Những dấu ấn giáo dục dưới thời ông Nguyễn Thiện Nhân

Những dấu ấn giáo dục dưới thời ông Nguyễn Thiện Nhân

Thứ 5, 14/11/2013 | 08:33
0
Trong gần 4 năm đảm vai trò chỉ huy trưởng của ngành giáo dục từ 28/06/2006 đến 18/6/2010, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã thực hiện nhiều chính sách giáo dục nổi bật, được dư luận đánh giá cao.

Những chính sách bứt phá 

 Nhậm chức Bộ trưởng Bộ GD-ĐT giữa lúc các biểu hiện tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục đang trầm trọng, xói mòn các nguyên tắc cơ bản của giáo dục là một khó khăn, thử thách lớn đối với ông Nguyễn Thiện Nhân. Để tạo dấu ấn mới cho ngành giáo dục, Bộ trưởng Nhân đã mạnh tay đưa ra một chính sách và phát động các phong trào nhằm chữa bệnh thành tích, hạn chế tiêu cực trong thi cử. 

Theo đó, ngay tại buổi lễ tổng kết năm học 2005-2006, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã phát động cuộc vận động “hai không”: “Nói không với tiêu cực trong thi cử” và  “Nói không với việc chạy theo thành tích” cho năm học mới 2006 – 2007. 

Nói là làm, ngày 28/7/2006 Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã ban hành Kế hoạch tổ chức cuộc vận động "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”. Ngày 31/7/2006, Bộ GD-ĐT chính thức phát động cuộc vận động tại TP.HCM. Lãnh đạo Bộ và các giám đốc Sở GD-ĐT ký bản cam kết gửi lên Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 26, 28, 30/8/2006: tại Đà Nẵng, TP.HCM và Hà Nội, Bộ chủ trì làm việc với hiệu trưởng các trường ĐH, cán bộ Đoàn, Hội Sinh viên các trường ĐH để triển khai cuộc vận động. Ngày 8/9/2006: Bộ tham mưu để Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 33/2006/CT-TTg về "Chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục".

Với cách làm quyết liệt, bảng thành tích của ngành giáo dục cuối năm học 2006 – 2007 đã thay đổi rõ rệt qua kết quả tốt nghiệp THPT giảm gần 30% so với năm học trước đó, thậm chí có trường tỷ lệ đỗ là 0%. 

Xã hội - Những dấu ấn giáo dục dưới thời ông Nguyễn Thiện Nhân

Ông Nguyễn Thiện Nhân.

Sau cú đột phá đầu tiên, đầu từ năm học 2007 - 2008, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân tiếp tục phát động thực hiện cuộc vận động “Nói không với đào tạo không đạt chuẩn, không đáp ứng nhu cầu xã hội”. Cuộc vận động này xuất phát từ bức xúc của dư luận về một tỷ lệ không nhỏ sinh viên tốt nghiệp hằng năm không đủ kiến thức và kỹ năng cần thiết để có thể làm việc theo đúng trình độ của bằng cấp, năng lực nghề nghiệp của họ không đáp ứng nhu cầu của xã hội, của nơi tiếp nhận họ làm việc.

Song song với cuộc vận động trên, cũng nhằm mục đích nâng cao chất lượng giáo dục đại học, tháng 9/2007, Bộ GD - ĐT đã gửi tới tất cả các cơ sở giáo dục đại học dự thảo đề án học phí mới với mức cao hơn những năm trước đó nhằm mục đích tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục đại học có thể cung ứng dịch vụ đào tạo với chất lượng cao hơn. 

Với định hướng đổi mới phương pháp học tập theo xu hướng tiên tiến của thế giới, ngày 15/8/2007, Bộ GD-ĐT đã ban quyết định về việc ban hành “Quy chế đào tạo Đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ”. 

Những sóng gió

Bên cạnh những chính sách bứt phá được dư luận ghi nhận, ngành giáo dục nhưng năm Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đương nhiệm cũng gặp không ít sự cố. 

Tháng 9/2006, vụ tiêu cực thi tuyển công chức tại trụ sở Bộ GD&ĐT liên quan đến Trưởng phòng Tổng hợp Đào Thị Bình “giúp” em ruột gian lận nhằm trúng tuyển đã khiến dư luận bất bình. Để chấn chỉnh đội ngũ cán bộ, ngăn chặn kịp thời hiện tượng bùng phát, ngay sau khi sự việc bị phát hiện, có kết quả xác minh Bộ trưởng Nguyễn thiện Nhân đã ký quyết định kỷ luật cảnh cáo đối với bà Bình. Theo đó, bà Bình bị miễn nhiệm chức vụ đang đảm nhiệm, chuyển công tác khác. 

Từ tháng 7 đến tháng 11/2006, website của Bộ GD-ĐT đã nhiều lần bị tấn công, hacker là Bùi Minh Trí, học sinh lớp 11, Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Vĩnh Long). Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã xử lý vụ việc với quan điểm là phải chỉ ra khuyết điểm của Bùi Minh Trí, đồng thời giúp em tiếp tục con đường học vấn và trở thành công dân tốt. 

Tháng đầu năm 2007, dư luận cũng rúng động với một loạt vụ việc tiêu cực nâng điểm, sử dụng bằng giả trong ngành giáo dục. Trong đó, nổi cộm là vụ án nâng điểm, nhận hối lộ tại kỳ thi tú tài 2006 của tỉnh Bạc Liêu với khoảng 1.700 thí sinh được "nâng đỡ", 6 cán bộ cốp cán như Phó giám đốc Sở GD-ĐT, trưởng phòng GD&ĐT... và 38 cán bộ ngành giáo dục bị khởi tố. 

Trước tình trạng dạy thêm học thêm diễn ra tràn lan ở nhiều địa phương, trong một buổi gặp gỡ các nhà giáo nhân dân giữa tháng 11/2006, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã nói rằng: Bộ sẽ trình Chính phủ đề án cải cách tiền lương nhà giáo để đến năm 2010, nhà giáo có thể sống được bằng đồng lương của mình. Tuy nhiên, khi đến năm 2010, lương của giáo viên vẫn ở mức khiêm tốn, một số ý kiến bày tỏ sự chờ đợi câu giải thích nhưng cũng không ít người chia sẻ sự đồng cảm với những cái khó của Bộ trưởng. 

Ngày 2/8 năm 2007 ông được Quốc hội phê chuẩn làm Phó Thủ tướng Chính phủ, kiêm chức Bộ trưởng Giáo dục. Ngày 18/6/2010, dù thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục tập trung vai trò Phó Thủ tướng nhưng ông vẫn luôn quan tâm đến ngành giáo dục. 

H.Minh