Những chuyện phi lý về thực trạng trường quay phim Việt

Những chuyện phi lý về thực trạng trường quay phim Việt

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:44
0
Ông Nguyễn Mạnh Đức họa sỹ thiết kế, phục dựng bối cảnh cho bộ phim lịch sử Long thành cầm giả ca cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng phim Việt hiện nay đang rất chênh vênh vì thiếu trường quay trầm trọng.

Chưa bao giờ, người ta thấy điện ảnh Việt Nam lại nở rộ như hiện nay. Ánh hào quang của bộ môn nghệ thuật thứ bảy mang lại đủ hấp lực khiến nhà nhà làm phim, người người làm phim cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, một thực tế đặt ra khiến các nhà làm phim đau đầu với câu hỏi thường trực: Bối cảnh không gian Việt bao giờ cho hết thiếu?

Sự kiện - Những chuyện phi lý về thực trạng trường quay phim Việt

Dòng phim lịch sử Việt Nam còn yếu là vì tình trạng trường quay vẫn rất nan giải. (Ảnh minh họa)

"Đốt đuốc" tìm trường quay

Trong những năm trở lại đây, điện ảnh thế giới có những bước phát triển rực rỡ, liên tiếp với ngày càng nhiều những siêu phẩm điện ảnh được khai sinh để phục vụ thị hiếu công chúng. Bắt sóng với dòng chảy chung đó, điện ảnh Việt Nam cũng có nhiều thăng hoa, đổi mới về cả mặt nội dung, hình thức lẫn phương thức thể hiện để chiều lòng ngay cả những khán giả khó tính nhất. Người ta biết đến phim Việt nhiều hơn, người xem ít nhiều đã không còn quá ngán với những sản phẩm nghệ thuật mang thương hiệu made in Việt Nam nữa.

Đối với điện ảnh Việt Nam, trường quay luôn là vấn đề nan giải từ những ngày đầu tiên. Cùng với sự phát triển của ngành nghệ thuật thứ bảy, các nhà quản lý đã chú ý hơn tới việc đầu tư cho việc xây dựng bối cảnh làm phim mà mới đây nhất là phục hồi trường quay Cổ Loa - kinh đô điện ảnh Việt một thời.

Cùng với những dự án nhà nước, các trường quay tư nhân cũng thi nhau ra đời hứa hẹn những bước đột phá mới cho điện ảnh nước nhà. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, các dự án vẫn cứ rối tung rối mù, đã qua một thời gian dài mà các nhà làm phim vẫn đau đầu, còn dư luận thì không khỏi hoài nghi về hướng đi cho trường quay phim Việt.

Tuy nhiên, chất lượng của phim Việt vẫn bị chê bai, không chỉ bắt nguồn từ những khó khăn như: Đội ngũ diễn viên thiếu, yếu; kinh phí bỏ ra làm phim quá thấp hay kịch bản có vấn đề mà ngay ở yếu tố căn bản nhất là có tiền cũng không có phim trường để quay. Có kịch bản, có kinh phí, đã tìm được dàn diễn viên thích hợp thì khâu tiếp theo khiến nhiều nhà sản xuất vô cùng đau đầu là đốt đuốc tìm trường quay.

Trường quay trên danh nghĩa thì có nhưng những trường quay đạt chuẩn về quy mô, chất lượng thì lại được liệt vào danh sách hàng hiếm. Nguồn cung không đủ đáp ứng cầu. Hầu hết phải sử dụng, thuê, mượn các trường quay tư nhân hoặc đơn vị nào hoành tráng hơn thì thuê, mượn trường quay ngoại quốc như Trung Quốc, Hàn Quốc.

Việc không có trường quay, thiếu không gian, bối cảnh đã khiến kinh phí sản xuất mỗi bộ phim đều bị đội giá thêm lên rất nhiều lần. Như dự án sản xuất phim từng được khán giả hết sức mong đợi đó là bộ phim lịch sử Thái tổ Lý Công Uẩn là một minh chứng. Lúc đầu dự trù kinh phí cho bộ phim hết khoảng gần 50 tỉ đồng, nhưng sau này các nhà làm phim đã trù liệu lên tới con số gấp 4 lần như thế vì chủ yếu phải sang thuê, mượn trường quay ở Trung Quốc.

Ở nước ta, hầu như không có trường quay chính thống, các bối cảnh đều phải đi thuê, mượn từ bên ngoài. Điều này tương đối dễ dàng với các dòng phim hiện đại khi mà bối cảnh trường quay có thể vay mượn nhanh chóng từ không gian sống của người dân. Còn với các dòng phim bắt buộc phải đầu tư lớn và yêu cầu khắt khe như dòng phim lịch sử hay cổ trang thì việc thiếu trường quay, không gian, bối cảnh xem như là điểm trừ lớn cho sự thành công của bộ phim.

Đa phần bối cảnh, phim trường lịch sử của chúng ta cũng đều phải nhờ đến sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài. Chính vì thế, khán giả khi xem phim không thể không tránh khỏi thắc mắc, rõ ràng là phim Việt nhưng lại mang hồn cốt của điện ảnh nước khác.

Trường quay mỳ ăn liền

Trao đổi về vấn đề trường quay điện ảnh Việt, ông Nguyễn Mạnh Đức - họa sỹ thiết kế, phục dựng bối cảnh cho bộ phim lịch sử Long thành cầm giả ca cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng phim Việt hiện nay đang rất chênh vênh vì thiếu trường quay trầm trọng: "Tìm được một không gian rộng, tương đối thật lại không bị ảnh hưởng bởi yếu tố đời sống bên ngoài vào là rất khó. Thực tế, một ngôi nhà cổ bây giờ bước vào cũng đầy rẫy những thứ thuộc đời sống mới như cột điện, dây ăng ten, tivi... Bản thân đồ đạc trong nhà và những hình ảnh của cuộc sống hiện đại cũng ảnh hưởng vào không gian đó rất nhiều mà nước mình thì vẫn chưa có một phim trường nào đúng nghĩa. Thêm nữa, kinh phí để dựng ra một khu vực bối cảnh tương đối hoàn thiện không phải là nhỏ. Vì thực trạng thiếu trường quay như vậy nên chúng ta thường rơi vào tình trạng các cảnh quay đa phần ở những góc hẹp, những góc rộng, khoảng không lớn rất hạn chế".

Họa sỹ Đức cũng cho rằng để giải quyết được tình trạng khủng hoảng trường quay như hiện nay thì nhất thiết phải có sự chung tay của các nhà quản lý, các nhà làm phim. Khi có trường quay rồi thì việc bảo tồn, gìn giữ không gian, hiện vật, bối cảnh cũng là một vấn đề không đơn giản.

Chia sẻ về những khó khăn khi không có trường quay, phải phục dựng bối cảnh cũ trong quá trình tiến hành quay bộ phim Bí thư tỉnh ủy, tại tỉnh Vĩnh Phúc, đạo diễn Quốc Trọng kể lại: "Phim Bí thư tỉnh ủy được chọn bối cảnh quay tại quê hương của vị Bí thư tỉnh ủy nổi tiếng một thời, nhưng cho đến bây giờ hầu như cảnh trí đã không còn nguyên vẹn mà đã được đô thị hóa, xi măng hóa đi nhiều. Vì thế, những nhà cửa, trụ sở, bờ tường, ao dậu mượn của nhà dân đều phải bôi nhọ bẩn, làm cho cũ kỹ, nhem nhuốc đi cho đúng với hoàn cảnh thời gian và không gian. Sau khi hoàn thành cảnh quay, đoàn làm phim lại phải bắt tay phục dựng lại như cũ để trả lại cho dân".

Đạo diễn này cũng cho rằng, vì không có trường quay nên hầu hết các đạo diễn Việt Nam đều chấp nhận làm phim theo kiểu trời đày.

Từ bài toán nan giải về xây dựng một phim trường quy tụ hoành tráng, các nhà làm phim cực chẳng đã lại chuyển hướng sang các trường quay tư nhân để giải tỏa cơn khát về không gian, bối cảnh cho điện ảnh Việt. Nhưng vốn đầu tư thiếu thốn, quy mô nhỏ nên không đủ đáp ứng cho nhu cầu của các nhà làm phim có ý tưởng lớn.

Hơn nữa, bối cảnh hẹp, lại chỉ sử dụng đơn nhất cho một số bộ phim nên tính đa dạng và ứng dụng không cao. Chưa kể đến, đưa vào sử dụng chưa được bao lâu thì bắt đầu xuất hiện dấu hiệu xuống cấp: Hoang tàn, xập xệ theo kiểu mì ăn liền khiến người ta lại hoài nghi về tương lai có phần ảm đạm của hoạt cảnh phim Việt.

Nghịch lý

Trong hai bộ phim lịch sử khá hiếm hoi của điện ảnh Việt là Thái sư Trần Thủ Độ và Huyền sử thiên đô được khởi quay một phần tại phim trường Cổ Loa (Đông Anh- Hà Nội) thì từ các chi tiết nhỏ nhặt nhất về không gian, bối cảnh cũng đều phải cần sự tư vấn, giúp đỡ của các chuyên gia điện ảnh đến từ Trung Quốc- xứ sở bậc thầy về phim cổ trang. Việc đói khát trường quay, không gian, bối cảnh đã đẩy những nhà làm phim luôn rơi vào thế bị động. Khi một bộ phim bắt đầu được thai nghén, các đạo diễn luôn phải trăn trở làm sao để chọn được bối cảnh thích hợp, không bị vênh so với bối cảnh thực tế của kịch bản nội dung phim.

Bảo Hằng - Đinh Nhung

Kỳ 2: “Kinh đô điện ảnh Việt” - bao giờ thành hiện thực?