Những phận đời sống trong xóm nghĩa trang

Những phận đời sống trong xóm nghĩa trang

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:50
0
Cuộc sống mưu sinh, vì đồng tiền bát gạo, nhiều lúc sa cơ lỡ bước nhiều mảnh đời đã phải chấp nhận "sống cùng người chết" trong không gian “Đêm hôm vắng vẻ, tĩnh mịch, nhìn bốn bề đều là mồ mả tôi lại lạnh xương sống”

Người đi qua đường luôn ném vào đây những cặp mắt tò mò, sợ hãi. Họ là 20 hộ dân đang an cư lạc nghiệp tại Nghĩa trang Âm Linh, huyện Phú Vang (Thừa Thiên Huế). Suốt 12 năm nay, những người dân này đã sống, sinh hoạt, ăn ngủ ngay bên người đã khuất. Những đứa trẻ con nô đùa, nhảy dây, chơi cò…trên lăng mộ

Xã hội - Những phận đời sống trong xóm nghĩa trang

Những đứa trẻ nô đùa trên lăng mộ của người đã khuất. ảnh: V.D

Cơn lũ nghiệt ngã

Cơn lũ lịch sử năm 1999 quét qua các thôn nghèo chạy dọc ven biển Thuận An, để lại hậu quả là nước biểm xâm thực sâu hàng trăm mét đất, cướp đi hàng chục ha đất sản xuất của bà con các thôn Hải Tiến, Hải Bình, Minh Hải, Hải Thành, An Hải thuộc huyện Phú Vang. Khi cơn lũ đi qua, nhà cửa tan hoang, nhiều gia đình không còn nơi trú ngụ. Mất đất, việc sản xuất gặp nhiều khó khăn vì đất nhiễm mặn. Chỉ sau vài ngày, những người dân nơi đây bỗng mất hết tài sản, không biết đi đâu về đâu. Rồi người ta bỗng dưng thấy ở Nghĩa trang Âm Linh xuất hiện một căn chòi dựng tạm, rồi hai căn, dần dà chi chít những mái nhà lụp xụp tạm bợ được dựng lên xung quanh những ngôi mồ của người đã khuất.

Nghĩa trang Âm Linh trở thành nơi cư trú của những gia đình xấu số. Họ sống, sinh hoạt, ăn ngủ ngay bên người đã khuất. Những đứa trẻ nô đùa, nhảy dây, chơi cò…trên những lăng mộ. Thậm chí, ở ngôi làng Âm Linh này, có cả những tiếng khóc chào đời được cất lên bên những con người đã kết thúc một cuộc đời.

Ngôi làng đặc biệt khá đông dân cư sinh sống, các hộ gia đình đều có số nhân khẩu tương đối nhiều. Trên đường vào làng, thỉnh thoảng tôi lại bắt gặp một vài cháu bé đang chơi ngay bên những lăng mộ. Theo anh Nguyễn Hùng, một cư dân của làng cho biết: Gia đình anh đến đây lập nghiệp cũng đã được 12 năm. Khoảng đất mà hiện tại 5 thành viên gia đình anh đang sinh sống trên đó vốn là một ngôi mộ lớn đã được người ta di dời đi nơi khác. Hằng ngày, anh chạy xe ôm, thỉnh thoảng hai vợ chồng tranh thủ đi phụ hồ kiếm chút đồng nuôi các con, cho qua ngày đoạn tháng.

Nhìn toàn cảnh căn nhà của gia đình anh Hùng trông khá chật chội. Phần lớn nhà của các hộ dân nơi đây xây không được rộng rãi, chủ yếu được lợp bằng Pro xi măng đã mục. Ban ngày thì nắng xuyên thủng, ban đêm nhìn thấy sao trời.

Đêm đêm lo sợ

Gặp mấy chị phụ nữ đang tụm năm tụm bảy trước một sạp rau nhỏ trong xóm nghĩa trang, được nghe các chị tâm sự mà thấy chua xót. Chị Nguyễn Thị Hoa, một thành viên của xóm bảo: “Bất đắc dĩ chúng tôi mới phải kéo nhau ra đây, chứ ai muốn sống như vậy. Lũ năm 1999 tràn về cuốn theo nhà cửa, ruộng vườn, tài sản của chúng tôi. Mất đất chẳng có nơi để dựng nhà, nên cả gia đình phải kéo nhau vô đây. Khổ thế nhưng người ta có biết cho đâu, mấy chị em tui không có nghề nghiệp, rủ nhau đi làm thuê, nhưng ai người ta cũng ngại nhận, vì cho rằng mình sống với người chết”.

Nghe đến đây, các chị còn lại đều gật đầu công nhận, chị Hoàng Thị Mai tiếp lời: “Nói thật với cô là cùng đường chúng tôi mới phải sống ở đây, chứ nhiều lúc cũng sợ lắm. Đêm hôm vắng vẻ, tĩnh mịch, nhìn bốn bề đều là mồ mả mà lạnh xương sống, nhưng không sống ở đây thì biết ở đâu?”

Sống ở đây, đàn ông, con trai đôi lúc còn sợ nữa là chị em phụ nữ và mấy đứa trẻ. Anh Hùng bảo: “Ngày đi làm thì thôi, chứ đêm về nhà ngủ ngó đâu cũng thấy mồ mả mà ớn lạnh. Nhiều lúc sợ quá, nhắm mắt lại liều sống. Mới hồi đầu về, đêm hôm vợ chồng, con cái ôm nhau màrun, sống riết từng ấy năm, giờ cũng quen”.

Định cư ở đây cũng đã 12 năm, nhưng hầu hết các điều kiện sinh hoạt như điện, nước vẫn đang còn rất thiếu thốn, hạn hẹp. Điều đáng bàn là cả 20 hộ dân sống trong Nghĩa trang Âm Linh đều không có nhà vệ sinh đúng nghĩa. Họ đi vệ sinh tại khoảng đất cách nghĩa trang 50m. Bởi mọi người ở đây đều quan niệm: Người âm đã cho mượn đất thì không thể xả những thứ ô uế ấy lên nơi yên nghỉ của người họ. Đó là lý do vì sao không thể tìm đâu ra một công trình nhà vệ sinh đúng chuẩn ở ngôi làng Âm Linh này. Bãi đất công cộng ấy phủ một màu trắng xóa của giấy vệ sinh và chất thải. Mùa hè nắng nóng, chỉ một cơn gió nhẹ thì cả làng bao phủ một mùi nồng nặc.

Tình trạng trên kéo dài quá lâu, cũng đã nảy sinh những bất cập, người viết mong chính quyền địa phương sớm vào cuộc, để có biện pháp giải quyết cho người dân.

Khó giải quyết

Trao đổi với phóng viên ông Trần Trọng Châu, trưởng thôn Hải Thành cho biết: “Từ sau lũ 1999 một số hộ gia đình mất đất đến dựng chòi ở tạm trên Nghĩa trang Âm Linh. Điều này chính quyền địa phương có biết. Ban đầu, chính quyền cũng đã ra sức can ngăn, nhưng do đất đai cũng như một số điều kiện khác tại địa phương chưa cho phép, nên là chính quyền cũng để bà con sống tạm. Đã 12 năm trôi qua, hiện nay chúng tôi cũng đang suy nghĩ đến phương án giải quyết, nhằm khắc phục tình trạng trên, nhưng đó là cả một vấn đề rất khó khăn, không thể trong ngày một ngày hai được”.

Loan Nguyễn