Những sai phạm nghiêm trọng của Sở Y tế TP.HCM (1)

Những sai phạm nghiêm trọng của Sở Y tế TP.HCM (1)

Thứ 4, 28/08/2013 | 10:28
0
Từ năm 2008 đến ngày 3/6/2013, Sở Y tế TP.HCM đã hoàn tất việc cấp giấy chứng nhận “thực hành tốt phân phối thuốc” (GDP) cho 390 công ty dược phẩm và cấp giấy chứng nhận “thực hành tốt nhà thuốc” (GPP) cho 3.941 nhà thuốc theo quy định của Bộ Y tế...

Thế nhưng trên thực tế, hầu hết các nhà thuốc đạt chuẩn GPP đều vi phạm tiêu chuẩn thực hành tốt nhà thuốc.

Xã hội - Những sai phạm nghiêm trọng của Sở Y tế TP.HCM (1)

Hầu hết các nhà thuốc tây đều chỉ có diện tích từ 6-9m2, nhếch nhác, lộn xộn, thậm chí trước cửa còn bày bán bánh bao, bánh mì...

Chuẩn GPP chỉ là bình phong

Tổ phóng viên đã chia nhau đi khảo sát hàng loạt nhà thuốc ở nhiều quận, huyện trên địa bàn TP.HCM để trực tiếp ghi nhận việc thực hiện những nguyên tắc, tiêu chuẩn được quy định trong Quyết định số 11/2007/QĐ-BYT của Bộ Y tế có đúng như quy định hay không?

Chỉ riêng tiêu chuẩn:“dược sĩ đại học phải thường xuyên có mặt tại nhà thuốc hoặc ủy quyền cho một dược sĩ khác khi vắng mặt” và các thiết bị bảo quản thuốc tại cơ sở bán lẻ thuốc phải “bảo quản nhiệt độ dưới 300C và độ ẩm không quá 75%”, thì tất cả các nhà thuốc mà chúng tôi đi khảo sát, kể cả đặt ngay trung tâm thành phố như đường Hai Bà Trưng (quận 3) và các bệnh viện thuộc tuyến TW và địa phương đều không có mặt dược sĩ, chỉ có dược tá đứng bán, tất cả nhà thuốc đều mở toang cửa kiếng và tắt máy lạnh. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn gặp dược sĩ và hỏi tại sao trời nóng quá, nhà thuốc có máy lạnh mà không mở thì được các dược tá giải thích, dược sĩ cho thuê bằng 5 triệu đồng/tháng nên họ phải đi làm ở hãng dược, bệnh viện hay làm trình dược viên, tiền thuê nhà thì thấp nhất cũng 6-10 triệu đồng/tháng nếu chạy máy lạnh liên tục thì không đóng nổi tiền điện, nên chỉ mở máy lạnh khi đoàn kiểm tra đến.

Tại quầy bán nhà thuốc BV 115 có 6 loại thuốc quá date: Vidaup (loại viên) hạn dùng:12/2012; Dozanavir (viên) hạn dùng 5/2012; Onfran (viên) hạn dùng 7/2010; Genecalcin (lọ) hạn dùng 9/2010; Beathricin (viên) hạn dùng 4/2011; Cyclonamin (ống) hạn dùng 6/2011. Còn tại kho chẵn (kho nhập vào) có: Onfran (viên) hạn dùng 10/2010; Glyceryl trinitrat (ống) hạn dùng 3/2010; Macwin (viên) hạn dùng 2/2010; Supervin (viên) hạn dùng 6/2010; Beathricin (viên) hạn dùng 4/2011; Neocoline (ống) hạn dùng 7/2012; Dolibarax hạn dùng 11/2012; Hepalon (viên) hạn dùng 3/2011; Correctol hạn dùng 5/2012.

Cũng theo quy định của Bộ y tế: “Nhà thuốc là địa điểm riêng biệt, cách xa nguồn ô nhiễm, có diện tích tối thiểu 10m2, chia 3 khu vực: trưng bày thuốc, bảo quản thuốc, bán thuốc, có ghế ngồi cho người mua thuốc; có bàn tư vấn cho người mua; có chỗ rửa tay…” thì tất cả các nhà thuốc được khảo sát đều không có 3 khu vực riêng biệt, không có bàn tư vấn và chỗ rửa tay, hầu hết các nhà thuốc ở những khu vực đông dân cư, khu vực các quận vùng ven như  Bình Chánh, Bình Tân, Gò vấp, Tân Bình… chỉ có diện tích từ 7 – 9m2. Điển hình như nhà thuốc Nam Sanh Đường (320 XVNT, Bình Thạnh) một bên bán thuốc, một bên bán bánh mì, bánh bao. Hiệu thuốc tây số 20 ( 412 Xô Viết nghệ Tĩnh, phường 25, quận Bình Thạnh), rộng chừng 5m2, ẩm thấp, tồi tàn, gia đình ăn ở chung trong nhà thuốc. Hoặc nhà thuốctư nhân Thanh Tâm (332/6 Dương Quảng Hàm, phường 5, quận Gò Vấp) bán hàng ngay khu vực chợ, ồn ào, bui bặm, nhếch nhác…. Quy định bán thuốc đặc trị, gây nghiện, an thần… phải có toa bác sĩ, nhưng khi chúng tôi hỏi mua thuốc trị hen suyễn Seretide và thuốc an thần Dogmatil, thì tất cả dược tá nhà thuốc đều đồng ý bán và chỉ định liều lượng, mà không đòi có toa bác sĩ. Như vậy, nếu nói như 100% thì có vẻ hơi quá nhưng những gì mà chúng tôi trực tiếp ghi nhận thì gần như tất cả các nhà thuốc đề vi phạm thực hành tốt nhà thuốc.

Với quy định: Nhà thuốc chỉ mua thuốc được phép lưu hành tại các cơ sở kinh doanh thuốc hợp pháp, thuốc mua còn nguyên vẹn và có đầy đủ bao gói của nhà sản xuất đúng quy chế hiện hành, có đủ hóa đơn, chứng từ hợp lệ, còn hạn dùng, có đủ thông tin trên nhãn thuốc theo quy chế ghi nhãn… chúng tôi không có thẩm quyền kiểm tra quy định này, nhưng kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng tại Nhà thuốc Bệnh viện (BV) 115 hồi đầu tháng 3/2013 này cho thấy hết sự gian xảo của nhà thuốc. Nhà thuốc BV 115 do dược sĩ Huỳnh Hiền Trung đứng tên, được cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn GPP ngày 29/5/2008, trên bảng hiệu ghi: “ĐẠT CHUẨN THỰC HÀNH TỐT NHÀ THUỐC (GPP) – ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG - GIÁ CẢ HỢP LÝ…” lại bán đến 13 loại thuốc quá date từ 3 tháng đến 37 tháng.

Xã hội - Những sai phạm nghiêm trọng của Sở Y tế TP.HCM (1) (Hình 2).

Bệnh viện 115 “cháy nhà ra mặt chuột”

Khi bị kiểm tra, nhân viên nhà thuốc BV 115 đã đến nhà bệnh nhân đã mua thuốc quá date để trả tiền, đổi thuốc và nhờ xác nhận vào giấy viết tay. Còn DS Huỳnh Hiền Trung báo cáo với lãnh đạo BV 115 rằng, 13 loại thuốc quá date này không bán cho bệnh nhân mà được đưa vào khu biệt trữ (để chờ tiêu hủy). Nhưng các chứng từ thẻ kho, xuất bán trong tháng 10 và 12/2012, biên bản kiểm kê đều thể hiện một số loại thuốc trên đã được xuất bán và trên các hóa đơn đều đóng mộc “đã giao thuốc”. Thí dụ, thuốc Dozanavir (5mg) số lô 9238001, có hạn dùng đến 18/5/2012, nhưng hóa đơn bán thuốc ghi ngày 23/10/2012 cho một bệnh nhân tại thành phố HCM và một hóa đơn bán ngày 30/10/2012 cho một bệnh nhân ở tỉnh. Còn với loại thuốc cận date Vidaup (giảm mỡ máu), số lô số 016391, hạn dùng 2/12/2012 cũng đã được bán cho nhiều bệnh nhân sau ngày này.

Nhà thuốc BV 115 đạt chuẩn GPP đầu tiên, mà vi phạm nghiêm trọng các quy chế mua thuốc và bán thuốc quy định trong Quyết định số 11/2007/QĐ-BYT của Bộ Y tế cho thấy việc cấp chứng nhận đạt chuẩn GPP thực sự là… bát nháo. Quyết định số 11 quy định mỗi nhà thuốc, dược sĩ phụ trách phải có mặt thường trực, nhưng trong BV 115 có ba nhà thuốc đều do DS Huỳnh Hiền Trung đứng tên phụ trách (một ở cổng chính của BV, một tại khu khám Bảo hiểm y tế và một tại khu khám theo yêu cầu). Không chỉ DS Huỳnh Hiền Trung đóng vai “Dưới ba màu áo”, mà ở BV Đại học Y dược, DS Nguyễn Thu Hường đóng vai “Dưới hai màu áo” khi cùng phụ trách hai nhà thuốc tại đây.

Tương tự, BV Phụ sản Từ Dũ, BV Chấn thương chỉnh hình, BV Bệnh Nhiệt đới đều có hai thuốc do cùng một dược sĩ đứng tên. Các nhà thuốc lẻ ở ngoài phố do doanh thu thấp, thuê dược sĩ giá thấp nên không có mặt thường trực đã là vi phạm, đàng này doanh thu của nhà thuốc BV 115 từ 8 -10 tỷ đồng/tháng thừa để mướn dược sĩ giá cao, nhưng DS Huỳnh Hiền Trung “thầu” phụ trách 3 nhà thuốc, mà Sở Y tế vẫn cấp phép!

Năm 2009, Phó giám đốc Sở Y tế Phan Văn Báu kiêm nhiệm làm giám đốc BV 115 (hiện thôi giữ chức phó giám đốc Sở Y tế), mà giám đốc BV đương nhiên là chủ tịch hội đồng thuốc BV, có trách nhiệm chỉ đạo đấu thầu thuốc và thẩm định giá thuốc dùng trong khoa dược BV cấp cho bệnh nhân nội trú. Thời gian này, một số bác sĩ và điều dưỡng BV 115 đã tố cáo: Từ khi BS Phan Văn Báu về làm Giám đốc BV115, ông có chỉ đạo họ chỉ định hầu hết bệnh nhân nội trú thuộc diện thu phí phải tự mua thuốc (trong khi phần lớn số thuốc đó có trong danh mục thuốc thiết yếu của BV) và phải mua tại nhà thuốc BV của DS Huỳnh Hiền Trung. Báo Lao Động đã điều tra và đăng loạt bài: “Bệnh viện Nhân Dân 115 (TPHCM) buộc bệnh nhân nội trú mua thuốc giá cao: 40 tỉ đồng vào túi ai?”, phản ảnh việc gần 70% bệnh nhân nội trú không được cấp phát thuốc từ khoa Dược của BV, mà bị chỉ định phải mua ở nhà thuốc BV với giá cắt cổ, cao hơn giá thuốc tại Khoa dược BV từ 100%-800%.

Thanh tra Sở Y tế đã vào cuộc, các bác sĩ, điều dưỡng đều khai nhận: Nếu bệnh nhân mua ở nhà thuốc khác, không có hóa đơn hoặc không có “ký hiệu” của nhà thuốc BV115, thì bác sĩ và điều dưỡng không được phép sử dụng điều trị, thì ngày 19/1/2010, phó giám đốc BV115 Nguyễn Ngọc Anh ký công văn số 56/BC-BV115 gửi lãnh đạo Thành ủy, UBND TPHCM và Báo Lao Động để phản hồi bài báo: “Bệnh viện Nhân Dân 115 (TPHCM) buộc bệnh nhân nội trú mua thuốc giá cao: 40 tỉ đồng vào túi ai?” và cho rằng BV 115 không hề có chỉ đạo như vậy. Sau đó, Báo Lao Động có bài viết chứng minh công văn này không trung thực. nhung kết cục việc làm trái quy định là kê toa cho bệnh nhân nội trú, giúp nhà thuốc BV115 hưởng lãi 40 tỷ đồng trong năm 2009 đã bị “chìm xuồng”.

Theo tài liệu Thanh tra Sở Y tế: giá thuốc bán tại nhà thuốc bệnh viện 115, tỷ lệ chênh lệch khá cao: Bicef (Hàn Quốc) nhập khẩu giá 1.100đ/viên, giá vào bệnh viện 3.714đ/viên, bán cho bệnh nhân 4.300đ/viên! Thuốc Milan (Ấn Độ) giá nhập khẩu 981đ/v, giá vào bệnh viện 5.500 đ/v, bán cho bệnh nhân 6.000 đ/v. Tương tự, Kobes (Hàn Quốc), Zolid (Ấn Độ), Argi B (Hàn Quốc)… đều có tỷ lệ chênh lệch giá từ 300% đến 600%.

(Còn nữa)

Theo Công lý

Bộ Y tế đã thành lập ban soạn thảo thông tư 'ngực lép'

Thứ 4, 28/08/2013 | 09:31
Ngày 27-8, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), thừa nhận:

Bộ Y tế: 'Ngực lép' không được lái xe là dự thảo từ 2008

Thứ 2, 26/08/2013 | 09:41
Trước thông tin cho rằng dự thảo thông tư liên bộ quy định về điều kiện sức khỏe lái xe đã được đưa ra, trong đó quy định người “ngực lép” không đủ tiêu chuẩn lái xe… đại diện Bộ Y tế cho biết, đến thời điểm này, chưa dự thảo nào được đưa ra.

Công văn hỏa tốc của Bộ Y tế về tiêm vắc xin

Thứ 3, 30/07/2013 | 23:15
Bộ Y tế yêu cầu, mỗi buổi tiêm chủng cho không quá 50 trẻ, phải có cán bộ khám sàng lọc trước tiêm, chuẩn bị đủ phương tiện cấp cứu...

Bệnh viện 'đối đầu' bộ Y tế vì an toàn trẻ sơ sinh?

Thứ 7, 27/07/2013 | 16:53
Vụ ba cháu bé ở Quảng Trị tiêm vacxin viêm gan B bị tử vong với kết luận sốc phản vệ... “chưa rõ nguyên nhân” và thêm một cháu bé ở Bình Thuận tử vong, chưa có kết luận y khoa khiến nhiều phụ sản lo ngại.

Bộ Y tế gửi công văn khẩn cho Bộ Công an

Thứ 6, 26/07/2013 | 11:17
Bộ Y tế vào cuộc, gửi công văn khẩn cho hai đơn vị kiểm định xác định rõ nguyên nhân dẫn đến tử vong sau tiêm chủng đúng theo tinh thần của bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến "lỗi của vaccine thì xử vaccine".

Vụ 3 trẻ tử vong: Bộ Y tế điều tra độc lập với công an

Thứ 5, 25/07/2013 | 11:29
Sau tai biến khiến 3 trẻ sơ sinh tại Quảng Trị tử vong sau tiêm vắc xin viêm gan B, chiều 24/7, Bộ trưởng Bộ Y tế đã tham gia cuộc họp “nóng” của Hội đồng tư vấn sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế”.

Bộ Y tế vào cuộc vụ 3 trẻ sơ sinh chết sau khi tiêm vắc xin

Chủ nhật, 21/07/2013 | 16:36
Hôm nay 21.7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết một đoàn công tác của bộ này sẽ đến Quảng Trị để tìm hiểu nguyên nhân tử vong của 3 trẻ sơ sinh sau khi tiêm vắc xin phòng viêm gan B.