Nỗi kinh hoàng mang tên

Nỗi kinh hoàng mang tên "kích điện"

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:05
0
Việc sử dụng hàng chục máy kích điện có đầu nổ cỡ lớn và kích tay hoạt động suốt ngày đêm đã khiến cho nguồn lợi thủy sản ở sông Chảy đang bị cạn kiệt.

Nỗi kinh hoàng nơi đầu nguồn sông Chảy

Đứng trên cầu Bắc Cuông, cây cầu lớn nhất bắc qua sông Chảy đoạn qua địa phận huyện Bảo Yên, chúng tôi được tận mắt chứng kiến sức hủy diệt của một chiếc thuyền chở một đầu nổ cỡ lớn. Hai thuyền viên, một người lái thuyền, một người thỉnh thoảng lại gì sợi điện xuống dòng sông. Sau mỗi lần như vậy là những con cá nằm trong tầm điện đều lao lên khỏi mặt nước, kèm theo là những tiếng nổ vang cả một khúc sông.

Bà bán hàng nước gần đó cho biết: “Ở đây ngày nào cũng vậy, ngày ít thì 5 - 6 thuyền, nhiều thì hàng chục, đó là thuyền kích điện, cứ tầm 3-4 giờ sáng là tôi không thể nào ngủ được, vì lúc đó là những đầu nổ cỡ lớn của dân kích điện nổ ầm ầm dọc dòng sông đi kích cá”.

Hơn chục năm nay, ngày ngày mặt nước sông Chảy bị hàng chục chiếc thuyền kích điện càn quét. Tôm cá thưa dần, đến ấu trùng cũng không sống nổi. Nguồn thủy sản dồi dào trước kia đang dần biến mất. Trong khi đó hàng trăm hộ dân ven sông chủ yếu dựa vào nguồn lợi này để trang trải cuộc sống.

Kích máy nổ cỡ lớn ngày đêm tận diệt sông Chảy

Trước đây, ngư dân thường sử dụng bình ắc quy công suất nhỏ. Do loại này đánh được ít cá nên họ chuyển sang dùng ắc quy ô tô, hay đầu nổ. Những loại này đấu lại với nhau đủ sức truyền dòng điện ra một vùng rộng, sâu thì đến 5-6m nước, cá lớn bị châm điện cũng đờ người nổi lên, còn tôm cua và các loại cá nhỏ thì tất nhiên chết không kịp ngáp.

Biết được quy luật của loài cá ở đây nên vào mùa nước cạn, những tay kích thường đi vào ban đêm. Đó là những hộ dân có kích điện cỡ lớn, họ sử dụng dòng điện ba pha, khi kích lên có độ hủy diệt lên đến gần chục mét, còn chưa kể cứ chập tối là hàng chục kích tay của các hộ dân trong xã bắt đầu ra quân.

Bao giờ trở lại ngày xưa

Cái thời dùng lưới quét, quăng chài ở sông Chảy, những con cá chép, mè nặng vài chục kg đã không còn. Giờ đây một chuyến đi suốt ngày đến đêm về cũng chỉ vài con cá nhỏ.

"Trước đây, hôm nào tôi cũng đi quăng chài, kéo lưới, hôm nào cũng bắt được vài chục kg cá. Có lần tôi kéo được con cá mè nặng hơn 30 kg, riêng buồng trứng đã đủ mấy người ăn”, ông Hoàng Văn Đức, một thợ săn cá lão luyện ở xã Việt Tiến kể lại.

Ông Lê Thanh Quốc, xã Xuân Thượng nhớ lại những ngày chưa xa: "Hồi đó cá to nhiều lắm. Chúng tôi đi quăng chài, những con cá trôi nặng 10kg lao vút trên mặt nước, xé rách tất cả những cái chài chụp nó. Tôi nhớ có lần mất hai cái chài mới bắt được một con nặng 10 kg. Hồi đó chúng tôi chỉ bắt cá to, những loại cá nhỏ thì nhiều vô kể không ai nhặt. Giờ thì...”.

Anh Nguyễn Mạnh P, nhà ở xã Xuân Thượng cũng chép miệng buồn bã: “Trước đây gia đình tôi dùng lưới kéo mỗi ngày cũng kiếm được vài kg cá, đủ nuôi sống 5 miệng ăn trong gia đình, bây giờ thì chịu, có ngày không nổi 1kg. Nhìn những hộ dân dùng kích điện để bắt cá mà tôi thấy xót xa lắm. Tôi thấy nhà nước cấm với lại nguy hiểm quá, nên tôi đã gần chục năm rồi hôm nào cũng gắn liền với chiếc thuyền nan nhỏ và cái lưới vá ngang vá dọc này thôi”.

Phần lớn cá sau khi đánh bắt được mang bán tại chợ trung tâm huyện và một số chợ xã. Bà Lương Thị Hà, một người chuyên mua bán cá tại chợ cho biết: "Cách đây chục năm tôi còn mua được những con cá măng, cá chày, chép, mè nặng hàng chục kg, thậm chí có con cá măng nặng tới 25 kg. Bây giờ thì để mua được con cá 2-3kg thì khó lắm, chủ yếu là cá nhám, cá chày loại nhỏ thôi".

Vậy là một thời ký ức về dòng sông đầy tôm cá đã không còn, đã biết bao con người một thời gắn bó với dòng sông mà chạnh lòng tiếc nuối. Bao giờ trở lại ngày xưa?

Văn Hoàng - Hoàng Thèo