Những phận người lênh đênh trên sông Cửa Tiền

Xuân Minh

Không nhà cửa, không được ăn học, hai chữ “ngụ cư” bám riết, ám ảnh cuộc sống của các hộ dân dưới sông Cửa Tiền, Tp. Vinh, tỉnh Nghệ An.

Đời sông, phận người

Phía sau khu chợ Vinh, nơi tấp nập kẻ đến người đi là dòng sông Cửa Tiền (khối Yên Giang, phường Vinh Tân, Tp. Vinh, tỉnh Nghệ An). Con sông bé nhỏ này đang là nơi trú ngụ của những phận người nghèo khổ, vất vả.

Nơi đây, hiện có 7 hộ dân với khoảng hơn 40 nhân khẩu sinh sống. Những con thuyền cũ kĩ, xuống cấp chính là nơi cư ngụ của họ.

Ông Hoàng Chức năm nay đã 49 tuổi, quê gốc ở Quảng Bình, nhưng đã đến ở đây từ những ngày còn nhỏ. Ở cái tuổi chưa phải lớn, nhưng đầu tóc ông Chức đã bạc gần hết, khuôn mặt in hằn sự khắc khổ. Dù làm việc vất vả nhưng ông cũng không dám nghĩ đến chuyện sẽ dành dụm tiền mua mảnh đất làm nhà ở.

“Không được học hành, cuộc sống của tôi xoay vần với con tôm, con cá ở dòng sông Cửa Tiền này, ngoài nghề này ra tôi không biết làm gì hơn được. Chạy ăn từng ngày còn không đủ thì tôi làm gì dám mơ ước mua đất, xây nhà”, ông Chức thở dài.

Các hộ dân ở làng chài này sinh sống dựa vào sông. Hằng ngày, các gia đình sẽ chèo thuyền thả lưới đánh cá. Khi được cá, họ sẽ mang lên đường bán cho người dân hoặc mang ra chợ Vinh gần đó để bán.

Ngày nhiều thì được vài ba trăm nghìn, có ngày chỉ được trăm nghìn, thậm chí mưa gió chẳng được đồng nào. Cuộc sống bấp bênh nên các hộ dân nghèo khó, họ phải chi tiêu dè sẻn lắm mới đủ cái ăn cái mặc hàng ngày.

Nằm sát con đò của ông Chức là những căn lều tranh xập xệ ven bờ sông. Phần lớn họ cũng quê Quảng Bình như gia đình ông Chức. Vì ở trên thuyền quá chật chội, nên những gia đình này đã phải lên bờ dựng các ngôi nhà bằng tre, bằng gỗ ở mép sông làm chỗ tạm trú qua ngày. Qua thời gian, những ngôi nhà cũng xiêu vẹo. Thậm chí có ngôi nhà đã đổ sập.

Những ngôi nhà tạm bờ dựng sát bờ sông Cửa Tiền.

Ngoài nguồn thu nhập chỉ trông chờ vào con tôm, con cá trên sông, họ chỉ có thể sống bằng nghề nhặt ve chai. Vì vậy, gia tài cóp nhặt cho đến gần cuối đời vẫn chỉ là con đò cũ, phía trong chẳng có tài sản gì đáng giá. Điều xót xa hơn, những người dân này không có hộ khẩu ở đây, nên cũng không có quyền lợi xã hội.

Bao năm qua, nhà cửa, phố xá ven sông Cửa Tiền đã đổi thay nhiều. Làng vạn đò dù còn ít hộ hơn trước đây, nhưng vẫn không thay đổi với những phận đời lênh đênh, lầm lũi trong những chiếc thuyền cũ kĩ bên đám lau lác, cỏ dại bùn phủ lên đen ngòm cạnh bờ sông.

Anh Nguyễn Văn Thanh (42 tuổi) cho biết: “Gia đình tôi có 4 người con nhỏ nên việc cơm ăn ba bữa hằng ngày đã là điều khó khăn. Vì thế, cho dù thức khuya dậy sớm, làm lụng vất vả quanh năm nhưng để có thể mua một mảnh đất làm nơi an cư cho cả gia đình là một giấc mơ quá xa vời”.

Lo lắng trước ngày phải rời chốn cư ngụ

Theo kế hoạch, tới đây, thành phố Vinh sẽ triển khai việc cải tạo toàn bộ bờ kè sông Vinh. Đây là một hợp phần trong dự án “Hạ tầng ưu tiên và phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu thành phố Vinh” vừa được tỉnh Nghệ An phê duyệt. Toàn bộ dự án có tổng mức đầu tư gần 200 triệu USD.

Mục tiêu của dự án là nhằm giảm thiểu rủi ro ngập úng tại khu vực đô thị chính và tăng cường khả năng quản lý đô thị thích ứng biến đổi khí hậu của thành phố Vinh; hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng tích hợp và phát triển khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của thành phố Vinh, góp phần phát triển đô thị bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo động lực để phát triển kinh tế-xã hội toàn diện cho thành phố Vinh và tỉnh Nghệ An.

Cuộc sống khốn khổ bám víu lấy người dân khiến họ đã không còn dám mơ ước được lên bờ mua đất làm nhà.

Cụ thể, dự án giúp giảm ngập lụt và thích ứng với biến đổi khí hậu cho thành phố thông qua các hoạt động cải tạo và nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước; cải thiện điều kiện môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thông qua việc cải tạo và nâng cấp sông Vinh và hệ thống thu gom, xử lý nước thải.

Đồng thời, dự án sẽ giúp tăng cường kết nối giữa khu vực trung tâm với các khu vực đang phát triển và cơ sở hạ tầng còn yếu kém nhằm tạo động lực để thành phố phát triển thông qua việc xây dựng một số tuyến đường kết nối; cũng như không gian xanh cho thành phố thông qua việc xây dựng các hạ tầng không gian công cộng, thông qua việc cải tạo sông Vinh, xây dựng hồ Hưng Hòa 2 cùng hạ tầng công viên.

Nguồn vốn đầu tư, gồm vốn vay Ngân hàng thế giới là 129,6 triệu USD (tương đương 3.000 tỷ đồng); vốn đối ứng 1.502 tỷ đồng do UBND Tp. Vinh bố trí. Tiến độ thực hiện dự án là 6 năm.

Khi thực hiện dự án cải tạo và nâng cấp sông Vinh thì những hộ dân ở đây sẽ phải di chuyển.

Vì vậy, khi thực hiện cải tạo toàn bộ sông Vinh, chắc chắn những hộ dân vạn chài này sẽ phải di chuyển để đơn vị thi công làm dự án. Nghe được thông tin này, các hộ dân đều không khỏi lo lắng khi không biết sẽ phải phiêu dạt về đâu trong thời gian sắp tới.

Ông Nguyễn Hoàng Mạnh, Chủ tịch phường Vinh Tân, Tp. Vinh cho biết, trước đó vào năm 2004, chính quyền địa phương đã từng đưa các hộ dân này về quê ở tỉnh Quảng Bình để bàn giao cho địa phương và cấp đất cho các hộ dân này sinh sống.

Tuy nhiên, chỉ được thời gian ngắn, những hộ dân này đã quay trở lại sông Vinh để ở vì trong quê không có việc làm. Trong khi đó họ đã quá quen với nghề sông nước.

“Những hộ dân làng vạn chài này sinh sống ở đây đã từ lâu. Các hộ dân làm nghề chài lưới, đánh bắt cá trên sông rồi đem ra chợ bán. Cuộc sống rất khó khăn. Mặc dù rất đồng cảm với người dân xóm vạn chài, nhưng địa phương không thể bố trí nơi ở cho họ vì họ là người ở tỉnh khác, không có hộ khẩu ở đây”, ông Mạnh nói.

UBND phường Vinh Tân cũng đã làm việc với doanh nghiệp thực hiện dự án. Do không có hộ khẩu nên các hộ dân này không được đền bù. Tuy nhiên, đơn vị này hứa sẽ hỗ trợ để người dân mua thuyền làm chỗ ở mới thay cho những ngôi nhà tạm bợ.

X.M