Nỗi oan thấu trời của “bản thuốc độc”

Nỗi oan thấu trời của “bản thuốc độc”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:58
0
Bao đời nay những người dân miền sơn cước Sơn Động (Bắc Giang) luôn bị ám ảnh về một căn bệnh lạ không rõ nguyên nhân, họ gọi là bệnh "lưỡi đen". Đó chính là bản người Dao ở Nà In (xã Vân Sơn) nơi mà người trong vùng thường gọi là "bản thuốc độc".

Nguoiduatin.vn cũng đã từng cử PV lên tận nơi để xác minh thực hư của căn bệnh bí hiểm này. Nay xin tiếp tục đăng tải để làm rõ hơn một số thông tin liên quan đến những câu chuyện kỳ bí đến lạnh người về nơi bị cho là đã sản sinh ra căn bệnh kỳ bí trên.

Nỗi ám ảnh về “bản tử thần”

Xã hội - Nỗi oan thấu trời của “bản thuốc độc”
Ông Hà Xuân Thùy (bên phải), trưởng bản Gà Nguyễn Văn Thuận và cụ Nguyễn Văn Nhâm ( bên trái) rùng mình kể lại căn bệnh " lưỡi đen" và những câu chuyện lạnh người về “bản bỏ thuốc độc”.

Nguồn gốc của những câu chuyện hãi hùng về thuốc độc và bùa ngải là bản Nà In nằm sâu tận trong rừng giáp danh với tỉnh Lạng Sơn. Cả bản có 41 nóc nhà nọt thỏm giữa đại ngàn. Tất cả đều là người Dao sống biệt lập với xã hội bên ngoài. Đưa chúng tôi đi một vòng quanh bản, ông Đặng Thắng Quý- người cao niên nhất Nà In tâm sự : "Bản tao có 197 người đều là người Dao sinh sống tại bản Gà (xã Vân Sơn) ngày trước. Sau khi tách ra, tất cả những đồng bào người Dao kéo về thung lũng Tam Sơn này sinh sống. Thời đó dân bản xuất hiện một căn bệnh lạ mà người ta cho là bị thuốc độc, rồi đổ lỗi cho người Dao tao bỏ thuốc chỉ vì dân tao có nhiều bài thuốc độc trong vùng".

Căn bệnh lạ mà ông Quý nói được những người dân ở xã Vân Sơn đặt cho nó cái tên là "bệnh lưỡi đen" hay "ma ăn lưỡi". Nó xuất hiện đầu tiên ở bản Gà rồi lan ra các bản khác trong xã cũng với lời đồn bị người Dao ở Nà In bỏ thuốc độc.

Theo ông Nguyễn Văn Nhâm- già làng bản Gà thì: "Căn bệnh lạ mà nhiều người gọi là "lưỡi đen" đã có từ lâu, nhưng ít lắm, khoảng 4 - 5 năm mới có người bị bệnh. Từ khi đồng bào Dao trong bản tách ra và vào trong núi sống, lập bản Nà In thì có nhiều người ở bản mắc bệnh này. Chỉ tính từ năm 1995 đến năm 2002 cả bản có gần 15 trường hợp mắc bệnh. Trong đó cá biệt có đến 3 người trong một gia đình nhiễm bệnh".

Bắt đầu từ bản Gà, căn bệnh lạ tìm đến từng bản trong xã gõ cửa, rồi lan sang các bản ở những xã bên cạnh. Một điều lạ không ai có thể giải thích được là những bản có người bị bệnh "lưỡi đen" viếng thăm đều ôm quanh lấy bản Nà In. Những người mắc căn bệnh này đều có các triệu chứng giống bị nhiễm độc như: Ho khan, khó thở, hoa mắt, chóng mặt, chân tay bủn rủn không thể đi lại hay cử động được, ăn uống thì mất vị giác, ở cuống lưỡi mới đầu có vài chấm thâm đen sau đó loang ra cả lưỡi. Những người bị bệnh dùng đủ thứ thuốc cũng không thấy bệnh tình thuyên giảm, sau hai ba tháng nếu không được chữa trị thì chết.

Xã hội - Nỗi oan thấu trời của “bản thuốc độc” (Hình 2).

Ông Nguyễn Văn Hưng, 43 tuổi nổi tiếng với những bài thuốc độc

Lời đồn thổi về căn bệnh lạ và thuốc độc của người Dao tăng thêm khi Nguyễn Văn C. (46 tuổi) ở bản Gà bị nhiễm bệnh. Anh được gia đình đưa đi bệnh viện huyện, bác sĩ cũng bó tay không biết là bệnh gì đang nằm chờ chết thì được một thầy lang ở Nà In chữa khỏi chỉ với hai thang thuốc?. Những người bị bệnh này sau khi khỏi bệnh họ đều nói là do người Dao ở Nà In bỏ thuốc. Họ truyền tai nhau rằng những người bị nhiễm bệnh đều đã từng phạm vào đất của người Dao khi đi rừng nên bị dân bỏ đầu độc.

Rồi người ta truyền tai nhau những câu chuyện ma mị khiến cho những người Dao ở bản Nà In càng thêm kỳ bí. Ví dụ có người mang cả túi tiền vào Nà In mua gỗ về làm nhà, mua trâu về kéo, trâu gỗ đâu chẳng thấy, tiền bạc cũng mất theo.

Người khách đó thẫn thờ như người mất hồn, ốm yếu dần dần cho đến khi người nhà tá hỏa chia nhau đi kiếm thấy lang, mời thầy mo về cúng mới khỏi bệnh. Có cậu thanh niên tình cờ vào Nà In một lần rồi chết mê chết mệt cô gái trong bản đến mức phải thắt cổ tự tử để chứng minh tình yêu của mình. Dần dần bản Nà In trở thành "thung lũng tử thần" trong những câu chuyện truyền miệng.

Sự thật căn bệnh bí hiểm

Nhấp ngụm nước chè đắng ngắt ông Triệu Sinh Học, trưởng bản Nà In đau đáu kể: "Từ khi vùng này xuất hiện bệnh lạ quái ác, người ta đều đổ cho là do một loại thuốc độc do người Dao gây ra. Cả năm, ngoài mấy cán bộ xã thì không một ai dám vào bản. Con dân trong bản bị tách biệt hẳn với mọi người, đi đâu cũng bị người ta kỳ thị. Các cháu đi học bên ngoài cũng không dám nói mình là người Dao".

Để tìm hiểu thực hư câu chuyện tôi tìm đến thầy lang Đặng Văn Hùng (khoảng 45 tuổi), người nổi tiếng trong vùng với những bài thuốc độc. Ngôi nhà nhỏ nằm gần con suối góc cuối bản, trong vườn bao nhiêu là cây thuốc.

Ông Hùng bộc bạch: "Thuốc độc đều là các chất độc có sẵn trong tự nhiên. Thời đó người ta dùng râu hổ để làm thuốc độc. Sau này thuốc độc được chiết từ cóc, nấm độc, nọc độc rắn và rết... Các chất độc đó dùng để tẩm vào mũi tên, mũi lao để săn thú. Cũng không ít người dùng nó để hại nhau do mâu thuẫn chứ hoàn toàn không có chuyện mỗi năm phải thử thuốc một người như mọi người đồn đại".

Xã hội - Nỗi oan thấu trời của “bản thuốc độc” (Hình 3).
Những người dân sống trong bản bất an lo lắng vì nỗi oan của “bản bỏ thuốc độc”.

Theo ông Hùng, bệnh "lưỡi đen" không phải là bị bỏ thuốc độc mà là người dân do lao động mệt mỏi thể trạng kém, yếu, làm việc quá sức, ăn uống không đầy đủ và đảm bảo vệ sinh. Chính vì thế, khi chữa có những bệnh nhân này ông thường dùng phương pháp rửa ruột. Cách chữa này nhiều người lại gọi là "tháo độc" vì các thầy lang thường cho bệnh nhân uống thang thuốc (một thang tháo ra, một thang cầm lại -PV). Sau khi được thầy lang rửa ruột do tâm lý ổn định, ăn uống đầy đủ nên sức khỏe người bệnh mới mau lại.

Ông Hùng cũng khẳng định: Ai cũng nói Nà In là khởi nguồn của bệnh này nên không có ai bị bệnh nhưng thực tế có rất nhiều người ở đây mắc bệnh. Cũng vì những lời đồn đại ác ý đó mà khi dân trong bản có các triệu chứng giống lưỡi đen cũng hoang mang không kém. Họ cũng nghĩ mình bị bỏ thuốc độc vì vậy mà gây chia rẽ mất đoàn kết trong bản. "Nhiều người khi bị bệnh lưỡi đen đến tìm ta xin thuốc, nhưng ta bảo không cần phải thuốc thang gì cả chỉ cần ăn uống hợp lý là bệnh khắc hết", ông Hùng tiết lộ.

Ông Đặng Văn Kinh hành nghề thầy cúng đưa tiễn những linh hồn bao nhiêu năm nay ở Nà In kể thêm: "Người ta bảo người Dao ta có nhiều bài thuốc độc và lời nguyền mỗi năm thuốc giết chết một người thì thuốc mới linh nghiệm, cuộc sống gia đình mới hạnh phúc và may mắn. Các thầy mo thầy cúng như ta phải có hồn ma bên cạnh thì bùa mới linh thiêng. Nhưng thực tế dân bản ta sống hiền lành làm gì có tục bỏ thuốc bao giờ mà người ta cứ đồn đại linh tinh. Ta đi đâu cũng bị người ta xỉa xói nói thế này thế kia không ai dám lại gần, đi chợ mua hàng người ta cũng không bán vì ta là người Dao ở Nà In".

Rời bản Nà In khi mặt trời dần xuống núi chúng tôi không quên niềm trăn trở của người trưởng bản: "Nà In có 41 hộ mà đến 25 hộ nghèo. Vì những lời đồn thổi bản bùa mê, bản thuốc độc mà dân bản bị biệt lập với xã hội, bản vì thế cũng nghèo mãi".

Lời kể của một người từng bị "bỏ độc"

Trong số những câu chuyện được người dân truyền tai nhau, tôi tìm được một người được cho là vào Nà In mua gỗ bị bỏ thuốc về ốm liệt giường ba tháng. Đó là ông Nguyễn Trọng Mịch (45 tuổi, Chợ, xã Vân Sơn), một thợ mộc có tiếng trong vùng. Khi được hỏi về việc mình từng bị bỏ thuốc độc, giọng ông sang sảng: "Người ta đồn đại linh tinh đấy, làm gì có chuyện tớ bị bỏ thuốc độc chứ”.

Ông Mịch kể, chuyện đó xẩy ra vào năm 1992 khi ông mới đưa gia đình từ Hải Dương lên vùng này làm ăn. Nghe bảo trong Nà In có nhiều gỗ, ông vào mua về làm đồ mộc đem bán. "Thấy người ta đồn đại trong Nà In có bùa, thuốc độc hay ma gà gì đó mình cũng ngại, nhưng nghĩ mình không làm điều xấu thì có gì đâu mà sợ nên tôi cứ vào trong đó. Hôm đó tôi mua gỗ của nhà anh Cường, hai người cùng tuổi nên hợp nhau. Anh ấy mời ở lại dùng cơm với gia đình. Ngày đó dân bản không có điện mọi người ăn tối bên ngọn đèn tù mù. Mình không may bị hóc xương phải đi bệnh viện lấy ra chứ đâu có bị bỏ thuốc như người ta nói".

Lê Nguyễn