Những

Những "Đôi mắt Pleiku" trong cuộc đời Nguyễn Cường

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:59
0
Khi viết về "Đôi mắt Pleiku", nhạc sĩ Nguyễn Cường không chỉ viết cho một người. Ông muốn, mỗi cô gái Tây Nguyên đều có thể bắt gặp đôi mắt mình khi soi vài bài hát. Tuy nhiên, Nguyễn Cường không thể phủ nhận: "Ca khúc này ra đời dựa trên câu chuyện có thật"...

“Âm nhạc đã bất tử hóa mọi vẻ đẹp”

"Đung đưa, đung đưa, chiếc gùi đung đưa, H'Jen lên rẫy. Rung reng rung reng, xích vòng công tua, H'ren lên rẫy .. ", đó là những ca từ trong ca khúc "H'Jen lên rẫy" của nhạc sĩ Nguyễn Cường mà người dân Tây Nguyên vẫn xem như là dân ca của họ. Ông gặp nàng trong một cuộc gặp gỡ định mệnh, duy nhất và thoáng chốc thôi nhưng ấn tượng thì theo suốt cuộc đời.

Nhạc sĩ Nguyễn Cường và người dân Tây Nguyên

Đó là một buổi chiều mùa hè, sau khi gác lại công việc, Nguyễn Cường một mình thong dong đi bộ trên con đường đất đỏ. Ông còn nhớ lúc đó mặt trời đỏ rực như một khối lửa. Đó là điều quen thuộc của thời tiết miền đất bazan, quanh năm nắng nóng, không có mùa đông và địa hình chủ yếu đồi núi. Nhưng hôm nay, dường như mặt trời đỏ hơn thường ngày. Giữa cái bạt ngàn xanh mướt của cao su, cà phê, màu đỏ ấy khiến cho không gian càng trở nên hùng vĩ hơn. Thật ngẫu nhiên và kỳ lạ, trên con đường đất đỏ dài hun hút ấy, bỗng nhiên xuất hiện một cô bé trạc khoảng 16, 17 tuổi. Nàng đẹp một vẻ đẹp xinh xắn, khỏe mạnh pha lẫn chút hoang dã của con gái núi rừng Tây Nguyên.

Nguyễn Cường nhớ lại: "Lúc đó tôi nhớ đến mấy câu nói Y Moan từng dạy để giao tiếp với người ê đê. Tôi hỏi nàng: "Y no hơ tênh"?", nghĩa là: "Em đi đâu đấy", nàng mỉm cười trả lời: "No ma". No ma là gì thì chịu rồi. Nhưng lúc đó muốn bắt chuyện lắm, muốn bắt chuyện mà không biết tiếng dân tộc của nàng thì dở quá. Tôi đành hỏi liều: "Em có biết tiếng Kinh không?". Không ngờ nàng biết thật và còn nói rất giỏi nữa.

Nàng tên H'Jen, ở buôn 35. Hôm đó H'Jen vận chiếc váy truyền thống của dân tộc ê đê. Tóc đen buông xõa, vai mang gùi, vừa đi vừa hát. Bóng dáng bé nhỏ của em như đung đưa theo những cơn gió đại ngàn. Con đường đất đỏ, màu xanh cỏ cây, mặt trời đỏ rực, những hình ảnh ấy khiến tôi rạo rực. Âm nhạc bật ra và nhảy nhót trong đầu. Tối đó tôi viết một mạch xong bài "H'Jen lên rẫy". Sau này mới biết "No ma" tức là đi rẫy.

Cuộc gặp gỡ với nàng H'Jen chỉ có đến thế, ngắn ngủi thôi nhưng ấn tượng. Ca khúc này sau đó được đoàn văn nghệ Đắc Lắc lấy làm tiết mục đi thi toàn quốc năm 1981. Nhưng nó cũng gặp không ít chông gai. Khi công bố bài hát, có người cho rằng tôi đi ca ngợi một con bé vớ vẩn, nó yêu đương lăng nhăng, nổi tiếng cả buôn 35. Nhưng tôi quan tâm đến đời sống của nàng làm gì. Tôi và nàng chỉ gặp nhau một lần, rồi thôi. Cái còn lại là âm nhạc. Mặc dầu thế, tôi vẫn nghe bạn bè kể chuyện về nàng. Sau đó ít lâu, nàng lấy chồng. Chồng nàng tên là Y Zúc, cũng là một diễn viên trong đoàn ca múa nhạc tỉnh Đắc Lắc. Nhưng hình như sau đó bỏ đi làm rẫy.

15 năm sau trong một dịp trở lại Tây Nguyên, tôi được một phóng viên hỏi lại về H'Jen. Nhưng tôi cũng phải thú nhận là không biết tin tức gì, nàng ở đâu, làm gì, tôi không biết. Thế mà phóng viên nọ đã tìm được nàng, đến tận nhà nàng để phỏng vấn, hỏi chuyện. Nhưng hỡi ôi, ấn tượng còn lại là sự thất vọng. Vì H'Jen xinh xắn của tuổi 17 không còn nữa. Nàng đã là một bà mẹ 2 con, sồ sề và già nua một cách kinh khủng. Cũng phải thôi vì nàng có xinh đến mấy thì nàng cũng phải già đi thôi.

Nhưng may mà mình không gặp. Không phải vì điều gì mà vì mình muốn giữ những ấn tượng đẹp nhất về nàng. Mình tin nàng cũng có những cảm xúc đẹp với anh chàng bắt chuyện hôm đó vì nó quá đỗi trong sáng, hồn nhiên. âm nhạc đã làm được một điều kì diệu là bất tử hóa mọi vẻ đẹp".

“Đôi mắt Pleiku”... hoang dã mà gợi tình

Nguyễn Cường nói, thi thoảng có người hỏi để nhớ lại những kỉ niệm cũng là một điều hạnh phúc đối với ông. Tôi nói vui và để bắt bẻ ông một chút: "Thế rồi nàng đi mất luôn à? Nhạc sĩ không giữ lại và cũng không níu kéo điều gì với nàng ư?". Ông đáp rằng: "Sao lại không, tôi giữ được cái hồn của vẻ đẹp cô ấy là đủ rồi. Còn cuộc đời nàng là phía trước. Nàng phải đi chứ, mình không giữ được". Rồi tôi nói với ông về bài hát" Đôi mắt Pleiku" sao mà có vẻ đẹp huyền hoặc, bí ẩn? Có lẽ ông từng yêu một đôi mắt như thế?". Ông thành thực, cái thành thực của một người nghệ sĩ phóng khoáng, từng trải: "Không phải là một mà là 99 đôi mắt như thế. Mắt con gái Tây Nguyên đẹp lắm, hoang dã mà gợi tình".

Ông kể, khi viết về "Đôi mắt Pleiku", ông không chỉ viết cho một người. Ông muốn, mỗi cô gái Tây Nguyên đều có thể bắt gặp đôi mắt mình khi soi vài bài hát. Tuy nhiên, gã cao bồi Hàng Bạc không thể phủ nhận: "Ca khúc này ra đời dựa trên câu chuyện có thật". Nàng không có tên tuổi cụ thể như H'Jen nhưng ông vẫn cón nhớ lắm vẻ đẹp rực rỡ của nàng. Còn đôi mắt thì huyền bí như muốn nuốt chửng người đối diện.

Ông kể tiếp: "Năm 1990, ông cùng 20 nhạc sĩ kì cựu khác lên Tây Nguyên tham gia trại sáng tác do tỉnh Đắc Lắc tổ chức. Một tháng trời dầm dề ở đó, cuối cùng mỗi người cũng "đẻ" ra được 2 ca khúc như đã hẹn. Hôm công bố, thấy toàn đực rựa ngồi với nhau, tôi bèn vỗ vai anh bạn phụ trách chương trình hôm đó: "âm nhạc mà không có mỹ nhân nào thì sao có thể hay được. Cậu gọi mấy cô xinh xinh đến đây thì các nhạc sĩ mới có cảm hứng hát được". Anh bạn mỉm cười, gật đầu đồng ý ngay.

Một lúc sau thì có 3, 4 cô xinh xinh đến thật, trong đó nàng là người xinh nhất. Nàng ngồi cạnh mình nhưng ngồi ngay bên cạnh thì sao có thể ngắm nàng được, hơn nữa nói chuyện cũng mất tự nhiên. Tôi nói với nàng: "Anh cám ơn em vì đã ngồi cạnh anh, nhưng ở đây có nhạc sĩ Văn Ký là người lớn tuổi nhất, lại là thầy của anh nên em nên ngồi cạnh anh ấy". Thế là cô bé ngoan ngoãn đến ngồi cạnh nhạc sĩ Văn Ký. Mình vừa được ngắm nàng thỏa thích vừa được tiếng... "kính lão đắc thọ". Rồi cả hội uống bia, uống được 2 cốc thì thấy ánh nắng từ đâu chiếu thẳng vào nàng.

Thứ nắng khoái chiều hôm Tây Nguyên đẹp lắm. Nàng lại mặc áo vàng nữa, thế là tự nhiên mình thấy người nàng như có ánh hào quang tỏa ra. Còn đôi mắt thì sáng rực. Cộng thêm men rượu nữa, thế là người cứ chếnh choáng. "Trái tim tôi muốn vỡ tan rồi" là cảm giác có thật, vì lúc đó nàng đẹp quá, đẹp đến nghẹt thở. Rồi ngay tại bàn nhậu, âm nhạc, ca từ cứ thế bay lên. Khi tôi hát xong hai bài đặt hàng sáng tác trước đó, đến bài này, chỉ định hát chơi, chia sẻ với mọi người, nhưng nghe xong tất cả đều ngỡ ngàng. Một bài hát chẳng liên quan gì đến “đường lối xã hội” gì cả nhưng lại Tây Nguyên nhất, xúc động nhất. Cuối cùng nó trở thành bài được thu âm đầu tiên trong lần đi thực tế đó".

Đào Bích