Nỗi buồn ở làng cổ vật hiếm có giữa rừng già

Nỗi buồn ở làng cổ vật hiếm có giữa rừng già

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
0
Nhiều năm trở lại đây, người dân làng A Điêu (xã Arooi, huyện miền núi Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) trở thành một trong số điểm nóng cho giới chuyên săn tìm đồ cổ.

Trong khi ý thức bảo quản của người dân chưa cao, sự quản lý buông lỏng của các nhà chức trách địa phương cùng với đó là giá thành mua cổ vật rất cao từ các thương gia, đã khiến những cổ vật có tuổi đời hàng trăm năm tuổi tại làng A Điêu cứ thế ra đi theo sức hút của đồng tiền. Bên cạnh đó, tập tục “xin của” trong nghi lễ cưới hỏi của đồng bào Cơtu lại trở nên khá phổ biến, dẫn đến tình trạng cổ vật làng A Điêu ngày thêm phần khó gìn giữ và bảo tồn.

Làng cổ vật hiếm có

Một ngày trung tuần tháng 8, vùng cao Đông Giang nắng như đổ lửa. Men theo con đường rừng hơn 10km từ trung tâm thị trấn Prao (huyện Đông Giang) đến bản A Điêu khiến chúng tôi như ngộp thở. Sau hành trình bám những con dốc cao dựng đứng chênh vênh lên cổng trời, làng A Điêu xuất hiện với nhiều vẻ hoang sơ, huyền bí trước sự ngỡ ngàng của lữ khách. Anh bạn tôi, cũng là người dẫn đường kéo vội tấm áo sau lưng tôi căn dặn: “Vào trong làng, không được hỏi chuyện vòng vo, lỡ dân làng nghĩ mình là người xấu hay tên trộm thì không xong đâu!”.

Sự kiện - Nỗi buồn ở làng cổ vật hiếm có giữa rừng già

Những cổ vật hiếm hoi còn được gìn giữ tại nhà của một gia đình người Cơtu ở A Điêu

Hôm chúng tôi đến, dân làng A Điêu ở nhà khá đông đủ vì theo lời của trưởng thôn A Điêu ông Arất Huân thì, thời gian này đồng bào đã tỉa xong vụ rẫy. Biết chúng tôi là người từ dưới xuôi lên nên rất đông đồng bào tìm đến xem, chật kín căn nhà sàn của trưởng thôn Arất Huân. Tưởng chúng tôi là giới mua đồ cổ nên khi vừa chạm mặt, một cụ ông trạc chừng 65 tuổi nói như dò hỏi: “Mấy anh đến mua ché cổ phải không? Ở đây nhiều nhà còn giữ lắm. Mấy người con buôn cũng hay đến hỏi mua rồi nhưng chưa bán hết!”. Rồi ông cụ lặng lẽ ngồi cạnh trưởng thôn, không hỏi thêm nhưng đầy vẻ nghi ngờ.

Dọc quanh làng A Điêu, đập vào mắt chúng tôi đầu tiên khi vào trong ngôi nhà của đồng bào, đó là hầu như nhà nào cũng đều có ché cổ với nhiều loại tuổi đời khác nhau. Theo lời kể của trưởng thôn A Điêu, hiện hộ gia đình ông Arất Blươi (53 tuổi) sở hữu nhiều ché cổ nhất với hơn 10 chiếc có tuổi đời hàng trăm năm tuổi. Trong đó, có đến 6 chiếc ché cổ với giá bán từ 100 đến 180 triệu đồng. Tuy nhiên, theo ông Arất Blươi, hiện tại những ché cổ còn được ông lưu giữ chỉ là con số hơn một nửa so với những năm trước đây. Bây giờ, khó nhà nào có thể giữ được nguyên vẹn những cổ vật trong nhà. Ngày xưa, tộc họ nào được xem là giàu có khi có được nhiều của cải, ché chiêng cổ và luôn có địa vị trong xã hội. Do đó, đồng bào luôn ưa chuộng sắm ché cổ để thể hiện sự giàu có, uy tín của mình. Những cổ vật được đồng bào xếp ngay ngắn trên gác bếp, trên bàn thờ thể hiện sự giàu có của mỗi gia đình, tộc họ ông Blươi bộc bạch.

Nguy cơ biến mất theo tiếng gọi của đồng tiền

Nếu như hơn 10 năm trước, A Điêu là một trong số làng bản Cơtu được biết đến nhờ sự giàu có về cổ vật thì hôm nay, câu chuyện về những chiếc cổ vật lại trở nên khá buồn nhạt. Một ngày ở A Điêu, được nghe những lời trăn trở của các già làng mới thấy được cổ vật của đồng bào Cơtu đang thực sự đứng trước nguy cơ biến mất theo tiếng gọi của đồng tiền về xuôi.

Theo tìm hiểu của PV báo ĐS&PL, hiện số ché cổ ở làng A Điêu không còn nhiều, chỉ vẻn vẹn hơn 20 cái. Nói về nguyên nhân sự biến mất những cổ vật của làng A Điêu, trưởng thôn Arât Huân ngậm ngùi: “Do giá thành của mỗi chiếc ché rất cao, trung bình từ vài chục cho đến vài trăm triệu đồng nên nhiều năm trở lại đây, số lượng tiểu thương miền xuôi lên ngỏ lời mua ngày một nhiều. Ché được trả với giá cao khiến nhiều gia đình đã bị đồng tiền làm cho hoa mắt và lần lượt bán đi một cách không thương tiếc. Theo trưởng thôn Arất Huân, năm 1994, lần đầu tiên cổ vật làng A Điêu được bán với giá 30 triệu đồng/ cái của nhà ông Hôih Grấy đã vô tình mở ra trào lưu mua bán cổ vật giữa đại ngàn này. Và ít tháng sau đó, hộ ông Arất Pếp cũng đã bán đi chiếc ché cổ của nhà mình để xây nhà mới, trang trải cuộc sống. Từ đó về sau, nhiều chiếc ché cổ, rồi cả những chiếc chiêng, mâm đồng, nồi đồng, cũng lần lượt được bán đi cho các tiểu thương miền xuôi, những người chuyên buôn đồ cổ. Bây giờ, thỉnh thoảng vẫn có người lên hỏi mua ché cổ và ra giá rất cao khiến người dân khó giữ được lòng tham của mình ông Huân nói.

Có tiền, đồng bào đua nhau xây dựng những ngôi nhà xây khang trang phục vụ cuộc sống lâu dài. Chỉ trong thời gian ngắn, số nhà xây tại làng A Điêu đã mọc ngày một nhiều; rồi điện lưới được kéo về, cuộc sống của đồng bào đã thay đổi hẳn; những chiếc tivi, xe máy cũng dần được sắm sửa theo từng hộ gia đình. Tuy nhiên, một khi cuộc sống của đồng bào đã thay đổi, những ngôi nhà xây ngày càng nhiều, đồng nghĩa với việc số lượng cổ vật ở làng A Điêu ngày một ít dần và đứng trước nguy cơ biến mất. Theo ông Hôih Bảy, phó Chủ tịch UBND xã Arooi, một nguyên nhân khác khiến nhiều cổ vật của làng A Điêu dần biến mất, đó là tập tục cưới hỏi của đồng bào Cơtu. Do vậy, cùng với tập tục này, không ít cổ vật ở làng A Điêu đã trở thành nạn nhân của tập tục xin của trong nghi lễ cưới hỏi của đồng bào. Ông Bảy cũng cho hay, tại cơn bão năm 2009, một số cổ vật của người dân trong thôn A Điêu cũng bị hư hỏng, vỡ vụn do sạt lở đất. Do đó, số lượng ché cổ vốn đã ít nay lại càng ít hơn, khiến chính quyền địa phương trở nên khá lo ngại.

Trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Alăng Dớp Cán bộ Văn hóa xã Arooi, huyện Đông Giang xác nhận tình trạng mua bán đồ cổ tại làng A Điêu đã xảy ra từ nhiều năm nay và tiếp tục có nguy cơ tái diễn. Về tình trạng mua bán đồ cổ của đồng bào, chúng tôi đã có nhiều đợt đến tận thôn để tuyên truyền, vận động đồng bào không nên bán đồ cổ. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế khó khăn nên thỉnh thoảng vẫn có nhiều hộ lén lút bán cổ vật cho các thương gia miền xuôi. Trong thời gian sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục có nhiều đợt tuyên truyền, vận động sâu rộng cho đồng bào nhằm ngăn chặn tình trạng mua bán cổ vật, giúp đồng bào có thêm nhận thức trong công tác bảo tồn và lưu giữ cổ vật của ông bà, tổ tiên ông Dớp nói.

Đăng Nguyên