Những niềm vui, nỗi buồn về giáo dục 2011

Những niềm vui, nỗi buồn về giáo dục 2011

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:57
0
– Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tái đắc cử bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Hiệp hội trường ĐH Ngoài công lập kiến nghị bỏ điểm sàn, bí mật động trời trường ĐH LĐXH bị phanh phui, ĐH Thương mại nhầm điểm thí sinh trượt thành đỗ... là những sự kiện giáo dục nỗi bật nhất năm qua.

1. GS.TS Phạm Vũ Luận tái đắc cử bộ trưởng Bộ GD&ĐT

Tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII từ ngày 21/7-6/8/2011, GS.TS Phạm Vũ Luận được Quốc hội phê chuẩn tiếp tục làm bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Xã hội - Những niềm vui, nỗi buồn về giáo dục 2011

GS. TS Phạm Vũ Luận tái đắc cử bộ trưởng

Trước đó từ 6/2004-4/2010: GS.TS Phạm Vũ Luận đã làm thứ trưởng, thứ trưởng thường trực Bộ GD&ĐT, ủy viên Ban cán sự Đảng Bộ GD&ĐT. Sau đó, GS.TS Phạm Vũ Luận còn làm thứ trưởng thường trực điều hành Bộ GD&ĐT, bí thư Ban cán sự Đảng Bộ GD&ĐT.

Từ 6/2010 đến nay: GS.TS Phạm Vũ Luận được bầu là bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Tại Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đại biểu Quốc hội Khóa XIII.

GS.TS Phạm Vũ Luận tái đắc cử bộ trưởng Bộ GD&ĐT được nhiều nười kỳ vọng trong nhiệm kỳ tiếp theo của mình ông sẽ có nhiều chính sách tiến bộ để cải cách giáo dục.

2. ĐH Ngoài công lập kiến nghị bỏ điểm sàn

Ngày 3/8/2011, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập đã có văn bản gửi bộ trưởng Bộ GD&ĐT đề nghị xem xét về điểm sàn trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay.

Xã hội - Những niềm vui, nỗi buồn về giáo dục 2011 (Hình 2).

Hiệp hội các trưởng ĐH, CĐ ngoài công lập đòi bỏ điểm sàn

Theo GS Trần Hồng Quân, chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập cho rằng kết quả điểm của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay nhìn chung thấp hơn năm trước, một vài môn thi có kết quả rất kém, cá biệt điểm thi môn Lịch sử thấp một cách “không bình thường”.

Tuy nhiên, kiến nghị này không được Bộ GD&ĐT chấp nhận. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT khẳng định vẫn giữ nguyên mức điểm sàn để đảm bảo chất lượng đầu vào.

2. Bơi qua sông lớn để đến trường

Cuối tháng 9/2011, nhiều giáo viên ở ở xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình phản ánh thực trạng thực trạng học sinh bản ông Tú, bản Ka Oóc đi học phải bơi qua sông đến trường.

Để áo quần và sách vở không bị ướt, các em chuẩn bị sẵn một bao nilon lớn, cho quần áo và cặp sách vào bao, buộc kín lại. Qua đến bờ sông bên kia, các em lại lấy quần áo ra mặc vào.

Xã hội - Những niềm vui, nỗi buồn về giáo dục 2011 (Hình 3).

Học sinh bơi qua sông để đến trường

Qua phản ánh của báo chí lãnh đạo huyện Minh Hóa đã xác minh sự việc và khẩn trương chỉ đạo cấp thuyền, áo phao cho các em.

3. Bí mật động trời tại ĐH Lao động xã hội

Giữa tháng 10/2011, bí mật động trời về trường ĐH Lao động Xã hội bắt đầu được báo chí phanh phui. Chỉ trong hai đợt tuyển sinh 2009, 2010, trường đại học Lao động - Xã hội (ĐH LĐ-XH) đã tiếp nhận hàng trăm thí sinh không thi, bỏ thi, khác khối, dưới điểm sàn, dưới điểm chuẩn vào hệ đại học.

Sau khi báo chí vào cuộc xác minh sự việc, thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh Xã hội (LĐ-TT-XH) Bùi Hồng Lĩnh đã ký quyết định kết luận thanh tra "Về việc xử lý tố cáo tại Trường ĐH Lao động Xã hội". Theo đó, nhà trường có 9 nội dung sai phạm liên quan đến tuyển sinh, tuyển dụng người không đúng năng lực, bổ nhiệm cán bộ không đúng quy trình…

4. Nam Định nói không với tại chức, dân lập

Tại kỳ thi công chức năm 2011 của tỉnh Nam Định diễn ra ngày 16, 17/10, tỉnh này đã công bố công khai thông tin không thực hiện tuyển dụng đối với những ứng viên tốt nghiệp tại các trường đại học dân lập hoặc tư thục.


Xã hội - Những niềm vui, nỗi buồn về giáo dục 2011 (Hình 4).

Nam Định nói không với sinh viên tốt nghiệp tại chức, dân lập

Ngay khâu sàng lọc hồ sơ, hội đồng tuyển dụng đã gạt ra những ứng viên thuộc diện này, danh sách được công bố công khai trên web của Sở Nội vụ tỉnh. Quyết định này đã gây những ý kiến trái chiều trong dư luận.

Quyết định không tuyển công chức với người tốt nghiệp dân lập, tại chức của tỉnh Nam Định khiến lãnh đạo các trường ĐH ngoài công lập 'phản pháo' mạnh mẽ.

Trao đổi với báo chí về việc tỉnh Nam Định không tuyển người tốt nghiệp đại học dân lập, phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, Chính phủ không có chủ trương phân biệt bằng cấp khi tuyển công chức.

Tại kỳ chất vấn Quốc hội vừa qua, bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cũng phải thừa nhận những quyết định “quay lưng” với hệ đào tạo tại chức, dân lập của Nam Định và một số thành phố khác sẽ khiến Bộ GD&ĐT nghiêm túc nhìn nhận để cái tiến chất lượng giáo dục của loại hình đào tạo này.

5. Sửa đoạn kết Tấm Cám

Ngày đầu tháng 11/2011, dư luận đang có nhiều phản ứng khác nhau khi phát hiện văn bản truyện cổ tích Tấm Cám trong sách giáo khoa ngữ văn lớp 10 đã sửa lại đoạn cuối.

Xã hội - Những niềm vui, nỗi buồn về giáo dục 2011 (Hình 5).

Sửa đoạn kết Tấm cám

Cụ thể, theo sách giáo khoa ngữ văn lớp 10, ở đoạn cuối truyện, khi Cám hỏi: “Chị làm thế nào mà đẹp thế?”, Tấm hỏi lại: “Có muốn đẹp không để chị giúp?”, sau đó “Tấm sai quân hầu đào một cái hố sâu và đun một nồi nước sôi. Tấm bảo Cám xuống hố rồi sai quân hầu giội nước sôi vào hố. Cám chết. Mụ dì ghẻ thấy vậy cũng lăn đùng ra chết”.

Trong khi đó, các bản Tấm Cám trước đây có phần kết với nội dung sau khi Cám chết, Tấm đem làm mắm và gửi dì ghẻ ăn.

Việc thay đổi đoạn kết của Tấm Cám đã khiến đông đảo dư luận và các nhà nghiên cứu, nhà phê bình văn học phản đối mạnh mẽ và lo ngại sau Tấm Cám thì hàng loạt các truyện cổ tích khác cũng sẽ bị sửa không thương tiếc.

6. Hàng ngàn điểm 0 môn Lịch sử trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011

Nhiều ĐH công bố điểm khối C có điểm thi môn Lịch sử thấp kỷ lục từ trước đến nay. Hầu hết các trường, tỉ lệ thí sinh đạt điểm thi môn Sử từ trung bình trở lên chỉ chiếm từ 0,3-5%.

Xã hội - Những niềm vui, nỗi buồn về giáo dục 2011 (Hình 6).

Môn Lịch Sử có điểm thi kém nhất trong kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2011

Theo kết quả thi tuyển sinh năm 2011, điểm Sử trong bài thi khối C có số lượng thí sinh đạt điểm thấp kỷ lục.

Tại ĐH Sư phạm Đà Nẵng điểm thi khối C. Theo thống kê của ĐH Sư phạm Đà Nẵng, trong ba môn thi khối C, điểm môn Lịch sử thấp nhất với 2.448 thí sinh dưới điểm 5 (chiếm hơn 99%), trong đó có 477 bài thi đạt điểm 0.

ĐH Tiền Giang, có 253 thí sinh dự thi khối C nhưng chỉ có 5 thí sinh đạt điểm từ 5 trở lên, chiếm 1,97%. Trong đó, thấp nhất là môn Lịch sử với hơn 98% thí sinh có điểm thi dưới trung bình. ĐH Quảng Nam có 900 thí sinh dự thi khối C thì chỉ có 9 thí sinh đạt điểm trên trung bình, thí sinh đạt điểm dưới trung bình môn Lịch sử chiếm 99%. ĐH Đà Lạt có 1.564 thí sinh dự thi khối C, trong đó có gần 98% thí sinh đạt điểm môn Sử dưới trung bình.

7. ĐH Thương mại nhầm điểm, thí sinh trượt thành đỗ

Do vào nhầm điểm giữa môn Toán khối A và môn Văn khối D nên nhiều thí sinh thi vào ĐH Thương mại bất ngờ khi biết mình từ đỗ thành trượt và ngược lại. Hội đồng tuyển sinh ĐH Thương mại thừa nhận đây là sự nhầm lẫn đáng tiếc và xin lỗi thí sinh.

Cụ thể, theo thông báo, thủ khoa khối D Dương Thị Thu Hằng và Nguyễn Thế Hoàng cùng được 24 điểm. Tuy nhiên, sau khi sự cố vào nhầm điểm được phát hiện, điểm số của Hằng chỉ còn 23 và Hoàng được 23,5 điểm.

Tương tự, thí sinh Phạm Thị Lan Anh (SBD 40173) được tổng điểm 3 môn là 19,75 (Toán: 5,75; Văn: 8; Tiếng Anh: 6) nhưng theo thông báo điểm trước đây của trường, môn Văn của thí sinh này chỉ được 4 điểm. Sự cố này khiến điểm của Lan Anh tăng từ 16 lên 19,75.

Trong khi đó, trong lần công bố trước đây, Nguyễn Thị Xuân (SBD 44676) thi khối D ngành tiếng Anh được 18,25 điểm (Văn: 3, Toán 5,25 và tiếng Anh 5), trong đó tiếng Anh nhân hệ số 2. Tính cả 1 điểm cộng ưu tiên khu vực, thí sinh này vẫn trượt vì khoa tiếng Anh lấy 23 điểm.

Tuy nhiên, do điểm Văn của Nguyễn Thị Xuân bị nhầm từ 7,5 thành 3 nên tổng điểm của thí sinh này sau khi điều chỉnh đã lên tới 23, và nằm trong danh sách trúng tuyển. Thí sinh Nguyễn Thị Yến (SBD 44736 và 44740) cũng ở tình trạng từ trượt thành đỗ.

Hội đồng tuyển sinh ĐH Thương mại thừa nhận đây là sự nhầm lẫn đáng tiếc và phải xin lỗi thí sinh.

Phan Chính