Những chuyến tàu xuyên Sri Lanka

Những chuyến tàu xuyên Sri Lanka

Thứ 3, 30/04/2013 | 20:30
0
Kí ức theo thời gian sẽ mất dần đi. Nhưng thời gian cũng có thể làm cho ký ức trở nên sâu lắng hơn, ngọt ngào hơn. Dù đôi khi nó đã từng là mảnh vỡ.

Những chuyến tàu xuyên Sri Lanka tưởng rằng không làm tôi nhớ nhiều thế khi trở về. Những tấm ảnh đẹp đẽ mà tôi mang về từ hòn ngọc Ấn Độ Dương ấy chẳng có bức nào về những chuyến tàu. Sự nhạt nhòa của sân ga, con người trên tàu... tất cả lại sống dậy trong một giấc mơ một ngày mùa đông muộn màng.

Tôi đã từng đi qua những sân ga xép bé toen hoen với một nhúm người da màu đen đúa, tôi đã từng cầm trong tay tấm vé hạng bét đứng chờ tàu ở một ga xép cùng hai người bạn đồng hành, từng ngủ những giấc ngủ ngắn ngủi trên con tàu dài mà hành trình chậm chạp bò qua làng mạc, núi rừng.

Đi tàu ở Sri Lanka là một thú vui giải trí. Người ta lên tàu, bất kể già trẻ gái trai, có công việc hay không, họ lên tàu để đi chơi, buôn chuyện và đôi khi là bắt ngay một chuyến tàu ngược lại trở về nhà. Vé tàu là thứ rẻ mạt, rẻ đến nỗi mọi hình thức giải trí khác đều là xa xỉ. Người Sri Lanka mang thức ăn, con cái, thú nuôi lên tàu như một hình thức Pinic ở Âu Châu. Và họ cũng có thể mua mọi thứ trên những chuyến tàu này: sách vở, truyện tranh, bánh ngọt, bánh mặn, lạc rang, mỳ, nước, cà ri... thậm chí cả bói toán vận mệnh tương lai cuộc đời mình.

Tôi - với thể trạng yếu ớt trong suốt cuộc hành trình, coi tàu lửa là một chốn nghỉ chân sau những giờ mệt nhoài vì leo núi, đi bộ, mặc cả với dân bản địa. Cũng không thể ngờ rằng chính bản thân mình đã từng ngủ rất ngon lành trên những chuyến tàu có hàng nghìn âm thanh hỗn tạp như thế.

Xã hội - Những chuyến tàu xuyên Sri Lanka

Tàu ở Sri Lanka không có cửa kính, chấn song. Dĩ nhiên. Họ chẳng cần những thứ ấy. Vì với cửa kính và chấn song, làm sao tôi có kể kê chân lên cửa sổ mà ngủ say sưa. Đàn bà cũng không thể nhả vỏ hạt, vỏ bánh ra ngoài cửa sổ. Đàn ông không thể lê la ngồi buôn chuyện ở giữa toa tàu, rồi khi " mắc " lại có thể nhảy vù xuống đường tàu giải quyết rồi vù lên ( Tàu đi quá chậm, nên chuyện nhảy lên nhảy xuống có vẻ chả tốn của họ mấy thời gian )

Tôi không thấy bất kể một chiếc WC nào trên những chuyến tàu hạng 2 và 3. Có lẽ cũng bởi thế. Họ đâu có cần đến chúng. Thiên nhiên đã có sẵn cả rồi.

Đi tàu ở Sri Lanka ko phải đối mặt với hiểm họa vật thể bay như ở Việt Nam. Họ có quá nhiều việc để làm như giặt giũ, hái dừa, chăm sóc trẻ con... hơn là việc lấy đá ném lên tàu như một niềm vui thú.

Tôi yêu những chuyến tàu Sri Lanka có lẽ vì chính lẽ đó.

Bạn sẽ chẳng lấy làm ngạc nhiên nếu tàu dừng giữa đường mà không có 1 ga dù bé tẹo nào. Lần đầu tiên tôi khá giật mình khi thấy tàu dừng trước cửa một ngôi chùa cho 3 vị sư áo vàng chầm chậm bước xuống. Về sau tôi mới ngộ ra rằng, tàu ở Sri Lanka có thể dừng ở bất kể nơi nào bạn muốn, miễn đó là nhà bạn và đừng quên bấm chuông như đi bus.

Phật Giáo được coi trọng ở Sri Lanka, hiển nhiên sư sãi không bao giờ phải đứng khi đi tàu.

Tôi - một phụ nữ được coi là ngoại quốc, cũng chưa bao giờ phải đứng khi đi tàu. Đàn ông nhường ghế cho đàn bà và trẻ em, phụ nữ và trẻ em thì lại nhường ghế cho người nước ngoài. Văn minh này bao giờ Việt Nam mới có. Tôi nghĩ đến tuyến xe Bus 32 ở nhà mà ớn lạnh.

Tàu ở Sri Lanka luôn luôn đông, thường thì người đứng bao giờ cũng nhiều hơn người có ghế ngồi. Đi tàu có vé, nhưng vé không có số. Nhưng người Sri Lanka lên tàu thong thả kỳ lạ, với họ có lẽ sự tranh chấp đứng - ngồi không cần thiết. Chỉ cần tàu đi và đến nơi họ cần đến.

Tôi đã đi tàu từ Kandy xuống Hatton, từ Hatton ngược lại Kandy rồi vòng về thủ đô Colombo. Một hành trình tàu lửa luẩn quẩn những lại mang đến cho bản thân tương đối trải nghiệm kỳ cục. 

Cái cảm giác được đi từ thấp lên vùng núi cao mát mẻ hơn, qua những sườn đồi chè chênh vênh quả thực khó quên. Nhưng nó không khó khăn bằng việc mình phải quên đi cảm giác mỗi lần đến một sân ga nào đó, nhìn xuống phía dưới để đón nhận hàng nghìn đôi mắt trắng ởn đang nhìn mình một cách lạ kỳ. Họ chẳng phân biệt được giới tính của tôi bằng con mắt ấy ( ôi trời ) và họ cũng chẳng nồng nàn gì với tôi, ngoại trừ những người lái xe Tuk Tuk.

Từ những sân ga nhơ nhớp, đôi khi tôi mua được chút gì bỏ bụng, ngon lành hơn so với tất thảy đồ ăn bản địa bán trên tàu. Chúng quá cay, quá nóng với tôi. 

Tôi nhớ buổi trưa sau chuyến leo Adam Peak ( đỉnh núi cao nhất Sri Lanka ) về, khi vạ vật ở ga Hatton, tôi nhìn vào hành trình tàu dán chi chít ở cửa bán vé mà hoang mang vô độ. Đó là lúc tôi không biết mình nên bắt chuyến tàu nào và đi đâu tiếp theo. Vì tất cả chúng đều chiếm quá nhiều thời gian, từ 8-12 tiếng cho hành trình có hơn 100km. Sự mệt mỏi rã rời khiến tôi đã từng cảm thấy sợ việc phải lên tàu.

Thế mà cuối cùng tôi cũng chọn về Colombo, không thức ăn, chỉ có ngủ. 

Sân ga Colombo rộng rãi như sân bay. Dĩ nhiên là không sạch sẽ. Nhưng ở đó có mọi thứ mà tôi muốn, hay ít nhất là món yêu thích: Lạc rang.

Hành trình đơn độc một mình khiến tôi mất phương hướng khi lên tàu.

Sau những ngày ăn chơi rông dài ở Galle, cuộc đời ngỡ chỉ có biển, sinh tố chuối, ôm kindle nằm sưởi nắng kết thúc như một giấc mơ ngắn. Tôi lại lên tàu để trở về. Chuyến tàu hạng nhất đã mua vé bị nhỡ do tôi nán lại Galle để đi xăm hình.

Chuyến tàu hạng hai được thay thế, mà quả thực bản thân tôi thấy nó chẳng hơn gì tàu hạng 3.

Tôi mua lạc, bia rồi lên tàu bắt thân mới một đám bạn Tây. Chúng tôi uống bia và chém gió giữa âm thanh rền rã cọ xát giữa 2 toa tàu. Một hành trình dài khiến tôi phải tự kiếm lấy niềm vui cho mình bằng việc bắt bạn với một đám mà cảm thấy chả hợp gu cho lắm. Cuộc sống là thế, không phải lúc nào cũng cho ta quá nhiều chọn lựa.

Trong cơn lâng lâng, tôi thấy mình ngã dúi dụi, cắm đầu về phía anh bạn người Bỉ đối diện. Tai nạn tàu hỏa.

Chúng tôi - những kẻ trên tàu hôm ấy chẳng ai bị làm sao hết, vì người bị làm sao là một cậu bé bán hàng rong người bản địa khi đang cố chạy băng qua đường ray.

Khi chúng tôi lại gần, thân thể cậu bé chỉ còn là một nhúm máu thịt. Tôi vứt lon bia đi, vừa đi vừa khóc. Có lẽ trong lúc không tỉnh táo, người ta dễ xúc động hơn tất thảy.

Tôi thấy nhớ nhà, lặng lẽ rút khỏi đám đông ồn ã, kiếm một chỗ lăn ra ngủ.

Trong giấc ngủ, tôi mơ thấy chiếc giường có con khỉ King Koong to béo ở nhà. Tiếng bánh tàu nghiến xuống đường ray ồn ào ru tôi ngủ.

Tàu đi qua Colombo 1 ga, 2 ga, tôi vẫn ngủ.

Phải khi đến gần ga thứ 3 tôi mới choàng tỉnh dậy. Xung quanh không còn ai cả, mẹ con đứa bé cạnh tôi đã xuống từ bao giờ, đám bạn Tây cũng không dấu vết. Tôi lôi điện thoại ra định vị. Tôi đã ở cách ga tôi cần xuống ( Colombo ) quá xa.

Đối với một người đi du lịch, thì đó gọi là đi lạc. 

Thật tệ hại khi bạn phải xuống ở một ga mà bạn chưa bao giờ biết về nó. Ở đó không có du lịch, và chẳng có ai biết tiếng Anh.

Người soát vé giữ tôi lại với tấm vé vô giá trị tôi cầm trên tay, dắt tôi đến trao trả cho trưởng ga.

Bác trưởng ga không biết tiếng Anh, sau một hồi cố gắng cũng để tôi ra cổng với cái bản đồ tự vẽ chi chít hướng dẫn chỉ đường bằng tiếng địa phương:((

Tôi nghĩ là mình muốn khóc. Đó là ngày cuối cùng trong cuộc hành trình. Số tiền còn thừa tôi đã đổ vào đá quý mua ở Unawatuna và xăm hình ở Galle. Bữa ăn hoành tránh cuối cùng ở chân thành cổ Fort ấy được coi là sự phí phạm những đồng Rúp pi dự trữ cho cái dạ dày yêu quý.

Tôi - một đứa con gái 25 tuổi, đang bị lạc, không thể giao tiếp với người bản địa, gần cạn tiền đang cố gắng trở về sân bay trong ngày hôm nay.

Nếu tôi để lỡ chuyến bay, thì có nghĩa tôi sẽ phải mất rất nhiều Đô cho cái sự ngủ quên trên tàu của mình. Không ai muốn điều ấy.

Loay hoay trong một thị trấn vô danh tiểu tốt trên bản đồ du lịch khiến tôi quẫn trí. 

May mắn, chừng 1 tiếng, sau khi nỗ lực níu áo từng người hỏi: "Can u speak E?" tôi đã tìm được một chàng trai có thể chỉ cho tôi đường về thủ đô bằng xe bus.

Chỉ phải bắt 3 tuyến Bus nữa thôi.

Tôi giở những đồng Rs cuối cùng ra đếm, hi vọng đủ. Tuy nhiên với điều kiện mình không được uống nước và mua lạc rang ăn kèm.

Bạn sẽ hỏi tôi rằng sao ko tìm chuyến tàu đi ngược trở lại? Tàu hỏa ở đây là thế, chậm chạp đến mức muốn bắt chuyến khứ hồi bạn phải chờ đến 1 ngày. Bus là lựa chọn tối ưu.

Vì giấc mơ của mình, tôi phải vạ vật thêm 3 tiếng nữa trên Bus, và may mắn vẫn kịp đến Sân bay trước 8h tối. 

Cơn ác mộng tàu hỏa qua đi. Rồi thời gian làm tôi quên lãng.

Nhưng nếu bây giờ được quay trở lại xứ xở ấy, tôi sẽ không ngần ngại, lại mua cho mình chuyến tàu hạng 3 xuyên Sri Lanka - chuyến tàu dài nhất kéo dài suốt đêm và sáng hôm sau từ Bắc đến Nam, để lại được trải lòng mình trong thế giới của những người con người tốt bụng nhất trái đất này.

Xình xịch... 

Tada Le

Huyền Chip: Đi bằng niềm tin

Thứ 4, 17/04/2013 | 13:46
Đây là bài viết đã giúp Huyền Chip giành giải nhất một cuộc thi viết đúng lúc cô “cháy túi”. Phần thưởng cuộc thi đã giúp Huyền "sống sót" thêm được mấy tháng để tiếp tục cuộc hành trình 'Xách ba lô lên và đi'.

Những chuyến đi của tuổi 20

Thứ 6, 05/04/2013 | 09:14
Tuổi 20, người ta chẳng có gì, ngoài một đôi chân rất khỏe mạnh và một trái tim ít sợ điều gì chưa đến. Đó là những ngày tháng tốt nhất để đi và học về thế giới.

Mỗi chuyến đi là một người tình

Chủ nhật, 17/03/2013 | 20:28
Mỗi lần đi công tác xa nhà, tôi lại có thêm một người tình mới. Không ràng buộc.