Nghề thêu long bào cho các triều vua ở Việt Nam

Nghề thêu long bào cho các triều vua ở Việt Nam

Thứ 2, 04/02/2013 | 14:21
0
Làng Đông Cứu (xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, Hà Nội) từ lâu được biết đến là một làng nghề thêu truyền thống, chuyên cung cấp các mặt hàng như khăn chầu, áo ngự, nghi môn, quần màu... cho Hà Nội và các tỉnh thành lân cận. Tuy nhiên ít người biết rằng, làng Đông Cứu trước kia vốn nổi tiếng bởi nghề thêu long bào cho các triều vua phong kiến ở Việt Nam.

Làng thêu long bào duy nhất đất Bắc

Về làng Đông Cứu hôm nay,  nhìn đâu cũng thấy sự nhộn nhịp của không khí mua bán. Những mặt hàng tranh thêu, trướng, áo mão... được xếp thành từng đống lớn bên đường, đợi tiểu thương đến cho lên xe ô tô tải, chuyển đi. Phải khó khăn lắm chúng tôi mới hỏi thăm vào đến nhà ông Đỗ Bá Hệ (77 tuổi), người đã có mấy chục năm làm nghề thêu và thêu long bào cho vua, chúa thời phong kiến. Vừa tiếp chuyện, ông Hệ vừa kể: "Làng thêu Đông Cứu có lịch sử từ rất lâu đời. Theo thời gian ghi trên bản sắc phong, làng thêu có sớm nhất là dưới triều vua Lê Cảnh Hưng (1746). Tuy vậy, thực tế thì làng nghề phải có trước đó từ rất lâu và phải có đủ sự nổi tiếng thì vua, chúa mới biết đến. Cho đến bây giờ, chúng tôi vẫn chưa biết làng nghề bắt đầu hoạt động chính xác từ năm nào".

Theo thần tích của làng và bản sắc phong của các triều vua Việt Nam, thì làng thờ ông Lê Công Hành, vị tiến sĩ thời vua Lê Thần Tông (1637), làm tổ nghề thêu. Khi ông đi sứ phương Bắc, có học được kĩ thuật thêu của người phương Bắc nên khi về đã truyền dạy cho dân, trong đó có dân làng Đông Cứu. Theo ông Hệ, trước đây làng chuyên thêu long bào, áo mão cho quan chức, quý tộc trong triều và là nơi duy nhất ở miền Bắc chuyên lĩnh vực này. Các làng thêu nổi tiếng khác như Quất Động (ở Hưng Yên)  không chuyên nên chất lượng không thể bằng Đông Cứu. Hiện nay, nơi đây là nơi duy nhất còn giữ được nghề thêu này và số lượng người biết nghề còn lại hiện không nhiều.

Lạ & Cười - Nghề thêu long bào cho các triều vua ở Việt Nam

Ông Đỗ Bá Hê

Có thể thấy, những kiểu thêu trên trang phục cung đình là đỉnh cao của nghệ thuật thêu truyền thống. Những nghệ nhân thêu ở làng Đông Cứu dù không được đào tạo qua trường lớp cụ thể, chỉ học qua phương thức truyền miệng nhưng họ vẫn làm ra những sản phẩm chất lượng, là những mẫu mực để người sau học tập. Ông Hệ cho hay, muốn thêu được một chiếc áo long bào, đòi hỏi rất nhiều công sức, thời gian. Để có một sản phẩm chất lượng, điều quan trọng nằm ở việc đánh màu và kĩ thuật đan xen các canh chỉ. Bên cạnh những lối thêu khó, người thêu còn phải tuân thủ những quy định ngặt nghèo khác. Các mũi chỉ khi thêu phải theo một hướng nhất định (trong khi ngày nay, người thêu tự do liên tục đổi hướng tùy ý nên nhìn sản phẩm rất xấu).

Với áo dành cho vua, tất cả các mũi chỉ phải đánh ngang, các mắt chỉ phải chặt, khoảng cách giữa các mũi chỉ phải đều nhau tăm tắp về độ dài. Khi thêu người thợ phải làm sao bắt nét thật nhịp nhàng vào sợi kim tuyến, chưa kể các sợi kim tuyến đều là vàng thật nên công việc bắt nét còn khó khăn hơn. Chọn chỉ trong thêu áo cho vua và hoàng gia cũng phải tuân thủ những quy tắc khắt khe khác. Áo long bào của vua, bắt buộc phải chọn chỉ se 2 chiều, trong khi đó, áo hoàng hậu lại chỉ được dùng chỉ se một chiều. Cỡ chỉ cũng được quy định cho từng loại áo. Đặc biệt, mỗi hoạ tiết thêu trên áo long bào, lại có những đòi hỏi về màu sắc riêng, sao cho phù hợp với từng đối tượng người dùng. "Tất nhiên, tôi mới nói trên phương diện lý thuyết, khi bắt tay vào làm mới thực sự khó khăn" - ông Hệ chia sẻ.

Hiện nay làng Đông Cứu chỉ còn duy nhất nghệ nhân Vũ Văn Giỏi theo được nghề truyền thống của làng. Dù năm nay mới ngoài 40 tuổi, nhưng nghệ nhân Giỏi đã gặt hái được nhiều thành công trong nghề cũng như nhận được nhiều bằng khen của các tổ chức trao tặng. Cũng như gia đình cụ Hệ, gia đình anh Giỏi có truyền thống thêu áo long bào cho vua, chúa, hoàng gia từ lâu đời. Nhận thấy những bộ trang phục dành cho các bậc vua chúa, các vương phi cung tần xưa là những tuyệt kỹ của nghề thêu nên anh đã dành nhiều tâm huyết để khôi phục những kỹ thuật này.

Anh chia sẻ: "Tôi có bắt tay vào làm, mới thấy được các cụ mình xưa kia đều là những bậc thầy thêu rất điêu luyện. Từng họa tiết, từng đường kim mũi chỉ đều hoàn hảo đến kì lạ. Hiện nay không còn nhiều những người có khả năng thêu được những kĩ thuật khó như vậy nữa. Thế nên, tôi vừa làm vừa tiếc, chỉ sợ sau này con cháu không theo được, thất truyền nghề của cha ông. Đó không chỉ là cái tội với tổ tiên mà có tội với văn hóa truyền thống dân tộc".

Lạ & Cười - Nghề thêu long bào cho các triều vua ở Việt Nam (Hình 2).

Nghề thêu long bào đang đứng trước nhiều thách thức.

Nguy cơ thất truyền

Cùng với sự phát triển của lịch sử, nghề thêu long bào cũng dần mất đi cùng với những triều đại phong kiến. Những nghệ nhân nổi tiếng khi xưa của làng nghề cũng về với tiên tổ, những người biết nghề ngày càng thưa vắng. Hơn nữa, mặt hàng như long bào, áo quan đều là sản phẩm cao cấp nay không còn ai dùng nữa nên làng nghề Đông Cứu cũng rơi vào tình trạng ảm đạm. Theo ông Nguyễn Thế Vượng - Trưởng thôn Đông Cứu thì trước đây, áo long bào chủ yếu được làm cho các tổ văn công, sau này làm trang phục cho các đoàn phim nên chất lượng không thể bằng những chiếc áo nguyên chiếc, long bào đúng nghĩa ngày xưa. Dân làng thêu Đông Cứu đang phải quay sang làm hàng thị trường để kiếm sống.

Những năm gần đây, nhiều di tích, lễ hội trong cả nước được khôi phục và phát triển rất mạnh. Chính điều này tạo điều kiện cho nghề thêu Đông Cứu phát triển. "Nếu như hướng đi của làng thêu Quất Động là tranh thêu và các sản phẩm mỹ nghệ xuất khẩu thì làng Đông Cứu tập trung phát triển các mặt hàng phục vụ di tích, lễ hội. Hiện nay, cả làng có khoảng hơn 100 hộ đứng lên lập xưởng sản xuất, trên 90% số hộ gia đình có người làm nghề thêu ren" - ông Vượng cho biết thêm. Tuy nhiên, số lượng người theo nghề thêu long bào hầu như không còn ai, ngoài hộ của anh Giỏi.

Ông Đỗ Bá Hệ cho biết: "Khó khăn lớn nhất với nghề thêu long bào nằm ở vốn và đầu ra. Bản thân chúng tôi có thể phục chế được những mẫu áo của các vị vua, chúa, hoàng gia đời trước nhưng không biết bán cho ai. Mặt hàng này rất kén khách và chỉ lưu hành trong một bộ phận rất nhỏ như đoàn làm phim mà thôi". Ông Hệ cũng cho biết thêm, để thêu được một chiếc long bào phải mất hàng năm, chưa tính trường hợp bị hỏng. Thêu một chiếc áo để phục vụ các dịp lễ hội, hầu bóng cũng phải mất tới vài tháng. Giá của những chiếc áo này có khi lên tới 30 triệu đồng/chiếc. Giá mỗi chiếc long bào phục chế nguyên bản thì số tiền lớn hơn rất nhiều. Cụ thể những chiếc áo mà nghệ nhân Giỏi phục chế có chiếc lên tới hơn 1 tỉ đồng. Chính bởi vậy, thợ ở làng Đông Cứu chỉ làm theo đơn đặt hàng. Những năm trước đây, kinh tế khó khăn, đời sống vất vả nên chuyện thêu một chiếc áo giá trị như vậy rất hiếm. Mấy năm trở lại đây, kinh tế thay đổi, nên mặt hàng này mới được đầu tư, phục chế phục vụ cho nhu cầu bảo tồn và làm phim.

Người theo nghề thêu long bào không chỉ đối mặt với những khó khăn trên mà lúc nào cũng thường trực nỗi lo cơm áo. Bởi lẽ, muốn thêu được chiếc áo hoàn chỉnh, người thợ phải mất quá nhiều thời gian. "Trong khi kinh tế người dân ngày càng ổn định nhờ sản xuất hàng thị trường, người thêu long bào không thể tập trung vào thêu một chiếc áo được. Chúng tôi ít nhất phải đảm bảo cuộc sống của chúng tôi trước đã. Bởi vậy hiện nay, thêu long bào chủ yếu là một niềm đam mê, một thú chơi chứ hầu như không có ai sống được bằng nghề đó" - ông Hệ tâm sự.

Hiện tại, cả làng Đông Cứu đều phát triển mạnh nghề thêu nhưng những người biết thêu long bào chỉ còn vài ba người mà thôi. Thế hệ trẻ hầu như không còn biết gì đến kĩ thuật độc đáo này nữa mà chủ yếu chỉ biết những kĩ thuật thêu bình thường. Làng Đông Cứu giờ chuyên cung cấp mặt hàng khăn chầu, áo ngự phục vụ cho lễ hầu đồng hay các đồ trang trí nội thất, lễ hội cho khắp các tỉnh trong nước. Chính bởi vậy việc bảo tồn nghề thêu truyền thống đang là một bài toán không dễ giải.  

Không thể phát triển kinh tế nhờ nghề thêu long bào

Ông Nguyễn Đăng Quê - bí thư chi bộ thôn Đông Cứu cho biết: "Trước đây khi chúng tôi tập trung vào làm nghề thêu truyền thống thì kinh tế rất chậm phát triển, đời sống nhân dân khó khăn. Từ năm 1996 trở lại đây, khi làng phát triển theo hướng đa ngành, đa nghề thì đời sống nhân dân đã có những cải thiện rõ rệt. Ngoài việc sản xuất mặt hàng thêu, chúng tôi còn phát triển nhiều ngành nghề khác như: Làm tranh kính, làm vải bạt, làm đồng hồ...".   

Phạm Thiệu

Người giữ “hồn” tiếng Thái bằng đa phương tiện

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
Trăn trở với nguy cơ tiếng Thái bị lãng quên, ông Cà Văn Chung, TP.Sơn La, tỉnh Sơn La đã nghiên cứu ứng dụng công nghệ vào việc học và đọc tiếng Thái.

Trăn trở ở làng nghề thuốc nam 500 năm

Thứ 3, 15/01/2013 | 09:28
Hơn 500 năm qua, làng Nghĩa Trai, xã Tân Quang (huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) đã có truyền thống trồng cây dược liệu. Người nông dân nơi đây vừa trồng vừa sưu tầm, khai thác, chế biến và buôn bán thuốc Đông y.

Người nối nghề cổ - khắc dấu gỗ

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:02
Theo dòng chảy của thời gian, những nghề cũ nơi phố cổ gần như mai một. Nhưng giữa nhịp sống hối hả này vẫn còn những người trẻ yêu nghề, gắn bó với nghề cổ. Họ đang từng ngày góp phần gìn giữ những nét riêng, độc đáo của phố nghề Hà Nội.

Đệ nhất danh cầm Nguyễn Phú Đẹ: Người giữ hồn ca trù Việt

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:41
Đã ở vào cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng danh cầm Nguyễn Phú Đẹ vẫn đau đáu giữ lửa cho ca trù. Chín mươi năm sống trên đời cũng là từng ấy năm cụ dành hết tâm huyết để đưa những làn điệu ca trù đến gần hơn với công chúng.