Những tương lai không 'chính chủ'

Những tương lai không 'chính chủ'

Thứ 6, 22/03/2013 | 20:19
0
Có một thứ không chính chủ khác đáng để bạn đau đớn và trăn trở về nó hơn chiếc xe máy của mình.

Tương lai được lập trình

“Tôi được sinh ra vào lúc 5 giờ 15 phút chiều. Lúc 5 giờ 16 phút cha tôi tuyên bố “Con tôi sẽ trở thành một kỹ sư. Farhan Qureshi, kỹ sư công nghệ.” Và cuộc đời tôi đã được đóng dấu.” - Đó là lời thoại của nhân vậtFarhan trong bộ phim Ấn Độ nổi tiếng Ba chàng ngốc (3 Idiots).

Gia đình Farhan chỉ đủ ăn, phải cố gắng lắm mọi người mới mua được một chiếc máy lạnh và nó được lắp vào phòng của Farhan để cậu có thể học trong điều kiện tốt nhất và trở thành kỹ sư hàng đầu. Người cha rất thương Farhan nhưng ông chưa hề hỏi cậu muốn làm gì với cuộc đời mình, bởi ông đã quyết định sẵn tương lai của đứa con ngay sau khi nó có mặt trong cuộc đời 1 phút . Vậy là dù đam mê trở thành một nhiếp ảnh gia đi khắp thế giới để chụp ảnh động vật hoang dã, Farhan vẫn mất hàng chục năm đèn sách mài mòn mình trong giấc mơ của người cha.

Chuyện trong phim là vậy, nhưng ngoài đời còn có hàng ngàn “Farhan” khác đang mang vác một tương lai được đóng dấu từ trước. Chẳng hạn như cô bạn T.Ngọc. Cô bạn được sinh ra trong một gia đình giàu có, bên nội thì mấy đời làm bác sĩ còn bên ngoại có truyền thống kinh doanh. Từ buổi thôi nôi, chuyện Ngọc chọn cầm đồng tiền hay cầm ống nghe cũng đã khiến hai bên gia đình tranh cãi. Cuối cùng mọi người thống nhất là Ngọc sẽ học y nhưng sau đó về quản lý hệ thống nhà thuốc.

Xã hội - Những tương lai không 'chính chủ'

Nhiều teen girl được đào tạo theo chế độ "nhân tài" từ nhỏ. Không ban bè, không giải trí, chỉ có học, học và học!

Và cô được đào tạo theo “chế độ nhân tài” từ nhỏ, không bạn bè, không có những trò ngốc xít bình thường mà một cô nhóc tuổi teen thường có. Chỉ có những lời động viên theo kiểu “Con không phải lo bất cứ thứ gì, chỉ cần nghe lời mẹ là được.”, “Ba đã tính trước tương lai cho con rồi, con may mắn hơn rất nhiều người nên đừng làm ba mẹ thất vọng”. Nhưng cứ mỗi lần đi cà phê với tôi, cô lại than thở rằng cuộc sống của mình quá nhàm chán. Hóa ra điều Ngọc thực sự muốn là tạo ra những loại bánh thật đẹp mắt, sau đó mở một cửa hàng nho nhỏ để bán bánh ngọt và cà phê tự mình làm. Nhưng Ngọc chưa bao giờ nói ra điều mình muốn.

Một tương lai được lập trình đôi khi là sự kì vọng quá mức của bậc phụ huynh rằng con cái sẽ thực hiện được giấc mơ còn dang dở của mình, cũng có khi là sản phẩm của sự chăm sóc thái quá đến từ gia đình. Những đứa trẻ với một tương lai được lập trình, có lẽ vẫn sẽ sống và thành công, đúng như những gì họ được kì vọng. Nhưng chắc chắn một phần nào đó trong họ đã bị phá hủy, cái phần tâm hồn chứa đầy sự mạo hiểm và ham sống - mà lẽ ra được dùng để tự vẽ nên bức tranh tương lai của riêng mình.

Tương lai đi mượn

H. có một người anh họ lớn hơn 7 tuổi, là niềm tự hào của cả gia tộc. Anh ấy ngoan ngoãn, học cực giỏi, có hàng loạt học bổng và sau khi ra trường thì đi làm với mức lương hàng ngàn đô. Lúc nào cũng nghe ba mẹ khen ngợi anh họ, H. đã tự động xem anh là hình mẫu lý tưởng để noi theo. Cậu tự tạo cho mình một quyển “tiểu sử” cập nhật toàn bộ những điểm số và thành tích của người anh họ. Anh ấy học một ngày bao nhiêu tiếng đồng hồ, đọc sách gì, thích ăn món gì, mặc quần áo ra sao, H. đều làm theo. Cậu hạnh phúc khi nghe ai nói “Nhìn chúng nó cứ như anh em ruột”. Cậu ngủ mỗi ngày 3,4 tiếng để dành thời gian học hành và cuối cùng cũng vào được tất cả các trường mà anh mình từng học.

Xung quanh H. không có mấy bạn thân, vì như mọi người nhận xét - cậu luôn có vẻ căng thẳng, tính toán, “giả giả” thế nào chứ không hồn nhiên như mọi người. Những đó cũng là điều hiển nhiên, vì trước giờ H. đã bao giờ thực sự sống cuộc đời của mình đâu! Không những vậy, H. còn bị rối loạn giấc ngủ, cảm thấy lo âu tự ti vì quá thua kém thần tượng. Nhưng chuyện chưa dừng lại ở đó, khi H. đang học năm nhất đại học thì người anh họ bị công ty sa thải vì làm thất thoát một số tiền lớn. Thất nghiệp, anh ấy trở thành người giao hàng cho cửa hàng của gia đình. Vậy là H. bị khủng hoảng tâm lý nặng nề. Cậu bỏ ngang khỏi chương trình học, suốt ngày nhốt mình trong phòng và không thiết làm gì nữa.

Xã hội - Những tương lai không 'chính chủ' (Hình 2).

Bao nhiêu bạn dám thoát khỏi những trói buộc để tự lập trình tương lai của mình?

Ai cũng có một thần tượng, để ngước nhìn lên. Nhưng rồi họ sẽ phải nhìn xuống ngay dưới chân, tìm kiếm dấu hiệu của riêng mình, nếm trải những thử thách và va vấp mà chỉ riêng họ trải qua. Rồi thì, họ sẽ thực sự trưởng thành và đôi khi - đạp đổ được thần tượng. Nhưng nếu chỉ mải mê dẫm lên những dấu chân của người khác, rốt cuộc bạn sẽ sống một cuộc đời vay mượn.

Tương lai ngơ ngác

Ngọc My (18 tuổi) đang là học sinh lớp 10 khi ba mẹ cho cô sang nước ngoài học lớp dự bị đại học. Ban đầu My rất háo hức vì viễn cảnh được tung tăng du học xứ người nhưng thực tế là My không thích nghi được và cô hoàn toàn không theo kịp chương trình học. Cố gắng một năm, My phải về lại Việt Nam. Từ đó, My hoàn toàn là một cô nàng nhàn-hạ-đến-phát-chán. Mỗi ngày cô ngủ đến trưa, nằm xem ti vi chờ đến tối để ra ngoài chơi, sau đó lên mạng chat chit đến sáng. My có 1001 lý do để từ chối học lại chương trình cấp 3, đến nỗi ba mẹ cô ngán ngẩm tuyên bố “Đời nó chỉ mong vào chuyện lấy chồng để chồng nuôi.”

Cũng chơi nhiều hơn học, nhưng Quốc Thắng may mắn hơn My vì đã đậu vào một trường cao đẳng ở gần nhà. Nhìn bạn bè kéo nhau lên thành phố học, Thắng cũng ghen tị lắm và tự nhủ rằng mình sẽ chăm chỉ hơn để sau này ra trường không thua kém ai. Nhưng lời hứa của cậu chỉ có giá trị một tuần, bởi sau tuần đó Thắng đã tìm được bạn bè mới và quên khuấy mục tiêu “phục thù” ban đầu. Mỗi ngày, Thắng lên lớp điểm danh rồi ra quán nước chém gió cùng bạn bè.

Bài giảng viên giao, Thắng cũng muốn hoàn thành lắm chứ. Khổ nỗi nếu ngày nào không có “độ” đi chơi thì cũng có chương trình đá banh trực tiếp, nếu không đi sinh nhật bạn bè thì cũng là lên mạng “tranh hùng xưng bá” trong game. Vậy là bài vở ngày càng chất chồng, kiến thức thì ù cạc, nợ môn vô số. Trước khi đi ngủ Thắng thường tự trách mình sao lười thế, hoặc thắc mắc rằng thời gian trốn đi đâu mà nhanh quá. Nhưng rồi, cậu lại chặc lưỡi “mai mình sẽ thay đổi, chơi hết hôm nay đã”. Mà ngày mai thì chẳng bao giờ đến!

Xã hội - Những tương lai không 'chính chủ' (Hình 3).

Cuộc sống này là của bạn, hãy "chính chủ" nó nhé!

Đây là kiểu không chính chủ phổ biến nhất: những người trẻ hoàn toàn ngơ ngác trước tương lai của mình. Họ không bị ép theo một mục tiêu nào, cũng không có một hình dung cụ thể nào để theo đuổi. Mỗi ngày trôi qua đều là để mai tính bởi ai biết ra sao ngày sau. Nhưng không phải vậy, bức tranh “tương lai” được ghép bằng từng mảnh ghép của “hôm nay”. Và những người cảm thấy tương lai mình hoàn toàn mù mịt - thực ra là vì không sống hết mình cho ngày hôm nay.

Ai cấm bạn sang tên chính chủ?

Không ai cả. Bởi chính bạn mới là rào cản lớn nhất của việc giải cứu tương lai. Lý do là vì:

- Không ai bắt buộc bạn sống theo một tương lai được lập trình sẵn, trừ phi có sự thỏa hiệp của chính bạn. Rất nhiều người trẻ chọn trường, chọn nghề theo ý ba mẹ chỉ vì sợ bị “cắt trợ cấp” hoặc không muốn phải tranh luận. Họ từ bỏ quyền làm chủ tương lai của mình, vì không đủ lòng tin. Tin rằng mình thực sự làm được một điều gì đó còn tuyệt vời hơn con đường dễ đi đã được dọn sẵn. Tin rằng mình sẵn sàng trả bất cứ giá nào để được sống với ước mơ.

- Để người khác làm chủ hoặc buông xuôi mọi thứ và bạn sẽ có cái để đổ lỗi, có lý do để nói “nếu…thì…”, “giá như”. Nhưng nếu tương lai thuộc về riêng bạn, bạn thích làm gì tùy thích và rốt cuộc nó lại là một đống đổ nát thất bại thì sao? Hiếm ai đủ can đảm để trả lời câu hỏi đó. Rốt cuộc, bạn sẽ chần chừ trước quyền chính chủ vì sợ phải chịu trách nhiệm cho tương lai của mình.

- Không biết phải làm gì với tương lai của mình, không biết mình thích gì, không biết phải bắt đầu từ đâu. Vì vậy, bạn sẽ tìm kiếm một hình mẫu nào đó để bắt chước. Bạn lấy những tiêu chuẩn của đám đông làm tiêu chuẩn của mình, để đám đông quyết định xem bạn sẽ trở thành ai. Bạn của tương lai, rối cuộc sẽ là một sản phẩm được nhào nặn ngẫu nhiên bởi bạn bè, gia đình, cuộc đời, xã hội...Nhưng không có sự góp mặt của chủ thể - là chính bạn.

Đa phần chúng ta gặp khó khăn trong việc trả lời câu hỏi mình sẽ trở thành ai và làm thế nào để trở thành người đó. Nhưng khi bạn bắt đầu hỏi, tức là bạn bắt đầu tìm được câu trả lời. Và hãy tự hỏi, tôi có muốn làm chủ tương lai của mình không.

Những cách làm chủ tương lai

- Lấy một miếng bìa cứng rộng, cắt dán những hình ảnh mà bạn mong muốn sẽ là “tôi tương lai” vào miếng bìa. Ví dụ, Ngọc - nhân vật đầu câu chuyện đã có một miếng bìa dán hình tiệm bánh ngọt sang trọng, với cô chủ thành đạt và diện toàn đồ hiệu đang mỉm cười đầy tự hào, một chú cún lông xù, một anh người yêu đẹp trai (cô ấy cắt hình Brat Pitt dán vào), một cái máy bay thể hiện là cô ấy sẽ đi du lịch vòng quanh thế giới v…v…Còn bạn, cuộc sống tương lai mà bạn mong ước sẽ có những gì?

- Tạo cột mốc cho từng thời điểm, từ bây giờ cho đến khi bạn hoàn thành những mục tiêu tương lai được kể ở trên. Càng cụ thể, càng dễ hình dung và thực hiện. Nhưng những cộc mốc này phải thực tế bạn nhé. Đừng đánh đố chính mình theo kiểu 3 tháng sau giảm được 15 kg và năm 20 tuổi tôi sẽ có 10 tỷ trong ngân hàng.

- Biết hôm nay phải làm gì. Mỗi ngày hãy liệt kê những nhiệm vụ cụ thể theo thứ tự ưu tiên và cố gắng hoàn thành chúng. Việc này nghe chẳng hào hứng chút nào, nhưng thà ra lệnh cho chính mình còn hơn suốt đời phải nghe lệnh của người khác – đúng không nào?

- Nếu bạn đang ở cùng ba mẹ, hãy dán bản kế hoạch cuộc đời và to do list ở nơi dễ thấy trong nhà. Vừa tự nhắc nhở mình, vừa làm ba mẹ yên tâm rằng bạn hoàn toàn ổn trong việc xây dựng tương lai.

Theo 2!

Về một thành phố tôi đã xa

Thứ 4, 20/03/2013 | 20:18
Gần ba mươi năm tôi chưa trở lại với Quy Nhơn. Cái ý niệm về thời gian bao giờ cũng gây cho tôi một nỗi buồn. Dạo ở đó tôi còn trẻ và tôi yêu biển vô cùng.

Khi sự tử tế ít đi

Thứ 5, 14/03/2013 | 09:51
Loài người được khoác lên mình muôn màu của những chiếc áo văn minh và tô vẽ bằng đủ thứ son văn hóa, nhưng cũng không thể nào khỏa lấp được một thực tế: Sự tử tế ngày càng ít lại.

Nhân 'Ngày Hạnh phúc Quốc tế': Hạnh phúc đến từ đâu?

Thứ 4, 20/03/2013 | 15:10
Người ta vẫn hay nói “đốt đuốc” đi tìm hạnh phúc. Trong khi hạnh phúc thường đến từ những điều đời thường nhất.