Những kiêng kỵ đặc biệt của người dân ở bản Tày cổ

Những kiêng kỵ đặc biệt của người dân ở bản Tày cổ

Thứ 5, 31/01/2013 | 08:26
0
Mùa xuân, đào nở rộ trên những con đường lên vùng cao miền núi phía Bắc. Những ngày giá lạnh này, nếu ai đó thích phiêu diêu, xách ba lô ngược dốc ngược đèo mà đi chắc chắn một điều rằng sẽ không phải tiếc nuối khi trở về. Tôi cũng cái thú phiêu diêu pha chút gàn dở. Ngày Tết, bỏ lại sau lưng sự ồn ào lung linh phố thị, tôi đến với người Tày cổ ở bản Khuổi Ky, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, Cao Bằng để biết thêm về nét văn hoá đặc sắc của người dân vùng cao.

Ăn Tết cả tháng

Người vùng cao không có quan niệm quanh năm ba ngày Tết như người miền xuôi. Bởi với họ, đã Tết là vừa ăn vừa chơi kéo dài cả tháng trời. Mùa xuân là mùa lễ hội, là mùa nghỉ ngơi sau một năm lao động vất vả, là mùa để những đôi trai gái tìm nhau, mùa của sự yêu đương, kết đôi. Bởi thế, dù công việc có bận rộn, hay cuộc sống có sung túc hay không thì người vùng cao cũng tự cho mình nghỉ dài, nghỉ miết,... Để rồi cả năm sau kỳ nghỉ dài ấy, họ lại vùi đầu vào với nương với rẫy.

Bản Khuổi Ky nằm yên bình bên dòng sông Quây Sơn thơ mộng. Bản nức tiếng khắp cả nước bởi đây là bản Tày cổ còn giữ được nguyên vẹn những văn hóa, phong tục, tập quán của người Tày từ khi xuất hiện cho đến ngày nay, không hề bị mai một. Những nếp nhà sàn đặc trưng của người Tày với hai tầng, tầng trệt để chăn nuôi gia súc, tầng trên là gia đình sinh sống, lợp bốn mái chéo với độ cao hầu như gần bằng nhau. Một kiểu kiến trúc phủ khắp thôn bản khiến du khách lạ tới đây có cảm giác như được sống chậm lại, nghĩ ít đi và yêu thương nhiều hơn. Đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán, những bản sắc văn hóa tinh hoa nhất hội tụ níu giữ chân du khách thập phương nếu có dịp đến đây cùng đón Tết với người dân bản.

Tôi đến nhà ông Nông Văn Phú (SN 1965), một người con của bản Tày cổ, hiện phụ trách trông coi nhà làng dân tộc Tày Khuổi Ky. Ngôi nhà mái thấp với gian dành để tiếp khách, một gian bếp và hai gian có mành che là hai phòng ngủ dành cho bố mẹ và con cái. Ngôi nhà nhìn bề ngoài đơn sơ, nhưng cách bài trí từng gian riêng biệt, đặc biệt là khu bếp ở trong nhà khiến không khí ngày Tết trở nên ấm cúng và thân thiện.

Xã hội - Những kiêng kỵ đặc biệt của người dân ở bản Tày cổ

Lễ hội khắp nẻo vùng cao vào ngày đầu xuân.

Món ăn được chờ đợi nhất trong ngày Tết của người dân bản Khuổi Ky là món Nậm Khau. Ông Phú cho biết: "Để chế biến món này, phải hết sức cầu kỳ, đòi hỏi người đầu bếp phải có tính kiên trì và khéo tay nữa. Thường trong ngày Tết, nhà nào cũng chuẩn bị sẵn một con lợn chừng 50kg để làm thực phẩm ăn cho cả dịp Tết". Nói về món Nậm Khau, ông Phú bật mí: "Để làm Nậm Khau ngon phải chọn thịt ba chỉ rồi cắt thành khoanh  bản to chừng bàn tay, cho vào nồi hấp cách thủy tới chín. Khi thịt chín, đem vớt ra thả qua nước lã cho nguội rồi tẩm ướp gia vị cho vừa. Gia vị gốm mắm, muối và lá hoặc quả móc mật. Thịt được tẩm ướp sẽ được cho vào hấp tiếp hoặc rán phồng lên. Thịt đó có thể dùng luôn trong bữa ăn ngày Tết, nhất là bữa cúng tất niên. Cũng có thể để thịt lên gác bếp ăn dần cả tháng trời. Thịt đã qua chế biến nên không sợ ôi thiu. Đặc biệt, theo công thức chế biến như vậy, thịt dù để cả tháng sau mang ra chế biến lại vẫn giữ nguyên được mùi vị ngon ngọt của lợn thả rừng".

Người Tày cổ không chơi đào, không chơi mai. Họ quan niệm rừng đào nở rộ khắp nơi, đó là sản vật sẵn có nên không có gì đặc biệt. Trước ngày Tết khoảng một tuần, họ thu dọn nhà cửa sạch sẽ, mang những tấm áo chàm mới nhất ra hong lại cho thơm để diện năm mới. Áo chàm phải do tự tay mình hoặc những người thân yêu dệt trong một năm qua. Trẻ con xúng xính khăn áo, vòng bạc, người lớn thì tất bật chuẩn bị thực phẩm. Trong vòng một tháng, người dân tộc Tày nơi đây xác định sẽ không động tay động chân vào bất cứ việc gì. Với họ, mùa xuân là mùa ăn chơi, nghỉ ngơi sau một năm lao động vất vả. Hơn nữa, dịp nghỉ Tết với lễ hội diễn ra cả tháng cũng là cơ hội cho các đôi trẻ tìm hiểu và yêu nhau. Tết là để cả bản được gặp mặt hội tụ sau một năm vất vả đi nương đi rẫy.

Nhìn bếp lửa đỏ hồng một góc nhà, ông Phú cho biết: Từ 27, 28 Tết, nhà nhà đã đỏ lửa nấu bánh chưng bánh khảo. Trước Tết, họ lên rừng chọn lá cây để mang về làm thần may mắn cho mình. Người được chọn đi hái lá là người chủ trong gia đình. Lá cây được lựa chọn là lá cây tươi, đẹp, trong rừng sâu. Lá càng lâu năm thì lộc càng nhiều và ma càng sợ. Trước ngày Tết chính khoảng hai hôm, họ mang lá cây rải khắp trước cửa nhà. Bên cạnh đó, người chủ gia đình cũng chịu trách nhiệm chọn từ rừng mang về một cây vầu thật thẳng, đẹp, cao, cong để mang về cắm trước cửa nhà và treo lên đó một chiếc bánh chưng. Không những thế, họ còn lấy vôi bột rắc ra trước cửa. Người Tày cổ quan niệm làm như vậy sẽ tránh được tà ma vào nhà, năm mới tốt lành hơn, đón được nhiều khách đến chơi và mang được  nhiều may mắn vào nhà.

Điều đặc biệt trong phong tục Tết của người Tày cổ đó là trong ba ngày Tết chính, lửa bếp mỗi nhà không bao giờ được tắt vì bất kỳ lý do gì. Người chủ gia đình cũng phải thức cả đêm 30 để thắp hương thơm lên bàn thờ tổ tiên, không để bàn thờ tắt khói hương. Như vậy là họ tỏ lòng kính trọng tổ tiên và biết ơn những người đi trước đã cho mình góp mặt trong cuộc đời này.

Công cụ lao động cũng được “ăn Tết”

Theo ông Nông Văn Phú, người Tày rất chú trọng chuyện chọn người xông nhà vào ngày Tết. Không giống như nhiều dân tộc khác chỉ cần một người khỏe mạnh, gia đình hạnh phúc xông nhà để đem theo vận may. Người Tày cổ có những yêu cầu khá khắt khe. Kỵ nhất là những người đang phải chịu tang. Điều kỵ thứ hai là những người khách không mời mà đến. Người xông nhà năm mới nhất định phải là con trai. Người con trai ấy lại phải đẹp trai, ngoan ngoãn theo nhìn nhận của mọi người trong bản. Không nhất thiết phải là họ hàng thân thiết, cứ đạt tiêu chuẩn là sẽ được "dấm" trước để mời tới xông nhà vào đêm 30, rạng sáng ngày mùng 1. Người đến xông nhà sẽ được gia chủ để sẵn một đồng bạc cổ thật quý giá của gia đình, với hy vọng rằng tặng đi điều tốt đẹp để mang về nhà những điều tốt đẹp tương tự khác.

Trong ba ngày Tết chính, nhà nào cũng đỏ lửa cả ngày lẫn đêm. Người Tày quan niệm sau một năm lao động vất vả, họ sẽ tự cho mình nghỉ ngơi một thời gian dài trước khi bắt đầu một năm lao động vất vả tiếp theo. Do đó, không chỉ cho mình nghỉ ngơi, họ còn cho cả công cụ lao động được nghỉ ngơi theo mình.

Trước Tết một tuần, song song với việc dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị đồ cũng lễ, người Tày nơi đây sẽ rửa thật kỹ những nông cụ sản xuất hàng ngày và treo vào một góc nhà. Họ quan niệm, cùng để công cụ lao động nghỉ ngơi chơi Tết cùng mình thì năm mới sẽ gặp nhiều may mắn hơn. Có những nơi, người Tày còn treo cả bánh chưng và vải đỏ cho những công cụ lao động ấy. Như vậy, hàm ý mong một năm mới sản xuất thuận lợi, no đủ.

Những ngày Tết chính từ mùng 1 đến mùng 3, người Tày kiêng nhất là đến nhà người lạ. Phải là những gia chủ có ý mời thì họ mới tới hoặc là đi thăm gia đình họ hàng thân thiết. Mùng 2 mùng 3 họ giành để đi chúc tụng những người quanh bản. Sau ngày mùng 3, tất cả thanh niên, người già, trẻ nhỏ đểu tự tổ chức và tham gia chơi ném còn, đánh đu, hát lượn...

Hòa mình vào niềm háo hức du xuân, tôi bỗng thấy lòng thênh thang, nhẹ nhàng với cuộc sống giản đơn, thú chơi xuân thanh tao của người vùng cao. Nhìn ra xung quanh, rừng núi bao lấy bản làng, đào hồng rực giữa cái lạnh ngọt ngào. Một năm mới bình an và hạnh phúc sẽ theo về trên những bản làng vùng cao.      

Khuổi Ky là bản vùng cao với 100% dân tộc Tày sinh sống và đã được bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch công nhận là làng văn hóa truyền thống tiêu biểu dân tộc ít người. Công trình bảo tồn làng văn hóa dân tộc Tày làng Khuổi Ky là Nhà văn hóa được xây dựng hai tầng theo kiến trúc truyền thống đã hoàn thành với tổng diện  sàn trên 650m2, diện tích sân vườn 450m2, sân sinh hoạt chung 650m2, bãi đỗ xe 140m2, cầu vào bản chiều dài gần 20m, mặt cầu rộng 2,4m, tải trọng 2,5 tấn. Đây sẽ là nơi sinh hoạt chung và lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc nhất của bản Tày cổ.   

Dương Thu

 

Cụ ông 90 tuổi người dân tộc Tày biết 5 thứ tiếng

Thứ 7, 05/01/2013 | 18:28
Trong chuyến công tác về huyện vùng cao Trùng Khánh, Cao Bằng, chúng tôi may mắn được gặp gỡ với những con người đặc biệt được xem như những dị nhân giữa núi rừng. Một trong số đó là ông Nông Ích Đăm (dân tộc Tày, SN 1923, sống tại xã Đạm Thuỷ, Trùng Khánh, Cao Bằng).

Kỹ nữ và lòng tự tôn dân tộc “lẫy lừng”

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:07
Trong hơn 300 năm hình thành và phát triển loại hình nghệ thuật geisha, vượt qua bao thị phi và những điều tiếng không hay, các geisha truyền thống của Nhật vẫn luôn gây ảnh hưởng không nhỏ tới lịch sử hàng nghìn năm của đất nước mặt trời mọc này.

Hiến cả đời bảo vệ chữ viết của dân tộc Thái

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:45
Dù nay đã ở tuổi bát thập, nhưng tình yêu của ông đối với chữ Thái nói riêng và văn hóa dân tộc Thái nói chung vẫn còn rực cháy.

Thâm nhập chuyến đi 'săn'... đặc sản vùng cao

Thứ 2, 28/01/2013 | 08:32
Lạp sườn hun khói, thịt gác bếp - món ăn truyền thống của người dân tộc vùng cao Tây Bắc đang được giới sành ăn Hà thành đánh giá rất cao. Đặc trưng từ cách làm cho tới hương vị của nó khiến bất kì ai thưởng thức đều trầm trồ, khen ngợi. Và, trong chuyến công tác nơi rẻo cao Yên Bái gần đây nhất, tôi cũng không bỏ lỡ dịp đi... "săn" đặc sản.