Những nghịch lý của nghành điện từ hệ lụy độc quyền

Những nghịch lý của nghành điện từ hệ lụy độc quyền

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:57
1
Mới đây, lãnh đạo của EVN đã lên tiếng cho rằng, lý do phải tăng giá điện để tiếp tục "tồn tại" là do họ đang trong tình trạng mua điện với giá cao và bán giá thấp, ngành điện hiện nay đang phải chịu lỗ cho toàn xã hội (!?).

Tuy nhiên, theo ý kiến của các chuyên gia kinh tế, những lý do trên của EVN đưa ra chưa đủ thuyết phục và cần phải kiểm tra một cách thận trọng. Và qua tìm hiểu của Nguoiduatin.vn, chúng tôi lại khám phá ra những sự thực đầy nghịch lý khác.

Nhà đầu tư "cam chịu" bán điện cho EVN bằng mọi giá

Tại buổi họp báo công bố giá thành sản xuất kinh doanh điện của EVN mới đây, lãnh đạo EVN thừa nhận, trong năm 2010, giá bán điện bình quân thực hiện là 1.061,4 đồng/kWh, trong khi đó giá thành sản xuất kinh doanh điện là 1.180 đồng/kWh, tức là với chỉ riêng việc kinh doanh điện, EVN đã lỗ 10.162 tỷ đồng. Thậm chí, lãnh đạo EVN còn tuyên bố:

"Mua điện giá cao, bán giá thấp là chúng tôi đã chịu lỗ cho cả xã hội". Mặc dù giá thành điện được công bố chi tiết thông qua các loại chi phí tại các khâu phát điện (916,2 đồng/kWh), truyền tải (65,7 đồng/kWh), phân phối (189,2 đồng/kWh), phụ trợ và quản lý ngành (8,9 đ/kWh) nhưng những con số này vẫn không làm cho nhiều người thỏa mãn.

Xã hội - Những nghịch lý của nghành điện từ hệ lụy độc quyền
Những luận cứ “chênh vênh” và thiếu minh bạch về lý lẽ tăng giá của EVN đã gây nhiều phản ứng trong dư luận. Ảnh minh họa.

Ngay sau khi thông tin này được đưa ra có rất nhiều ý kiến phản hồi về sự việc này. Trước thông tin trên, trao Nguoiduatin.vn, giám đốc một doanh nghiệp tư nhân tham gia bán điện cho EVN (đề nghị được giấu tên) bức xúc: Do nhu cầu bức thiết về điện năng của đất nước, một số doanh nghiệp Nhà nước, tư nhân đã mạnh dạn xây dựng các dự án phát triển nguồn điện, công suất cỡ vừa và nhỏ khoảng vài nghìn KW. Tuy nhiên, đang tồn tại sự bất công bằng giữa bên mua và bên bán.

Thực tế bên bán luôn chịu bất lợi. Do EVN vẫn nắm độc quyền về phân phối và truyền tải điện quốc gia nên các doanh nghiệp sản xuất điện chỉ còn cách duy nhất là "cam chịu" bán cho EVN bằng mọi giá. Công ty Truyền tải điện quốc gia được thành lập vẫn thuộc EVN, thực chất chỉ là "bình mới rượu cũ", EVN vẫn nắm độc quyền.

EVN dựng "rào cản" hiểm hóc "chặn" nhà đầu tư

Không dừng lại ở đó, các chủ đầu tư muốn được phê duyệt dự án phải chịu sự ràng buộc về giá cũng như phương thức mua bán điện với EVN. Không chỉ chậm trễ về mặt thủ tục, các chủ đầu tư còn phải tuân theo những quy định như nhà máy vận hành theo điều độ của EVN; chủ đầu tư chịu trách nhiệm xây dựng lưới điện đấu nối vào hệ thống điện quốc gia(!?).

Đặc biệt, tất cả các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ vận hành trước năm 2010 đều phải ký thỏa thuận bán điện cho EVN với giá xoay quanh con số 400 - 700 đồng /Kwh. Điều trái khoáy, các doanh nghiệp phải giữ giá bán cố định trong 25 năm, bất kể mức lãi suất ngân hàng, lạm phát và các chi phí liên quan khác không ngừng tăng cao(?!).

"Với cách khống chế này, thực chất là rào cản đối với các nhà đầu tư. Rất ít doanh nghiệp dám đầu tư sản xuất điện vì thị trường quá mạo hiểm, kém hấp dẫn. Với giá mua bình quân của EVN khoảng 3,5 đến 3,7 cent/kWh, các dự án của chúng tôi đều mất tính khả thi.

Trong khi ép các nhà đầu tư phải bán điện với giá thấp, EVN lại mua điện từ các dự án "con đẻ" của họ với giá cao hơn, khoảng 4,1 - 4,5 cent/kWh. Hơn nữa, các dự án do EVN đầu tư đều ở quy mô lớn, được ưu đãi tối đa về nguồn vốn vay cũng như lãi suất. Đó là điều không công bằng, thể hiện sự phân biệt đối xử đối với các doanh nghiệp. Điều này khác gì EVN "vừa đá bóng, vừa thổi còi".

Bên cạnh đó, theo thống kê từ năm 2009 - 2011, giá bán điện của EVN được Chính phủ cho phép tăng lên 31%, trong khi giá mua điện của EVN với các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn "giậm chân tại chỗ" suốt thời gian dài. EVN vẫn đang được mua điện với giá thấp hơn so với giá điện bình quân. Vậy tại sao họ vẫn kêu lỗ?", vị giám đốc doanh nghiệp giấu tên bức xúc.

Vị giám đốc này cũng giãi bày, đầu tư xây dựng dự án sản xuất điện gặp rất nhiều khó khăn. Vốn đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ đồng, cần vốn dài hạn, tuy nhiên vốn vay trong nước chủ yếu là vốn trung hạn (chỉ trên dưới 10 năm), hơn nữa với mức lãi suất "cắt cổ", lại bị ép bán điện với giá thấp nên không ít doanh nghiệp phải gánh khoản nợ khổng lồ, không ít dự án thủy điện vừa và nhỏ đứng trước nguy cơ phá sản.

EVN áp đặt người tiêu dùng, gây tác hại nền kinh tế?

Trao đổi về vấn đề này, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết: "Tôi cho rằng, hiện nay EVN đang ứng xử với người dân một cách rất áp đặt và đang tận dụng quá mức uy thế độc quyền kinh doanh điện của mình. Tôi đề nghị các cơ quan chức năng và tất cả các hiệp hội cần lên tiếng về vấn đề này, không thể để EVN cứ "làm tới" mãi thế này được”.

“Hơn nữa, chắc có lẽ, chính EVN cũng phải tự hiểu được, việc cứ tăng giá điện lên quá cao sẽ gây áp lực cho các doanh nghiệp kinh doanh. Giá điện quá cao sẽ ảnh hưởng đến sự cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam đối với nước ngoài. Chắc chắn, việc này sẽ gây tác hại rất lớn cho nền kinh tế. Cho nên, EVN hãy nghĩ xa một chút cho lợi ích của nền kinh tế cũng như lợi ích của chính họ, nếu như các doanh nghiệp không chịu nổi cái mức giá như vậy dẫn đến đóng cửa thì EVN sẽ bán điện cho ai?".

TS Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng: "Thực ra tăng giá điện mới chỉ là ý định của EVN, họ cũng chưa có giải trình đầy đủ nên người tiêu dùng đang rất hoang mang. Theo tôi, việc EVN muốn tăng giá điện vì lỗ cần thiết phải giải trình đầy đủ với Nhà nước là họ lỗ ở khoản nào.

Đặc biệt, hiện nay người dân đang quan tâm là có phải khoản lỗ đó là do đầu tư kinh doanh đa ngành hay không? Nếu đúng như lo ngại của người dân thì không thể có chuyện đơn vị đầu tư kinh doanh đa ngành của EVN gây lỗ mà lại bắt dân phải chịu.

Nếu có chuyện ấy thì đó là một điều phi lý. Rõ ràng, trong chuyện này EVN phải có một văn bản giải trình về những khoản lỗ của họ và được Nhà nước và các cơ quan kiểm toán đánh giá và xác nhận. Lúc ấy, rất có thể họ sẽ nhận được sự đồng thuận của người dân, người tiêu dùng. Còn nếu, khoản lỗ trên là do đầu tư đa ngành thì EVN phải tự chịu trách nhiệm hoặc ngành điện phải chịu giảm bớt lương thưởng hoặc có phương án nào để bù vào khoản lỗ đó, chứ không thể bắt xã hội chịu khoản lỗ mà họ gây ra được".

Trong khi đó, nhận định về việc lãnh đạo EVN cho rằng ngành điện đang mua giá cao bán giá thấp nên họ đang gánh lỗ cho toàn xã hội, TS. Lê Đăng Doanh bức xúc cho biết: "EVN cần phải suy nghĩ lại về vấn đề này. Theo tôi được biết, có rất nhiều nơi muốn bán điện cho EVN nhưng họ không mua hoặc mua không hết, mua nhưng nợ tiền như Điện lực dầu khí; một số doanh nghiệp điện của ngành than...

Trong khi đó, EVN đã ký hợp đồng mua điện của Trung Quốc với giá cao rồi bán cho người tiêu dùng sau đó cứ kêu lỗ thì quả đây là một việc không thể chấp nhận được. Còn riêng việc tăng giá điện trong thời gian này sẽ đóng góp rất đắc lực vào tình trạng lạm phát. Chính vì thế, EVN cần phải cân nhắc rất nhiều, nếu việc tăng giá điện của họ dẫn đến tình trạng lạm phát cao thì chắc chắn họ phải chịu trách nhiệm về việc mình làm".

Xã hội - Những nghịch lý của nghành điện từ hệ lụy độc quyền (Hình 2).

TS. Nguyễn Minh Phong.

Dấu hỏi tham nhũng và lời đề nghị xử lý hình sự

Theo thống kê từ năm 2009 - 2011, giá bán điện của EVN được Chính phủ tăng lên 31% (năm 2009 tăng 8,92%; năm 2010 tăng 6,8%; năm 2011 tăng 15,28%) trong khi giá mua điện của EVN đối với các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ không thay đổi trong thời gian dài. TS Nguyễn Minh Phong, Trưởng phòng Kinh tế Xã hội, Viện Nghiên cứu Kinh tế xã hội Hà Nội cho rằng, đây cũng là một vấn đề cần thiết phải có sự điều tra một cách minh bạch nhất. Nếu có tình trạng EVN mua rẻ bán đắt mà họ lại nói là phải mua cao bán thấp dẫn đến thua lỗ thì phải xử lý về mặt hình sự và chắc chắn có tham nhũng ở đây. Hơn nữa, cần phải minh bạch lại tất cả các chi phí của EVN phải có bản tổng kê khai chi tiết về đầu ra đầu vào, chi phí, mua bán...

Anh Đức - Văn Chương