Nỗi khắc khoải ở làng ung thư

Nỗi khắc khoải ở làng ung thư

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:51
0
Từ nhiều năm nay, nỗi lo sợ căn bệnh ung thư dần cướp đi những người thân yêu quý của gia đình, họ hàng luôn thường trực trong mỗi nếp nhà ở xóm Đồn, thôn An Hòa, xã Tịnh Giang, huyện Sơn Tịnh (tỉnh Quảng Ngãi). Những lời đồn đoán cũng theo đó mà nhân rộng ra.

Xã hội - Nỗi khắc khoải ở làng ung thư

Người dân địa phương đang chỉ cho PV chiếc giếng bị ô nhiếm

Vẫn chưa tìm ra căn nguyên

Thôn An Hòa hiện có 90 hộ dân sinh sống. So với các địa phương khác, thôn có tỷ lệ người mắc ung thư cao hơn rất nhiều lần. Theo thống kê, từ năm 1979 đến nay, nơi đây có khoảng 43 trường hợp chết vì mắc phải các căn bệnh ung thư: Gan, phổi, đại tràng… Riêng xóm Đồn có gần 40 trường hợp.

Bà Nguyễn Thị Kim C. (58 tuổi), ngụ xóm Đồn, thôn An Hòa cho biết: “Tôi đã từng phải đưa chồng và cha về suối vàng vì bệnh ung thư vào năm 1991 và 1999. Thời gian đó, cả gia đình phải chạy chữa cho 2 người ở khắp nơi. Nghe tin ở đâu có thầy giỏi, thuốc hay chúng tôi đều tới. Nhưng không tránh khỏi cái kết cục buồn”. Hiện tại, bà C. đang sống cùng vợ chồng con gái để hưởng tuổi già nhưng trong tâm trí bà không lúc nào được bình yên. “Mọi chuyện sóng gió đã qua đi nhưng sao trong tôi vẫn tồn tại một nỗi lo sợ mơ hồ. Đến bây giờ, ở cái xóm này thỉnh thoảng vẫn có người ra đi vì ung thư mà”- bà C. đau đáu.

Nỗi lo ấy không chỉ riêng của bà C. mà còn là của hầu hết các gia đình ở xóm Đồn, thôn An Hòa. Không rõ vì nguyên nhân gì, những khối u ác tính luôn ám ảnh, dày vò cuộc sống nơi đây. Chịu chung nỗi đau với bà C. là bà Nguyễn Thị T., hàng xóm của bà C., phải chịu cảnh hóa bụa từ hồi còn rất trẻ, bà T. lại tiếp tục ngập chìm trong nỗi đau khi tiễn biệt đứa con trai độc nhất mới 19 tuổi vì căn bệnh ung thư máu vào năm 1998. Chuyện đã qua đi rất lâu, thế nhưng khi nhắc lại, nỗi đau vẫn hiện hữu nguyên vẹn trên khuôn mặt khắc khổ của bà.

Ông Trần Hữu Đ. (73 tuổi), sinh ra và lớn lên tại thôn An Hòa kể lại: “Chúng tôi vẫn sinh sống yên bình ở đây từ đời này qua đời khác. Nhưng từ năm 1979, kho chứa thuốc trừ sâu của HTX nông nghiệp được xây dựng cách miệng 2 giếng nước công cộng của xóm chỉ vài chục mét, mọi chuyện mới bắt đầu. Hồi đó, nguồn nước ngọt rất hiếm nên dân cả xóm Đồn, thậm chí cả thôn An Hòa đều lấy nước ở 2 giếng này để uống. Sau đó, hàng chục ca tử vong vì mắc ung thư các loại, dân làng hết sức hoang mang, lo sợ. Chúng tôi nghi ngờ nguyên nhân là do thuốc trừ sâu từ kho ngấm vào mạch nước của giếng”.

Đừng đổ lỗi cho dân

Ông Trần Phước Hòa - chủ tịch UBND xã Tịnh Giang - cho biết, chính quyền và nhân dân đã kiến nghị với cấp trên về việc tỷ lệ mắc ung thư cao tại địa phương và nghi ngờ do nguồn nước bị nhiễm độc. Sau đó, năm 2006 ngành y tế tỉnh cùng các chuyên gia thuộc Viện Pasteur Nha Trang đã về xã để lấy mẫu nước xét nghiệm. Nhưng kết quả họ đưa ra là nguồn nước địa phương không phải là nguyên nhân gây ra bệnh ung thư. Cũng từ năm 2006, sau khi công trình nước sạch được đưa vào sử dụng, bà con thôn An Hòa đã không còn dùng nước từ 2 giếng công cộng để sinh hoạt nữa. Thế nhưng, số người mắc bệnh ung thư tại địa phương không hề giảm. Trong vòng 6 năm qua, xóm Đồn, thôn An Hòa có đến 17 ca mắc và chết do ung thư các loại. Đặc biệt, người dân trong cái xóm Đồn bé xíu này phải tiễn biệt 5 người vì ung thư trong năm 2008. Hiện tại có 3 người trong thôn đang điều trị bệnh tại các bệnh viện tuyến Trung ương.

Khoảng từ 5 - 10 năm trở lại đây không chỉ ở xã Tịnh Giang, huyện Sơn Tịnh mà ở các địa phương khác trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi cũng đã xuất hiện nhiều căn bệnh ung thư khác nhau... Điều này đã gây hoang mang lo lắng trong nhân dân. Một người dân ở thôn 3, xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức cho biết, số trường hợp chết do ung thư nhiều lắm. Có gia đình đến 3 người chết vì loại bệnh này, như gia đình anh Lê Văn T. (48 tuổi). Sau khi cha ruột mất vì ung thư vòm họng chưa lâu, thì năm 2005 đến lượt anh ruột anh T. mất vì ung thư bàng quang, bỏ lại người vợ và 3 đứa con nhỏ. Chưa đầy một năm sau, mẹ anh T. lại qua đời vì ung thư gan.

Có trường hợp người dân phát hiện mình mang bệnh này một cách tình cờ, như bà Nguyễn Thị T. (62 tuổi) mất cách đây chưa lâu. Người thân trong gia đình kể: Hôm đó bà T. đạp xe đi chợ thì va quệt với một chiếc xe gắn máy, té xuống, bị thương nhẹ và được đưa vào bệnh viện huyện Mộ Đức để kiểm tra, băng vết thương. Tại đây bà T. mới được các bác sỹ cho biết là bị ung thư gan.

Thương tâm hơn cả là trường hợp của chị Đỗ Thị L. , phải gửi ba đứa con nhờ bên chồng ở xã Hành Thịnh, huyện Nghĩa Hành để về chăm lo cho mẹ ruột là bà Trần Thị Đốc mắc bệnh ung thư não giai đoạn cuối. Tại xã Đức Phong, tình trạng tử vong do ung thư cũng hết sức lo ngại.

Qua thống kê trong thời gian 5 năm gần đây, xã Đức Phong có 98 người chết vì bệnh ung thư, riêng thôn Văn Hà có 33 trường hợp. Còn tại xóm 7, thôn 3 xã Đức Chánh có 54 người chết do ung thư. Chiếm tỷ lệ cao nhất là các căn bệnh: Ung thư gan, ung thư phổi, bàng quang, trực tràng, máu…

Theo người dân ở hai xã này thì do thời chiến tranh, nơi đây từng bị lính Mỹ rải chất độc hóa học dẫn đến nguồn nước bị ô nhiễm nên gây ra bệnh ung thư. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Ngãi cũng đã lập đoàn kiểm tra liên ngành lấy mẫu nước để xét nghiệm nhằm tìm ra nguyên nhân để giúp người dân ổn định cuộc sống.

Trong khi đó có không ít người dân trở nên bức xúc cho rằng, nếu không tìm ra nguyên nhân thì các cơ quan hữu trách cũng đừng đổ lỗi cho dân như vụ bệnh lạ vừa qua kết luận do dân dùng gạo mốc, đến khi những nơi không sử dụng gạo này cũng vẫn bị thì chẳng thấy người phát ngôn thông tin trước đây đính chính. Cũng theo nhiều người dân tại xã Tịnh Giang, thì khi bệnh xuất hiện dạng phổ biến thì cần phải tìm nhiều nguyên nhân khác ngoài ô nhiễm nguồn nước và ô nhiễm môi trường. Còn nếu ô nhiễm nguồn nước thì tại sao dân dùng nước sạch vẫn bị? Còn ô nhiễm môi trường là phải cụ thể từ đâu?

Nói như một vị đang làm công tác khoa học tại tỉnh Quảng Ngãi thì hàng năm mỗi địa phương tiêu tốn không biết bao nhiêu tỷ đồng về công tác đánh giá tác động môi trường, thế nhưng cho đến nay vẫn không có giải pháp cụ thể để kiểm soát nó. Cái này không khó, nhưng nhà chức trách có chịu làm không đã. Nếu nói thuốc bảo vệ thực vật ngấm vào đất, ảnh hưởng đến nguồn nước thì nhà sản xuất ở đâu, bộ, ngành chủ quản ở đâu? Nếu nói di chứng chiến tranh thì chẳng lẽ không có giải pháp nào khắc chế được?

Hoàng Châu - Trần Xuân