NSƯT Trần Đức kể về

NSƯT Trần Đức kể về "tai nạn kinh hoàng" trong nghiệp diễn

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
0
MNhìn lại chặng đường hoạt động nghệ thuật hơn 30 năm của mình, với cách sống chẳng giống ai ấy, NSƯT Trần Đức đã có một "tai nạn" mà anh cho rằng, nó là "kỷ niệm kinh hoàng".

Theo chân một nhóm sinh viên trẻ của trường Sân khấu điện ảnh thực hiện bài tốt nghiệp, tôi tiếp xúc với người từng "làm mưa làm gió" trên sân khấu kịch nói cũng như truyền hình với những vai phản diện nham hiểm - NSƯT Trần Đức. Tôi phát hiện ra cái slogan chọn những niềm vui giản dị từ cuộc sống bộn bề của anh, ý nghĩa đến mức nào trong nhịp sống gấp gáp đến tan chảy này.

Sự kiện - NSƯT Trần Đức kể về 'tai nạn kinh hoàng' trong nghiệp diễn

NSƯT Trần Đức

Giản dị cho cái thú của riêng mình

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình không ai theo nghệ thuật, Trần Đức đến với nghiệp diễn như một sự tình cờ. Câu nói: "Cậu chỉ làm được nghệ thuật thôi, không đi bộ đội được đâu" ám vào đời anh như định mệnh. Thế là, nhà hát kịch Hà Nội tuyển diễn viên, anh đánh bạo nộp đơn dự thi và trúng tuyển. Cũng năm đó anh được nhà hát kịch Hà Nội gửi sang trường Sân Khấu Việt Nam (nay là trường Sân khấu điện ảnh) để theo học lớp diễn viên. Đến tháng 6/1974, anh ra trường và quay về công tác tại Nhà hát kịch Hà Nội cho đến năm 2003 thì chuyển về trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội. Hiện nay anh đang đảm nhiệm chức vụ Trưởng khoa Sân khấu điện ảnh và múa của trường.

Với những sinh viên có chí hướng vươn lên, anh động viên, khích lệ bằng nhiều hình thức như tạo điều kiện để các sinh viên này tiếp xúc với thực tế cuộc sống nhiều hơn. Từ những va chạm dù nhỏ nhất hay "kinh khủng" nhất để các em tự hoàn thiện nhân cách của mình, tự rút ra được những bài học làm người cho chính bản thân. Vì theo Trần Đức, học làm người tốt khó hơn, lâu hơn học làm nghề tốt. Và, muốn học làm người tốt thì phải học từ những điều bình dị, đơn giản nhất của cuộc sống bộn bề này rồi mới tiến dần lên những thứ bình thường, phức tạp và cao sang khác. Nhớ mặt, hoàn cảnh của sinh viên cũng là những thứ giản dị mà Trần Đức thấy cần phải làm để điều chỉnh cho cuộc sống bớt phức tạp hơn.

Trần Đức đã từng sống ở thời kỳ đỉnh cao của kịch nói với những vở diễn để đời của nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ. Anh nói rằng, tôi không cổ vũ cho những khó khăn của thời bao cấp nhưng thời đó, quả thực cuộc sống bình dị của người nghệ sỹ đơn giản lắm. Trong sự bộn bề công việc và đầy áp lực của cuộc sống hôm nay, tôi vẫn chọn sự giản dị cũ để tự làm mới mình, làm phương châm sống cho cuộc đời làm người, làm nghệ thuật của mình.

Tôi nhớ đến quặn thắt cảnh khán giả ngồi chật ních khán phòng xem với những chiếc quạt trần chạy không đủ gió để xua con ruồi, trên sân khấu diễn viên mồ hôi nhễ nhại, cứ nói với lên thật to vì micro treo dây lủng lẳng thả trên đầu... Vậy mà vẫn say sưa diễn và nhập vai như lên đồng. Giờ giải lao, rủ nhau uống chén nước vối đặc, ăn củ khoai lang... mang từ nhà đến. Theo Trần Đức những thứ giản dị đó, giờ không còn và những người nghệ sỹ có tâm hồn lãng đãng thì luôn "mơ về thời xa vắng" để hoài niệm một cái gì đó giản đơn cho cái triết lý sống của riêng mình.

Trần Đức chiêm nghiệm: "Tôi tâm đắc với vai Tám Tính trong vở Ăn mày dĩ vãng của nhà văn Chu Lai. Vai diễn này xuất hiện rất ít, chỉ hai lần thôi nhưng để lại khá nhiều ấn tượng cho người xem và quan trọng hơn là cho chính cuộc đời của tôi". Một người lính trở về từ chiến trường miền Nam, mang theo nỗi buồn mất đi người bạn chiến đấu, người yêu của mình. Sau khi hòa bình lập lại, những người lính đó gặp lại nhau và kể lại những hồi ức cũ. Họ nhớ từng chi tiết giản dị đến cao thượng trong cuộc chiến sinh tử với kẻ thù để dành độc lập cho Tổ quốc. Họ nhớ cô gái thanh niên xung phong, ở trên xe tải thùng, đi qua đơn vị mình mặc áo, kẹp tóc, giọng nói vùng, miền... nào.

Để vào vai Tám Tính thành công anh đã phải đọc rất nhiều tác phẩm viết về người lính của Chu Lai để tìm sự đồng cảm với nhận vật. Thực tế, đây là việc đơn giản mà người làm nghề chân chính nào cũng cần phải thực hiện như thế. Song với lớp diễn viên trẻ bây giờ "cực khó" để họ tìm đến những điều giản dị như vậy. Ngoài đọc để giúp cho nhân vật của mình ra thì còn thẩm thấu được rất nhiều câu chuyện khác trong cuộc sống. Đó là một trong nhiều cách học làm người tốt nhất.

Sự kiện - NSƯT Trần Đức kể về 'tai nạn kinh hoàng' trong nghiệp diễn (Hình 2).

NSƯT Trần Đức đang hướng dẫn sinh viên quay hình làm đề tài tốt nghiệp

"Tai nạn" xảy ra bất kỳ lúc nào

Phàm những người có cái tính trong nghề, đều hay gặp phải những "tai nạn" nghề nghiệp từ trực tiếp đến vô hình. Nhìn lại chặng đường hoạt động nghệ thuật hơn 30 năm của mình, với cách sống chẳng giống ai ấy, NSƯT Trần Đức đã có một "tai nạn" mà anh cho rằng, nó là "kỷ niệm kinh hoàng". Nhưng Trần Đức thẳng thắn thừa nhận, "tai nạn" làm con người lớn lên rất nhiều, đời sống cũng phong phú hơn. Đó là một lần quay bộ phim do Trần Lực làm đạo diễn, anh vào vai một gã nhà báo viết láo còn anh Hồng Sơn (đã qua đời) sắm vai một người thương binh trở về làm kinh tế và bị tay nhà báo gián tiếp đè nén.

Anh tâm sự: "Trong kịch bản có đoạn tôi ngồi một mình trong nhà, bên cạnh đặt một con gà luộc còn bốc khói, miệng nhâm nhi rượu Tây, tay thì vặt một cái đùi gà nhai nhồm nhoàm ra chiều khoái chí bởi mình vừa "dìm" được một người lính thương binh. Trong khi đó anh Hồng Sơn là một người lính đặc công bất bình về những điều bịa đặt của bài báo đã lẻn vào nhà và tóm lấy cổ tay nhà báo (là tôi) để hỏi tội.

Chưa kịp định thần thì anh Hồng Sơn đã vặt cổ con gà luộc tống thẳng vào mồm tôi lúc đó còn đang rất ngạc nhiên bởi không hiểu tay lính này lọt vào nhà mình bằng cách nào. Khi tập thì hai anh em đã có sự thống nhất rất cẩn thận nhưng khi vào vai diễn do anh Hồng Sơn quá sung với nhân vật nên đã vặn cổ gà hơi dài và sau khi tống vào mồm tôi, anh còn đè ra ấn như ấn đòn thù thật.

Sau khi đạo diễn hô tốt rồi, tốt rồi thì cái cổ gà được lôi ra khỏi cổ họng tôi và máu ở trong cứ thế tuôn ra xối xả bởi xương gà cắm vào cổ họng. Mọi người trong đoàn phim vội vàng lấy rượu cho tôi súc miệng và uống để sát trùng. Cả đoàn phim lúc đó rất hoảng hốt tưởng là tôi không thể nào còn quay về với nghiệp diễn được nữa bởi vết thương khá nặng nhưng cũng may tôi không bị đứt thanh đới".

"Tai nạn" nghề nghiệp này ngọt ngào lắm, bởi nó là tai nạn của cảm xúc thật, của người diễn viên chân thật. "Tai nạn" bị người khác "ném đá" mới đắng cay. Trên đường đời, người có cá tính, không thể không "tai nạn" - Trần Đức phân trần. Và, theo anh, anh cũng đã từng bị "tai nạn" kiểu đó mà chẳng thể thanh minh được nên cứ để cho nó trôi, rồi từ những điều giản dị của cuộc sống, họ sẽ hiểu.

Quả thực, khi xem anh diễn, khán giả dù khó tính đến mấy cũng phải công nhận một điều Trần Đức là một người rất có trách nhiệm với vai diễn. Mặc dù hầu như chỉ chuyên được mời vào tuyến nhân vật phản diện nhưng qua mỗi vai diễn khán giả vẫn không thấy sự lặp lại bởi ý thức tạo hình cũng như khả năng diễn xuất của anh luôn có sự tìm tòi khám phá sao cho nhân vật mình đảm nhiệm lên hình không có sự nhàm chán.

Yêu nghiệp diễn là thế, say mê với từng vai diễn là thế nhưng khi được hỏi anh có thấy hài lòng về những vai diễn mình đã từng đảm nhiệm không thì Trần Đức tâm sự rất chân thành: "Qua mỗi vai diễn mình lại thấy rằng mình cần phải phấn đấu nhiều hơn nữa và không tránh khỏi nuối tiếc vì nếu cho mình diễn lại mình sẽ diễn còn hay hơn nữa". Những trăn trở sau mỗi vai diễn của NSƯT Trần Đức cũng chính là nỗi niềm chung của một lớp nghệ sỹ tâm huyết với nghề.

Tuệ Linh

Đọc báo trên mạng di động của Viettel. Những bí ẩn y khoa chưa có lời giải mà bất kỳ ai cũng cần quan tâm, soạn: DK YK gửi 9222, những khoảnh khắc thay đổi số phận con người, soạn DK KK gửi 9222.