Những dấu ấn khó phai trên hành trình đến cực Nam Tổ quốc

Những dấu ấn khó phai trên hành trình đến cực Nam Tổ quốc

Thứ 2, 20/02/2017 | 22:07
0
Điều cuốn hút nhất đối với tôi khi đặt chân đến điểm cuối cùng trên dải đất hình chữ S có lẽ là sự đơn giản, mộc mạc. Mọi thứ đều mộc mạc, từ con người đến món ăn, từ không gian đến cảnh vật.

Đường ra Đất Mũi hôm nay

Mũi Cà Mau – tận cùng Tổ quốc là địa danh mà chắc có lẽ người Việt Nam nào cũng mong một lần được đặt chân tới. “Tổ quốc tôi như một con tàu/ Mũi thuyền ta đó - Mũi Cà Mau” – lời nhà thơ Xuân Diệu từ bao năm nay vẫn thôi thúc, giục giã bước chân triệu người đến với vùng đất linh thiêng này.

Bởi nó là 1 trong 4 điểm cực đáng chinh phục nhất của Việt Nam và nhiều người nói rằng, chỉ cần đi đến 4 điểm cực là vẽ đủ một vòng đất nước (điểm cực Bắc ở Lũng Cú, Đồng Văn, Hà Giang; điểm cực Tây ở A Pa Chải, Mường Nhé, Điện Biên; điểm cực Đông thuộc Vạn Thạnh, Vạn Ninh, Khánh Hòa và cực Nam ở Đất Mũi, Ngọc Hiển, Cà Mau - PV).

Xã hội - Những dấu ấn khó phai trên hành trình đến cực Nam Tổ quốc

 Con đường bộ ra xã Đất Mũi (Cà Mau) đã thông xe giúp việc đi lại thuận tiện hơn.

Đặt chân đến mỗi điểm cực mới cảm nhận thấy được sự linh thiêng và niềm kiêu hãnh, tự hào về Tổ quốc. Chỉ cần đặt bút vẽ một chữ S trên tờ giấy trắng chợt thấy lòng xốn xang ở điểm đặt bút cuối cùng. Cà Mau hấp dẫn bởi bản thân nó đã là một địa danh đặc biệt như thế.

Người đàn ông dáng người nhỏ thó, nước da đen cháy nắng miền cận xích đạo mà chúng tôi gặp ngay ở cổng vào khu du lịch Đất Mũi cho biết, mỗi ngày có rất nhiều lượt người về đây, đông nhất vẫn là dịp nghỉ lễ 30/4 hoặc 2/9. Họ đến để tận tay chạm vào cột mốc tọa độ hay tượng đài hình con thuyền đánh dấu vị trí địa lý của Mũi Cà Mau.

Người đàn ông cho biết, trước chúng tôi vừa có một cô gái ngoài 20 tuổi, một mình đi xe máy từ tận Tây Ninh đến với Đất Mũi. Cô gái ấy đã dành cả buổi sáng chỉ để ngồi nhìn trân trân vào biểu tượng con thuyền và rồi quay trở về với một nụ cười mãn nguyện. Chỉ thế thôi cũng đủ thấy rằng, Đất Mũi Cà Mau có sức hấp dẫn hơn mọi lời có cánh.

Xã hội - Những dấu ấn khó phai trên hành trình đến cực Nam Tổ quốc (Hình 2).

 Ngày càng nhiều người tìm đến Mũi Cà Mau như một trải nghiệm thú vị.

Đa số khách du lịch đến đây bằng tàu cao tốc từ bến ở trung tâm TP.Cà Mau, hoặc bến ở thị trấn Năm Căn. Tuy nhiên, nhiều người ưa mạo hiểm, thích khám phá lại chọn con đường bộ mới thông xe cách đây chưa lâu. Chúng tôi cũng chọn con đường bộ này bởi cái gì mới đều hấp dẫn và khiến người ta tò mò. Tuy nhiên, để vượt qua hơn 50km đường bộ nối 2 huyện Năm Căn với Ngọc Hiển không phải là đơn giản.

Trước đây chỉ mấy năm thôi, con đường duy nhất dẫn ra xã Đất Mũi là theo tàu, ca nô luồn qua kênh rạch chằng chịt. Nhưng kể từ khi thông xe vào đầu năm 2016, người dân nơi đây và du khách rất vui mừng. Việc thông xe đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn - Đất Mũi đã nối thông toàn tuyến đường bộ từ Pắc Bó (Cao Bằng) đến Mũi Cà Mau - điểm đầu đến điểm cuối của đất nước.

Xã hội - Những dấu ấn khó phai trên hành trình đến cực Nam Tổ quốc (Hình 3).

  Biểu tượng của Đất Mũi, điểm chấm cuối cùng trên bản đồ hình chữ S là niềm xúc động thiêng liêng với mỗi người Việt Nam khi đến nơi đây.

Tuy nhiên, con đường này bây giờ cũng thử thách tay lái không kém gì những cung đèo dốc uốn lượn. Bởi đường thông xe nhưng vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Nhiều đoạn đường đá sỏi và hun hút giữa rừng tràm mênh mông. Dẫu khó khăn và thời tiết khắc nghiệt, đất ngập mặn ngày càng gia tăng nhưng người dân nơi đây vẫn bám sâu vào cái mặn mòi ấy để sinh sống và phát triển, góp phần giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Khát khao đến điểm chấm cuối cùng

Là dân sông nước, quanh năm bám biển nên với người dân nơi đây, chiếc thuyền như là “đầu cơ nghiệp”. Họ chăm sóc, giữ gìn chiếc thuyền rất cẩn trọng. Mỗi gia đình làm nhà nổi trên sông đều có một khu mái lợp riêng để cất giữ thuyền. Chúng tôi gọi vui đó là những “gara” thuyền.

Xã hội - Những dấu ấn khó phai trên hành trình đến cực Nam Tổ quốc (Hình 4).

 Nhiều người trẻ tìm đến Mũi Cà Mau để tự mình cảm nhận sự linh thiêng và niềm kiêu hãnh, tự hào về Tổ quốc.

Khái niệm này có vẻ hơi lạ nhưng với người dân vùng sông nước lại quá đỗi quen thuộc. Bởi, chiếc thuyền là sự sống của mỗi gia đình. Thêm nữa, do đặc trưng nước ngập mặn nên không thể để thuyền lâu dưới sông như nhiều nơi khác. Họ phải tìm cách treo thuyền lên cao để chống ăn mòn.

“Mỗi chiếc thuyền đều có một chòi che được làm cẩn thận. Mỗi chòi che thuyền có thể được dựng kiên cố bằng xi măng lợp tôn hay chỉ đơn giản là lợp lá. Mỗi khi không đi biển, thuyền được treo cao, khô ráo. Ngay cả những chiếc cano cũng được “chăm sóc” chu đáo như vậy. Gia đình nào có nhiều thuyền sẽ chủ động làm “gara” to, rộng hơn, có sức chứa từ 3 đến 4 chiếc thuyền cùng một lúc”, anh Hùng, một người dân ở xã Đất Mũi chia sẻ.

Xã hội - Những dấu ấn khó phai trên hành trình đến cực Nam Tổ quốc (Hình 5).

 Những chiếc thuyền có "gara" riêng biệt.

Cũng theo lời người đàn ông đã có kinh nghiệm hơn 10 năm đi biển, giữ được thuyền tốt coi như giữ được sự no ấm cho cả gia đình. Bởi thế, thuyền được giữ cẩn thận, cầu kỳ đến từng chi tiết nhỏ.

Xã Đất Mũi là nơi tập trung đông dân cư sau quãng đường dài băng qua mênh mông rừng tràm với dừa xanh, người người tay bắt mặt mừng, như thân quen lâu ngày gặp lại. Nhưng, hỏi ra mới biết, họ chỉ là những du khách tới đây tham quan, du lịch.

Tình yêu với Tổ quốc trên mảnh đất cuối cùng của bản đồ Việt Nam (trên đất liền) đã giúp chúng tôi và những người xa lạ xích lại gần nhau một cách thật tự nhiên. Người hướng dẫn viên du lịch tên Hải có kinh nghiệm hơn 5 năm dẫn đoàn về Cà Mau cho biết, tình cảm của du khách mọi miền dành cho vùng đất thiêng liêng này là điều khiến anh vô cùng cảm động. Đó cũng là lý do để anh gắn bó với công việc này.

Xã hội - Những dấu ấn khó phai trên hành trình đến cực Nam Tổ quốc (Hình 6).

 Biển chỉ dẫn đơn sơ trên con đường chưa hoàn thiện càng khiến Cà Mau hoang sơ hấp dẫn đặc biệt.

Nhập đoàn rất nhanh trong sự thân tình đặc biệt để cùng nhau đi bộ ra với biểu tượng con thuyền, tôi nghe anh nhắc đến những người đã lớn tuổi, say sóng nhưng vẫn khao khát đặt chân lên cái chấm cuối cùng của đất liền. Nhiều bạn trẻ đam mê khám phá là chuyện bình thường, nhưng với người lớn tuổi, họ không có thời gian để chờ đợi. Bởi vậy, có điều kiện là họ đi và mặc cho những cơn say sóng hành hạ đến thế nào, đứng trên điểm cực Nam của Tổ quốc, họ vẫn nở nụ cười mãn nguyện.

Trong chuyến đi này, tôi nhận thấy, một trong những điều cuốn hút ở Cà Mau có lẽ là sự chất phác, hiền lành của người dân nơi đây. Không thương mại, không du lịch hóa, điểm cực Nam đón du khách như đất mẹ đón những đứa con yêu xa nhà lâu ngày, luôn niềm nở và thắm nghĩa, nặng tình.

Xã hội - Những dấu ấn khó phai trên hành trình đến cực Nam Tổ quốc (Hình 7).

 Cuộc sống rất đỗi bình yên ở Đất Mũi Cà Mau.

Đi dọc địa bàn xã Đất Mũi, một khung cảnh hết sức yên bình là trước cửa mỗi nhà đều có một sân tôm khô. Những con cá được xâu thành dây, treo phơi giữa trời nắng. Bao năm nay, người dân mưu sinh với tôm, cá ở biển quê mình. Đó cũng chính là những món quà mà thiên nhiên ban tặng cho con người nơi đây, để họ vượt qua cuộc sống khó khăn, ngày đêm bám biển, góp phần giữ gìn chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Xã hội - Những dấu ấn khó phai trên hành trình đến cực Nam Tổ quốc (Hình 8).

 Phấn khích tột cùng khi đứng ở điểm cuối trên đất liền thấy cả Biển Đông và vịnh Thái Lan mênh mông.

Chúng tôi cũng như rất nhiều người dân Việt Nam đến với Cà Mau, tìm ra Đất Mũi bởi lý do thật đơn giản, đó là mảnh đất cực Nam của Tổ quốc. Cái cuốn hút nhất đối với tôi khi đặt chân đến điểm cuối cùng trên dải đất hình chữ S, có lẽ là sự đơn giản. Mọi thứ đều đơn giản, từ con người đến món ăn, từ không gian đến cảnh vật.

Xã hội - Những dấu ấn khó phai trên hành trình đến cực Nam Tổ quốc (Hình 9).

Đến Cà Mau không thể bỏ qua cột mốc ngay tại TP. Ca Mau, nơi đánh dấu điểm cuối của Quốc lộ 1A cũ chạy suốt chiều dài đất nước.

Hình ảnh người con gái quê Tây Ninh một mình một xe máy mà tôi lỡ dịp làm quen đã ám ảnh tôi làm tôi ấn tượng cho đến tận bây giờ. Đôi khi, hạnh phúc giản đơn là được sống và làm những gì mình mong ước – như cô gái ấy, thong dong đến mảnh đất tận cùng của Tổ quốc để đắm mình trong suy tưởng và tự hào...

Ghi chép của Dương Thu

Cùng tác giả

ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai: Đầu tư công hiếm nơi nào như Việt Nam

Thứ 2, 29/10/2018 | 09:44
Đề cập đến vấn đề đầu tư công dàn trải thời gian qua, ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai (TP.Hà Nội) cho rằng, từ “đầu tư dàn trải” trở nên quen thuộc.

Tín dụng đen tạo ra “chị Dậu thời đại mới”

Thứ 6, 26/10/2018 | 15:27
Thảo luận về kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu bày tỏ lo ngại, băn khoăn về tình trạng tín dụng đen hoành hành gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

"Chúng ta không được phép quên những hy sinh của thế hệ cha anh"

Thứ 6, 27/07/2018 | 08:30
Trong 71 năm qua, với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn luôn quan tâm chăm lo công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng.

"35 cảnh sát cơ động được tổ chức ôn thi rất kỹ"

Thứ 6, 20/07/2018 | 06:00
PV báo Người Đưa Tin có cuộc phỏng vấn Thiếu tướng Lê Vân, Cục trưởng cục An ninh chính trị nội bộ A83, (bộ Công an) về những bất thường trong điểm thi THPT Quốc gia 2018 tại Lạng Sơn, nơi có 35 cảnh sát cơ động dự thi.

Nguyên ĐBQH Phạm Thị Mỹ Lệ đột ngột qua đời

Thứ 4, 04/07/2018 | 11:26
Bà Phạm Thị Mỹ Lệ, đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước khóa XIII đột ngột qua đời sau khi đến một cơ sở làm đẹp trên địa bàn.