Những tiếng vọng đau thương từ lòng “hồ tử thần”

Những tiếng vọng đau thương từ lòng “hồ tử thần”

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:03
0
Hồ Đá nằm gọn lỏn trong lòng núi đá mấp mô cao thấp. Sườn đá có lúc thoai thoải, có chỗ chênh vênh, cũng có nơi đứng sừng sững kiêu hãnh. Quanh hồ, những rừng cây mát rượi uốn lượn trên cánh đồng cỏ xanh mênh mang.

Con đường đất chạy dài nối liền con đường nhựa tuyệt đẹp phân cách hai hồ cũng rộng thênh và tĩnh lặng, cung đường dài miên man uốn theo mặt hồ. Nhưng Hồ Đá không chỉ mang trên mình vẻ đẹp huyền hoặc làm say đắm lòng người mà ở đó, tận trong lòng hồ thăm thẳm, suốt mấy chục năm qua luôn vọng tiếng đau thương, tang tóc. . . Cùng với những lời thêu dệt thị phi, những năm qua, Hồ Đá đã trở thành nỗi ám ảnh với người dân nơi đây với tên gọi "hồ tử thần".

Bí mật "hồ tử thần"

Nằm trong khuôn viên trường đại học Quốc Gia thành phố Hồ Chí Minh, giáp ranh với huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương, có một thế giới khác biệt được vẽ lên bởi thiên nhiên kỳ diệu, nơi có núi, có hồ, có cây cỏ, có vạn vật sinh sôi nảy nở, có những hỉ, nộ, ái, ố của con người, đó là nơi người dân vẫn quen gọi bằng cái tên: Hồ Đá.

Mặc dù là một địa điểm thư giãn được nhiều người ưa thích, nhưng thời gian gần đây, Hồ Đá luôn là nơi xảy ra nhiều tai nạn đau lòng. Một số người dân xung quanh còn nhớ rõ cái chết của An học sinh lớp 11 vào một buổi chiều trong một lần cùng nhóm bạn đến đây để đua thuyền, ca nô điện tử.

Đang chơi, bất ngờ chiếc ca nô điện tử của An vướng phải vật lạ giữa hồ, cậu liền cởi quần áo nhảy ùm xuống hồ bơi ra để cứu, khi bơi ra gần chiếc ca nô của mình, An bổng giơ tay chới với vẫy vẫy liên tục mấy cái rồi chìm nghỉm xuống mặt nước.

Những học sinh còn lại đứng trên bờ hốt hoảng kêu cứu nhưng đành bất lực chứng kiến cái chết của bạn mình. Chứng kiến cảnh người yêu chìm dần xuống lòng hồ khi lời yêu vừa mới thốt ra và câu trả lời còn để ngỏ, nhìn gương mặt thất thần, đau khổ của Lan những người xung quanh không cầm được nước mắt...

Lan kể: Người đó là bạn trai cô quen từ thời cấp 3, và gắn bó với nhau qua 2 năm đại học. Buổi chiều định mệnh ấy bạn trai chính thức ngỏ lời yêu với cô nhưng vì thấy cô im lặng nên đã thề "anh sẽ xuống hồ nhặt cành rêu lên tặng em làm kỷ niệm, anh mong ước tình yêu tụi mình năm tháng dù có bị bào mòn theo thời gian vẫn như loài rêu kia, hiên ngang sống và tồn tại".

Thế rồi chàng cởi quần áo lao xuống hồ, để mãi mãi là kỷ niệm đau nhói của nàng và nỗi đau xé lòng của người thân. Đau lòng không kém là cái chết của ba sinh viên người miền Bắc vào đây học. Trong một lần nhậu xỉn, cả ba rủ nhau ra Hồ Đá để thi bơi, đang hồi quyết liệt thì một người bị nạn, hai người dừng lại cứu bạn nhưng rồi cả ba đều bị lòng hồ nuốt chửng.

Nhưng đau lòng nhất vẫn là hình ảnh xác bốn cô gái trẻ còn ôm ghì lấy nhau toàn thân tím tái hồi trước tết 2011. Đó là những cô gái trẻ quê Nghệ An làm công nhân trong khu chế xuất Linh Trung. Để lưu lại kỷ niệm trước khi về tết, các cô đã rủ nhau ra hồ đá chụp hình kỷ niệm, do sơ ý, một cô trượt chân ngã xuống hồ, thấy vậy ba cô còn lại đưa tay cứu bạn để rồi cả bốn người cùng chìm xuống lòng hồ sâu.

Đó chỉ là con số lẻ những tai nạn thương tâm xảy ra tại khu vực Hồ Đá, hàng năm số người thiệt mạng không ngừng tăng lên, và nỗi đau vẫn luôn rình rập ở đâu đó quanh hồ. Giải thích về việc liên tục có những cái chết đau lòng diễn ra nhiều năm liền, một số người dân đưa ra một số nguyên nhân mang màu sắc kỳ bí, như nào là hồ tử thần, hồ nuốt người, hay vì lòng hồ có những vòng xoáy bí ẩn được điều khiển bằng một thế lực siêu nhiên.

Bỏ qua những lời suy đoán đồn thổi, chỉ cần quan sát tìm hiểu một chút chúng ta dễ dàng tìm được câu trả lời. Do Hồ Đá được hình thành nhờ quá trình khai thác đá của công ty 621, lâu dần nước mạch từ đá ngầm và mưa hình thành nên hồ nước xanh thăm thẳm và rộng bao la.

Nước trong hồ luôn ở trong trạng thái đứng do không có dòng chảy nên càng xuống sâu càng lạnh buốt. Bốn bên hồ dốc đá lởm chởm dựng đứng, lối đi cheo leo trên vách chỉ toàn là sỏi đá nên sơ ý trượt chân là rơi ngay xuống lòng hồ.

Theo các thợ lặn, ở những chỗ gần bờ mực nước thấp ngang đầu gối nhưng có khi chỉ cần bước ra thêm một bước là sụp ngay xuống vực sâu, nước trong hồ rất lạnh nên người bơi thường hay bị chuột rút.

Thêm vào đó là sự thờ ơ, xem thường của người dân với hiểm họa được báo trước này. Không cần đi quan sát, chỉ cần ngồi một chỗ bạn cũng có thể thấy được những hiểm họa thể xảy ra bất cứ lúc nào trong cách vui chơi đầy nguy hiểm kia.

Cheo leo trên vách đá một đôi trai gái đang say sưa trò chuyện, cách đó khá xa, một gia đình trẻ ngồi mấp mé bên bờ vực buông câu. Dưới lòng hồ xanh thẳm một nhóm học sinh tung tăng bơi lội. Bên trên một nhóm sinh viên thả mình nhào lộn từ vách đá xuống mặt hồ trong tiếng vỗ tay tán thưởng của mọi người mà quên đi rằng, chỉ cần sẩy chân, bị chuột rút, rơi vào mỏm đá ngầm hay bị nước cuốn vào ngầm đá thì sự sống là rất mong manh.

Còn nhớ mấy năm về trước khi chưa có rào chắn từng có những biển báo nguy hiểm, thậm chí có cả những bảng liệt kê số người tử vong dưới lòng hồ và ngay cả khi có rào chắn thì tai nạn đau lòng vẫn xảy ra, có nơi rào chắn bị giật tung tạo thành lối đi nhỏ vào hồ. Tuy nhiên, để cảnh đẹp như Hồ Đá trở thành hiểm họa của nhiều người thì trách nhiệm của đơn vị liên quan là không nhỏ.

Rất nhiều người có dịp chiêm ngưỡng cảnh vật nơi đây không khỏi thắc mắc, tại sao lại không quy hoạch khu Hồ Đá tuyệt đẹp này thành khu du lịch nhỏ vừa siết chặt được sự quản lý, giảm thiểu được tai nạn lại vừa tôn vinh thêm một địa điểm vui chơi giải trí đẹp, lành mạnh cho người dân.

Bảo Hằng