy, dân bản buộc phải đốt làng, rời đi nơi khác mới tránh được cái họa do ma rừng ám(?).

Nhiều câu chuyện hoang đường mà già làng Pả Chang kể lại trong đêm dễ đưa người ta lạc vào thế giới huyền bí. ở vùng cao miền Tây biên giới Quảng Trị, người ta sống với nhau bằng các câu chuyện huyền thoại kỳ bí được kể bên bếp lửa.

Người Vân Kiều và lời thề giữ rừng

Chạy dọc biên giới Việt-Lào, những cánh rừng ma của đồng bào Vân Kiều miền Tây Quảng Trị với nhiều loại gỗ quý hiếm như dổi xanh, lát, sến, táu, mật vẫn còn nguyên sinh. Điều này có được chính là nhờ vào các luật lệ bảo vệ “rừng ma” của đồng bào địa phương. Ông Hồ A Kiếp, 60 tuổi, là người sinh ra và lớn lên ở thôn Pa Ngay tâm sự: "Khu “rừng ma” của thôn có từ hàng trăm năm nay. Lớn lên, tôi đã được nghe kể nhiều câu chuyện huyền bí rất thiêng về nó từ các thế hệ đi trước. Vì thế mỗi gia đình, thành viên trong cộng đồng đều phải có trách nhiệm giáo dục, truyền lại cho lớp hậu sinh những điều răn dạy của tiền nhân để bảo vệ cây cối ở khu “rừng ma” này".

Với người Vân Kiều miền Tây Quảng Trị, “rừng ma” là lãnh địa của thế giới thần linh và người chết đã siêu thoát. “Rừng ma” sẽ bảo vệ cho cuộc sống bình yên của dân làng nếu không bị người sống vào quấy phá như chặt cây, đào bới hay đụng chạm đến. Chính vì vậy, ở bản, những đứa trẻ khi biết nhận thức đã được bố mẹ, ông bà truyền dạy, giáo dục kỹ những luật tục của dân tộc về trách nhiệm, bổn phận phải bảo vệ “rừng ma” đã có. Đối với họ bảo vệ “rừng ma” không chỉ là bảo vệ thế giới tâm linh của dân làng mà còn là gìn giữ những gì thuộc về nét đẹp trong phong tục tập quán của mình.

Hàng năm, cứ sau Tết Nguyên đán, người dân trong thôn Pa Ngay lại góp tiền, sắm lễ cúng các con ma trong khu rừng. Lễ cúng thường được tổ chức vào tháng 2 (dương lịch). Lễ vật thường là con lợn, con gà trống sống, xôi nếp và một số sản vật của địa phương. Già làng, người có uy tín, vai vế nhất trong thôn bản là vị đứng ra làm chủ lễ. Sau khi cúng xong, lễ vật được chia đều đến các gia đình, tượng trưng cho lộc may mà con ma rừng đem bố thí.

“Rừng ma” của thôn Pa Ngay có diện tích khá rộng, chừng 20 héc ta, bao bọc ba phía quanh thôn và trải dài sang một số thôn khác của xã Tà Long, huyện Đakrông. Đây chính là khu bảo tồn thiên nhiên rộng lớn vô cùng quý giá của miền tây Quảng Trị.

Nhìn bản hương ước của thôn Pa Ngay trên tay già làng Pả Chang mà tôi cảm thấy vui và tin tưởng khi trên đó hiện rõ dòng chữ: "Người dân trong thôn không được chặt phá cây, không được săn bắn chim, thú ở khu vực “rừng ma”. Gỗ làm nhà của các gia đình phải được thông qua cuộc họp đại diện thôn. Nếu dân bản ai vi phạm sẽ bị làng dùng luật phạt nặng.

Việc bảo vệ tài nguyên rừng không chỉ là mục tiêu mà còn là chiến lược phát triển lâu dài của nước ta. Tuy vậy để công tác này thực sự phát huy hiệu quả và sớm đi vào đời sống thì nhất thiết phải có một khung pháp lý rõ ràng, cụ thể nhằm xử lý những đối tượng có hành vi vi phạm. Ngoài ra cần đẩy mạnh việc nâng cao ý thức tự giác bảo vệ rừng của người dân và gìn giữ những luật làng tiến bộ là việc làm vô cùng cần thiết.

Hiểu Anh