Những mảng tối từ việc một nhà báo bị bắt

Những mảng tối từ việc một nhà báo bị bắt

Thứ 2, 03/07/2017 | 15:51
0
Sự kiện nhà báo Lê Duy Phong (báo điện tử Giáo dục Việt Nam) bị bắt không chỉ khiến làng báo rúng động mà còn trở thành chủ đề bàn luận sôi nổi của cư dân mạng.

Sở dĩ, sự việc này được người ta chú ý, không phải chỉ vì nó diễn ra cận kề ngày 21/6, cũng không phải vì đây là sự việc đầu tiên trong làng báo mà có lẽ nó được người ta quan tâm bởi sự trắng trợn và cả tính bất ngờ của nó.

Trước đó, chính Phong đã có loạt bài điều tra làm xôn xao dư luận về tài sản nhà cửa, đất đai… của một loạt quan chức cao cấp tỉnh Yên Bái, vốn dĩ rất nổi tiếng với vụ 2 cán bộ cao cấp của tỉnh bị bắn chết ngay tại trụ sở. Những phóng sự đã vạch ra sự thật trần trụi và rất cay đắng rằng, trong khi tỉnh Yên Bái còn nghèo, đứng thứ 6/10 tỉnh nghèo nhất nước, hộ nghèo chiếm tới 34% dân số, thì có những cán bộ có nhà cửa rất to, rất rộng, rất hiện đại mà giờ được đồng loạt gọi là “biệt phủ”. Nó đối lập hoàn toàn với đời sống chung của nhân dân trong tỉnh, những người mà các cán bộ này phải phục vụ họ, làm công bộc cho họ. Là nói mặt bằng chung, chứ nếu kể những người nghèo thì còn là cả trời cả vực. Sự ngăn cách ấy, cái khoảng cách giàu nghèo ấy, rõ ràng nó đã xúc phạm đến lý tưởng cao đẹp mà toàn Đảng, toàn dân ta đang hướng tới: Làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.

Dậy sóng mạng - Những mảng tối từ việc một nhà báo bị bắt

“Biệt phủ” của gia đình Giám đốc sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái là một trong những cơ ngơi gây sóng gió dư luận thời gian qua.

Nhưng rồi, cũng chính Phong đã nhân danh chống tham nhũng để… trấn lột tham nhũng. Hành động đưa tiền cho nhà báo, số tiền không nhỏ, đến 200 triệu đồng của ông Giám đốc sở Kế hoạch và Đầu tư, một sở được gọi là "siêu sở" trong hệ thống hành chính nước ta, nếu đúng, rõ ràng không thể coi là hành động hiếu hỉ thông thường. Dù bất cứ biện minh nào cũng không thể khiến người ta hết nghi ngờ. Và chỉ mấy ngày sau cú nhận tiền này, Phong lại “mần” cú nữa từ một doanh nghiệp và lần này thì Phong gặp… ma, diễn từ thành ngữ “đi đêm có ngày gặp ma” của cha ông ta.

Cũng phải thấy rằng, không phải ngẫu nhiên mà Phong lại chọn Yên Bái. Cái tỉnh rất oai hùng với “khởi nghĩa Yên Bái” lừng danh ngày nào vài năm trở lại đây có khá nhiều chuyện lùm xùm, mà đỉnh điểm là việc 2 cán bộ đầu tỉnh bị bắn chết. Và sau đấy, như cái dớp, các vụ lùm xùm tiếp tục bị phanh phui.

Nhà báo Lê Duy Phong đã tham gia vào quá trình điều tra ấy, công bố cho mọi người biết, một số giám đốc sở ở Yên Bái có gì? Nhưng đau lòng là, theo thông tin ban đầu mà cơ quan điều tra cung cấp, Phong đã dùng thông tin mình có, dùng bài báo mình viết và cao hơn, đã dùng quyền lực của nhà báo, dùng niềm tin của bạn đọc, để làm cái việc tồi tệ, mà các nhà báo chân chính nghe đã xấu hổ.

Với cơ chế báo chí hiện nay, nói thật là, những nhà báo dạng này không phải cá biệt. Không ít nhà báo đã đánh mất mình, biến mình thành hung thần với các doanh nghiệp, các cơ quan và những cán bộ thoái hóa.

Thay vì viết bài công bố vạch trần tiêu cực thì những nhà báo như thế này lại biến những việc ấy thành nơi trao đổi, thành cơ hội làm ăn. Việc viết bài, dọa viết bài, đăng bài, rút bài… diễn ra trong mê lộ của những cuộc mặc cả hết sức trắng trợn, hết sức xấu hổ và hết sức bất nhân. Họ đã biến công cụ được giao, khai thác chút khả năng mình có, thành thứ để kiếm ăn bất chính. Và, quả là, đi đêm lắm thì sẽ gặp ma…

Nhưng cũng phải thấy thêm mặt nữa, ấy là những tiêu cực trong xã hội một phần là đất để những nhà báo biến chất "khai thác". Những cá nhân biến chất biết cách để bịt những chỗ cần bịt. Một trong những nơi họ phải bịt là báo chí. Và họ biết những mắt xích nào cần đột phá, Lê Duy Phong là một mắt xích như thế.

Có người đặt câu hỏi, ông Giám đốc sở Kế hoạch Đầu tư Yên Bái ấy, chỉ nguyên Lê Duy Phong đã phải đưa 200 triệu, vậy thì còn bao nhiêu chỗ như Duy Phong để phải đưa nữa? Duy Phong chưa phải nhà báo nổi tiếng và tờ báo mà anh phục vụ cũng không phải báo lớn, mà còn phải thế, thì còn bao nhiêu chỗ “cần phải như thế” nữa?

Và cũng thấy, té ra cái việc nhận tiền, rất nhiều tiền, chỉ để… không làm gì cả, không viết gì cả, không đăng gì cả, quả là nó rất nhẹ nhàng và hết sức dễ dàng, đương nhiên nữa, chả thế mà đang viết bài "điều tra", vẫn lái xe lên nhận tiền, một cách vừa công khai vừa liều lĩnh, để rồi bị tóm. Và cũng thấy, cái việc đưa tiền để không bị phanh phui nó cũng đương nhiên biết bao. Từ vụ 5 chục triệu, phui ra vụ 200 triệu đồng và nghe nói, không chỉ có thế?

Từ việc nhà báo Lê Duy Phong bị bắt này, rõ ràng, rất nhiều vấn đề đang được lộ ra và cũng khiến chúng ta giật mình khi thấy những mảng tối ở trong giới báo chí và cả quan chức.

Văn Công Hùng

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Cùng tác giả

Nghệ sĩ chưa hiểu rõ luật hay e ngại không muốn "làm tới cùng” khi bị "khai tử" trên mạng xã hội?

Chủ nhật, 05/07/2020 | 19:45
Luật sư La Văn Thái cho rằng, việc danh hài Thúy Nga hay một số nghệ sĩ khác từng bị “khai tử” trên mạng xã hội cần phải xử lý thật nghiêm đối tượng tung tin đồn. Danh hài Thúy Nga nên làm đơn yêu cầu xử lý, thậm chí khởi kiện ra toà để bảo vệ quyền lợi cho mình cũng như phòng ngừa cho những người khác.

Băng ổ nhóm chính chưa được diệt tận gốc, dễ lọt lưới và tiếp tục gây họa

Thứ 5, 11/06/2020 | 14:11
Vụ 200 người náo loạn ở Q.Bình Tân, TP.HCM một lần nữa khiến dư luận xã hội lo ngại về hoạt động của các băng, ổ nhóm tội phạm hoạt động có quy mô, có thể tập hợp lượng lớn người gây mất an ninh trật tự trên địa bàn, bức xúc dư luận xã hội…

Nguyên tắc sống còn của “hiệp sĩ chống dịch”: “3 diệt” và bao vây dập dịch

Chủ nhật, 22/03/2020 | 14:00
Ở tuổi 70, với gần 40 năm gắn bó với chuyên ngành Truyền nhiễm mà ngày nay gọi là chuyên ngành các bệnh Nhiễm trùng và Nhiệt đới, bác sĩ Ngô việt Hùng đã trải qua không biết bao nhiêu vụ dịch từ lúc mới ra trường. Với ông nghề nghiệp chọn ông chứ không phải do ông chọn.

Cán bộ có con được nâng điểm thi ở Sơn La: “Không quy hoạch, không bổ nhiệm, kiểm điểm có hình thức”

Thứ 4, 09/10/2019 | 07:59
Đó là lời khẳng định của ông Cầm Văn Hoan - Chi cục trưởng cục Kiểm lâm Sơn La khi trao đổi với PV báo Người Đưa Tin về việc sẽ xử lý ông Bùi Minh Hải - cán bộ kiểm lâm có con được nâng điểm thi trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018.

Sự việc cô giáo liên tục tát học sinh: Không có phương pháp giáo dục không nên làm thầy

Thứ 2, 07/10/2019 | 16:04
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, việc cô giáo liên tục tát học sinh trong giờ học là người thiếu phương pháp dạy học và chưa đủ tình yêu với học sinh của chính mình. Có lẽ, họ đang bế tắc và lựa chọn sai con đường.