"Nóng ran" chuyện thu phí phương tiện cá nhân

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:53
0
Vài ngày nay báo mạng lan truyền với tốc độ chóng mặt lời nhận xét của ca sĩ Mỹ Linh rằng: "Anh Đinh La Thăng làm thế thì... quá kém". Việc Bộ giao thông đề xuất thu phí phương tiện cá nhân đang trở thành đề tài nóng, ngay cả với giới nghệ sĩ.

Chia sẻ với báo chí, chị cho rằng: “Chừng nào còn chưa rút ngắn được khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị, chừng nào quy hoạch giao thông còn đầy rẫy những bất cập thì chừng đó, tai nạn giao thông vẫn còn là một vấn nạn nhức nhối mà trong đó, lỗi không thuộc về người dân.

Nên càng không thể giải quyết nó bằng một giải pháp đơn giản và phi lý hết sức là bắt dân đóng phí và phải “mua” một “mặt hàng” mà họ không ưng ý và không tự nguyện.

Đề xuất giải pháp đó, theo tôi, chứng tỏ anh Đinh La Thăng quá kém cỏi!”

Nhịp sống - 'Nóng ran' chuyện thu phí phương tiện cá nhân

Trước nhiều ý kiến trái chiều và nhất là việc người dân bức xúc với đề xuất thu phí của Bộ giao thông, trong phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 27/3, đại biểu Nguyễn Kim Khoa, chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh nêu ý kiến: Nhân dân rất quan tâm đề xuất thu phí hạn chế xe cá nhân, phí ôtô vào nội đô giờ cao điểm. Tôi đề nghị phải báo cáo Quốc hội”.

Liên quan đến việc thu phí này, bên lề một hội nghị sáng 27/3, chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho rằng: “Thu hai loại phí lưu hành phương tiện cá nhân và phí ô tô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm là chủ trương đúng đắn.

Việc xây dựng phương án thu phí thế nào vào giờ cao điểm Thành phố đã có suy nghĩ ý tưởng tính phí theo hình thức lũy tiến giờ cao điểm. Mức phí sẽ được tăng lên theo thời gian đối với phương tiện khi lưu lại nội đô”.

Theo ông Thảo, mục đích cơ bản của việc thu phí là giảm thiểu phương tiện cá nhân, đặc biệt là ôtô vào trung tâm thành phố trong giờ cao điểm, vì hiện nay mật độ tham gia giao thông quá lớn.

Chiều 27/3 Bộ giao thông cũng đã họp bàn triển khai Nghị định 18/CP của Chính phủ về quỹ bảo trì đường bộ để tiến tới thống nhất xây dựng khung phí cụ thể cho quỹ này.

Tại cuộc họp, nhiều ý kiến cho rằng mức phí áp dụng đối với từng loại xe cần phải điều chỉnh phù hợp, theo hướng thấp hơn mức phí đề xuất của Bộ GTVT.

Cụ thể, mức phí theo đề xuất của Bộ GTVT đối với xe con, xe tải dưới 2 tấn, xe du lịch dưới 12 ghế là 180.000 đồng/tháng; xe 12 - 30 ghế, xe tải từ 2 đến dưới 4 tấn: 270.000 đồng/tháng; xe từ 31 ghế trở lên, xe tải từ 4 tấn đến dưới 10 tấn: 396.000 đồng/tháng... Riêng với xe máy, mức thu là 80.000 - 150.000 đồng/năm.

Một lãnh đạo Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết sau khi thống nhất, Bộ GTVT sẽ gửi dự thảo mức phí cho quỹ bảo trì đường bộ sang Bộ Tài chính thẩm định. Với mức phí dự kiến nêu trên, năm đầu tiên, các phương tiện cơ giới đường bộ sẽ đóng góp khoảng 5.987 tỉ đồng vào quỹ bảo trì đường bộ.

N.Linh (tổng hợp)