NS Nguyễn Ánh 9:

NS Nguyễn Ánh 9: "Tôi đã từng bị... đuổi ra khỏi nhà"

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:59
0
40 năm sống với cây đàn dương cầm, 40 ca khúc để đời, không những thế, NS Nguyễn Ánh 9 đã định hướng, nâng đỡ cho bao ca sỹ thành danh. Ở tuổi thất thập cổ lai hy, người nghệ sỹ này vẫn không ngừng khôn nguôi sự "Cô đơn, bơ vơ" trong "Tiếng hát lạc loài" .

“Âm nhạc như người tình”

Từ lâu, tôi hình dung nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9 hiền từ, nghiêm khắc và khoan thai với chiếc đàn piano. Trong cách nói chuyện của ông tôi tìm thấy một sự thân mật, dí dỏm, ưu tư của người nghệ sỹ âm thầm. Thỉnh thoảng, ông dừng lại, uống một ngụm cà phê đen, hút một hơi thuốc lá rồi trầm tư.

Xã hội - NS Nguyễn Ánh 9: 'Tôi đã từng bị... đuổi ra khỏi nhà'

Nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9

Ông nhìn cây đàn piano của quán cà phê, nơi ông chơi nhạc vào buổi tối, hồi tưởng thuở thiếu thời: "Ngay từ nhỏ, tôi đã mê âm nhạc, ngày nào cũng lấy đàn ra tập luyện. Mặc cho ba mẹ cấm đoán, cứ sáng đi học, trưa về nhà, hễ rảnh là lôi đàn ra đánh" .

Với quan niệm "xướng ca vô loài", hai cụ thân sinh của ông quyết định "nhốt" cậu con trai Nguyễn Đình Ánh (tên khai sinh của nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9-PV) vào trường nội trú. Nhưng không ngờ trong trường nội trú có một cây đàn. Chờ các thầy chơi xong, cậu Ánh lại tranh thủ "luyện công", được tí nào hay tí đó. Lần này quả là hết cách. Vì càng ngày cậu đam mê âm nhạc, và yêu... cây đàn nhiều hơn. Hai cụ lại "tống cổ" cậu con trai của mình xuống Đà Lạt, chẳng ai quen thân, chẳng có cây đàn nào chắc và sẽ tách con mình ra khỏi âm nhạc. Như chết đuối vớ được cây cọc, ở trường có một cây piano cũ không dùng đến. Thế là, ngày ngày người nhạc sỹ tương lai này lại vùi đầu vào đàn.

Lần chuyển trường này không ngờ là định mệnh âm nhạc của nghệ sỹ Nguyễn Ánh 9 sau này. "Những lúc không có đàn, để khỏi nhớ, tôi vẽ các phím đàn trên bìa carton. Rồi tẩn mẩn đánh đàn suông", ông nói. Quả thật, gia đình cấm cản, hoàn cảnh khó khăn, cơm áo chật vật, ... chẳng thể ngăn trở người nhạc sỹ này đến với âm nhạc.

Ông bồi hồi nhớ lại thầy mình, cố nhạc sỹ Hoàng Nguyên: "Vào thời đó, nhạc sỹ Hoàng Nguyên dẫn dắt nhóm Tuổi Xanh, và tôi "đi theo" thầy, xin đệm đàn mandoline. Thầy Hoàng Nguyên dạy cho tôi nhạc lý rất kỹ lưỡng. Đến bây giờ tôi vẫn không thể nào quên lời thầy dạy. Thầy nói, học nhạc là phải chịu khó. Vì nhạc lý không khó, và ai cũng có thể học được. Khó mà dễ, khó với người lười biếng, dễ với người kiên trì. Từ đó, ngày nào tôi cũng ngồi vào đàn. Không đàn một ngày là tay cứ cứng đơ ra. âm nhạc như người tình, mình không say mê là nó bỏ mình trước".

Những ca khúc nổi danh cùng tình nghệ sỹ

Khi được hỏi nhạc phẩm đầu tay ra đời như thế nào, ông xúc động, kể: “Trong một chuyến đi Nhật Bản, khi Khánh Ly hỏi: "Còn thương nó không bạn?", tức người yêu cũ của nhạc sỹ. Sẵn có cây đàn guitar, ông hát lên "Không. Không. Tôi không còn, tôi không còn yêu em nữa, ...". Thế là nhạc phẩm "Không" ra đời. Ông bảo, bài hát này được Elvis Phương hát rất nhiều ở vũ trường, quán bar thời đó. Vì Elvis huýt gió rất hay, nên bài hát xen lẫn tiếng huýt gió như thế, thanh niên mê lắm.

Xã hội - NS Nguyễn Ánh 9: 'Tôi đã từng bị... đuổi ra khỏi nhà' (Hình 2).

Nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9 rơi lệ trong đêm nhạc Ý Lan

Sau đó, ông viết "Ai đưa em về", "Chia phôi", "Lời cuối cho em" (bài này tặng riêng cho Elvis Phương sau khi vợ danh ca này mất) và một số ca khúc khác. Đó cũng là những ca khúc gắn liền với tên tuổi của giọng ca này.

Tiếng đàn Nguyễn Ánh 9 được biết đến chẳng kém gì nhạc của ông. Ông đã từng đệm đàn cho rất nhiều danh ca từ thế hệ này đến thế hệ khác, như Thái Thanh, Ý Lan, Khánh Ly, Ánh Tuyết, Cẩm Vân, Lệ Thu, Tuấn Ngọc, Khánh Hà, ... Người ta quen gọi ông với danh từ "Tiếng dương cầm lặng lẽ" là vậy. Với ông, "đệm cho một ca sỹ nghiệp dư nhưng hát bằng cả tấm lòng còn hơn đệm cho một ngôi sao hát mà chỉ... để hát."

Như chợt nhớ về một ca sỹ nào đã từng gắn bó với mình, lúc này nghệ sỹ dương cầm tài hoa xuống giọng: "Tôi đã đệm đàn cho rất nhiều ca sỹ. Khi đã thành cặp bài trùng thì không thể tách rời nhau, cứ như hai người dựa vào nhau để sống. Nhạc công và ca sỹ luôn tìm thấy sự đồng điệu, đồng cảm, như điện cực dương và điện cực âm hút nhau. Thậm chí, tình nghệ sỹ là một sự cộng sinh. Và đã có nhiều cuộc chia ly như thế, khi không còn nhau nữa, người nghệ sỹ cảm thấy cô đơn vô cùng" .

Với ông, nỗi cô đơn đến với người nghệ sỹ, không phải là sự lẻ loi một mình, mà giữa lúc đông người, giữa đường phố nhộn nhịp, mình vẫn thấy không có điểm dựa, không tìm thấy một điều gì bám víu. Bài hát "Cô đơn", rất nhiều người nghĩ đó là bài hát viết về một cuộc tình không trọn vẹn, nhưng ít ai nghĩ, đó là nỗi lòng của người nghệ sỹ, của tình nghệ sỹ dành cho nhau. Đó là cảm giác "Cô đơn, bơ vơ, tiếng hát lạc loài" (câu kết bài hát "Cô đơn").

Phóng viên dè dặt hỏi về hơi hướng Tự Lực Văn Đoàn trong sáng tác của ông, ông gật đầu, sôi nổi: Từ nhỏ, ông đã mê thơ và đọc thơ cũng rất nhiều, nhất là Huy Cận, Thế Lữ, Lưu Trọng Lư ... Nhạc thời đó không giống như bây giờ, mỗi bài hát đã là một bài thơ, đẹp từng chữ, trau chuốt từng âm tiết. Lời nhạc phải đẹp như bức tranh, phải giàu hình ảnh, nào là biện pháp tu từ, tiết chế câu chữ, như pha màu trong hội họa vậy".

Hơn nữa, ông rất khiêm tốn và ngưỡng mộ trước những nhạc sỹ như: Đoàn Chuẩn, Văn Cao. Ông gọi các bậc tiền bối như Văn Cao, Đoàn Chuẩn là "Thầy" dù chưa học ở "Thầy" một ngày nào. "Thế mà, tôi chỉ được gặp nhạc sỹ Văn Cao ... 2 lần tại Sài Gòn. Chưa được bắt tay, chỉ ngắm nhìn thôi. Đó là lần nhạc sỹ Văn Cao vào Sài Gòn nói chuyện với Trịnh Công Sơn, Trần Long ẩn, Phạm Trọng Cầu, Từ Huy, Tôn Thất Lập, ... Còn với nhạc sỹ Đoàn Chuẩn cũng vậy. Đến bây giờ tôi vẫn tiếc. Vì mãi đến năm 2002, tôi mới được ra Hà Nội lần đầu tiên. Lúc đó nhạc sỹ Đoàn Chuẩn đang lâm bệnh. Tôi đi "ké" với Ánh Tuyết làm chương trình "Mùa xuân đầu tiên" đấy chứ", ông hồi tưởng.

Bổn phận và sự nâng đỡ

Cuộc đời nghệ sỹ của Nguyễn Ánh 9 đã trải qua vô vàn thăng trầm. Ông đúc kết: "Tôi đã từng bị... đuổi ra khỏi nhà... Để kiếm được miếng cơm manh áo, chốn nghỉ ngơi, tập dượt ... phải trầy vi tróc vảy lắm. Nhưng đó là số phận, bây giờ cuộc sống ổn định rồi, xung quanh mình lại có rất nhiều người yêu mến. Nhiều người nói tôi là người có hậu. Chẳng sai chút nào".

Ông bảo: "Nâng đỡ những người làm nghệ thuật là bổn phận của mình. Các ca sỹ ở 5 dòng kẻ, Bích Hiền, Diệu Hiền, Đức Tuấn, ... đứa nào cũng gọi tôi là bố. Không giúp được vật chất, thì giúp chúng về tinh thần".

Ông đem điện thoại khoe ảnh các cô con gái: "5 Dòng Kẻ chụp chung với tôi tại quán ăn của Thùy Linh đó. Lần đầu tiên gặp chúng nó, đứa nào cũng gầy gò, ăn mặc thì ... luộm thuộm, nhưng khi hát "Tình khúc chiều mưa" thì tôi quên đi mọi chuyện. Chưa bao giờ được nghe ai hát bài đó hay như vậy. Sau buổi diễn, tôi tặng cho mỗi đứa một món quà để động viên chúng. Ngay cả khi Giáng Son về Hà Nội, giúp được gì thì giúp, ít nhất là mặt tinh thần... không chúng nó lại tỵ nhau, bảo tôi... thiên vị!" (nhạc sỹ cười).

Với học trò Đức Tuấn, ông nhận xét: "Đức Tuấn cũng như các ca sỹ trẻ khác, ban đầu chưa có định hướng, cứ luẩn quẩn không có lối đi, không có người dìu dắt. Thấy Đức Tuấn có một giọng hát tốt, có nội lực, tôi với ánh Tuyết khuyên nhủ. Rồi Đức Tuấn đã thành danh. Tôi mừng lắm. Thỉnh thoảng nó lại gọi điện hỏi thăm bố, mời bố đi ăn... ".

Khiêm Nhu