Nỗi niềm của một nghệ nhân đàn đáy

Nỗi niềm của một nghệ nhân đàn đáy

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:51
0
Cụ Hồng chỉ buồn, thế hệ mình mất đi thì ai sẽ là người tiếp nối tiếng đàn với tất cả sự đam mê.

Năm nay đã 92 tuổi, cái tuổi xưa nay hiếm vậy mà nghệ nhân đàn đáy Vũ Văn Hồng vẫn tha thiết với cây đàn và những giọng hát đào nương. Mắt mờ, chân chậm nhưng khi ngồi vào chiếu chầu cụ như biến thành một con người khác, say đắm với những cung Nam cung Bắc theo tiếng nẩy nền của người hát.

Xã hội - Nỗi niềm của một nghệ nhân đàn đáy

Nghệ nhân đàn đáy Vũ Văn Hồng và đào nương Bạch Vân

Tiếng đàn qua hai thế kỷ

Tôi đã vài lần gặp cụ tại đình Bích Câu trên phố Cát Linh, đình Kim Ngân trên phố Hàng Bạc (Hà Nội), nhưng lần nào gặp cũng thấy cụ có những điều thú vị riêng không thể nào cắt nghĩa. Cụ mặc áo the, đóng khăn xếp, tóc cũng đã trắng xóa vì thời gian nhưng vẫn chắc tay đàn với những động tác nhấn, chùn, rung, vấy. Đến đầu 2012, tôi theo chân nghệ sĩ ca trù Bạch Vân đến giỗ tổ nghề tại tư gia cụ Hồng là quán thịt chó Tám Béo nằm khuất trong một ngõ nhỏ của làng Phú Mỹ, xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Cụ Hồng và em trai là Vũ Văn Cốm đang ngồi chơi tam cúc với các cháu. Trong lúc vui vẻ, cụ kể chuyện học hành, kinh doanh, buôn bán, cuối cùng vẫn vòng về câu chuyện của chính cuộc đời mình .

Cụ sinh năm 1920, tại làng Phú Mỹ trong một gia đình đông anh chị em với 6 trai, 3 gái đều là những người có đam mê với cây đàn, tiếng phách. Lúc bấy giờ ở Hà Nội có câu: "Đinh Phú Đa/ Điền Phú Mỹ". Nhà cụ Hồng không nhiều đất ruộng như các gia đình khác nhưng bù lại, có nghề dạy hát ca trù nên cũng vào hàng khấm khá và có uy tín trong làng. Các gia đình có con gái chín mười tuổi đã gửi cha mẹ cụ Hồng để học đàn, học hát. Cụ bà tên Mạch là một trong những đào nương có sắc, có tài. Cụ ông là cụ Vũ Uyên không chỉ là tay đàn giỏi mà còn là một người thầy có tâm, có đức. Trong nhà không lúc nào ngơi tiếng đàn tiếng hát. Cụ ông, cụ bà lại còn nhận thêm các con nuôi nên lại càng đông vui.

Ngày ấy, cụ Uyên là chân giữ cửa đình khắp mười mấy xã, huyện trong và ngoại thành Hà Nội. Cứ đến tiệc thánh là người các làng lại mang lễ vật gồm chục quả cau, gói chè đến để mời cụ ông và một hai cụ bà đến hát. Các cụ phải hát đứng, có khi một hai canh giờ liền nhưng bù lại tiền công cũng được tới mỗi người một hào. Một hào lúc ấy to, có thể mua được 10 đấu gạo về nuôi gia đình. Chính vì vậy, những người đàn, hát được mọi người trọng vọng và ngưỡng mộ. Khắp hai làng Phú Mỹ, Phú Đô ngoài thời gian cấy hái thì từ già đến trẻ đều say mê luyện tập.

Cụ Vũ Văn Hồng lúc ấy còn là một đứa trẻ ham chơi, mỗi lần có người đến mời đều chân thấp chân cao chạy ra đồng gọi mẹ và các chị về. Năm cụ Hồng 13 tuổi, cụ Uyên buộc cậu con trai phải làm quen với cây đàn đáy. Cha vốn là người nghiêm khắc nên cụ Hồng sợ lắm, giờ học đàn với cha chưa bao giờ dám trễ.

Có nhiều khi đang dở buổi, cha có việc phải đi ra ngoài, thế là cậu bé Hồng bỏ cả đàn ra ngoài chơi đánh khăng đánh đáo với chúng bạn. Đến khi thấy cha về từ đằng xa liền vội vã chạy vào ôm lấy cây đàn. Cha biết, mắng nhưng cậu vẫn “chứng nào tật đó”. Chỉ có 5 cung nhưng chia ra làm 2 cung Nam, cung Bắc. Từ các cung đó khi luyện vào bài hát thì biến hóa vô cùng, vừa phải học vừa phải cảm và có sự kiên trì mới thành tài. Phải mất 5 năm sau, cụ Hồng mới có thể trở thành một tay đàn độc lập để ra nghề.

Từ tổ đình của nghề ở hai làng Phú Đô, Phú Mỹ, các ca nương, các tay đàn mới tỏa đi ra khắp Hà Nội. Về sau có sự lạm dụng biến tướng thành các phố cô đầu ở Khâm Thiên, Ngã Tư Sở. Người đàn, hát thường bị mang tiếng oan với các hoạt động mại dâm trá hình. Về thực chất, họ thường đi thành từng cặp vợ chồng hoặc anh trai em gái, đến các nhà để hát, Hết canh thì về, không ảnh hưởng gì tới hoạt động kinh doanh buôn bán của các nhà hát cô đầu.

Cái duyên của tiếng đàn cũng dẫn đến những cái duyên trong đời của cụ Hồng. Người phụ nữ đầu tiên của cụ là do sự sắp đặt của hai bên cha mẹ. Người vợ ấy của cụ vừa xinh đẹp lại hát hay. Nhưng cuộc sống vợ chồng không kéo dài được lâu. Về sau, có nhiều người phụ nữ tìm đến với cụ vì ngưỡng mộ tiếng đàn. Yêu vì cái tài nhưng đến khi về chung sống với nhau lại nảy sinh những vấn đề cơm áo gạo tiền, thành thử những mối tình này rồi cũng tan theo mây khói.

Những người phụ nữ ấy về sau, phần thì đi lấy chồng, phần thì bỏ lên phố, làm trong các nhà hát cô đầu, thân phận cũng nổi trôi khắp nơi. Nỗi buồn trong lòng cụ Hồng không sao khỏa lấp được. 6-7 người phụ nữ đã đi qua đời cụ nhưng chỉ một người trụ lại đuợc. Bà không biết đàn, không biết hát, chỉ là một người phụ nữ nông dân thuần túy nhưng được cái hiền lành, chăm chỉ, chịu thương chịu khó. Hơn 40 tuổi đầu, cụ Hồng mới có đứa con đầu lòng.

Cụ Hồng học đàn mất 5 năm, hành nghề cũng chỉ mới được 7 năm thì cách mạng bùng nổ, tiếng hát ca trù đột nhiên tắt ngấm. Những nghệ sĩ hát cửa đình nổi tiếng một thời phải giấu đi thân phận của mình để đi làm những nghề khác: gánh nước thuê, thợ nề, thợ xây, thợ xén tóc... Mỗi lần đi qua chỗ truớc kia là tổ đình của nghề, cụ phải quay mặt đi vì xót xa.

Là người đã đi qua hai thế kỉ, cụ Hồng đã từng chứng kiến rất nhiều những biến động của lịch sử nên cụ hiểu và tin vào những giá trị đích thực rồi sẽ được khôi phục.

Sự trở lại đắm say, da diết

Suốt hơn nửa thế kỉ phải rời xa cây đàn nhưng cuộc sống mưu sinh không làm cụ Hồng tắt đi niềm hi vọng. Mãi đến năm 2006, nghe con cháu nói về đình Bích Câu và nghệ sĩ ca trù Bạch Vân, cụ Hồng liền nhờ con cháu đưa đi tìm. Hai lần đến không phải ngày mở cửa, cụ Hồng đã phải cất công tới 4 lần mới gặp được người cần gặp. Đang lúc khó khăn, được sự ngỏ lời của cụ Hồng, Bạch Vân mừng lắm. Tiếng hát của chị từ nay không còn cô đơn lạc lõng nữa.

Run run khi nhận trên tay người đào nương cây đàn mà suốt bao nhiêu năm nhung nhớ, cụ biết mình không thể nào lìa xa một lần nữa. Mấy chục năm chỉ quen cày cấy, đôi tay cũng đã chai sạn, cụ lại phải tập lại từ đầu. Mất một tuần thì quen, một tháng sau thì mới nhuần nhuyễn trở lại.

Mỗi đêm diễn ở Bích Câu, cụ Hồng lại phải nhờ các con cháu đưa đi. Đi diễn không công nhưng niềm vui với cụ là không định giá được. Từ Nam Định, Hải Phòng, Hưng Yên... cứ có nơi nào mời là cụ cùng với Bạch Vân ngược xuôi lên đường. Tuổi cao, sức yếu nhưng cụ cũng khiến lớp trẻ phải bái phục vì sự bền bỉ trên những chặng đuờng dài. Hỏi cụ chỉ tủm tỉm được tổ nghề tiếp sức cho ấy mà.

Khi giúp cụ chuẩn bị trang phục cho buổi diễn, tôi được nghe cụ kể cho một kỉ niệm khó quên. Lần ấy, các con cháu đều bận công chuyện, Bạch Vân thì mắc một đoàn khách của cơ quan, đến giờ cụ phải bắt taxi lên đình Kim Ngân để đi diễn. Trời mưa to nên người lái xe có vẻ rất sốt ruột. Cụ vừa trả tiền xong, người ấy lập tức phóng xe đi. Cụ Hồng ngớ người ra, trên xe còn có một chiếc túi xách đựng toàn bộ trang phục và chiếc móng tre để gẩy đàn. May hôm đó trong đình có sẵn một bộ đàn nên buổi diễn vẫn tiếp tục bình thường. Cụ Hồng chỉ tiếc vì mất đi bộ đồ quý, đành phải mua một bộ đồ khác để mặc tạm nhưng rộng thùng thình và cũng kém duyên.

Các anh chị em cụ Hồng đã khuất núi gần hết, chỉ còn cụ Hồng, cụ Cốm. Nhiều khi anh em ngồi với nhau kể lại những chuyện ngày xưa mà thấy mình trẻ lại. Vui nhất là thấy những người trẻ say mê với cây đàn. Ai đến xin học cụ cũng ưng, đem hết nhiệt tình của mình ra để dạy. Nhưng người kiên trì thì không đuợc mấy, thành ra toàn “đứt gánh giữa đường”.

Cụ Hồng tha thiết muốn con cháu theo tổ nghiệp nhưng khi các con còn bé, xã hội vẫn còn khắc nghiệt với nghề nên chưa dạy được. Đến Nhà nước tìm cách khôi phục lại lối hát cửa đình thì các con đã lớn, bận rộn với cuộc mưu sinh. Có cậu con út còn trẻ, thông minh lanh lợi, cụ muốn dụ cậu học nghề bằng nên mỗi buổi học thầy phải trả công trò đàng hoàng. Vậy mà cũng chỉ đuợc một thời gian ngắn, khi trò đã “lận lưng” được một khoản nho nhỏ thì lớp học cũng kết thúc.

Trước kia, học đàn chỉ dành cho con trai nhưng đến giờ, có học trò nữ đam mê cụ cũng dạy. Cụ tâm sự, cây đàn đáy trong trường nhạc, người ta cũng dạy nhưng sự tận tâm với tiếng hát đào nương thì không ai dạy cả. Cụ chỉ buồn, nhỡ sau này thế hệ cụ mất đi, ai sẽ là những người nối tiếp tiếng đàn một cách hồn nhiên mà lại đủ sức đắm say và da diết.

Đỗ Huệ