Nỗi niềm phụ huynh không muốn con... đỗ đại học!

Nỗi niềm phụ huynh không muốn con... đỗ đại học!

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:04
0
Sáng qua, mặc dù 6h30’ thí sinh mới vào phòng thi, nhưng tại các địa điểm thi Hà Nội, nhiều phụ huynh đã có mặt tại trường từ tờ mờ sáng. Ai cũng mong mỏi con thi được tốt, có cơ hội trở thành sinh viên, nhưng cạnh đó vẫn có những nỗi niềm khó nói.

Nhịn khát vì “cốc nước giá mấy cân lúa”

Chị Nguyễn Thị Duyên (quê Triệu Sơn, Thanh Hóa) cho biết, chồng đang bận làm mùa nên chị phải lãnh trách nhiệm đưa cháu "lai kinh ứng thí". Chị thậm chí còn chịu khát vì: "Giá cả ở đây cái gì cũng đắt đỏ, nhất là những ngày thi đại học, uống cốc nước bằng cả cân thóc. Cả vụ thu được 3 tấn, đưa con đi thi phải bán mất 1 tấn được 7 triệu đồng để lo 3 đợt, một đợt khối A trường ĐH Xây dựng, đợt 2 ĐH Sư phạm Thái Nguyên và một đợt Cao đẳng. Giá cả đắt đỏ, tiết kiệm được tí nào hay tí ấy".

Hoàn cảnh chị Điệp (huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang) cũng éo le không kém. "Vợ chồng làm ruộng, nhà có đến 3 mặt con, cái ăn còn thiếu, lo cho cậu cả đi thi lần này đã là cố gắng lắm rồi. Cháu mà đỗ không chỉ là niềm vui của cả nhà mà là vinh dự cả thôn, cả họ nên bằng giá nào cũng phải đầu tư. Trước khi đi, vợ chồng chạy vạy khắp nơi vay nóng 2 triệu đồng làm tiền lộ phí".

Một phụ huynh từ Hưng Yên thì cho biết: "Dù thiếu thốn thế nào cũng cố cho con thi cử được thuận lợi. Gia đình vừa thu hoạch vài hecta dưa chuột, dưa gang... cũng được dăm triệu. Lo cho con chuyến này chắc cũng vừa hết". Chị kể, bình thường ở nhà, cả gia đình chỉ dám ăn 10 nghìn một bữa, lên Hà Nội giá cả đắt đỏ, một bữa cơm ngày thi cũng giá 25 - 30 nghìn đồng.

Phụ huynh chờ con trước điểm thi

Khổ vì... con học giỏi!

Tại Hội đồng thi Học viện Tài chính, chị Dương Thị Biên, quê Thái Bình lại có một tâm trạng hoàn toàn khác. Dắt con đi thi, nhưng trên gương mặt người mẹ lam lũ ấỵ toát lên vẻ lo lắng khác thường.

Chị bảo: "Thương con, dắt nó đi thi. Cháu học khá, đậu là cầm chắc rồi. Chính vì thế nên tôi lo lắm vì làm gì có đủ tiền cho con đi học". Nhà có 3 đứa con gái. Bố mẹ làm nông nghiệp, quanh năm chỉ biết con lợn, hạt thóc. Cả 3 đứa một buổi đi học, một buổi ra đồng, ăn chẳng đủ no. Vậy mà đứa nào cũng học rất giỏi.

Hai chị nó đang học đại học, đứa lớn học Học viện Tài chính, đứa thứ 2 học Đại học Nông nghiệp. Con bé út nằn nì xin đi thi và mặc dù rất mê tin học, muốn thi đại học Bách khoa nhưng nó nuốt nước mắt bảo con chỉ đăng ký 2 trường của 2 chị thôi. Đỗ thì ở chung với chị, ăn thêm chút với chị cũng được. "Bố mẹ chỉ biết cắm mặt với hòn đất và đôn đáo vay các loại tiền, bất cứ quỹ nào để cho 2 đứa ăn học. Đứa thứ 3 học giỏi nhất, nay nó đậu thì bố mẹ thêm lo", chị Biên nói.

Bác Lan (quận Đống Đa, Hà Nội) tâm sự: "Nhà tôi ở ngay Ô Chợ Dừa, đi cũng chỉ mất vài phút. Sáng nay hai mẹ con đèo nhau đi thi, con thi trong đó, ngoài này tôi quyết tâm chờ con cùng về. Là người mẹ tôi hiểu tâm trạng của con trẻ, thi xong bước khỏi phòng thi chúng đều mong muốn được nhìn thấy hình ảnh của phụ huynh. Tôi từng chứng kiến cảnh những sĩ tử bước khỏi trường thi, ánh mắt ngơ ngác tìm kiếm hình bóng của cha mẹ, người thân. Trông chúng thật tội! Chưa kể trường hợp chúng không có điện thoại, chẳng biết liên lạc với người thân bằng cách nào, cứ thơ thẩn quanh trường học đến tận trưa chờ đợi".

Mặc dù là người Hà Nội, nhưng hoàn cảnh gia đình bác cũng không khá giả là mấy. Hơn 60 tuổi, đây là lần thứ 2 bác đích thân đưa con đi thi chỉ với tâm niệm "con mình sẽ hạnh phúc khi biết được bố mẹ luôn đồng hành, sát cánh cùng chúng trong "mặt trận thi cử" này". Bác Lan cũng cho biết, đưa con đi thi chỉ mong con đỗ đạt, đó là niềm hạnh phúc vô bờ. Nhưng vẫn còn đó nỗi lo nếu đỗ, 5 năm học sẽ tốn kém biết bao tiền của. "Với đồng lương hưu ít ỏi của vợ chồng, không biết sẽ lấy đâu ra tiền cho con ăn học. Thật là "trăm mối tơ vò", bác than thở.

Đề khó, nhiều thí sinh bị đình chỉ thi

Theo báo cáo nhanh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tổng số thí sinh dự thi trong cả nước ngày thi đầu tiên là 699.628 em, đạt tỷ lệ 76,92% so với số hồ sơ đăng ký dự thi. Kết thúc ngày thi đầu tiên cả nước có 60 thí sinh bị kỷ luật do vi phạm quy chế. Đề thi cả môn Toán và Lý được các giáo viên, thí sinh nhận xét là dài, có một số câu khó. Một số trường cho biết bị lỗ do số lượng hồ sơ ảo: Đại học Thủy lợi lỗ hơn 200 triệu, Học viện Bưu chính Viễn thông lỗ hơn 100 triệu.

Tại Hội đồng thi ĐH Thủy lợi đã đình chỉ 4 trường hợp thí sinh vi phạm quy chế, trong đó có 3 thí sinh mang điện thoại, 1 thí sinh mang tài liệu vào phòng thi. Hội đồng thi Học viện Bưu chính Viễn thông, chiều ngày 4/7 có 30 thí sinh bỏ thi. Tại trường ĐH Đại Nam, xử lý 1 trường hợp mang tài liệu, 1 trường hợp mang điện thoại vào phòng thi.

Trong buổi thi đầu tiên, tại các thành phố lớn không xảy ra hiện tượng ùn tắc giao thông làm ảnh hưởng tới thí sinh. Điện, nước được cung cấp đầy đủ ở các hội đồng thi, không có sự cố mất điện, mất nước.

Năm nay, theo đánh giá của các hội đồng thi, tình trạng sai sót trong hồ sơ đăng ký ít xảy ra, đa số các trường hợp phải sửa chữa chỉ là các sai sót cơ học về lỗi đánh máy ngày sinh, quê quán, họ tên thí sinh... Có một số trường hợp thí sinh bị thiếu ảnh, mất giấy gọi nhưng vẫn được phép dự thi sau khi đã làm giấy cam đoan và có các giấy tờ tùy thân chứng minh.

Nhóm phóng viên