Nghề 'mổ thịt' dây điện kiếm sống ở xóm nghèo

Nghề 'mổ thịt' dây điện kiếm sống ở xóm nghèo

Thứ 5, 01/08/2013 | 11:07
0
Trong một lần đi tác nghiệp, chúng tôi vô tình lạc vào khu xóm ve chai trên đường Lê Văn Thọ (P.15, Q.Gò Vấp, TP.HCM). Đập vào mắt chúng tôi lúc này, la liệt không biết bao cuộn dây điện nằm ven đường, với hàng trăm chị em phụ nữ đang thi nhau tuốt, mổ xẻ sợi dây để lấy ra những lõi đồng, sắt bên trong.

Họ vốn đều là người dân ở các tỉnh miền Bắc, kéo vào Nam làm ăn và thuê chung sống trong những dãy nhà trọ lớn. Nhưng điều đặc biệt, tất cả họ không làm nhiều nghề khác nhau, mà lại đổ xô đi kiếm ve chai sinh sống. Công việc chính của họ là đi thu mua đồng nát, ve chai, nhưng cứ đến mùa ngành điện lực thay dây điện mới, là họ lại rủ nhau đi kéo về những cuộn dây điện dài và thi nhau "mổ thịt" chúng.

Nghề "mổ thịt" dây điện

Bước vào xóm trọ này, chúng tôi bắt gặp rất nhiều chị em phụ nữ và trẻ con ngồi hai bên đường cùng đống dây điện. Bên trong mỗi nhà cũng chất chứa rất nhiều dây điện và vỏ dây. Người thì đứng đo cắt dây,  người thì mổ xẻ sợi dây điện. Tất cả mọi người trong xóm đều đổ ra hai bên đường để làm mỗi một công việc độc nhất vô nhị là kéo sợi dây đồng ra khỏi dây điện.

Bên cạnh đó, ngoài những đống vỏ dây điện, những sợi dây đồng được lấy ra khéo léo thì chúng ta sẽ còn bắt gặp những bó dây điện được cắt tước và cột gọn treo ở trên các cột điện, cột tường nhà để kéo lớp vỏ ra ngoài. Dù nắng nôi vất vả, bàn tay họ sưng vù lên, chai sạn vì tuốt dây, nhưng ở họ ai cũng cười vui và nói chuyện rộn ràng.

Mọi người ở đây đều là những gia đình nhỏ, chồng đi làm thuê làm mướn hoặc chạy xe ôm còn người vợ đi lượm ve chai tăng thêm  thu nhập. Chị Đặng Thị Mai (41 tuổi, quê ở tỉnh Ninh Bình) cho biết: "Tôi đi khắp nơi để lượm ve chai, sắt vụn nên cứ nơi nào điện lực viễn thông thay dây điện là tôi biết hết. Cứ đến đợt đó là chúng tôi rủ nhau nhặt về từng bao tải dây điện lớn để mổ xẻ dần. Những ngày mổ xẻ dây điện thì chúng tôi đỡ nhọc công, không phải đi xa. Nhưng để tách dây điện, lấy được lõi đồng bên trong cũng cực nhọc lắm, chai lì cả tay. Có khi không cẩn thận là cắt luôn cả tay. Được cái, lõi đồng bên trong bán được nhiều tiền, khá hơn nhiều so với việc đi rong ruổi trên đường cả ngày trời để lượm nhặt từng mẩu ve chai".

Xã hội - Nghề 'mổ thịt' dây điện kiếm sống ở xóm nghèo

Người dân trong xóm ve chai vui mừng tuốt dây điện

Từng bao tải dây điện được dựng ngổn ngang cả trong nhà, ngoài đường. Chị em phụ nữ rôm rả chia nhau cùng cắt, gọt, tuốt dây điện... Những đứa trẻ chạy vui đùa chơi xung quanh đón ánh nắng chiều, còn đứa nhỏ nào biết làm thì phụ mẹ chúng cùng tuốt. Chị Lê Thị Thu (35 tuổi, quê ở tỉnh Thái Bình) tươi cười với mùa thu gom dây điện bội thu cho hay: "Trong một tuần tôi có thể tuốt được khoảng 30 - 40kg dây đồng. Thực sự so với đi lượm nhôm nhựa, ve chai dọc đường thì ngồi tuốt như thế này đau tay một chút nhưng đỡ hơn nhiều".

Hạnh phúc nhỏ nhoi từ nguồn dây điện thải

Tài nguyên tái chế rẻ và tiết kiệm

Anh Nguyễn Hoàng Trung (chủ một cửa hàng thu mua sắt thép trên chợ điện tử Nhật Tảo, TP.HCM) cho biết: "Hiện nay, kim loại cũng ngày càng khan hiếm dần. Cho nên việc tái chế lại các kim loại đồng nhôm... từ sản phẩm đã loại bỏ là rất cần thiết. Bên cạnh đó, mua kim loại từ những người bán nhôm nhựa, ve chai cũng rẻ hơn. Vì vậy, việc tái chế lại các sản phẩm kim loại là rất cần thiết, tiết kiệm nguồn khoáng sản quốc gia".

Để lấy được lõi đồng bên trong, người trong xóm làm bằng nhiều cách khác nhau. Họ có thể cắt cuộn dây điện thành nhiều đoạn dài khoảng 2 -  3m rồi tự tay bóc vỏ và lấy ruột bên trong hoặc đem cuộn dây ra đốt cho cháy hết nhựa bên ngoài. Tuy nhiên, giá của đồng đem đốt và đồng tự tay bóc ra là khác nhau hoàn toàn. Chị Thu đang tuốt vỏ dây điện dừng tay mà rằng: "Chúng tôi có thể đem toàn bộ dây điện ra bãi rác đốt cho nhanh, đỡ tốn công. Nhưng làm như thế thì khói đen bốc lên, ô nhiễm môi trường lắm. Vả lại, nghe bảo nếu ngửi nhiều mùi nhựa đốt đó có thể gây ung thư nữa nên chúng tôi không làm. Bên cạnh đó, giá cả người ta mua đồng còn tùy thuộc vào chất lượng nữa. Nếu mà đồng tự tay bóc, không bị trầy xước thì khoảng 80.000 đồng/kg còn đồng đem đốt, dính nhiều nhựa cháy đen thui thì chỉ có giá 30.000 đồng/kg thôi".

Sau khi công việc đã hoàn tất, với niềm hứng khởi trên môi, người dân nơi đây thường đem cuộn đồng đã được hoàn tất sạch sẽ ra chợ điện tử Nhật Tảo (Nguyễn Duy Dương, P.9, Q.10, TP.HCM) bán. Nhờ bán những lõi đồng bên trong mà những đứa trẻ trong khu xóm ve chai có tiền ăn học. Cứ mỗi lần mẹ chúng đi bán đồng về là y rằng nghe tiếng reo hò ríu rít bởi có quà ăn. Không chỉ vậy, khi kim loại ngày càng khan hiếm nên giá đồng kim loại cũng tăng lên. Nhờ vậy, ngoài nuôi sống bản thân, gia đình, họ còn tích góp tiền cho con ăn học.

Chị Thu tươi cười kể tiếp: "Nếu nhà tôi mà chỉ lượm ve chai đơn thuần thì sẽ không đủ ăn, con cái không được đi học. Nhưng hai năm nay, nhờ bám theo việc xẻ dây điện bán lõi đồng cho nên con tôi cũng đã được đi học. Nó vui mừng lắm, cứ mỗi lần tôi đi lấy dây điện về là nó tập trung phụ giúp tôi cắt dây, xẻ sợi với 5.000 đồng/ngày. Nó bảo để nó bỏ ống heo tiết kiệm, ít bữa vào năm học thì lấy ra mua sách vở".

Trong khu xóm ve chai nhỏ bé này, ai may mắn thì thuê được căn nhà trọ, còn nếu không thì họ chỉ có thể thuê được đám đất nhỏ rồi dựng tạm lên những tấm tôn để xem là nhà che nắng che mưa tạm bợ. Tuy nhiên, chỉ hai ba đợt đi xẻ dây điện, dù có vất vả nhưng cuộc sống cũng tạm ổn hơn. Có người nhờ công việc ve chai, nhờ những cuộn dây điện thải mà người dân trong xóm không chỉ thuê được căn trọ tốt hơn mà có người còn mua được cả nhà nữa.

Chị Nguyễn Thu Thủy (33 tuổi, đến từ tỉnh Quảng Trị) tâm sự: "Lúc trước, tôi lượm ve chai cả ngày trời có được mấy chục đồng bạc, không đủ ăn cho cả nhà. Nhưng khi làm thêm nghề "mổ thịt" dây điện này thì thu nhập đã tăng lên nhiều, cuộc sống bớt khổ hơn, còn mua được cả nhà mới nho nhỏ nữa".

Gia đình ông Khang (60 tuổi, quê ở tỉnh Bình Định) chỉ hai vợ chồng nghèo, mới "nhập cư" vào xóm, cũng sống bằng nghề lượm ve chai. Lúc mới vào, vì quá nghèo lại già cả, không làm nhiều bằng người ta nên phải thuê mảnh đất nhỏ dựng tạm lên căn lều để che nắng che mưa. Nhưng nhờ đi theo bóc ruột dây điện nên hiện nay đã thuê được một căn nhà trọ nhỏ. Việc "mổ thịt" dây điện chỉ mang tính thời vụ, nhưng đã giúp ít và tăng thu nhập cho rất nhiều người dân nơi đây.

Hạ Du

Nhọc nhằn những phận đời mưu sinh bằng nghề 'đổ máu'

Thứ 6, 26/07/2013 | 13:46
Hàng ngày, họ phải đi khắp nơi nhặt nhạnh những mảnh kính vỡ, phải chịu rách da, đổ máu với chi chít vết sẹo trên da. Nhưng người dân mang nỗi lòng xa xứ này, vẫn ngày ngày bám với nghề nhặt kính vỡ để mưu sinh.

Những mảnh đời đun mồ hôi mưu sinh trong 'lò bát quái'

Thứ 3, 09/07/2013 | 10:11
Trời nắng như đổ lửa, bà Bình vẫn cặm cụi trong "lò bát quái" (lò nướng cá-PV) để lật những vỉ cá nướng cho vàng đều, không bị cháy. Ngày nào cũng vậy, bà Bình làm quần quật từ tờ mờ sáng đến chiều muộn để nướng cá cung cấp cho các thương lái…

Đại gia đình 50 năm mưu sinh ở... đáy sông

Thứ 3, 16/07/2013 | 13:34
Hơn 50 năm trong nghề, nếm đủ mọi nguy hiểm, bạc bẽo của đời thợ lặn, ông Nguyễn Văn Dung khi qua đời chỉ truyền lại cho đàn con những tuyệt kỹ của nghề lặn mò đáy sông với lời khuyên "hãy tìm cách lên bờ... nghề lặn bạc bẽo lắm".

Phận đời những 'bóng hồng' mưu sinh nơi cảng cá Cửa Sót

Thứ 3, 25/06/2013 | 16:07
Nắng như đổ lửa kèm theo gió Lào, đi trên con đường đầy cát dẫn vào cảng Cửa Sót (thôn Long Hải, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh), chân tôi như muốn phồng rộp lên. Cả không gian nhuốm vị mặn mòi, tanh nồng của biển. Người người hối hả bốc dỡ nốt những mẻ cá cuối cùng để trốn chạy khỏi "biển lửa" đang ngùn ngụt bốc lên...

Những phận đời ngâm mình dưới biển mưu sinh

Thứ 2, 17/06/2013 | 10:42
Tôi gặp em vào một buổi chiều tà trên biển Cửa Lò (Nghệ An), cô bé đội chiếc mũ lụp xụp che khuất tầm mắt, nhưng vẫn để lộ nụ cười rất tươi trong ánh hoàng hôn. Nhưng điều khiến tôi ám ảnh hơn cả là một cơ thể đang run vì lạnh giữa tiết trời vẫn còn hầm hập nóng của ngày hè tháng 6 miền Trung.

Về chợ Bà Rén xem chị em 'bồng heo' mưu sinh

Thứ 4, 05/06/2013 | 19:31
Nằm giữa quốc lộ chằng chịt người xe qua lại, dưới cái nắng như thiêu như đốt của ngày hè, thế nhưng vẫn có không ít chị em phụ nữ không quản nắng mưa, mệt nhọc "chạy" theo cái nghề kỳ lạ có một không hai này.