Nỗ lực sống của những thiên thần bất hạnh

Nỗ lực sống của những thiên thần bất hạnh

Thứ 4, 06/03/2013 | 16:22
0
Em thấy gì khi nắm tay tôi/Bởi mắt em đâu thể thấy mặt trời/Nghe trong tiếng cười em hớn hở/Giọt nước mắt người xa lạ... tôi rơi (Minh Miu). Đó là cảm xúc rất thật của một bạn trẻ trước những cảnh đời bất hạnh tại mái ấm Thánh Tâm (Xuy Xá, Mỹ Đức, Hà Nội).

40 mảnh đời chung một mái ấm

Đến thăm các em tại mái ấm Thánh Tâm, vừa bước vào cổng, qua khuôn viên nhà thờ, chúng tôi đã bắt gặp vài ba em nhỏ. Thấy có khách đến, các em tỏ ra e sợ nhưng vẫn nhìn tôi với ánh mắt thân thiện và tươi cười đến "ngơ ngác". Theo các sơ,  nhiều em ở đây bị bệnh down. Các em có vẻ dễ gần, nhưng khi tôi hỏi vài câu đơn giản như tên tuổi thì các em chỉ "à ơi" không nói nên lời. Hầu như các em không thể diễn đạt được thành câu hoàn chỉnh.

Được biết, mái ấm Thánh Tâm được thành lập năm 2008, do các nữ tu phụ trách, dưới sự nâng đỡ của cha Giuse Nguyễn Minh Hoàng (linh mục chính xứ Xuy Xá). Vì tình thương, nên cha đã mượn tạm mấy gian nhà của giáo dân để thu nhận và nâng đỡ những mảnh đời kém may mắn. Mái ấm Thánh Tâm đã tiếp nhận được gần 40 người tàn tật: Nhiều em bại liệt nằm tại chỗ, có em 11-12 tuổi, nằm co quắp ở trên tấm phản chỉ nhỏ bằng đứa trẻ lên 3, nhiều em câm điếc, tâm thần, khiếm thị, trầm cảm...

Là một điểm mới thành lập nên cơ sở vật chất ở đây hầu như chưa có gì đáng kể, mọi sự đều chỉ là đi mượn, đi xin. Ngay cả đến miếng ăn hàng ngày của các cháu cũng đều phải nhờ vào sự hảo tâm của bà con, người thì cho cân gạo, người thì cho cân bún, người thì mớ rau, người thì quả mướp...

Xã hội - Nỗ lực sống của những thiên thần bất hạnh

Vừa bước vào căn phòng, chúng tôi dường như đã bị sốc bởi hình ảnh đầu tiên khi nhìn các em. Tôi không nghĩ rằng các em lại đau vì những căn bệnh hiểm nghèo đang dày vò trên thân xác nhỏ bé và yếu ớt đến như vậy. Có người đã không sao cầm được nước mắt chỉ biết chạy đến bên cạnh các em mà ôm vào lòng và lau nước mắt cho các em như thể mọi người đang an ủi nhau vậy.

Ở bên cạnh các em, tôi mới cảm nhận được rằng, chỉ có tình yêu thương mới có thể chia sẻ và làm nguôi ngoai được phần nào nỗi đau mà các em phải chịu đựng.

Thấy chúng tôi đến thăm, các sơ đã cùng ngồi lại để chia sẻ công việc hàng ngày cũng như hoàn cảnh của từng em nhỏ, giọng của sơ trĩu nặng, tôi không ngờ các nữ tu lại hiểu tường tận về các em đến như vậy. Sơ Maria Nguyễn Thị Ngát nói: "Các em là các thiên thần đáng thương. Ở đây mỗi em một hoàn cảnh: Có em bị trầm cảm, em bị liệt, em thì bị cha mẹ ruồng bỏ từ bé...

Trước kia căn phòng dành cho các em rất nhỏ chỉ đủ sức chứa cho khoảng mười người, nhưng cũng nhờ có một nhà hảo tâm khi chứng kiến hoàn cảnh của các em và sự vất vả nhưng đầy tâm huyết của cha xứ và bà con nên đã góp của cải vật chất để xây dựng ngôi nhà khang trang như bây giờ".

Mặc dù bao thiếu thốn, khó khăn chồng chất, nhưng cha xứ cùng với các sơ vẫn cố gắng để các em có miếng ăn. Tuy nhiên, vì điều kiện nên miếng cơm các em ăn thật tẻ nhạt, chỉ có cơm trộn canh rau cải thái nhỏ. Các em ăn như ăn sự khó nhọc nặng nề nhất của cuộc đời bươn chải.

Có những em ăn không được như người bình thường, em thì nằm ăn, em thì ngồi trên xe lăn ăn, có em tự xúc cơm được thì "trợn tròn hai mắt" nhai cơm có vẻ mệt mỏi... Tôi tự hỏi không biết các em có cảm nhận được bữa cơm hàng ngày của mình hay không.

Ngoài việc chăm sóc sức khỏe và tinh thần cho các em, những nữ tu ở đây còn kiêm luôn cả vai trò "làm kinh tế". Sơ Ngát cho biết, thu nhập hàng ngày để nuôi sống và chăm sóc các em chủ yếu đến từ việc bán các gói trà sen từ thiện. Đây là trà sen tự nhiên được lấy từ vườn sen trong hồ phía trước mái ấm. Những bông sen này được chính tay các sơ trồng và chăm sóc. Bên cạnh đó, các sơ cũng tìm hiểu những bài thuốc từ lá sen và hoa sen để cải thiện thu nhập cho mái ấm.

Câu chuyện giữa chúng tôi và các sơ chốc chốc lại ngắt quãng vì những tiếng kêu, tiếng khóc của các em. Thấy tôi nhìn cậu bé đang chơi ngoài sân, một sơ liền khoe: "Đó là bé Lộc, em đã ở mái ấm hơn 4 năm rồi. Đầu em bị to do bệnh thủy não, nhờ sự giúp đỡ của các ân nhân nên chúng tôi cũng định đưa em lên bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội để phẫu thuật nhưng huyết áp không ổn định nên không tiến hành được. Lộc tập đi và cũng nói bập bẹ được mấy từ "bố", "mẹ, "bà"... Mấy hôm trước em còn biết giơ chân đá bóng với các bạn".

Xã hội - Nỗ lực sống của những thiên thần bất hạnh (Hình 2).

Ánh mắt trẻ thơ tại mái ấm Thánh Tâm

Tình thương cho đi, niềm vui nhận lại

Ngay từ lúc nhìn thấy các em, người bạn tôi đã nói: "Mặc dù sống trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn nhưng chính các em lại là một tấm gương sống cho mình, bởi vì các em lúc nào cũng được nở một nụ cười và lạc quan vui vẻ  trong sự yêu thương tận tình của các sơ".

Nụ cười của các em chính là dấu son khắc ghi vào tâm khảm mỗi người, không phải những giọt nước mắt, không phải những lời kêu ca nhưng nụ cười viên mãn là những gì các em có được. Có lẽ giờ đây chính nụ cười của các em mới là ánh lửa sưởi ấm lại tâm hồn chúng tôi. Tất cả những con tim đã gặp nhau ở cùng một nhịp đập, nhịp đập của tình yêu thương, của hạnh phúc trao ban, của niềm vui tươi được lan tỏa.

Cũng thật may mắn cho chúng tôi khi được giới thiệu cho biết có một em tuy bị khuyết tật nhưng lại có năng khiếu vẽ rất đẹp. Có lẽ khó có ai có thể cầm nổi nước mắt khi được các em tặng một bức vẽ... được vẽ bằng chân để thể hiện lòng yêu quý và cảm ơn chúng tôi vì đã quan tâm và đến thăm. Hoàn cảnh khó khăn, nỗi đau khuyết tật đã không quật ngã được tâm hồn của các em.

Khi nhìn những bức tranh do em vẽ, tôi những tưởng đang xem tác phẩm của một họa sĩ, nhưng chính em là một họa sĩ, mặc dù không được đào tạo qua trường lớp nào. Thông qua bức tranh tôi mới thấy trí tưởng tượng của em thật phong phú và phần nào phản ánh được tâm tư nguyện vọng và ước mơ của các em ở đây. Bức tranh vẽ một gia đình đầm ấm có mẹ có cha. Em cũng đã tặng chúng tôi bức tranh ấy và nhìn đôi chân thoăn thoắt kí lên dòng chữ mang tên em: Dương Thị Hiền.

Thật cảm phục ý chí nghị lực vươn lên của em, cho dù bệnh tật có cướp đi nhiều thứ nhưng không thể nào cướp đi được ước mơ và hoài bão. Sau khi đi thăm hết ba căn phòng ở mái ấm Thánh Tâm, chúng tôi đã cùng với sơ và các em nhỏ, cùng giao lưu hát vang và chụp những bức ảnh làm kỉ niệm về một mái ấm. Hát cùng các em chúng tôi như đang chìm trong biển cả tình thương, nhìn những nụ cười hồn nhiên ngây thơ của trẻ nhỏ thì càng thêm yêu mến các em hơn.

Dù đã được các cha, bà con hàng xóm thường xuyên thăm hỏi giúp đỡ nhưng hiện tại cơ sở vật chất cũng như đời sống của các em, các sơ rất khó khăn và thiếu thốn. Nhất là với nguồn kinh phí hạn hẹp, bấp bênh nên bữa cơm của các em cũng lay lắt qua ngày đoạn tháng. Tâm sự với chúng tôi, các sơ cho biết điều họ luôn luôn lo lắng là làm sao bữa cơm của các em được ổn định và đảm bảo dinh dưỡng.

Nhưng có ổn định được không khi mà hiện giờ, sau 4 năm thành lập mái ấm Thánh Tâm vẫn chưa có lấy một nguồn tài trợ chính thức và ổn định nào cả. Có những hôm mái ấm chỉ còn có 200 nghìn đồng thì làm sao lo nổi bữa cơm cho 40 thành viên được? Đấy là khi các em mạnh khỏe, nhưng khó khăn lại càng khó khăn hơn. Các thành viên của mái ấm chủ yếu là các em khuyết tật, rồi cả các bé bị bỏ rơi nên rất hay ốm đau. Những lúc đó các sơ lại chạy vạy khắp nơi để có tiền thuốc men cho các em.

Không chỉ bệnh tật luôn hành hạ các em và lấy đi của các em tuổi thơ đầy ắp những tiếng cười mà chua xót hơn là những cái ôm ấp vỗ về của các bậc làm cha, làm mẹ các em cũng khó mà cảm nhận được. Dẫu biết rằng sự quan tâm, chăm sóc nhiệt tình của các sơ là không gì có thể đong đếm được nhưng có thấm vào đâu so với ngần đấy thành viên?

Tuy cũng nhận được nhiều sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, các em đã có nơi ăn chốn ở khá sạch sẽ và yên bình, thế nhưng khi chứng kiến những con người sống ở đây, thì dù có bao nhiêu vật chất đầy đủ cũng chẳng thể nào đong đầy và bù đắp được những thử thách và mất mát đối với họ.                                             

Xuân Hoàng

Những mảnh đời bất hạnh bằng nghề điêu khắc gỗ

Thứ 6, 15/02/2013 | 17:00
Có những lúc, anh có trong tay bạc tỷ nhưng cũng có lúc cận kề cái chết. Nhưng chính ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết ấy đã làm cho anh nghĩ lại: "Mình không thể sống mãi như thế này được". Sau nhiều đêm trăn trở, anh quyết định thay đổi mọi thứ, chọn cho mình con đường lập nghiệp bằng nghề điêu khắc mà cha ông để lại. Hiện nay, không chỉ thành danh nhờ nghề điêu khắc mà anh còn đang tiếp tục xây dựng ý tưởng tiếp nhận những nhân công "không bình thường" vào làm việc tại cơ sở của mình. Đó chính là những người lao động đang phải mang trong người chất độc màu da cam hay bị dị tật bẩm sinh.

“Phật bà” nâng đỡ những mảnh đời bất hạnh

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:04
Được con cái bảo lãnh định cư ở nước ngoài, đủ đầy vật chất, nhưng chỉ được 3 năm, bà xin về quê cũ để được làm việc thiện, việc nghĩa cho nhiều mảnh đời bất hạnh với số tiền lên tới hàng tỷ đồng trong suốt hơn chục năm qua.

Người vợ bất hạnh trong cuộc hôn nhân “lý tưởng”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:57
– Chị 24 tuổi, mới tốt nghiệp đại học, nhan sắc mặn mà dù không son phấn. Anh 30 tuổi, cao to, đẹp trai và là một doanh nhân thành đạt. Họ yêu nhau say đắm, thề hẹn gắn bó một đời bằng một đám cưới linh đình. Ai cũng tấm tắc khen ông Tơ, bà Nguyệt khéo se duyên cho đôi trai tài, gái sắc. Nào ngờ…

Cuộc đời bất hạnh của bà lão mù bán nước

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:57
Ngày nào cũng vậy, bên bờ hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội)lộng gió, có một cụ già mái tóc bạc phơ với mẹt hàng nước. Cụ nhẫn nại gom góp từng đồng tiền lẻ để duy trì cuộc sống khốn khó.