Những người thầy gieo chữ nơi sơn cùng thủy tận

Những người thầy gieo chữ nơi sơn cùng thủy tận

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:41
0
Những ngày trời mưa, để đến được trường, các giáo viên phải cuốc bộ vài giờ đồng hồ, phần đông là người dưới xuôi lên.

Lều vịt nuôi chữ

Trường THCS Mường Lý thuộc xã nghèo nhất huyện biên giới vùng cao Mường Lát (Thanh Hóa). Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi đến xã Mường Lý, huyện Mường Lát là hình ảnh hơn 70 cái lều được làm bằng tranh, tre, nứa, lá nằm sát lưng núi. Bên trong những túp lều ấy, đồ đạc của các em chỉ vỏn vẹn mấy cuốn sách, vài ba bộ quần áo cũ kỹ, nhàu nát, chiếc chăn chiên mỏng treo lủng lẳng bên vách lều để chống chọi với mùa đông khắc nghiệt của vùng sơn cước.

Thầy Lê Xuân Giang, thư ký hội đồng nhà trường cho biết: "Xã Mường Lý có 17 bản nhưng có tới 13 bản nằm rải rác xa trường học, bản xa nhất cách trường tới 26km, đường giao thông đến bản chưa có. Để đến trường, các em phải cắt rừng, đi bộ men theo các đường mòn. Trường chưa có nhà ký túc cho giáo viên và học sinh nên phải vào rừng chặt tre, nứa dựng lều ở tạm.

Trường THCS xã Mường Lý có 4 khối với 303 học sinh, hơn 95% số này phải dựng lều để học, nhưng các em đều chịu khó học tập. Không điện, không có tiền để mua nến, dầu thắp cả tháng, các em tranh thủ học vào những thời gian không lên lớp".

Bước vào căn lều của ba em Giàng A Sáu (học sinh lớp 6), Mua A Chệch (học lớp 7B), Giàng A Dũng (học lớp 8), đều là dân tộc H'Mông, trú tại bản Suối Uốn, cách trường 17km, khi ba em đang ăn cơm. Nhìn vào mâm cơm trưa ngoài giá cơm chỉ có bát măng rừng luộc và bát muối trắng.

Xã hội - Những người thầy gieo chữ nơi sơn cùng thủy tận

Lớp học vùng cao Mường Lát.

Còn căn lều của em Ngân Thị Thiêm (lớp 7B, trú tại bản Mau) và mấy em cùng bản, chúng tôi còn thấy thương cảm hơn khi trong góc bếp, nồi niêu lạnh tanh. Bữa trưa của đám học trò nghèo ngoài cơm, chỉ có bát măng rừng, vài ba quả chuối xanh, quả sung và bát muối trắng đã chuyển màu vàng ố.

Thiêm bảo: "Vụ lúa, ngô vừa rồi do hạn hán kéo dài nên bị mất mùa. Từ đầu tháng tư đến nay, em và các bạn trọ cùng lều chỉ ăn một bữa cơm trong ngày". Im lặng giây lát, Thiêm lại lí nhí trong miệng: "Dù đói, nhưng em sẽ quyết tâm bám trường, bám lớp học chữ, với mong ước sau này xua được cái đói, giảm dần cái nghèo cho gia đình".

Vào cuối tuần, các em lại cuốc bộ về nhà gùi gạo xuống tự nấu ăn. Gia đình nào có điều kiện thì cho con thêm 10.000 - 20.000 đồng mỗi tháng để xuống trường mua vài con cá khô, miếng đậu phụ cải thiện. Còn hầu hết chỉ gom góp đủ gạo cho con mang đi trọ học ở trường. Nhiều bạn nhà quá nghèo, gạo không đủ ăn nên bữa đói, bữa no là chuyện thường ngày.

Lên đỉnh trời gieo chữ

Thầy Mai Văn Dũng, phó hiệu trưởng trường THCS Mường Lý cho biết: "Để có được kết quả như ngày hôm nay là cả một quá trình phấn đấu của đội ngũ các thầy cô giáo. Nhiều học sinh đang đi học cũng bỏ về lấy vợ, lấy chồng, khi thấy thầy, cô giáo đến nhà động viên còn trốn không chịu ra gặp, nhưng nhờ sự kiên trì động viên, thuyết phục của các thầy cô mà nhiều học sinh lại tiếp tục đến lớp học".

Thầy Lê Xuân Giang, lên đây được hơn 4 năm kể: "Ngày đầu mới lên, chưa rành tiếng đồng bào nên mỗi khi muốn giao tiếp với bà con tôi lại phải nhờ đến người phiên dịch. Khi chúng tôi hỏi gì, các bà mẹ người Mông hỏi gì cũng chỉ lắc đầu trả lời "chi pâu, chi pâu" (không biết - PV). Mỗi năm học mới, chúng tôi lại phải đi bộ hàng chục km để vào thôn bản vận động các em đến trường. Nhiều lúc cũng nản, muốn bỏ về dưới xuôi, nhưng lại không đành. Mặt khác, bà con dân bản cũng thương các thầy cô giáo lắm, có miếng thịt tươi hay nhà có việc đều mời thầy cô đến cùng uống rượu chung vui. Trường có 12 giáo viên thì có 8 người dưới xuôi lên...".

Ông Vàng A Sỹ, trưởng bản Sài Khao tâm sự: "Nhờ có cái trường, cái lớp mà bọn trẻ trong bản biết tiếng phổ thông, biết giữ vệ sinh, vâng lời cha mẹ. Trước mắt, vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng trong tương lai, con cái của đồng bào chúng tôi sẽ được học cái chữ nhiều hơn, học cao hơn nữa để xây dựng bản làng".

Do thiếu giáo viên, việcå học ở Mường Lý vẫn phải nhiều năm duy trì lớp ghép, lớp 3 ca. Cô giáo trẻ Lê Thị Thúy tâm sự: "Nói thật, những ngày đầu, chẳng ai dám vào cái chốn vùng sâu này để dạy học cả. Ngày đón em lên với lớp học là những đứa trẻ nhỏ thó, đen đúa cùng với ánh mắt trong vắt và những cái nhìn lạ lẫm. Đêm đầu tiên ở bản, ngồi nhìn mưa rơi, em ôm gối khóc một mình...".

Đối với các thầy cô ở những vùng cao thì sự nghiệp giáo dục không chỉ là những giờ lên lớp và dạy các em học sinh những bài học làm người, những người cầm viên phấn cũng phải biết trèo đèo, lội suối, dựng lán làm trường học. Hay như ở tại điểm trường chính của trường các thầy cũng phải xắn tay sửa cây cầu để đối phó với những cơn lũ đi qua mỗi khi mùa mưa bão về.

Các thầy cô nơi đây cũng hay kể về câu chuyện vui của hai đồng nghiệp trẻ. Thầy dạy tiểu học, cô dạy mẫu giáo, cùng cắm bản Sài Khao, bản xa nhất của xã Mường Lý và là điểm cực tây (giáp với Lào) của huyện Mường Lát. Do cơ sở hạ tầng chưa có, hai thầy cô được bố trí ở cùng một ngôi nhà nhỏ có duy nhất chiếc giường, một chiếc chăn. Hai tháng sau, cả trường và bản nhận được thông báo tổ chức đám cưới của 2 thầy cô.

Ở đây có rất nhiều những thầy cô giáo trẻ mới ra trường, đã tình nguyện "cõng con chữ" lên những bản vùng cao này. Có thể là trước khi đến với Mường Lát thì các thầy cô đã không thể tưởng tượng được những khó khăn ở nơi đây. Nhưng có lẽ với tình yêu nghề, và những niềm vui từ sự hăng say học tập của các em học sinh đã tiếp thêm sức mạnh cho các thầy cô giáo trẻ để vượt qua những gian khó nơi đây. Họ đã hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình để dạy cái chữ, gieo mầm cho tương lai ở mảnh đất xa xôi này.

Cao Tuân