Những nỗi đau thầm lặng trên tàu 0 số

Những nỗi đau thầm lặng trên tàu 0 số

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
0
Bên cạnh những chiến công hào hùng, thủy thủ trên đoàn tàu 0 số cũng phải gánh những nỗi đau không thể nói thành lời...

Năm 1968, tàu 235 chở vũ khí vào bến Hòn Hèo (Khánh Hòa) do Nguyễn Phan Vinh làm thuyền trưởng và Nguyễn Tương làm chính trị viên cùng 20 cán bộ, thủy thủ. Ngày 6/2/1968, tàu xuất phát. Ngày 29/2, khi qua vùng biển Nha Trang thì máy bay địch phát hiện. 20h cùng ngày, thuyền trưởng quyết định chuyển hướng vào bờ. Lúc này, hải quân vùng 2 duyên hải của địch đã điều động nhiều tàu chiến đến bao vây với ý định bắt sống tàu ta.

Nhịp sống - Những nỗi đau thầm lặng trên tàu 0 số

Cảng Vũng Rô với những chiến công huyền thoại của đoàn tàu 0 số

Một khó khăn cho tàu 235 là khi quay vào bờ không gặp bến đón. Trong lúc nguy cấp, thuyền trưởng chỉ đạo thủy thủ thả hàng xuống biển, sau này bến vớt lên. Khi thả được 2/3 số hàng thì thuyền trưởng cho ngưng và đưa tàu chạy ven bờ xa nơi thả hàng. Tàu chiến địch lập tức đuổi theo và một cuộc chiến không cân sức đã diễn ra khiến thuyền trưởng và máy trưởng bị thương, máy tàu hỏng nặng.

Lúc này thuyền trưởng Vinh đã cho tàu vào gần bờ để những người bị thương sơ tán lên, còn anh và thợ máy ở lại chuẩn bị điểm hỏa bộc phá tàu rồi bơi vào bờ sau. Tiếng nổ của con tàu khiến địch điên cuồng bắn phá ven biển nhằm dọn đường cho bộ binh vây bắt thủy thủ. Thuyền trưởng Vinh và thợ máy Ngô Văn Thứ đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và hy sinh. Hiện, xác tàu vẫn còn một nửa nằm ở xã Ninh Vân, Ninh Hòa (Khánh Hòa), nay đã có một tấm bia dựng lên để tưởng nhớ 18 anh em thủy thủ tàu 235 hy sinh anh dũng nơi này.

Một câu chuyện khác chứa đầy thương cảm vẫn được trung tá Hồ Đắc Thạnh nhớ như in. Chuyện là trong tiểu đoàn có đồng chí vì lập nhiều chiến công, nhân dịp chuyến công tác quê nhà Bình Định, Đảng bộ tỉnh bố trí cho gặp vợ một đêm, hôm sau anh đi sớm. Nhưng hậu quả để lại chị vợ phải gánh chịu, bởi sau đêm đó, chị đã mang thai. Lúc này vì tinh thần và sức mạnh chiến đấu, Đảng ủy nơi cô công tác không thể chấp nhận với một người chửa hoang như cô, nhưng cô không thể nào giải thích nổi cha đích thực của đứa bé là chồng mình khi chồng đang công tác tận ngoài Bắc. Nén giận đau thương từ sự kỷ luật của tổ chức cho đến những lời dè bỉu của thiên hạ, cô lặng lẽ nuôi con chờ chồng mong một ngày được gột rửa nỗi nhục này.

Bốn năm trôi qua, khi người chồng từ đơn vị về, sự thật mới chính thức được công khai. Lúc này, Đảng bộ tỉnh phải đứng ra "giải oan" cho cặp vợ chồng này.

Câu chuyện đầy cảm động của chàng thủy thủ Nguyễn Thanh Xuân (tàu 0 số 41) cũng cho thấy cuộc chiến còn chứa nhiều nỗi đau lặng thầm. Sự là nhân chuyến tàu cập bến Vũng Rô khi dân công tò mò lên tàu xem. Bất thình lình phát hiện ra vợ trong đó, Xuân phải vội vàng trốn dưới hầm ngó vì không dám trái với quy định cấp trên, nhất là trong thời điểm bí mật hành trình của con tàu đang được đặt ở mức cao nhất. Trốn dưới hầm ngó mà nước mắt Xuân đầm đìa nhìn người vợ mới cưới đang len lỏi hỏi han những người khác về thông tin và sức khỏe của chồng.

Quay trở lại với số phận những người lính anh hùng đường Hồ Chí Minh trên biển, hẳn khi nhắc lại ai cũng cảm thấy thương cảm với số phận của chính trị viên tàu 0 số 43. Sau chuyến đi từ Hải Phòng vào sông Gianh năm 1969, chính trị viên Trần Ngọc Tuấn bị ốm nặng, phải đi an dưỡng ở bệnh viện. Điều trị mãi không khỏi nên bộ chỉ huy động viên ông chuyển sang làm công tác tổ chức. Ông nói "tổ chức phân công đi đâu tôi đi đó". Vậy là ông về làm công tác tuyển sinh ở Trường Thủy sản. Sau giải phóng trường chuyển vào Nha Trang, Khánh Hòa. Khi về hưu, ông đi bán thuốc lá để kiếm tiền nuôi con ăn học. Bị người ta lừa hết tiền thuốc, vị lính già lại đi gác cổng cho một trường trung học với đồng lương ít ỏi. Khi Trường Thủy sản mở trung tâm 3, ông được mời về đó làm bảo vệ.

Cuộc sống gian khó là vậy nhưng khi được hỏi, ông chỉ biết mỉn cười nói: "Giờ tôi con cái trưởng thành, có gia đình riêng, chỉ còn hai ông bà già chăm sóc cho nhau. Cuộc sống như vậy đã hạnh phúc lắm rồi".

Vương Trần