Nỗi ám ảnh

Nỗi ám ảnh "đến hẹn lại lên" mang tên triều cường

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:44
0
TP.HCM những ngày gần đây chẳng khác nào bể nước, khiến người dân sống ở những nơi triều cường ngập luôn cảm thấy bất an. Theo một số chuyên gia thủy lợi, mức triều cường trước đây chỉ ở ngưỡng 0,30,5m. Nhưng vài năm trở lại đây nó đã lên rất nhanh.

Những ngày vừa qua, người dân TP.HCM, kể cả những quận trung tâm đều đứng ngồi không yên, cuộc sống bị đảo lộn hoàn toàn bởi triều cường liên tục tăng cao.

Nhịp sống - Nỗi ám ảnh 'đến hẹn lại lên' mang tên triều cường

Người dân đang tự chống chọi với triều cường bằng các biện pháp tạm bợ

Cuộc sống người dân bị đảo lộn hoàn toàn

TP.HCM những ngày gần đây chẳng khác nào bể nước, khiến người dân sống ở những nơi triều cường ngập luôn cảm thấy bất an. Theo một số chuyên gia thủy lợi, mức triều cường trước đây chỉ ở ngưỡng 0,3-0,5m. Nhưng vài năm trở lại đây nó đã lên rất nhanh, đỉnh điểm của triều cường đạt kỷ lục từ trước đến nay là ở mức 1,61m. Tình trạng này gây ngập úng nghiêm trọng trên diện rộng ở các quận 2, 5, 6, 7, 8, Bình Thạnh, Thủ Đức, Tân Bình, Bình Tân. Dọc các tuyến đường như: Lương Định Của, (quận 2), Ngô Tất Tố, Nguyễn Hữu Cảnh, khu vực Bình Quới (quận Bình Thạnh), Kha Vạn Cân, Tô Ngọc Vân (quận Thủ Đức), Trần Hưng Đạo (quận 5), Đồng Đen (quận Tân Bình), Phạm Thế Hiển, bến Phú Định (quận 8) triều cường gây ngập nặng. Có ngày triều cường lên hai lần, sáng và chiều tối, điều này khiến cho người dân sống ở các khu vực này chìm trong bể khổ.

Theo ghi nhận của PV Người Đưa tin, dân sống trong vùng ngập đang ngay ngáy gánh nặng an cư. Phản ánh với PV, chị Hoàng Tịnh Thu (ngụ đường Ngô Tất Tố, quận Bình Thạnh) cho biết: "Mỗi khi triều cường đẩy nước đọng ở cống rãnh lên, nhà tôi lại bị một phen khốn khổ. Nước ngập lên rất hôi thối, rác rưởi, xác các con vật chết, trôi tọt vào nhà rất khủng khiếp. Nhiều bữa trời mưa lúc nửa đêm, cả nhà tôi không ngủ được vì nước không thoát được tràn vào nhà, ướt hết đồ đạc, thậm chí còn ướt cả đường dây điện".

Còn anh Phạm Quang Bửu (ngụ đường Thanh Đa, quận Bình Thạnh) bức xúc: "Nước ngập rồi đọng lâu làm cho khu vực này thường xuyên ẩm thấp, hôi thối. Các loại côn trùng như muỗi, gián, chuột cứ sinh sôi nảy nở nhan nhản. Đây là nguyên nhân khiến mấy đứa con tôi thường xuyên bị bệnh ngoài da, ghẻ lở đầy mình. Bản thân tôi trước đây đã phải đi bệnh viện Nhiệt đới điều trị bệnh sốt xuất huyết do bị muỗi vằn chích".

Nhiều người tỏ ra lo ngại sẽ tiệt đường làm ăn do triều cường càng ngày càng như nuốt chửng đất liền. Chị Nguyễn Thị Tuyết (ngụ đường Lương Định Của, quận 2), than thở: "Triều cường ngày một dâng cao, nhà tôi cứ phải nâng nền thường xuyên, đến bây giờ nền nhà tôi bị ngập đến 50cm, không thể buôn bán gì được. Nhiều khi đồ đạc trong nhà như gạo, đồ ăn nếu bất cẩn cũng bị ướt hết không thể dùng được. Suốt ngày chúng tôi cứ lo ngay ngáy dịch bệnh truyền nhiễm. Muốn bán nhà thì chẳng ai mua, nên đành phải cầm cự sống qua ngày. Không biết rồi tương lai của các con và gia đình tôi sẽ đi về đâu nữa, chỉ mong tình trạng này sớm được cơ quan chức năng giải quyết".

Khảo sát của PV cho thấy nhiều tuyến đường vì triều cường ngập mà xảy ra nhiều vấn đề giao thông. Anh Hà Quang Sơn (ngụ đường Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức) cho biết: "Cứ mỗi lần mưa xuống, triều cường lên là đường lại ngập. Nhiều người chen lấn nhau trên đường gây ra tình trạng kẹt cứng, đó là chưa kể có nhiều vụ tai nạn thương tâm do sập hố hay va chạm xe. Những khi nước ngập, tôi thấy nhiều trường hợp xe hư phải dẫn bộ rất cực. Triều cường kết hợp mưa lớn đang là mối đe dọa thực sự cho nhiều người dân TP.HCM".

Hàng loạt nguyên nhân

Ngay từ đầu năm 2012, Trung tâm Điều hành Chống ngập TP.HCM đã triển khai thực hiện các giải pháp xóa, giảm ngập cấp bách với các công trình thoát nước mang tính trọng điểm hoàn thành trước mùa mưa, triều cường. Cụ thể, đã lắp đặt, vận hành 615 van ngăn triều, xây dựng các tuyến đê tạm, vận hành 28 trạm bơm (42 máy bơm, công suất từ 1000m3/giờ đến 64.000m3/giờ) và thiết bị chuyên ngành để xử lý cấp bách các điểm ngập nặng, điểm ngập phát sinh. Đồng thời, đã nạo vét 1.261 km lượt cống thoát nước, duy tu nạo vét 57 tuyến kênh rạch và cửa xả, sửa chữa 1.885 hầm ga, thay 513 mét cống bị xuống cấp có khả năng sụp, sửa chữa 236 máng, lưỡi của hầm ga, mở rộng 2.106 miệng thu nước và thay 2.246 nắp hầm ga.

Riêng trong 9 tháng đầu năm 2012 đã thực hiện 28 hạng mục bằng các giải pháp cấp bách như đấu nối, mở hướng thoát nước cho các vị trí thường xuyên ngập nước như: Đường Gò Dưa, Quang Trung, Đỗ Xuân Hợp, Nguyễn Hữu Cảnh, Lê Đức Thọ, Quốc lộ 1A , Lê Văn Sỹ. Tuy nhiên, với những trận mưa vừa qua, đặc biệt là những đợt triều cường lên đỉnh trong mấy ngày gần đây, khắp nơi trên địa bàn TP.HCM vẫn ngập nặng.

Theo Trung tâm Điều hành Chống ngập TP.HCM cho biết, hiện tại trên địa bàn thường có các điểm ngập do mưa kết hợp với triều cường như: đường Kinh Dương Vương, An Dương Vương, Phan Đình Phùng, Phan Anh; các điểm ngập do triều cường gồm: Lương Định Của (quận 2), Phú Định (quận 8), Kha Vạn Cân (Thủ Đức), Bình Quới (Bình Thạnh), Huỳnh Tấn Phát (quận 7, Nhà Bè), Quốc lộ 50 (Bình Chánh); các điểm ngập do mưa: Hòa Bình, Âu Cơ, Đồng Đen, Bàu Cát, Trương Công Định.

Nguyên nhân được lý giải là do tình trạng thi công các dự án thoát nước lớn đã chặn dòng thi công, dẫn dòng thi công không đảm bảo, bơm bùn đất vào hệ thống thoát nước hiện hữu đã làm tắc nghẽn dòng chảy gây ngập trong khu dự án và các khu vực lân cận. Bên cạnh đó, tình trạng lấn chiếm kênh, rạch, xả chất thải rắn trên kênh, rạch, cống thoát nước còn phổ biến. Công tác vận động nhân dân để thực hiện các giải pháp xóa, giảm ngập cấp bách ở một số quận huyện chưa được chú trọng, thời gian thực hiện kéo dài hoặc không thực hiện như: Quốc lộ 1A, Nguyễn Văn Quá (quận 12); Huỳnh Tấn Phát (quận 7); Quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh). Còn những điểm ngập do mưa là vì ảnh hưởng dự án lắp đặt cống hộp tại kênh Tân Hóa (chủ đầu tư dự án Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình Nâng cấp đô thị).

Trước tình hình triều cường còn diễn biến phức tạp, ông Trần Công Lý, phó trưởng Ban Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn TP.HCM cho biết, Ban đã có công văn đề nghị các ban ngành, quận huyện thực hiện các biện pháp chống ngập. Theo đó, tổ chức khuyến cáo, hướng dẫn người dân trong vùng có nguy cơ ngập úng thực hiện: Kê cao đồ đạc, đặc biệt là các vật dụng dễ bị hư hỏng khi bị ngập nước, đề phòng triều dâng cao tràn vào nhà; Cẩn thận khi đi qua những khu vực ngập nước, kể cả những khu vực quen thuộc, chỉ đi qua khi chắc chắn không có nguy hiểm và có các lực lượng, phương tiện hỗ trợ; Tuân theo biển báo nguy hiểm, hoặc hướng dẫn của những người có trách nhiệm; Không cố cứu vớt tài sản bị nước cuốn trôi, đặc biệt ở ven sông, kênh, rạch; Ngắt nguồn điện bị ngập nước, cẩn thận kiểm tra khi sử dụng lại đồ điện sau khi bị ngập nước; không tiếp xúc với nguồn điện khi đang ướt hoặc đang nằm dưới nước…

Hàng trăm hộ dân bị ngập nước vì vỡ bờ bao

Ngày 18/10, bờ bao của rạch Cầu Ông Ngữ, đoạn ở đường Bình Thới (phường 28, quận Bình Thạnh, TP.HCM) bị vỡ khiến hàng trăm hộ dân sống ở khu vực này chìm trong nước. Quan sát từ hiện trường cho thấy, bờ bao bị vỡ một đoạn khoảng 2m, đồng thời bức tường xây bằng gạch chắn quanh khu vực trên cũng bị sụp đổ một đoạn gần 6m. Nhiều nhà dân nước vẫn ngập tới cả mét, đồ đạc trong nhà nổi lềnh bềnh.

Theo nhiều người dân sống ở khu vực này cho biết, sáng 18/10 nhiều hộ dân sống ở đây bỗng nghe tiếng đổ ào ào từ ngoài sông, chạy ra ngoài mới biết bờ bao quanh rạch bị vỡ, nước chảy mạnh xô ngã bức tường chắn quanh nhà rồi tràn ồ ạt vào khu dân cư. Chỉ 30 phút sau cả khu vực này chìm trong biển nước. Sau khi, xảy ra vụ việc, hơn 50 người của Công ty TNHH Ngọc Quang Minh đã được điều động đến để gia cố phần bờ bao bị vỡ. Ngoài ra, nhiều nhân viên Công ty Thoát nước đô thị TP.HCM có mặt ứng cứu cho người dân.

Trung Nghĩa - Hoàng Minh