Những giọt mồ hôi đêm và dòng suối tiên kỳ bí

Những giọt mồ hôi đêm và dòng suối tiên kỳ bí

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
0
Người dân tin rằng, suối Ké là nơi mà ngày xưa những nàng tiên thường tắm.

Người dân miền sơn cước Đà Bắc không chỉ sống bằng việc đi rừng, làm nương mà việc có con sông Đà chảy qua đã mở ra cho họ một nghề mưu sinh mới. Nghề đánh bắt cá trên sông. Theo chân "người lái đò" của mình là anh Xa Văn Huy, con trai ông Chủ tịch xã Hiền Lương, chúng tôi đã có một buổi lao động thực sự với hai công việc có thể kiếm cơm như lời những người dân bản địa nói. Đó là đi giăng lưới và cất vó trên sông.

Xã hội - Những giọt mồ hôi đêm và dòng suối tiên kỳ bí

Trải nghiệm bắt cá từ vó trên sông

Kỳ lạ mồi cá bằng ánh điện

5h chiều, Huy đã nhắc chúng tôi chuẩn bị đồ đạc để sẵn sàng một đêm trắng trên sông Đà hùng vĩ. Nói là chuẩn bị nhưng thực ra chỉ là mang theo mấy chai nước và vài cái bánh mỳ. Bởi theo kinh nghiệm của Huy, công việc ở trên sông mát mẻ nhưng nhọc lắm, hay khát nước và đói nữa. Đến 6h, chúng tôi xuất phát từ nhà Huy đi thẳng xuống chiếc thuyền nan nhỏ để ra sông. Ước chừng hơn 3000 mét lưới đã được Huy xếp ngay ngắn và khô ráo từ bao giờ. Chiếc thuyền chèo ra khỏi bờ chừng 10 phút thì Huy bắt đầu thả lưới. Đôi bàn chân dẻo dai điêu luyện đạp mái chèo êm ru. Tay anh khéo léo gỡ lưới buông xuống lòng hồ mênh mông. Theo lời Huy thì việc đánh cá bằng lưới chỉ đa số là bắt được cá thiểu, con to nhất cũng khoảng - 2 kg. Nhiều người dân cho biết, chỉ có ở bờ sông Đà này người ta mới có thể bắt được những con cá thiểu to đến thế. Nếu may mắn còn có thể bắt được cả cá Ngạnh - một loại cá ngon nức tiếng của sông Đà.

Ánh điện trên sông loang loáng hình những chiếc vó được thả nổi. Đây cũng chính là thứ ánh sáng để cá tập trung vào tâm vó (thay cho mồi). Cái đặc biệt của vó cá trên sông Đà chính là dụ cá bằng ánh sáng của đèn điện. Nếu đêm nào mưa gió, điệån vó nào không sáng là cũng coi như vó đó sẽ không có thu hoạch. Thường thường, mỗi vó sẽ cất một lần trong một đêm. Nhưng nếu đúng vào mùa đánh bắt thì có thể kéo 2 - 3 lượt, cá vẫn rất nhiều, chỉ sợ con người không đủ sức để kéo. Huy cho biết: "Ngày trước nhà em có 6 cái vó như thế, nhưng giờ 2 cái đang bị hỏng cần sửa chữa, chỉ còn 4 cái đặt trên hồ. Mỗi một lượt kéo một chiếc vó cũng mất từ 30 phút đến 1 tiếng đồng hồ. Những tháng nhiều cá, cả gia đình phải đi kéo thì mới kịp cất cá để bán vào buổi chợ sớm hôm sau".

Theo quan sát của chúng tôi, mỗi chiếc vó như thế có chiều dài cạnh từ 18 - 20 mét. Chiếc bè khung và vó làm toàn bộ bằng thân cây luồng. Đây là cây gần giống với tre nhưng nhẹ và nổi tốt trên mặt nước. Chính vì vậy mà bè và vó khi thả xuống chỉ có thể chìm sâu tối đa là 10m so với độ sâu từ 60 - 80m của lòng hồ. Đây là độ sâu dễ đánh bắt nhất và cũng là độ sâu an toàn, không làm vó bị trôi khi trời mưa to gió lớn.

Sau khi vó đã nhô lên khỏi mặt nước, chúng tôi tiếp tục bơi thuyền vào sâu trong lòng bè, nơi đặt vó. Có lẽ đây là lúc công việc thú vị và hồi hộp nhất. Bởi chúng tôi sắp được thấy thành quả mình. Nhìn những chú cá trong khoang thuyền nhảy lên nhảy xuống lấp lánh dưới ánh điện, bao mỏi mệt trong 3 người chúng tôi đều tan biến. Điều vô cùng đặc biệt trong chuyến đánh cá đêm lần này của chúng tôi là bắt được 12 con cá ngạnh chừng 1 kg. Theo lời của Huy, người có nhiều năm kinh nghiệm đánh bắt cá trên sông thì khúc sông này rất hiếm loài cá ngạnh. Hôm nay, không biết trời xui đất khiến cảm phục lòng can đảm của hai người con gái miền bằng như chúng tôi hay sao mà cá mắc vó nhiều đến thế. Niềm vui lớn hiện rõ trong nụ cười sảng khoái của Huy khiến chúng tôi cũng thấy lòng lâng lâng.

Cá đổ vào khoang, chiếc quay tay được thả tự do cho vó rơi xuống lòng hồ đợi mẻ cất vào đêm kế tiếp. Và thuyền chúng tôi lại tiến về những chiếc vó khác. Khoảng 4h30' sáng, toàn bộ số cá trên thuyền được đưa vào bờ đổ buôn cho những người từ Phú Thọ sang, từ Hòa Bình vào. Cá được đưa đi tiêu thụ khắp nơi trong ngày, chủ yếu là ở Việt Trì, Phú Thọ và TP.Hòa Bình.

Xã hội - Những giọt mồ hôi đêm và dòng suối tiên kỳ bí (Hình 2).

Suối "thần dược"

Bí ẩn dòng suối làm đẹp da

Xung quanh sự xuất hiện của lòng hồ suối Ké các cụ thâm niên trong làng thường kể lại cho con cháu nghe những huyền tích về các nàng tiên trên trời xuống tắm. Theo những huyền tích đó thì vào thuở hoang sơ, khi khoảng rừng bên dòng Đà giang này còn hoang vu, rậm rạp. Các nàng tiên xinh đẹp trên trời thường bay xuống con suối này tắm. Họ cười nói, đùa nghịch và ca hát vang cả cánh rừng. Những tiếng khúc khích của họ làm cho khu rừng trở lên sinh động hơn. Và cứ hễ thấy tiếng động của con người thì họ lại vội vã cùng nhau bay đi mất. Tuy đây chỉ là một câu chuyện được dân gian thêu dệt nhằm ngợi ca sự thơ mộng của con suối giữa cánh rừng đại ngàn nhưng người ta lại tin vào nguồn nước suối "thần dược" này.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, xóm Ké (trước đây gọi là bản Ké) cũng là một xóm nằm men theo ven con sông Đà thơ mộng. Nhưng muốn lên suối Ké thì phải đi theo con đường nhỏ lên núi, băng qua một vài con suối nhỏ khác. Suối Ké nằm lọt thỏm giữa một khoảng mênh mông rừng xanh hoang vu và rộng lớn. Người dân nơi đây kể lại rằng, suối là một đoạn còn sót lại duy nhất của con suối Chương chảy dài từ những bản làng vùng núi cao của tỉnh Hòa Bình xuống tận phía lòng hồ sông Đà (trước đây là nơi sinh sống của người dân bản Ké).

Theo dự án "chuyển dân khỏi lòng hồ" để xây dựng thủy điện Hòa Bình vào năm 1985, người dân bản Ké phải bỏ lại tất cả ruộng động tốt tươi để chuyển lên vùng đất ven triền núi có độ dốc cao từ 70 - 80m sinh sống. Cũng từ đây, suối Chương dần bị vùi lấp xuống lòng hồ sông Đà và hiện đoạn cuối nguồn nằm tại xóm Ké. Từ khi mở con đường liên thông từ thị trấn Đà Bắc lên các xã vùng cao của huyện mà điểm cuối là xã Tiền Phong, nhiều người đã không còn nhớ sự tồn tại của cái tên suối Chương - con suối một thời chảy qua con đường dọc sông Đà hiện nay nữa.

Nói chuyện với chúng tôi, ông Bùi Văn Vượng (76 tuổi) - một người dân xóm Ké cho biết: "Trước đây bản Ké chúng tôi ở dưới lòng hồ kia cơ, suối Chương chảy từ trên núi xuống là nguồn nước sinh hoạt chính của cả bản. Khi làm thủy điện, nước sông Đà dâng cao người dân phải di chuyển lên trên sườn núi sống thì suối cũng nhập vào sông từ đó. Rồi làm nhà, làm đường, làm đất trồng ngô, sắn… suối chỉ còn lại một đoạn trên đó thôi nên người ta lấy luôn tên xóm làm tên suối. Tôi cũng không biết suối có từ khi nào, chỉ biết rằng nước suối rất trong, rất mát và đàn bà, con gái thường đến đây tắm rồi truyền tai nhau bí quyết trắng da, chữa mụn…".

Mục sở thị suối Ké vào một ngày mùa hè nắng nóng, chúng tôi bị choáng ngợp bởi vẻ đẹp thơ mộng và hoang sơ của suối. Dòng suối đổ từ cánh rừng ngút ngàn bên trên xuống, men qua các tảng đá lớn nhỏ và tung bọt trắng xóa xuống một khoảng lòng hồ rộng chừng 30m2. Đứng từ dưới lòng hồ nhìn lên trên rừng đại ngàn xanh thẳm, suối Ké như điểm nhấn trong một bức tranh sơn thủy hữu tình.

Từ lâu những cô gái bản Mường trong xã Hiền Lương đã rỉ tai nhau về tác dụng thần kì của nước suối Ké. Khi Hiền Lương còn hoang sơ, các hộ dân còn khó khăn, chưa có điều kiện nối mạch nước suối từ trên rừng về nhà thì các chị em từ xóm Ké và các xóm quanh vùng đều đến suối để tắm. Dòng nước kì lạ mùa hè thì mát rượi, mùa đông thì ấm áp đã gắn bó với những người con gái vào mỗi buổi chiều tối sau khi lên rừng hái măng, nhặt củi… Những người con gái ấy da cứ trắng mịn mà chẳng cần dùng một loại mỹ phẩm nào cả. Và họ tin rằng nước suối Ké, nơi các nàng tiên đã từng tắm đã mang lại cho họ làn da trắng trẻo, mịn màng như vậy. (Còn nữa).

Diệu kỳ dòng suối giữa đại ngàn

Bên bờ sông Đà yên bình, thơ mộng còn có một con suối nằm giữa đại ngàn hun hút với bao nhiêu điều kỳ bí đã gắn liền với người dân nơi đây từ thuở khai sơn lập địa. Đó là suối Ké nằm trên địa phận xóm Ké, xã Hiền Lương. Con suối với dòng thác nhỏ quanh năm tung bọt trắng tạo thành một lòng hồ trong vắt, xanh màu rừng núi đã trở thành một nơi tắm trắng "hoang dã" của những cô gái bản Mường xinh đẹp. Bao đời nay họ đã truyền tai nhau về tác dụng trắng da cũng như rửa sạch mụn của dòng suối bí ẩn này. Hơn những điều kỳ bí ấy, suối Ké đang dần trở thành địa điểm vui chơi, du lịch cho người dân địa phương cũng như du khách khắp nơi. Người dân xóm Ké đang dần thân quen với hình ảnh những ngày cuối tuần, khách thập phương tìm đến suối Ké nhóm bếp nướng thịt, uống rượu, tắm suối và tận hưởng những dư vị ngọt ngào giữa núi rừng hoang sơ mà hiếm nơi nào có được.

Thu Nhung