Những 'viên ngọc đen' và sự quyền lực

Những 'viên ngọc đen' và sự quyền lực

Thứ 2, 06/05/2013 | 07:36
0
Tuy không đoạt vương miện trong các cuộc thi Hoa hậu Thế giới, nhưng Bianca Odumegwu - Ojukwu (Nigeria) và Atong Demach (Nam Sudan) đều tạo được ấn tượng sâu đậm trong vai trò thí sinh. Một người bằng vẻ đẹp kiêu sa và sự lịch thiệp, người kia thì bằng vẻ phóng khoáng và sự chân thành đã chinh phục trái tim của giám khảo và bao khán giả. Họ đã góp phần tôn vinh nét đẹp đặc sắc của lục địa Đen.

> Sắc đẹp và những chiếc vương miện có gai

Sự kiện - Những 'viên ngọc đen' và sự quyền lực

Bianca Odumegwu - Ojukwu

Tình yêu và quyền lực

Thế giới biết đến Bianca khi cô đoạt danh hiệu Hoa hậu Nigeria vào năm 1988. Trước đó, Bianca từng đoạt danh hiệu Hoa hậu Martini (tên một loại rượu nổi tiếng), nhưng cô lại từ chối một hợp đồng trở thành người mẫu ở Tokyo vì không muốn cắt ngang con đường học vấn. Năm sau, Bianca thử sức ở cuộc thi Hoa hậu châu Phi, tổ chức tại Gambia và trở thành người đẹp nhất lục địa Đen và đại diện cho đất nước mình tại các cuộc thi Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Hoàn vũ năm 1989.

Thế nhưng, chỉ vài tháng sau khi ứng thí, Bianca đột ngột từ bỏ mọi danh hiệu với lý do muốn dành trọn thời gian và tâm trí để hoàn tất việc học - lúc đó cô đang là sinh viên năm cuối khoa Luật (Đại học Quốc gia Nigeria). Tốt nghiệp đại học, Bianca tham gia ngành luật một thời gian ngắn trước khi làm mọi người bất ngờ về thông báo sẽ thành hôn với Odumegwu Ojukwu, một đồng minh trên chính trường Nigeria của bố Bianca, hơn cô đến 30 tuổi. Tin này đã tạo ra một cơn bão dư luận ở Nigeria, người ủng hộ nhiều mà số rẻ rúng cũng chẳng ít. Trong một cuộc phỏng vấn sau này, chính Bianca thừa nhận: “Mẹ tôi không tán đồng cuộc hôn nhân này”. Tuy nhiên, cuộc sống giữa Bianca và Ojukwu vẫn kéo dài một cách tốt đẹp. Họ sống với nhau từ năm 1989 nhưng chỉ chính thức thành hôn vào tháng 11/1994 và có một con gái.

Odumegwu Ojukwu từng là một lãnh chúa đầy thế lực ở miền Đông Nigeria. Năm 1967, ông có ý tưởng thành lập nước Cộng hòa Biafra dẫn đến cuộc nội chiến kéo dài nhiều năm ở Nigeria. Khi các phe phái ở Nigeria đạt được thỏa thuận đình chiến, Ojukwu trở lại chính trường và nhanh chóng chiếm một vị trí quan trọng từ năm 1983 cho đến khi qua đời do đột quỵ vào năm 2011.

Nếu nói Bianca thành hôn với Odumegwu Ojukwu vì số tài sản khổng lồ và thế lực chính trị của ông thì dường như không đúng, bởi cô xuất thân từ một gia đình danh tiếng và có thế lực bao trùm cả Nigeria. Vả lại, sau khi kết hôn, Bianca đã tạo dựng được một sự nghiệp kinh doanh vô cùng thành công. Hãng mỹ phẩm mang tên Bianca Blend được ưa chuộng ở nhiều nước châu Phi, còn Công ty Nourobella của bà là một trong những thương hiệu trang trí nội thất nổi tiếng nhất Nigeria.

Sự kiện - Những 'viên ngọc đen' và sự quyền lực (Hình 2).

Bianca và chồng tham gia một hoạt động xã hội 

Không phải ai cũng tin rằng đám cưới giữa cô gái 22 tuổi đẹp nhất Nigeria và vị tướng 55 tuổi hoàn toàn bắt nguồn từ tình cảm. Là một người thông minh, lại xinh đẹp, Bianca hoàn toàn có thể tìm được cho mình một người chồng “bằng vai phải lứa” hơn, nhưng cô đã chọn Odumegwu Ojukwu. Người ta không thể có thái độ gì khác hơn là thán phục sự lựa chọn này, bởi làm vợ của một người có thế lực bậc nhất Nigeria lúc đó khiến Bianca phải đón nhận trách nhiệm vô cùng nặng nề, không chỉ về chính trị mà còn đối với gia đình trước đây của Ojukwu, bởi ông đã có ba người con với những người vợ trước, tất cả đều lớn tuổi hơn Bianca.

Trước khi chết, Odumegwu Ojukwu đã để lại di chúc cho Bianca thừa hưởng toàn bộ gia sản khổng lồ của mình. Việc này dẫn đến sự kiện tụng của các con ông. Họ cho đó là bản di chúc giả mạo. Tuy nhiên, điều đó vẫn không làm giảm uy tín của Bianca đối với giới lãnh đạo Nigeria. Các vị tổng thống từng thời kỳ của nước này luôn xem Bianca như biểu tượng của quốc gia.

Năm 2011, bà được Tổng thống Goodluck Jonathan bổ nhiệm làm phái viên đặc biệt về những vấn đề Israel, năm sau bà trở thành đại sứ Nigeria tại Gana và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong các cương vị này. Vẻ duyên dáng là một lợi thế lớn, nhưng khả năng nắm bắt nhiều lĩnh vực mới chính là điểm mạnh nhất của Bianca Odumegwu Ojukwu. Đến kỳ bổ nhiệm người đứng đầu các phái bộ ngoại giao của Nigeria tại nước ngoài vào đầu năm 2013, Tổng thống Goodluck Jonathan đã phê chuẩn cho Bianca làm đại sứ tại Tây Ban Nha, một nước có nhiều quyền lợi chính trị và kinh tế liên quan đến Nigeria.

Sự kiện - Những 'viên ngọc đen' và sự quyền lực (Hình 3).

Atong Demach

Đừng bao giờ từ bỏ hy vọng

Trước khi cuộc thi Hoa hậu thế giới năm 2012 diễn ra, không ai dám nghĩ đến việc một cô gái đến từ Nam Sudan có thể bước lên đài vinh quang như một trong những người đẹp nhất thế giới. Thậm chí, nhiều người còn chẳng biết Nam Sudan nằm ở đâu trên bản đồ thế giới. Cũng phải thôi! Sau cuộc nội chiến kéo dài 21 năm mà kết quả là nước Sudan trước đây được phân chia thành hai quốc gia mới, trong đó Nam Sudan tuyên bố độc lập ngày 9/7/2011 để trở thành nước thứ 56 ở châu Phi và là thành viên thứ 193 của Liên Hiệp Quốc.

Atong Demach sinh ra vào thời kỳ đầu cuộc nội chiến, bố mẹ cô đã đặt tên con mình là Atong chính vì điều đó: “Atong” trong tiếng Sudan có nghĩa là “chiến tranh”.

Khi tham dự cuộc thi Hoa hậu 2012 tổ chức tại Trung Quốc, Atong đang là sinh viên khoa Ngoại ngữ của Trường Đại học Juba (Nam Sudan). Tuy chỉ xếp hạng tư chung cuộc tại cuộc thi Hoa hậu Thế giới, nhưng Atong đã thu phục được tình cảm của mọi người nhờ vẻ duyên dáng và khả năng ứng xử. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng cô chẳng có điểm nào thua sút Hoa hậu Trung Quốc, người đăng quang tại cuộc thi này. Tuy nhiên, những người ủng hộ Atong Demach không phải buồn lâu vì cô đã trở thành Hoa hậu châu Phi cùng với giải thưởng “Top Model”. Atong còn là người có số điểm cao nhất trong phần phỏng vấn của các vị giám khảo cuộc thi.

Sự kiện - Những 'viên ngọc đen' và sự quyền lực (Hình 4).

Atong Demach không bao giờ từ bỏ hy vọng

Khi bước vào cuộc thi có tổng cộng 116 người đẹp trên toàn thế giới, ít người chú ý đến cô gái đến từ đất nước Nam Sudan xa xôi. Ngay cả Atong Demach cũng không dám nghĩ đến việc mình sẽ đạt kết quả cao trong bất cứ phần thi nào. Mục đích tham gia cuộc thi của Atong rất đơn giản: cô muốn thế giới biết rằng có một đất nước Nam Sudan đang hiện hữu. “Tôi chỉ muốn sự có mặt của mình sẽ khiến những người trẻ tuổi trên thế giới này học được cách không bỏ cuộc trước mọi trở ngại của cuộc đời và đừng bao giờ từ bỏ hy vọng. Bản thân tôi lớn lên tại một đất nước bị xâu xé vì chiến tranh, hàng ngày tôi phải chứng kiến bao cảnh nghèo khổ, đói khát, không nhà, không được đi học… Nhưng, tôi vẫn luôn tự nhủ, mỗi ngày mới đều là một cơ hội để học hỏi, yêu thương mọi người và cho đi những gì mình đang có”, những lời này của Atong đã chiếm trọn cảm tình của ban giám khảo.

Chiến thắng của Atong Demach tại cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2012 không chỉ là phần thưởng của riêng cô hay đất nước Nam Sudan mà còn là động cơ cho những người đẹp khác, như lời của một vị giám khảo sau khi cuộc thi kết thúc: “Atong Demach là minh chứng cho thấy dù đất nước của bạn có khó khăn đến đâu, gian khổ thế nào thì bạn cũng có cơ hội khẳng định mình tại cuộc thi hoa hậu thế giới”. (Còn nữa)

Mai Nguyên (Nguồn: Báo Phụ nữ)

Miss Teen Mỹ trả vương miện vì cáo buộc có clip sex

Thứ 5, 28/02/2013 | 11:16
Melissa King - người đoạt ngôi Miss Teen bang Delaware, Mỹ - được cho là nhân vật trong một video sex đăng tải trên website người lớn.

Thăng trầm trong cuộc đời kiều nữ đeo vương miện

Thứ 4, 30/01/2013 | 15:59
Trong năm đầu tiên đạt danh hiệu hoa hậu, Đặng Thu Thảo nhận thấy mình đã có được nhiều thứ và mất cũng không phải ít.

'Cái giá' cho việc sở hữu vương miện?

Thứ 7, 12/01/2013 | 10:04
Cái bóng quá lớn của danh hiệu Hoa hậu đã làm thay đổi cuộc sống của họ.