Những đàn cừu đang “khát” trên tiểu sa mạc Ninh Thuận

Phạm Ngọc Duy Quan

Những đàn cừu ở Ninh Thuận đang phải vất vả di chuyển liên tục hàng chục km để tìm thức ăn và nước uống. Ninh Thuận đang bước vào thời điểm của mùa khô hạn.

Cừu “khát”, cây trồng chết khô

Ninh Thuận đang đối diện với hạn hán khốc liệt bởi nắng nóng kéo dài, các hồ chứa, kênh thủy lợi cạn khô đáy. Hiện, 21 hồ chứa nước hầu hết đều ở mực nước chết. Hàng nghìn hécta đất nông nghiệp của bà con nông dân phải ngưng sản xuất, vật nuôi đang vật vả vì thiếu nước.

Những ngày đầu tháng 4/2020, PV Tạp chí điện tử Người Đưa Tin Pháp luật đã về các huyện như: Thuận Nam, Bác Ái,…để ghi nhận thực tế về tình hình chăn nuôi cũng như sản xuất của bà con nông dân.

Tại huyện Thuận Nam, hơn 54.000 con cừu đang đối mặt với tình trạng thiếu thức ăn và nước uống.

Ông Bá Minh Bạch, thôn Văn Lâm, xã Phước Nam, huyện Thuận Nam, bộc bạch: “Tôi nuôi hơn 200 con cừu, từ trước Tết đến nay, mỗi ngày phải di chuyển đàn cừu hơn chục km để tìm thức ăn và nước uống. Thiếu thức ăn nên cừu sinh sản bị thiếu sữa, khiến cừu con sau khi sinh chết nhiều. Cừu già cũng chết nhiều, vì không đủ sức để di chuyển xa tìm cỏ”.

Còn ông, Kiều Văn Luận cùng thôn Văn Lâm cho biết, mỗi ngày, gia đình phải chi 100 nghìn đồng, mua hai bó cỏ đem về chuồng cho cừu ăn cầm hơi.

Những đàn cừu mỗi ngày di chuyển từ 5 đến 10 km để đi tìm thức ăn và nguồn nước uống. Nhiều con cừu khi đến nơi thì mệt lả và tìm những bóng mát dưới gầm ống cống để nghỉ chân.

Có mặt tại xã Phước Trung, huyện Thuận Bắc lúc 10h, giữa cái nắng gắt, PV gặp được nhiều người dân đang vật vả chăn những đàn cừu hàng trăm con di chuyển đến lòng hồ Phước Trung để tìm thức ăn, nước uống. Nhưng ở lòng hồ cũng không mấy khả quan hơn khi ở đây nước đang dần cạn, cỏ thì khô cháy.

Nhiều du mục thở dài nói: “Mùa này cừu ăn uống bấp bênh lắm, không có nước uống, không có cỏ ăn. Lượm lá ủ tầm bậy, tầm bạ để lót bụng. Mấy con cừu già với mấy cừu mới đẻ 1-2 tháng đi chậm và ăn rất yếu”.

Trên những cánh đồng lúa, hoa mùa đã thu hoạch ở thôn Đồng Dầy, huyện Bác Ái cũng khô khốc, đàn gia súc phải gặm những cọng cỏ cùn để lót dạ.

Nắng nóng càng lúc càng khốc liệt, những đàn cừu ở vùng "tâm hạn" tỉnh Ninh Thuận phải liên tục di chuyển để tìm thức ăn. Còn cây trồng của bà con nông dân cũng đang chết khô, hàng trăm triệu đồng coi như mất trắng.

Tình cờ gặp anh Bùi Anh Thọ (ngụ thôn 3, xã Nhị Hà, huyện Thuận Nam) đang ở rẫy, PV được anh Thọ cho biết: “Tôi đang trồng 1 hécta cây lâu năm như: bưởi, xoài, mãng cầu và dừa. Trước tết các cây trồng của tôi có dấu hiệu chết nhưng không nhiều. Đỉnh điểm nhất là một tháng trở lại, nắng nóng đã làm nguồn nước cạn kiệt nên cây trông của tôi đã chết gần như hoàn toàn. Các cây trên tôi đã trồng được 3 năm rồi, giờ cây chết coi như 150 triệu đầu tư coi như mất trắng.

Trong một số cây tôi đang trồng thì duy nhất mãng cầu là đang thu hoạch, các cây còn lại thì chưa. Như năm 2019, cây mãng cầu tôi thu 2 vụ/năm thì được khoảng 15 triệu đồng, năm nay mãng cầu chết khô thì cũng thất thu”.

Anh Thọ buồn bã nói thêm: "Để cứu cây trồng, tôi nghĩ ra cách là ra các vựa ve chai mua khoảng 300 chai nước khoáng bằng nhựa loại hơn 1,5 lít về chế lại thành những bình tưới nước tiết kiệm gắn trên từng cây trồng một.

Sau đó, dùng xe máy chở 3 bình nước, mỗi bình 30 lít nước sinh hoạt từ nhà lên rẫy đổ vào các bình nhỏ được gắn trên cây để tưới nhưng cũng không cứu vãng được, cây trồng vẫn chết khô, 50 cây dừa vì thiếu cũng đã chết”.

Theo thống kê của UBND huyện Thuận Nam, đến thời điểm này, mực nước tại các hồ thủy lợi chủ lực trên địa bàn như: Hồ Tân Giang, Sông Biêu, Núi Một, CK7 từ 0,8 đến gần 1,5 triệu m3, mực nước chưa đến 10% tổng dung tích thiết kế của các hồ.

Nhiều hồ chứa khác ở mực nước chết. Thiếu nước, toàn huyện Thuận Nam đã ngưng sản xuất 1.800 hécta lúa và hơn 1.000 hécta cây màu các loại. Gần chục hécta trồng cây lâu năm như: ổi, mãng cầu, bưởi da xanh, cây keo lá tràm của bà con xã Nhị Hà chết khô, nông dân trắng tay.

Để người dân an tâm sản xuất, ổn định đời sống, huyện Thuận Nam đã đề xuất các cấp, các ngành và UBND tỉnh hỗ trợ khi phí hơn 11 tỷ đồng để huyện đào 5 ao chống hạn tại các xã Phước Ninh, Phước Nam và Phước Hà; khoan giếng, đào giếng, nạo vét ao và hỗ trợ giống sản xuất khi có mưa và thức ăn cho đàn gia súc…

Ông Lê Huyền, Chủ tịch UBND huyện Thuận Nam cho biết: “Trước tình hình nguồn nước ngày càng thiếu hụt, chúng tôi đã bảo đảm được nước sinh hoạt cho bà con, ưu tiên nước cho các cây trồng lâu năm và nước cho chăn nuôi. Huyện đã chỉ đạo cho các địa phương rà soát, tổng hợp số hộ có liên quan sản xuất nông nghiệp chịu tác động của hạn hán để có cơ sở hỗ trợ kịp thời trong thời gian sớm nhất, nhằm bảo đảm mục tiêu vừa phòng, chống dịch Covid – 19 và vừa chống hạn có hiệu quả”.

Vất vả tìm nước trong mùa hạn…

Tại huyện Ninh Hải, hiện nay lòng hồ Ông Kinh nước đã khô cạn, lòng hồ nứt nẻ. Người dân phải tìm đủ mọi cách để duy trì sản xuất cũng như nước uống cho đàn gia súc của mình.

Ông Nguyễn Chung, thôn Mỹ Phong 1, xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải cho biết: “Sau Tết Nguyên đán, người dân đang điêu đứng vì nắng hạn, nước sản xuất ngày càng thiếu hụt, gia đình tôi phải bỏ ra 40 triệu đồng để khoan giếng. Chưa hết, phải đầu tư thêm ống nước khoảng 2 km để kéo từ giếng khoan về đến rẫy, lúc đó mới có nước sử dụng”.

Còn ông Lâm Học Mười, thôn Mỹ Tường 2, xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải chia sẻ: “Hiện hồ Ông Kinh đã cạn, giếng khoan của tôi cũng hết nước. Để cứu 8 sào hành tôi phải đi xin nước giếng khoan của 3, 4 hộ dân quanh khu vực này từ trước tết Nguyên đán”.

“Như mấy năm trước thì khoan tầm 40 đến 50 mét là đã có đủ nước sản xuất. Nhưng, năm nay nắng hạn quá nên bà con nông dân phải khoan sâu hơn, có nhà khoan hơn 100 mét mà nước vẫn rất ít”, ông Mười cho biết thêm.

Ông Phạm Ngọc Hùng cho biết, thôn Mỹ Tường 1, từ tháng 2/2020, đến nay gia đình ông đã khoan 2 giếng trên nền giếng cũ với độ sâu gần 150 mét, chi phí hơn 100 triệu đồng nhưng vẫn không có đủ nước để tưới cho cây trồng và cho đàn gia súc.

Ông Hùng buồn rầu nói: “Hai cái giếng trên tôi khoan trên nền giếng cũ của mấy năm trước. Hiện 1 cái có nước rất ít và 1 cái đang tiếp tục khoan tìm nước cứu cho 5 sào nho, 5 sào trồng cỏ. Năm nay, trên nền giếng cũ tôi khoan tiếp xuống gần 150 mét mà nước rất ít”.

Chỉ tay về giếng đang khoan ông Hùng thở dài nói tiếp: “Giếng đầu tiên tôi khoan tổng cộng hết khoảng 50 triệu, giờ hết tiền tôi phải khoan nợ khi nào bán nho mới có tiền trả cho người ta”.

Nhận thấy khó khăn bà con đang gặp phải, anh Phạm Gia Huy, Công ty Cơ khí Quang Trung, tỉnh Đồng Nai đã đến đây khoan giếng và sẵn sàng cho bà con nợ tiền.

Anh Phạm Gia Huy, chia sẻ: “Tôi đã đi khoan giếng ở rất nhiều tỉnh, thành trên khắp cả nước. Nhưng khi đến Ninh Thuận, đặc biệt là đến xã Nhơn Hải này thì nắng hạn rất gắt và khoan giếng rất khó có nước. Tôi đã khoan được hơn 10 giếng. Mỗi giếng tôi khoan 100 mét, có chỗ phải đên 150 mét mới có nước”.

Theo UBND xã Nhơn Hải thì hiện nay nước ở các ao, hồ trên địa bàn xã đã khô cạn từ đầu năm. Tính đến thời điểm hiện nay, người dân chỉ sản xuất cầm chừng và nguy cơ thiếu hụt nước tưới rất cao.

Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, trong vụ đông xuân 2019 - 2020, toàn tỉnh có 7.873ha phải dừng sản xuất do thiếu nước tưới, trong đó có 4.556ha cây lúa, 3.317ha cây màu.

Ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: “Tỉnh đã giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, cơ quan liên quan xem xét, tổng hợp chung với các địa phương khác để tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện nhiệm vụ chống hạn cho các ngành, địa phương từ nguồn kinh phí kết dư năm 2018 đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua khoảng 37 tỷ đồng, bảo đảm kịp thời, hiệu quả. Ngoài ra, cũng giao Sở Lao động Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNT, tổng hợp nhu cầu cần được hỗ trợ gạo cứu đói của các địa phương, tham mưu, trình cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo đúng quy định hiện hành.

Ninh Thuận hiện là thủ phủ cừu của cả nước, tổng đàn 165.000 con. Cừu ở đây nuôi để lấy thịt, không lấy lông như các nước xứ lạnh. Trong trận hạn hán khốc liệt cuối năm 2014 đến năm 2015, khoảng 2.000 con gia súc, chủ yếu là dê và cừu bị chết do thiếu thức ăn, nước uống.

Duy Quan