Những “ký ức sắt vụn” nơi phố cổ phồn hoa

Những “ký ức sắt vụn” nơi phố cổ phồn hoa

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:54
0
Nói đến khu phố cổ Hà Nội, ai cũng nghĩ đây là nơi dành cho những hàng quán bán hàng xa xỉ hay những quán café sang trọng. Thế nhưng, khác biệt hẳn với cả dãy phố cổ sôi động Bát Sứ, Hoàn Kiếm, Hà Nội, là cửa hàng bán đồ cũ của vợ chồng cụ Nguyễn Viết Đỗ với những mặt hàng như cái may ơ, chiếc chốt cửa đã hoen gỉ...

Điều đặc biệt, khách hàng đến đây chủ yếu để ngắm nhìn, nếu có mua chỉ về cất đi, như hoài niệm về một thời đã qua.

Sự kiện - Những “ký ức sắt vụn” nơi phố cổ phồn hoa

Phố Bát Sứ, Hà Nội

"Sắt vụn" giữa phố vàng

Những năm trở lại đây, mỗi mét vuông đất khu phố cổ Hà Nội có giá đến gần nửa tỷ đồng. Còn giá thuê mặt bằng ở những con phố này cũng không kém phần đắt đỏ, một mặt bằng khoảng 5m2 cũng có giá thuê trên 10 triệu đồng/tháng. Nhưng, nằm giữa khu phố vàng đó có một cửa hàng thoạt nhìn tưởng nơi thu mua sắt vụn, chẳng mấy ai quan tâm. Đó là cửa hàng của vợ chồng cụ Đỗ, ở 59 phố Bát Sứ, Hà Nội. Cửa hàng vẫn ngày ngày mở cửa từ sáng, không ồn ào, cũng chẳng tấp nập người ra người vào như những quán café, shop quần áo hàng hiệu bên cạnh.

Những mặt hàng cụ Đỗ bán chỉ là những chiếc tuốc -nơ-vít, may-ơ xe đạp, chốt cửa, đã hoen gỉ và bào mòn theo thời gian. Kể cả những thứ có từ thời bao cấp vẫn bày bán tại đây, về giá trị thực thì chúng chẳng còn gì đáng giá, song đối với vợ chồng cụ và những vị khách đặc biệt mua về lưu giữ thì nó như những vật kỉ niệm vô giá, không thể nào quên. Nhiều người tỏ vẻ ái ngại: Thời buổi này còn bán những thứ sắt vụn, sắt gỉ, đồng nát kia, đúng là đầu óc có vấn đề, cho thuê quách đi cho nhẹ người, mỗi tháng hơn chục triệu đồng, nghỉ ngơi cho khỏe.

Thấy chúng tôi tỏ vẻ ngạc nhiên, cụ Đỗ giải thích: "Nhiều người đến đây hỏi thuê lắm, thỉnh thoảng chúng tôi lại phải từ chối những vị khách không mời mà đến như thế. Họ còn thẳng thắn bảo, thu nhập từ cửa hàng này của hai cụ được bao nhiêu một tháng, cho cháu thuê cháu trả cụ tiền một năm luôn. Lúc đó tôi cũng thấy bực nhưng họ nói vậy cũng đúng với lý của họ thôi, lại phải giải thích cho họ hiểu".

Cụ Đỗ giải thích, cả đời cụ ông kiếm sống bằng nghề sửa khóa, sửa chữa những vật dụng như cưa, kìm hay những con ốc, bulong. Do vậy, chúng đã trở thành những vật bất ly thân của cụ. Cụ tâm sự: "Đấy chính là một phần cuộc sống của chúng tôi".

Sống dậy ký ức một thời

Trước đó, năm 2008 hai cụ trăn trở mãi mới quyết định dành toàn bộ cửa hàng chỉ để trưng bày và bán những vật dụng vào loại xưa cũ này. Cụ bảo: "Tôi mở cửa hàng này chỉ để vui chứ không hề có ý định kinh doanh, nếu muốn có tiền thì cho người ta thuê cho xong. Tiền thì quan trọng thật đấy nhưng tôi là người thích tự do, còn sống được ngày nào thì lao động để cho vui ngày đó".

Sự kiện - Những “ký ức sắt vụn” nơi phố cổ phồn hoa (Hình 2).

Cửa hàng bán "sắt vụn" của cụ Đỗ ở phố Bát Sứ, Hà Nội

Tất cả các mặt hàng được cụ thu mua từ những người bán đồng nát hay những gia đình thanh lý đồ cũ hoặc cho không. Sau khi mua về, cụ phân loại chúng một cách cẩn thận, tỉ mỉ. Nếu chiếc nào hỏng bụi bẩn, cụ lại bỏ công sửa chữa, lau chùi.

Cụ Đỗ bảo: "Vẫn biết bây giờ ai còn dùng mấy cái đồ này nữa, có khi cả tháng trời chẳng có ai mua, có người vì tò mò thì ghé qua nhưng cũng chỉ ngắm nghía, chụp vài tấm hình làm kỷ niệm rồi lại đi. Họa hoằn lắm mới có người mua, mà họ cũng chỉ mua về để cất đi thôi. Tôi bán kỉ niệm, người ta mua kỉ niệm. Kỉ niệm cần được cất giữ cẩn thận, không phải chỉ cho mình, mà cho cả con, cháu sau này".

Tuy vắng khách, nhưng cụ Đỗ khoe nhiều khi cũng rất vui, nhất là khách du lịch, họ rất ngạc nhiên vì ngay trong phố cổ náo nhiệt và sầm uất như vậy lại có một gian hàng đặc biệt như thế.

Thỉnh thoảng gian hàng của cụ lại có những vị khách đặc biệt ghé thăm. Có khi họ đứng hàng giờ liền để ngắm nghía, nâng lên hạ xuống những thứ đồ cũ nát tưởng chừng chỉ đáng vứt đi ấy. Cụ kể: "Cách đây hơn 1 năm có một người đàn ông khoảng 70 tuổi tìm đến gian hàng. Sau một hồi ngắm nghía, người đàn ông nâng nhặt từng đồ vật trong gian hàng. Với vị khách lạ đó, tất cả những đồ vật trong gian hàng kia đều là những bảo vật. Dường như những kỷ niệm trong quá khứ đã sống dậy. Khi cầm đến cái chốt cửa ông ấy đã không cầm được nước mắt, sau tôi mới biết người đàn ông này đã định cư ở Mỹ hơn 30 năm, nay mới có điều kiện về nước. Sau hôm đó, tôi và ông ấy lại trở thành người bạn của nhau".

Bất cứ một vị khách nào đặt chân vào gian hàng của hai cụ cũng có cảm giác cuộc sống như chậm lại, để không phải bon chen, sống gấp gáp và tất bật. ở đây chỉ còn những con ốc, những chiếc bulong hoen gỉ, những món đồ mang đậm dấu ấn thời gian đã xa lắc xa lơ mà thậm chí người ta còn chẳng nhớ nổi tên vẫn lặng lẽ xếp hàng ngăn nắp gợi lại một thời xa xôi.

Nhiều người bảo hai cụ “ngồi mát ăn bát vàng” không muốn lại mang nhọc vào thân. Cụ ông chỉ cười xòa: "Người ta nói cũng có ý đúng. Ở cái phố đắt đỏ như thế này để lãng phí một cửa hàng mặt phố chỉ để bán mấy cái đồ không ai buồn mua thì đối với nhiều người là quá lãng phí. Nhưng với vợ chồng tôi nó là vô giá. Con cháu đều có gia đình riêng, cuộc sống cũng tạm ổn. Chúng tôn trọng quyết định của bố mẹ, miễn sao chúng tôi cảm thấy vui, sống thoải mái quãng đời còn lại".

Thiên Bắc