Những mầm non điện ảnh Việt lạc lối giữa “giấc mơ con”

Những mầm non điện ảnh Việt lạc lối giữa “giấc mơ con”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:49
0
Khi một diễn viên tương lai mất tự tin vào hình thể lẫn con đường sự nghiệp, thì thật khó để có một sự bứt phá hay hy vọng phát triển và làm nghề lâu dài.

Các vai diễn trên màn ảnh hiện nay vẫn chưa tạo được dấu ấn cho khán giả bởi diễn viên thiếu cá tính. Cá tính phải là một phẩm chất được hình thành trong học tập và quá trình làm phim chứ không phải do cha mẹ truyền cho. Vì vậy, người diễn viên phải được đào luyện kỹ lưỡng về diễn xuất.

Sự kiện - Những mầm non điện ảnh Việt lạc lối giữa “giấc mơ con”

Dàn diễn viên trẻ không được đào tạo bài bản trong một bộ phim Việt mới lên sóng (Ảnh minh họa)

Khi diễn viên trẻ như “đãi cát tìm vàng”

Hãy thử làm một phép thử, tìm kiếm trong một khóa diễn viên đang học tập tại hai trường đại học chuyên nghiệp và bài bản nhất tại Việt Nam hiện nay là: Đại học sân khấu điện ảnh Hà Nội và Đại học sân khấu điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh xem có bao nhiêu phần trăm sinh viên được mời tham gia đóng phim khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường? Có bao nhiêu sinh viên may mắn nhận được sự chú ý từ phía các đạo diễn và công chúng? Câu trả lời là có, nhưng nó cũng giống như chúng ta mò kim đáy bể rồi lại đãi cát tìm vàng.

Chia sẻ về thực trạng này, một nhà giáo tham gia giảng dạy diễn viên trong trường đại học sân khấu điện ảnh Hà Nội nhiều năm đã thổ lộ: “Mỗi khóa có được một hoặc hai em làm nghề thành công, gắn bó với nghề diễn và để công chúng nhớ tên đó đã là một sự may mắn rồi”.

Lời nhận xét có phần chua chát kia ngẫm ra mới thấy không phải là hoàn toàn tiêu cực và vô lý. Bởi diễn viên được đào tạo trong trường điện ảnh bây giờ hiếm khi được mời đóng phim và lại càng khó có thể sống trọn vẹn, theo đuổi nghề diễn đến cùng. Những mộng mơ ban đầu và sự hình dung thiếu thực tế về hai chữ diễn viên đã lệch quá nhiều so với quỹ đạo của sự tưởng tượng. Cái sự chăm chỉ đều đều, học hành làng nhàng và rồi may mắn được mời tham gia đóng vai ba vai nhỏ, nhàn nhạt trong vài bộ phim truyền hình, xuất hiện trong một số clip ca nhạc của ca sĩ A, B nào đó hoặc là một chương trình quảng cáo đã là một thành công với một diễn viên trẻ tương lai.

Theo lời các giáo viên nhiều năm tuyển chọn, phải tới 80% thí sinh đáng ra có thể bị loại ngay từ vòng gửi xe chứ chưa cần bước vào sơ tuyển. Đơn giản vì nhìn ngoại hình là biết ngay không đạt, số còn lại nếu nghiêm khắc về chiều cao, vòng đo, giọng nói, khả năng diễn xuất... thì cũng có thể bỏ ra gần hết. Đây chính là lý do các đạo diễn khi chọn vai chẳng cần quan tâm mấy đến học sinh đào tạo trong trường.

Bi kịch của những giấc mơ

Đạo diễn trẻ Nguyễn Tiến Dũng (Nếu em không phải là giấc mơ, Hành trình bí ẩn, Cảnh sát hình sự) từng kể lại chuyện mình đi đào xới nhân vật trong phim ngắn đầu tay đầy bi hài: “Tôi đi tìm cả tuần mà không được bất cứ một diễn viên nào phù hợp với ý tưởng kịch bản của mình, vậy là phải đăng tin casting trong trường sân khấu điện ảnh Hà Nội. Một bộ phim ngắn dài chừng 15 phút với số tiền vẻn vẹn hơn chục triệu đồng mà cuối cùng có tới gần 50 bạn trẻ tham gia thử casting. Trong số đó có cả những người dù biết mình không đủ tiêu chuẩn như trong thông báo nhưng vẫn vô tư tham gia. Trên gương mặt họ, tôi đều nhận ra tình yêu với điện ảnh, khao khát được xuất hiện trước ống kính máy quay và sự nhiệt tình của tuổi trẻ. Thậm chí có bạn còn thổ lộ với tôi chỉ cần được xuất hiện lên hình chứ chẳng màng có được tiền catse hay không”.

Vì vậy mới nói, ngoài những lợi thế sẵn có, tư chất thiên bẩm với nghề diễn, muốn thành công và được gọi là diễn viên chuyên nghiệp của còn phải sở hữu cả thần may mắn. May mắn để có được một vai diễn hay trong một bộ phim truyền hình nào đó, để được công chúng nhắc tên, nhớ mặt khi ra đường, đó là sự hạnh phúc lớn lao, coi như một lần được thỏa nguyện. Nhưng xét về khía cạnh nào đó, đây cũng là bi kịch của một thế hệ diễn viên trẻ đang thao thức, đếm ngày đợi tên tuổi tỏa sáng.

Ông Lê Hùng (Trưởng khoa sân khấu - Đại học sân khấu điện ảnh) Hà Nội từng nói: “Mấy ai học diễn viên mà sở hữu sự may mắn như: Kiều Thanh, Kim Oanh hay Xuân Bắckhi được các đạo diễn phim truyền hình kỳ cựu, nổi tiếng liên tục mời tham gia những dự án lớn. Họ không chỉ có cơ hội được thử sức, bộc lộ khả năng diễn xuất mà còn được viết tên mình bằng ánh sáng trên mỗi dòng Generic cuối phim. Thứ ánh sáng diệu kỳ, hạnh phúc phải đánh đổi bằng nhiều gian truân, cực nhọc, hi sinh, mồ hôi, mất mát và cả nước mắt khi làm nghê”ì.

Vẫn còn đó hàng ngàn những bạn trẻ đang âm ỉ cháy giấc mơ được trở thành diễn viên. Bởi đơn giản, những hào quang, sức hút từ nghề nghiệp này tỏa ra có thể khiến nhiều người hình dung sai về nó. Để trở thành một diễn viên không dễ, trở thành một diễn viên chuyên nghiệp, sống được với nghề càng khó hơn. Cám dỗ, cạm bẫy, thử thách, scandal là những thứ luôn đồng hành song song bên cạnh những điều tích cực. Nếu không đủ bản lĩnh, những người trẻ có thể sẽ mắc sai lầm hoặc chọn nhầm đường đi đến đỉnh vinh quang.

Điện ảnh là công nghiệp chế tạo các giấc mơ, trở thành ngôi sao điện ảnh ở nước khác có nghĩa là chắc chắn trở nên giàu có, nổi tiếng. Nhưng ở Việt Nam thì chuyện đó mặc dù rất chính đáng vẫn còn rất xa vời. Các ngôi sao vừa nhận lương thấp, vừa có tương lai bấp bênh lại kèm theo nhiều lời dị nghị mà đau nhất là nhận xét: "Nó chẳng có tài cán gì nên phải làm diễn viên!". (Đạo diễn Lê Hoàng)

Hương Giang