Nỗi cô đơn của Hoàng hậu cuối cùng mang phận tha hương

Nỗi cô đơn của Hoàng hậu cuối cùng mang phận tha hương

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
0
Đất Gò Công có hai thứ nổi tiếng là gạo Nàng Thơm Chợ Đào và… Nam Phương Hoàng hậu.

Gạo Nàng Thơm Chợ Đào màu trắng nõn, giữa hạt có eo nhỏ mà các cụ xưa ví như cái eo thon của thiếu nữ. Cô Nguyễn Hữu Thị Lan sinh trưởng trong một gia đình giàu có, theo Tây học và Thiên Chúa giáo. Bố cô là đại điền chủ Nguyễn Hữu Hào. Nguyễn Hữu Hào không chỉ nổi tiếng ở Gò Công mà còn là một trong những người giàu có nhất nhì ở miền Nam thời Pháp thuộc.

Sự kiện - Nỗi cô đơn của Hoàng hậu cuối cùng mang phận tha hương

Vợ chồng Vua Bảo Đại cùng hai con đầu lòng là thái tử Bảo Long và công chúa Phương Mai trong buổi dạo chơi vườn hoa tại cung Nam Phương Hoàng hậu ở Đà Lạt

Địa vị cao sang nhưng bất hạnh

Ông Nguyễn Hữu Hào có hai người con gái, nhưng cô em Nguyễn Hữu Thị Lan, sinh năm 1914, xinh đẹp hơn chị. Cô được gửi sang Pháp từ năm 12 tuổi và theo học trường Trung học Couvent Des Oiseaux ở Paris - Pháp. Cô Lan nổi tiếng xinh đẹp và đã đoạt vương miện Hoa hậu Đông Dương. Cô Lan đỗ tú tài toàn phần năm 1932, khi vừa đúng 18 tuổi. Sau khi đỗ tú tài, cô lên tàu về nước theo lệnh cha.

Trên chuyến tàu định mệnh của hãng Messagerie Maritime đưa người đẹp trở về nước từ Marseille, Pháp đến Cap Saint Jacque (Vũng Tàu), Nguyễn Hữu Thị Lan đã có dịp diện kiến dung nhan của Hoàng đế Bảo Đại. Tuy nhiên, suốt hơn một tháng lênh đênh trên biển, Nguyễn Hữu Thị Lan chỉ dám đứng từ xa nhìn vị vua nước Nam, còn rất trẻ, chỉ mới 19 tuổi và rất đẹp trai.

Về Việt Nam được ít lâu, vua Bảo Đại lên nghỉ mát ở Đà Lạt và với sự dàn xếp của vị Toàn quyền Pháp Pasquier và viên Đốc lý Darle, Thị trưởng Đà Lạt, tại khách sạn Langbian Palace. Lúc đó, cô Nguyễn Hữu Thị Lan được giới thiệu đến diện kiến vị vua trẻ đang còn độc thân. Cuộc gặp gỡ này là cầu nối đưa Nguyễn Hữu Thị Lan vào cuộc hôn nhân đầy hào nhoáng nhưng cũng đầy sầu thảm với Hoàng đế Bảo Đại sau này.

Cuối cùng, người con gái đến từ phương Nam đã trở thành Nam Phương Hoàng hậu. Bảo Đại ra khẩu dụ: "Trẫm chọn tên cho Hoàng hậu là Nam Phương. Trẫm cũng ra một chỉ dụ cho phép Hoàng hậu được phục sức màu vàng - màu trước giờ chỉ dành riêng cho Hoàng đế".

Đám cưới của vị vua trẻ hào hoa Bảo Đại và thiếu nữ sắc nước hương trời Nguyễn Hữu Thị Lan, diễn ra ngày 23/4/1934 tại điện Cần Chính, trước sự hiện diện của đình thần và đại diện nước Pháp. Cô Lan mặc áo thụng, chân đi hài mũi cong, đầu đội vương miện đính 9 con chim phượng bằng vàng thật và nhiều ngọc ngà châu báu óng ánh. Ngay ngày hôm đó, Nguyễn Hữu Thị Lan được tấn phong làm Hoàng hậu với danh hiệu Nam Phương.

Sự kiện Nguyễn Hữu Thị Lan được tấn phong làm Hoàng hậu ngay sau khi cưới là một biệt lệ đối với các bà vợ vua triều Nguyễn vì 11 đời vua nhà Nguyễn trước Bảo Đại, các bà vợ vua chỉ được phong tước Vương phi và chỉ đến khi chết mới được truy phong Hoàng hậu.

Lần đầu tiên, trong hoàng cung triều đình nhà Nguyễn, vóc dáng một người phụ nữ uy nghi, đoan trang đem lại những nét đổi mới trong sinh hoạt cung đình: Giản dị hóa lễ nghi, giản dị hóa những tương quan giao tiếp giữa bầy tôi và chủ, tư tưởng phóng khoáng, ngay thẳng, ghét những xum xoe xu nịnh, những lời sàm tấu. Nam Phương Hoàng hậu là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên cùng vua tiếp đón các vị quốc khách khác trong vai trò đệ nhất phu nhân như thời đại hiện nay. Toàn Quyền Decoux đã hết lời khen ngợi bà Nam Phương là người đức hạnh, nề nếp, một sự tổng hợp hai nền văn hóa Đông-Tây.

Đêm 4/1/1936, người dân Huế nghe những tiếng súng bắn mừng, báo tin Nam Phương đã hạ sinh hoàng tử. Đó chính là Đông Cung Thái tử Bảo Long. Hoàng hậu Nam Phương và vua Bảo Đại có tất cả 5 người con: Thái tử Bảo Long; Công chúa Phương Mai sinh ngày 01/08/1937; Công chúa Phương Liên sinh ngày 03/11/1938; Công chúa Phương Dung sinh ngày 05/02/1942 và Hoàng tử út Bảo Thắng sinh ngày 09/12/1943.

Tuy nhiên, vua Bảo Đại lại là người có tính trăng hoa. Là người có sở học, văn minh, nên Hoàng hậu Nam Phương cắn răng chịu đựng với nỗi bất hạnh của người vợ có chồng ngoại tình.

Bà có ý chờ con trai lên ngôi (khi đó bà sẽ là Hoàng thái hậu), có uy quyền để cải cách, xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh và độc lập. Ý nguyện này thể hiện rõ, ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, bà đã ra trụ sở phường Vĩnh An, nơi đặt thùng lạc quyên quỹ kháng chiến, cởi hết vòng vàng bỏ vào thùng với nét mặt hân hoan.

Sau biến cố lịch sử tháng 8/1945, vua Bảo Đại thoái vị. Một thời gian sau trong bối cảnh nhà Nguyễn suy vong, Bảo Đại mất hết quyền lực, nhưng danh sách những người đẹp lăng nhăng với Bảo Đại vẫn tiếp tục kéo dài, ngay cả khi ông được mời ra Hà Nội làm cố vấn cho Chính phủ cụ Hồ.

Ở Hà Nội, ông "dính" vũ nữ người Bắc Ninh Mộng Điệp; rồi Lý Lệ Hà, vũ nữ gốc Thái Bình; Hoàng Tiếu Lang -tức Jenny Woong- vũ nữ gốc Trung Hoa. Thời gian sau là Phi Ánh, gốc Huế, Vicky gốc Pháp, vũ nữ Clément và Monique Baudot, người Pháp. Nói đến những "chuyện tình lẻ tẻ" khác của vua Bảo Đại, mà một cận vệ của ông đã tóm gọn: "Ngày săn cọp, tối săn gái"…

Cứ thế, bà Nam Phương ẩn nhẫn trong cô đơn chịu đựng một mình theo cái cách của một bậc mẫu nghi thiên hạ được ăn học, có nhân cách. Để rồi cuối cùng, bà tự chọn con đường của mình là phải đi xa, giã từ vinh hoa phú quý. Kể từ năm 1950, dòng họ Nguyễn và Bảo Đại kể như không còn trong mắt bà nữa...

Cuộc sống tha hương của một bà Hoàng

Năm 1950, Nam Phương Hoàng hậu quyết định mang các con sang Pháp, sống ở Paris, phần lo chuyện học hành cho các con, phần tránh xa dư luận trong nước. Đến năm 1958, để tránh mặt gia đình, người quen và báo chí, bà Nam Phương mua lại một khu nhà của một quý tộc tại làng Chabrignac, tỉnh Corrèze cách Paris 500km về phía Nam. Khu nhà có 32 phòng, trong đó có 4 phòng khách và 7 phòng tắm tọa lạc trên một khu đất rộng 160 mẫu có tên là Trang trại La Perche Domain De La Perche. Tại đây, bà sống trong yên bình và đơn độc.

Các con của bà học hành và làm việc ở xa, thỉnh thoảng mới về thăm. Riêng cựu hoàng Bảo Đại rất ít khi về thăm bà. Dân trong làng cho biết có vài lần Bảo Đại ghé thăm, nhưng mới nghe tiếng xe ông về một lát đã lại nghe tiếng xe đi!

Sống trong cô đơn, héo mòn, sức khỏe của bà Nam Phương ngày càng suy yếu do bệnh suyễn và tim. Một lần, đi chơi về, bà thấy đau ở cổ. Bác sĩ đến khám bệnh nói bà bị viêm họng nhẹ. Không ngờ sau đó bà bị khó thở. Người giúp việc vội chạy đi tìm bác sĩ ở làng bên, cách mươi cây số và khi bác sĩ đến, tim bà đã ngừng đập. Đó là ngày 14/9/1963, khi đó, bà mới 49 tuổi.

Theo Tôn Thất An Cựu viết trong Đặc san Huế, thì đám tang của bà Hoàng hậu Việt Nam lưu vong được tổ chức một cách rất sơ sài. Hôm đưa đám, ngoài hai Hoàng tử và ba Công chúa đi bên cạnh quan tài mẹ, không có một người bà con nào khác. Cả cựu Hoàng Bảo Đại cũng không có mặt, dù vẫn được con gái báo tin.

Mộ của bà Nam Phương rất đơn sơ, trên phần mộ dựng một tấm bia nhỏ quen thuộc của người bình dân Việt Nam. Hai mặt bia có khắc chữ Hán và chữ Pháp. Mặt trước khắc chữ Hán: "Đại Nam Nam Phương Hoàng Hậu Chi Lăng" (Lăng mộ của Hoàng Hậu Nam Phương nước Đại Nam). Mặt sau khắc chữ Pháp: "Ici Repose L'Impératrice D'Annam Neé Marie Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan" (Đây là nơi an nghỉ Hoàng Hậu nước An Nam Marie Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan).

Ba điều kiện để “chọn” vua làm con rể

Vốn được các nữ tu chỉ dạy các lễ nghi Tây phương đối với vua chúa nên hôm đó, lúc vừa diện kiến Bảo Đại, Nguyễn Hữu Thị Lan đã quỳ gối và cúi đầu sát đất để tỏ lòng tôn kính nhà vua. Lẽ tất nhiên, một vị vua trẻ tuổi và hào hoa như vua Bảo Đại thì làm sao không thể không xiêu lòng trước sắc đẹp nghiêng thành của Nguyễn Hữu Thị Lan. Và chuyện gì đến đã đến. Bảo Đại say mê Nguyễn Hữu Thị Lan. Khi Bảo Đại hỏi cưới thì gia đình ông Nguyễn Hữu Hào ra 3 điều kiện: Thứ nhất, Nguyễn Hữu Thị Lan phải được tấn phong Hoàng hậu ngay trong ngày cưới. Thứ hai, Hoàng hậu được giữ đạo Thiên Chúa và các con khi sinh ra phải được rửa tội theo luật Công giáo, mặc dù nhà vua vẫn giữ đạo Phật theo truyền thống hoàng tộc. Thứ ba, hai người phải được Tòa Thánh La Mã cho phép đặc biệt hai người lấy nhau và giữ hai tôn giáo khác nhau.

Đây cũng chính là lý do khiến cuộc hôn nhân giữa Bảo Đại và Nguyễn Hữu Thị Lan gặp phải rất nhiều sự phản đối của triều đình vì đa số người trong hoàng tộc thời đó đều theo Phật giáo. Một lần, trước hoàng tộc, vua Bảo Đại nói: 'Trẫm cưới vợ cho trẫm chứ đâu phải cưới vợ cho cụ Tôn Thất Hân và triều đình". Cụ Tôn Thất Hân là một đại thần,Viện trưởng Viện Cơ mật kiêm Thượng thư Bộ Hình, là người chống đối quyết liệt nhất khi Bảo Đại quyết định thành hôn với Nguyễn Hữu Thị Lan.

Đường Thiên Lý