Nghề câu khơi trên Biển Đông: Thu phục cá 'khổng lồ' (Kỳ cuối)

Nghề câu khơi trên Biển Đông: Thu phục cá 'khổng lồ' (Kỳ cuối)

Thứ 6, 26/04/2013 | 16:24
0
Nhắc đến câu khơi, có lẽ nhiều người sẽ liên tưởng tới hình ảnh một người với chiếc cần câu, ngồi bó gối chờ cá đớp mồi. Nhưng biển luôn đi kèm những mối nguy hiểm đến tính mạng con người, và để có được những con cá khổng lồ từ lòng biển càng không phải là chuyện đơn giản.

Những ngư phủ câu khơi lâu năm đều “thủ” cho mình một vài tuyệt chiêu chinh phục "kình ngư" của biển Đông, ngay từ lúc lên thuyền ra khơi...

Những thuyền trưởng tài ba

Cầm trên tay chiếc lưỡi câu quen thuộc mỗi khi ra khơi, ông Phan Ngọc Long (49 tuổi) gắn bó với biển 20 năm cho biết: "Ban đầu ngư dân toàn câu tay nên lưỡi câu không sắc nhọn như bây giờ. Nhiều con cá vừa đớp xong, ngư dân chuẩn bị đưa lên thuyền thì bị tuột, mọi người chỉ biết lắc đầu thở dài nhìn theo cá bơi ra biển lớn.

Đối với nghề câu khơi cả ngày lẫn đêm đều phải làm, cứ 15h chiều, ngư dân bắt đầu ném giàn câu từ 1.000-1.500 lưỡi xuống biển. Mỗi lưỡi câu được buộc cách nhau 20m. Mồi câu là những loài cá bé như cá nục, cá trích, cá mối, thậm chí cả tôm... Một số ngư dân bằng kinh nghiệm riêng đã mang theo huyết bò, huyết heo rải xuống biển để nhử mồi loài cá dữ. Cá thấy mùi tanh đã quần vào gần giàn lưỡi câu săn mồi. Trời vừa tờ mờ sáng các ngư dân phải đi thu lưỡi. Sau khi đã hoàn thành việc thả câu và thu câu các ngư dân sẽ tận dụng thời gian rảnh rỗi còn lại để đánh lưới các loài cá nhỏ như cá nục, cá chuồn, cá mối... về làm mồi".

Việt Nam Xanh - Nghề câu khơi trên Biển Đông: Thu phục cá 'khổng lồ' (Kỳ cuối)

Ra khơi đánh cá.

Nghề dạy nghề, mỗi chuyến đi câu khơi của ngư dân kéo dài 1-2 tháng là chuyện bình thường. Từ tháng 1 - 6, trời yên biển lặng, ngư dân chỉ câu được những con mực bé, cá thu, cá ngừ chừng 3-10, kg là vui lắm. Bắt đầu từ tháng 7 mùa gió chướng, biển động mạnh, những con cá ngừ xanh mướt, tươi rói, trọng lượng từ 40-50, kg rủ nhau tràn về biển Đông, bơi thành từng đàn, các ngư dân tha hồ đánh bắt. Theo các ngư dân câu khơi ở phường Phước Hội (thị xã La Gi), cứ mỗi một đêm giàn câu dính được 10 con cá ngừ, 10 con cá mú như vậy thì đã coi như là thành công mỹ mãn rồi. Có tàu còn đánh được nhiều hơn nếu gặp đàn cá.

Ngư dân Hoàng Văn Thành (45 tuổi), ngụ tại phường Phước Hội chia sẻ: "Nghề câu khơi có nhiều rủi ro, nhưng ngư dân chỉ cần tinh mắt để ý dòng nước, cách xác định tọa độ và một chút "sát cá" là kiếm tiền mấy hồi, nhất là mùa cá ngừ đại dương về nhiều. Tại phường Phước Hội, mùa đi biển vừa rồi rất nhiều ngư dân thu lợi về hàng trăm triệu đồng nhờ lòng dũng cảm và kinh nghiệm đi biển. Bí quyết quan trọng nhất vẫn là ngư dân phải chịu khó, chịu đựng sương gió cho đến khi thuyền đầy khoang mới quay vào bờ".

Nhiều ngư dân bỏ thuyền thúng đầu tư thuyền lớn và máy định vị và các dụng cụ đi kèm nên thị xã La Gi trở thành địa phương có lượng ngư dân đi câu khơi nhất nhì tỉnh Bình Thuận. Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Thái Sơn, Phó chủ tịch nghiệp đoàn thủy hải sản thị xã La Gi nói: "Từ trước đến nay, nghề câu khơi luôn mang lại nguồn thu nhập cao cho ngư dân. Nhưng để điều tiết công việc hiệu quả, đòi hỏi các chủ thuyền và nhân công phải biết phân chia công việc rạch ròi, bài bản.

Những nhân công phải biết quân bình số lượng cá, mực với chủ tàu và tôn trọng lối chỉ huy của thuyền trưởng. Vì thuyền trưởng là người có kinh nghiệm lâu năm nhất, mỗi chuyến đi biển dài ngày, thắng hay thua đều nằm trong tay các ông thuyền trưởng. Ngoài ra, thuyền trưởng cũng là người đứng ra lo liệu tất cả chi phí sinh hoạt cho anh em đi biển. Vì vậy, mỗi con tàu câu khơi đều xem thuyền trưởng như "vật báu" của cả tàu. Cũng chính vì lối ăn chia rạch ròi, sòng phẳng, lại tôn trọng chất xám, kỹ thuật trong lao động, đánh bắt nên hoạt động rất hiệu quả. Vì vậy, mỗi con tàu câu khơi, đều xem thuyền trưởng như "vật báu" của cả tàu.

Việt Nam Xanh - Nghề câu khơi trên Biển Đông: Thu phục cá 'khổng lồ' (Kỳ cuối) (Hình 2).

Ông Hoàng Thái Sơn, Phó chủ tịch nghiệp đoàn T.X Lagi nói về nghề câu khơi. (Ảnh Quyên Triệu)

Đạp sóng ra khơi

Các ngư dân sống bằng nghề câu khơi ngoài việc phải đối mặt  và cận kề với sự hiểm nguy luôn rình rập còn phải biết chấp nhận cảnh sống dầm dề, mặn mòi dài ngày trên biển. Lý giải về những khó khăn này, ông Nguyễn Thái Quang (ngụ thị xã La Gi) có kinh nghiệm 20 năm lênh đênh trên biển cho biết: "Nghề câu khơi được ngư dân gọi vui là nghề "lấy sức đạp sóng" kể thì cũng cực lắm. Hằng ngày cứ ngâm mình với nước biển, tối đến chỉ được tắm sơ với vài gáo nước ngọt mang từ đất liền đi. Buồn ngủ thì chợp mắt dưới hầm tàu, trên cabin hay vắt vẻo ngoài boong tàu tùy thích miễn sao có chỗ ngủ là an tâm rồi".

Xuôi ngược liên tục ở trên biển, xác định được chỗ nào nhiều cá thì dừng lại buông câu thả lưới, chuẩn bị "vũ khí" để săn cá. Đối với ngư dân câu khơi, cá dính câu chưa hẳn là đã kết thúc công việc. Bởi ở ngoài khơi xa những loài cá có hàm răng và sức mạnh hơn người. Để đưa được cá lên khoang ngư dân phải vờn với chúng đến khi cá mệt mới dám kéo vào gần tàu rồi ra đòn hạ gục. Nếu sơ sảy ngư dân có thể bị thương bất cứ lúc nào. Mỗi khi cá mắc câu, sợi dây triêng căng như dây đàn. Người thuyền trưởng cầm bánh lái luôn canh máy, khi thấy anh em kéo câu nặng quá hoặc yếu sức thì nổ máy cho tàu chạy theo. Nếu người thuyền trưởng không nhanh trí xử lý như thế sợi dây cước buộc lưỡi câu cho dù có to cỡ mấy, cũng sẽ bị những con cá lớn cắn đứt hoặc kéo phăng đi.

Tuy cực khổ và nguy hiểm, nhưng nghề câu khơi vẫn được xem là nghề hái ra tiền. Sau vài chuyến đi biển mọi chuyện êm xuôi là ngư dân có thể sắm xe, sửa nhà bất cứ lúc nào. Nhưng cũng không ít tàu thuyền vừa cập bờ ngư dân phải xanh mặt khi giá rớt thảm hại. "May rủi lắm, ra vào biển đối mặt với nhiều thách thức của biển khơi rồi, khi vào bờ lại lo rớt giá. Chuyến vừa rồi cộng cả cá thu, cá ngừ, mực mới ngót nghét được 400 triệu đồng, tính ra trừ đi chi phí ăn uống, tiền trả nhân công và tiền xăng dầu còn lại chẳng bao nhiêu, vậy là từ thuyền trưởng đến thợ câu đều méo mặt và hứa hẹn ở những chuyến sau", ông Hoàng Văn Thành, chủ một thuyền câu khơi tâm sự.

Đón Tết giữa đại dương

Có ngư phủ quanh năm đi biển, đều canh sao cho những chuyến đi không rơi vào mấy ngày Tết, họ được ở nhà đón Tết cùng gia đình, vợ con. Nhưng cũng không ít người như các ngư phủ Tết đến, vẫn lênh đênh trên biển, miệt mài với những lưỡi câu, những con cá lớn. Họ đón Tết ngoài đại dương, giữa trùng khơi sóng nước. Phút rảnh rỗi trong đêm giao thừa, anh em bạn thuyền ngồi lại bên chai rượu nhạt, chia nhau đòn bánh tét, mà nhớ về những giây phút đầm ấm bên gia đình. Ngày Tết, biển cũng thưa vắng những chiếc thuyền của đồng nghiệp, nhìn ra xa khơi chỉ thấy biển đêm mịt mù, và ngọn hải đăng quét những vệt sáng dài trên mặt biển. Nơi ấy là đất liền, và gia đình của họ đang chờ những tàu cá đầy khoang về cập bến...

Nghề câu khơi không dành cho "kẻ yếu tim"

Ông Hoàng Thái Sơn, Phó chủ tịch nghiệp đoàn thủy hải sản thị xã La Gi chia sẻ: "Lần đầu tiên theo cha ra biển đối mặt với những con sóng dữ và nhìn thấy cá mập mà ngư dân hay gọi là cá “khổng lồ” để lộ ra hàng trăm cái răng sắc nhọn là tôi sởn gai ốc. Ngày đó, mỗi con cá mập, được các ngư thợ kéo lên boong tàu nặng 5-7 tạ to gấp người hàng chục lần, chúng quẫy đuôi đập mạnh xuống sàn tàu rầm rầm, miệng há to như trực chờ đớp người là tôi tìm chỗ nấp. Có người mới vào nghề sau một ngày quần với đàn cá dữ tối về ngủ mơ la hét thất thanh trên boong tàu. Theo tôi người đánh cá sợ nhất ở cá mập không phải hàm răng sắc nhọn mà chính là đôi mắt hung ác, lạnh giá của nó".

Quyên Triệu - Hương Lam

Cận cảnh 'hùm xám phòng the' đầy lông lá của Việt Nam

Thứ 5, 17/01/2013 | 16:15
Không chỉ có hình thù đáng sợ, con vật này còn được truyền tụng trong dân nhậu như một thứ biệt dược "chồng uống vợ khen".

Những loài cá khổng lồ trên sông Sài Gòn

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:49
Sông Sài Gòn cách đây vài thập kỉ đã được mệnh danh là “thiên đường trú ngụ của các loài cá”, đặc biệt là các loài “thủy quái”.

Săn 'thuỷ quái' sông Tiền: Nghề săn cá hô khổng lồ

Thứ 2, 25/03/2013 | 08:39
Cá hô được mệnh danh là "vua" của loài cá nước ngọt. Loài cá này to, có con nặng tới trên 300kg và số lượng nhiều ở đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL). Vì thế, hàng trăm năm trước, các tỉnh Đồng Tháp, An Giang đã hình thành nghề săn cá hô. Cuộc chiến của những lão ngư cừ khôi với "thuỷ quái" đã tạo ra những huyền tích mà đến nay nhiều người vẫn tìm cách lý giải.

Hang xương hóa thạch khổng lồ ở Yên Bái

Thứ 3, 26/03/2013 | 23:24
Trong một lần đi tìm đá quý, người dân ở thôn Xiêng, xã Tân Lập, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái đã phát hiện kho xương khổng lồ ở hang Ma Mút, có rất nhiều xương đã hóa thạch. Sau đó, một đoàn khảo cổ người Đức đến khai quật và vận chuyển số lượng xương khổng lồ về Đức để phục vụ nghiên cứu.