Nỏ gỗ thần kỳ và làng xạ thủ giữa đại ngàn

Nỏ gỗ thần kỳ và làng xạ thủ giữa đại ngàn

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:50
0
Những xạ thủ của buôn làng Cơtu ở các huyện miền núi Đông Giang, Tây Giang Quảng Nam đã thực sự làm nên kỳ tích bằng những chiếc Pananh của mình.

Huyền thoại về chiếc pananh giữ làng

"Đối với đồng bào Cơtu ai cũng phải biết dùng chiếc Pananh. Chính pananh đã giúp người Cơtu có khả năng sinh tồn trước thiên nhiên khắc nghiệt cho đến tận hôm nay", già làng Bhnướch Bảo nói với chúng tôi như vậy khi ông kể về công tác bảo tồn và sử dụng chiếc nỏ truyền thống của đồng bào.

Nghe/Xem - Nỏ gỗ thần kỳ và làng xạ thủ giữa đại ngànBhriu Thiện một xạ thủ tài ba của huyện Đông Giang.

Già làng Bhnướch Bảo(74 tuổi, trú thôn Bhờ Hôồng 1, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) hướng đôi mắt ra dãy núi xa xa, hồi tưởng lại: "Những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, những thứ vũ khí hiện đại như súng, đạn vẫn chưa phổ biến với đồng bào Cơtu.

Do vậy, nghe theo tiếng gọi của Đảng, Bác Hồ, đồng bào Cơtu vùng lên kháng chiến đánh giặc giữ làng bằng những chiếc Pananh được tẩm độc Chpơơr, một loại độc dược có một không hai trên dãy Trường Sơn này. Hắn (tức quân địch - PV) dùng súng, dân bản mình chỉ dùng chiếc Pananh thôi. Vậy mà cái mũi tên tẩm độc Chpơơr của Pananh đã làm chúng khiếp vía...".

Ngồi trò chuyện với chúng tôi, già làng Bhnướch Bảo luôn miệng nhắc đến những người con của bản Cơtu trên dãy Trường Sơn hùng vĩ đã có công gìn giữ buôn làng. Danh sách được già Bảo đưa ra khá nhiều, đều là những xạ thủ tài ba của đồng bào Cơtu, điển hình là ông Clâu Nâm - Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, hiện đang sinh sống tại buôn Pơrning, xã Lăng, huyện vùng cao Tây Giang, Quảng Nam.

Ông Clâu Nâm cũng chính là người từng được đồng bào Cơtu ca tụng với cái tên rất tự hào: "Người Anh hùng đánh giặc không dùng súng giữa đại ngàn".

Do vậy, cái tên Clâu Nâm từ lâu đã trở thành tấm gương anh dũng cho cuộc đấu tranh đầy mưu trí, đánh thắng kẻ thù chỉ bằng vũ khí thô sơ. Trong đó, tiêu biểu là trận đánh tại khu BhaNân, thuộc làng Alanh, xã Mà Cooih, huyện Đông Giang vào cuối tháng 12/1960, tiêu diệt và làm bị thương hơn 45 tên địch.

Không chỉ đánh giặc giữ làng, những người con của buôn làng Cơtu còn là những chiến binh dũng mãnh trong việc đối phó với muôn thú dữ về quấy phá dân bản. Và, câu chuyện về một chàng trai Cơtu ở làng Bhờ Hôồng Bhriu Cơtir đã bắn gục con hổ nhe nanh dữ dằn, nặng hơn một tạ bằng pananh khi nó về quấy phá dân bản. Câu chuyện này đã được đồng bào Cơtu ca tụng suốt hơn thế kỷ qua.

Cũng theo lời kể của già Bảo, hôm ấy, khi nghe tin con hổ lại trở về làng quấy phá, một mình ông Cơtir đã nấp vội sau một tảng đá to trước cổng làng để mai phục. Trên lưng ông Cơtir đã chuẩn bị sẵn rất nhiều mũi tên Pananh đã tẩm độc Chpơơr. Do từng quan sát rất kỹ từ lâu nên khi con hổ vừa vồ lấy một con trâu cách nơi mình nấp khoảng 20m, ông Cơtir đã nhanh tay dùng chiếc pananh bắn trúng huyệt của nó.

“Theo phản xạ tự nhiên, khi con hổ đang lăm lăm tìm hướng người để trả thù, không ngần ngại, ông Cơtir rút thêm mũi tên và bắn liên tiếp, khiến con hổ đổ gục và chết ngay tại chỗ sau đó ít phút vì dính độc. Phải là tay thiện xạ, nếu không, chẳng dễ gì bắn chết được hổ lại còn bảo toàn được tính mạng trong khoảng cách gần như thế đâu", già Bảo cười khà khà, tự hào khẳng định.

Người chiến binh đi qua hai cuộc chinh chiến

Lặn lội tận làng Pơrning, xã Lăng, huyện Tây Giang để tìm gặp già làng Clâu Nâm, chúng tôi thực sự thấy thú vị khi được nghe những câu chuyện do chiến binh người Cơtu này kể lại. Ông cũng chính là nhân chứng sống duy nhất còn sót của đồng bào Cơtu ở huyện miền núi Tây Giang đã trực tiếp tham gia đánh giặc Pháp và Mỹ bằng chiến trận sử dụng pananh. Ngày xưa, già dùng pananh để đánh giặc giữ làng, còn bây giờ, già sử dụng pananh như một môn thể thao truyền thống, vừa giúp gìn giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc, vừa giáo dục con cháu tự hào về văn hóa cha ông", già Clâu Nâm nói.

Vinh danh những thợ săn... vàng

Không trực tiếp đánh giặc giữ làng bằng chiếc pananh, nhưng những xạ thủ thời hiện đại sống tại các buôn làng người Cơtu ở các huyện miền núi Quảng Nam lại có những thành tích cống hiến rất đáng tự hào trong các hội thi bắn nỏ cấp huyện, tỉnh và quốc gia. Những tấm bằng khen cùng các huy chương vàng, bạc được treo kín gian nhà chính là bằng chứng thể hiện niềm đam mê về môn bắn nỏ, gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống lâu đời của dân tộc mình.

Thôn Bhờ Hôồng 1 (xã Sông Kôn, huyện Đông Giang), nơi sản sinh ra nhiều xạ thủ nhất về môn bắn nỏ cho huyện Đông Giang không còn xa lạ gì với những người yêu môn thể thao bắn nỏ trong tỉnh. Những xạ thủ nơi vùng cao này, tất cả họ, ít nhất cũng đã vài lần đại diện cho tỉnh Quảng Nam tham dự qua các đợt Đại hội thể dục thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc và mang về hàng chục tấm Huy chương vàng, bạc.

Ông Bhriu Thiện, một xạ thủ tài ba của huyện Đông Giang từng tham gia ở hầu hết các giải đấu trong và ngoài tỉnh vẫn nhớ như in cái thời mà ông được người cha Bhriu Cơtir cho đi theo săn chim, thú trong rừng sâu. Chính người cha Cơtir đã giúp ông biết cách ngắm nỏ săn thú, chế tác thành thạo các dạng nỏ truyền thống của đồng bào mình. “Ngày ấy, không một thanh niên Cơtu nào trong vùng thi bắn nỏ sánh bằng với mình đâu!", ông Thiện tự hào.

Nghe/Xem - Nỏ gỗ thần kỳ và làng xạ thủ giữa đại ngàn (Hình 2).Bhriu Đô cùng những thành tích qua các hội thi bắn nỏ.

Với 17 lần từng được mời dự thi tại các giải đấu trong và ngoài tỉnh, ông Thiện đã có đến 5 huy chương vàng, hàng chục huy chương bạc, huy chương đồng, cùng nhiều bằng khen, giấy khen. Thừa hưởng khả năng bắn nỏ điêu luyện từ người cha, những người con của ông Thiện như: Bhriu Bê (30 tuổi), Bhriu Bút (27 tuổi) cũng đều là một trong những vận động viên "có số" của huyện và tỉnh.

Hai anh em Bhriu Bê, Bhriu Bút đã kịp sưu tập cho mình nhiều huy chương vàng trong những lần đại diện cho tỉnh Quảng Nam dự thi ở những cuộc thi bắn nỏ toàn quốc gần đây. Ngoài tài sử dụng nỏ, Bhriu Bê cũng là một trong số ít người có khả năng chế tạo nỏ chuẩn, chính xác nhất và biết làm thuần thục chiếc pananh truyền thống của người Cơtu.

Tại Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ VII khu vực 2, năm 2011 được tổ chức tại TP. Tam Kỳ (Quảng Nam), hình ảnh hai cha con người dân tộc Cơtu đến từ huyện Đông Giang là Bhriu Đô (50 tuổi) cùng đứa con gái là Bhriu Thị Đợi (22 tuổi) chăm sóc nhau ngay sau khi cuộc thi kết thúc, đã khiến nhiều người cảm động. Đây cũng là cặp cha con duy nhất có mặt tại hội thi và giành nhiều huy chương nhất với 2 huy chương vàng đồng đội nội dung đứng bắn và quỳ bắn; một huy chương bạc đồng đội nữ nội dung quỳ bắn.

Gặp Bhriu Đô ngay sau khi trở về từ hội thi, những chiếc huy chương được ông mang về rủng rỉnh đi khoe khắp người dân trong bản.Ông tự hào vì chiếc nỏ 2 lần được ông mang đi dự thi đã giúp đem về 5 huy chương vàng, 2 huy chương bạc và 1 huy chương đồng. "Sau này, nếu cha con tôi không đi thi nữa thì chiếc nỏ này sẽ được cất làm kỷ vật như một báu vật gia truyền", ông Đô bộc bạch.

Vương Hoàng - Nguyên Dũng


Tag: xạ thủ