Những tử tù không đợi ngày… đền tội

Những tử tù không đợi ngày… đền tội

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:07
0
Tử tù chết vì bệnh lý, tự tử ngay trong trại giam không đợi được ngày ra pháp trường thi thoảng vẫn xảy ra. Những trường hợp ấy, Thượng tá Hồ Như Vọng lại được phân công lo hậu sự.

Nhưng cũng có những "sự cố" nên phải khai quật mộ tử tù để phục vụ công tác giải quyết khiếu kiện. Những điều tận mắt chứng kiến đã ám ảnh Thượng tá Vọng đến tận bây giờ.

Khai quật xác chết 2 tháng 5 ngày

Ông Vọng chia sẻ: "Có vụ khai quật mộ phần của tử tù Nguyễn Văn Khích ám ảnh tôi nhiều năm nay. Cho đến bây giờ thỉnh thoảng tôi vẫn mơ đến chuyện này. Cô có tưởng tượng được không, một cái xác đã chôn 2 tháng 5 ngày dưới nghĩa trang Văn Điển ngập nước nay lại có lệnh khai quật lên để mổ tử thi thì nó khủng khiếp như thế nào...".

Quả là câu chuyện đã ăn sâu vào trong ký ức của ông nên khi có người gợi ra là nỗi ám ảnh bao năm ông cố chôn chặt lại trở về. Ông kể, ngày ấy tử tù Nguyễn Văn Khích (nhà ở phố Lương Yên) bị ốm chết khi đang bị biệt giam.

Bệnh lý của Khích đã quá rõ ràng. Trại giam tiến hành các thủ tục cần thiết, cơ quan điều tra vào làm rõ cái chết của Khích, bệnh viện xác nhận bệnh tình của tử tù này không thể cứu chữa, VKS ghi rõ bằng văn bản xác nhận tử tù Nguyễn Văn Khích chết vì bệnh lý nên đồng ý mai táng. Ông Vọng được giao nhiệm vụ chôn cất Khích tại nghĩa trang Văn Điển.

Mộ phần đã xong xuôi, bia mộ đã cắm xác định danh phận cho một tử tù tại nghĩa trang thì không biết vì lý do gì mà gia đình Khích lại có đơn khiếu kiện. Họ cho rằng, Khích bị đánh đập dẫn đến cái chết bất minh. Chẳng biết từ đâu mà họ cho rằng Khích bị đánh đến gãy cả xương sườn, gãy răng. Vậy là VKS ra kháng nghị quyết định khai quật tử thi để tiến hành điều tra lại và lần này giám định pháp y quân đội được trưng cầu cho khách quan. Trong trại giam, ông Vọng được cử ra chỉ mộ phần và chứng kiến khám nghiệm tử thi.

Ông Vọng còn nhớ rõ, hôm ấy tại nghĩa trang Văn Điển, trời xẩm tối lại lất phất mưa. Ông vừa đưa tay chỉ mộ Khích thì có người chụp ảnh. Hơi chột dạ, ông phản ứng: "Sao lại chụp ảnh ở nơi nghĩa địa này"?. Nhưng thực ra họ chụp để làm bằng chứng là mộ đã có người chỉ rõ ràng. Văn Điển sau những ngày mưa tầm tã, nước ngập lưng nấm mộ, tất cả những người làm nhiệm vụ phải lội bì bõm.

Ông Vọng nói tiếp: "Những pháp y bên quân đội do có sự chuẩn bị trước nên họ có bảo hộ từ chân lên đến đầu, đeo khẩu trang chống độc nhưng tôi chỉ đến sát lúc làm nhiệm vụ mới biết nên chẳng có bảo hộ gì cả. Khi ván thiên bật ra, tôi chỉ có mỗi cái khăn mùi xoa che miệng và mũi. Mùi tử thi đang phân hủy kinh khủng xộc thẳng lên".

Thật hãi hùng, bởi xác chết đã chôn cất được 2 tháng 5 ngày đang trong quá trình phân hủy nay lại được khai quật để giám định tử thi. Đến những nhân viên của nghĩa trang Văn Điển đã quá quen với việc bốc cốt thế mà lần này cũng ba chân bốn cẳng chạy thẳng...

Đến bây giờ ông Vọng cũng không thể quên cái hình ảnh đáng sợ đó. Huyệt đầy nước, xác chết được vớt lên đang nhũn ra trong bộ quần áo tù. 7 giám định viên mổ xẻ, phân tích từng chi tiết trong khoảng hơn 3 tiếng đồng hồ. Thời gian ấy, trong không khí nặng mùi, ông Vọng tưởng như kim đồng hồ không nhúc nhích. Kết quả giám định khẳng định, Khích chết vì bệnh và không có chuyện đánh đập như gia đình khiếu kiện.

Xong việc khám nghiệm, giám định viên rút hết, xác tử tù lại được gói ghém lại và chôn cất cẩn thận. Trời tối đen, mưa mỗi lúc một nặng hạt. Nước trong huyệt đầy lên, vậy là cứ ấn quan tài xuống nó lại nổi lên. Vất vả lắm những nhân viên của nghĩa trang mới chôn cất lại cho Khích xuống nấm mồ cũ. Và, ông Vọng chỉ ra về khi người đã chết có mồ yên mả đẹp, khi ông đã tận mắt nhìn thấy tấm bia ghi tên tử tù được dựng lên đánh dấu mộ phần để 3 năm sau người nhà đến "đổi áo" không bị nhầm.

Ông Vọng nói: "Nhiều năm rồi, tôi vẫn không thể quên nổi cái đêm mưa tại nghĩa trang Văn Điển ấy. Trong giấc mơ, thỉnh thoảng hình ảnh khai quật mộ của Nguyễn Văn Khích lại chập chờn hiện về".

Những chuyện "mua dây buộc mình"

Trong đời nghề của ông Vọng, hi hữu lắm mới có lúc thấy thở phào, vui sướng tại trường bắn. Chuyện đó, chỉ xảy ra khi thi hành án tử hình đối với Xiêng Phênh, một tay buôn ma túy có quốc tịch Lào. Ông Vọng nhớ, hôm ấy đã chuẩn bị mọi thứ tại trường bắn để thi hành án với Xiêng Phênh. Nhưng sát đến giờ không thấy áp giải tử tù, mọi thứ cứ im lìm như không có chuyện gì xảy ra. Sau đó, có tin hoãn thi hành án, ông không tin lắm, chạy vào tận trại giam hỏi thì hay tin hoãn thật. Thì ra, đến giây phút cuối, Xiêng Phênh đã khai những tình tiết quan trọng nên được hoãn thi hành án để tiếp tục điều tra.

Ông thở phào nhẹ nhõm, vậy là một người đã được tiếp tục sống, biết đâu sẽ có thể hoàn lương. Vui cho số phận một con người, nhưng cái rắc rối lại vận vào ông Vọng. Quan tài đã chuẩn bị, mua rồi không thể trả lại, mang về trại giam cũng không được vì sẽ gây xôn xao dư luận không tốt cho các tử tù khác. Thôi đành để lại, chờ đến lần thi hành án sau, nhưng cũng phải có chỗ giấu.

Ngẫm nghĩ một hồi, ông nhớ đến trang trại của anh Hoàng, một người quen gần đó có ngôi nhà bỏ hoang. Gửi ở đấy là thích hợp. Nghĩ sao, làm vậy, ông mang quan tài đến ngôi nhà hoang ấy để nhờ. Quan tài đã được bọc cẩn thận và để ở nơi hoang tàn coi như ổn thỏa. Vậy nhưng, một thời gian có dịch bệnh, trang trại của anh Hoàng lợn chết rất nhiều. Vậy là, họ cứ đổ cho ông Vọng mang "của nợ" đến gửi nên xui xẻo. Ông Vọng đành muối mặt để họ nhiếc móc chứ biết giải thích làm sao? Nhưng rồi mọi chuyện cũng qua, vài tuần sau có phạm nhân ốm chết, quan tài được chuyển đi. Lúc này ông Vọng mới thở phào nhẹ nhõm.

Cũng có chuyện ông Vọng buộc phải nhớ lâu vì nó liên quan trực tiếp đến sự an toàn của ông. Ông kể lại, có một đối tượng nhà ở Nam Đồng, bị đột tử. Trại giam đã thông báo với người nhà, vận động đến ký vào biên bản, họ không phản ứng gì. Nhưng khi ra đến bệnh viện (đối tượng được giữ ở bệnh viện Việt Nam -Cu Ba) thì người nhà huy động lực lượng ngăn chặn không cho đem người chết đi chôn. Mọi di biến động đều không thể diễn ra.

Chỉ đạo của công an Thành phố Hà Nội là trong 3 ngày phải đưa tử thi đi chôn cất nhưng gia đình kiên quyết chống đối. Cuối cùng, lãnh đạo công an Thành phố phải huy động lực lượng cơ động đến giãn dân ra mới đưa xác phạm nhân đi chôn được. Ông Vọng nhớ rõ, lúc đó khoảng 8 giờ tối, nghĩa trang Văn Điển đã u ám lắm rồi. Không bóng người, chỉ mấp mô những nấm mồ xếp hàng im lìm. Nước ngập đến gối, huyệt đầy nước ấn mãi quan tài vẫn nổi lên. Phải mấy tiếng sau, mộ phần cho tử tù mới xong.

Ông Vọng ra về, lòng nặng trĩu thì lại có thông tin báo rằng: Gia đình đối tượng rắp tâm thuê kẻ xấu hãm hại ông. Được cảnh báo, nên mỗi khi đi làm ông phải thường xuyên thay đổi lộ trình. Ngày ấy không có xe máy, cứ chiếc xe đạp cà tàng ông phải đi vòng vèo thêm 2/3 đường nữa. Sáng đi sớm, chiều về muộn, giờ giấc, lịch trình luôn thay đổi như người tập đánh trận giả.

Anh em trong trại giam thấy vậy thì thương ông lắm, nhưng cũng động viên phải thay đổi như vậy nhằm đảm bảo an toàn. Cứ như thế, ròng rã nửa năm đằng đẵng ông thực hiện "đánh nghi binh" trên đường đi làm. Mãi sau đó, mọi chuyện ổn thỏa, ông mới được trở lại con đường quen thuộc... từ nhà đến trại giam.

Mặc dù có nhiều chuyện tự đâu buộc vào, nhưng ông luôn tâm niệm cái tâm mình trong sáng thì không có vấn đề gì. Thực tế, với nhiều năm trong nghề, ông luôn lo hậu sự chu đáo cho các tử tù. Với ông đó là việc làm để tích tâm đức. Và ông đã làm đúng theo lương tâm mách bảo nên luôn thấy lòng mình thanh thản. Bởi đây là công việc đầy áp lực tâm lý, nhiều người đã phải xin chuyển công tác khác, thậm chí xin chuyển ngành, còn ông bằng cái tâm chu đáo với tử tù, ông đã dám đi đến hết tuổi nghề.

Vương Hà