Nữ

Nữ "hiệp sĩ" giao thông U60 kể chuyện "vác tù và hàng tổng"

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:41
0
Chia sẻ với phóng viên Người Đưa Tin, bà bảo mong ước lớn nhất của mình là bị thất nghiệp.

Cái tâm của người làm ngành y đã thôi thúc bà Đặng Thị Liên ở xã Phúc Thành (Kim Thành, Hải Dương) tự nguyện tham gia công tác cứu giúp cho nhiều nạn nhân bị tai nạn giao thông trên địa bàn. Hơn 30 năm nay, dấu chân của bà đã in mòn trên con đường từ nhà đến bệnh viện. Người dân trong thôn Dưỡng Thái Trung dành cho người phụ nữ phúc hậu ấy nhiều tình cảm yêu mến và gọi bà là hiệp sĩ giao thông.

Cái nghiệp đã gắn với đời

Ngay từ những giây phút đầu tiên trò chuyện với tôi, anh Đoàn Ngọc Quý, con trai thứ hai của bà Liên đã chia sẻ rằng, công việc cứu hộ giao thông gắn bó với mẹ mình như một cái nghiệp không thể bỏ được. Bà Liên tham gia vào ngành y từ năm 1971. Khi đó, bà là bác sĩ làm việc ở khoa ngoại bệnh viện đa khoa huyện Kim Thành. Do tiếp xúc với nhiều bệnh nhân bị tai nạn nên bà thấu hiểu và cảm thông với mất mát mà họ gặp phải.

Bà tâm sự: "Lúc ấy, điều trăn trở thường trực của tôi là nhiều trường hợp do không được sơ cứu kịp thời và đúng cách nên không ít nạn nhân bị thương nhẽ ra đơn giản nhưng lại trở thành nghiêm trọng. Vì thế, mỗi khi ra đường gặp tai nạn giao thông bà luôn sẵn sàng giúp họ sơ cứu kịp thời rồi đưa vào bệnh viện. Định mệnh đưa đẩy bà đến công việc hiện nay. Đó là vào năm 1980, gia đình bà chuyển nhà từ khu tập thể bệnh viện ra mặt đường quốc lộ 5. Chứng kiến quá nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra ngay trước mắt, bà cứ thế tham gia cứu hộ rồi gắn bó với việc làm tự nguyện này.

Xã hội - Nữ 'hiệp sĩ' giao thông U60 kể chuyện 'vác tù và hàng tổng'

Bà Liên luôn sẵn sàng trong tư thế cứu hộ.

Khi được hỏi về vụ cứu nạn đầu tiên, bà trầm tư: "Tôi làm công việc này đã nhiều năm, có quá nhiều ca cấp cứu xảy ra nên không thể nào nhớ nổi". Cho tôi xem hai cuốn vở rất dày, bà kể rằng mình đã ghi chi tiết những ca cứu nạn từ năm 2006. Con số các vụ tai nạn bà ghi chép đã lên đến hơn 400 nhưng con số thực tế đã lên đến hàng ngàn.

Năm 2006, hội Liên hiệp đoàn Y tế quốc tế phối hợp với hội Chữ thập ở Việt Nam đi khảo sát tỉnh Kim Thành để tìm người tham gia Dự án nâng cao năng lực hệ thống sơ - cấp cứu tai nạn giao thông quốc lộ 5. Biết tiếng bà Liên, Hội đã tìm đến chọn gia đình bà làm Trạm sơ cứu tai nạn.

Bà kể: "Khi đó, họ hỏi tôi có muốn tham gia không. Tôi bảo các anh có đến hay không tôi vẫn giúp người nhưng có tổ chức thì sẽ hay hơn, lôi cuốn được mọi người tham gia. Vậy là họ tiến hành tập huấn cho tôi và con trai". Trải qua hai đợt tập huấn, bà được phát quần áo chuyên dụng cùng một số dụng cụ y tế phục vụ cho quá trình sơ cứu. Không có thêm nguồn kinh phí hỗ trợ nào, bà tự bỏ tiền ra mua thêm thuốc và bông băng. Một số hộ dân xung quanh vì cảm phục trước việc làm của bà nên cũng đóng một phần chi phí để ủng hộ.

Hai anh con trai của bà Liên là anh Đoàn Ngọc Quyến (43 tuổi), Đoàn Ngọc Quý (37 tuổi) cùng các cháu hết sức ủng hộ và chung sức với bà khi có người cần cứu giúp. Hai đứa cháu của bà đều mới 17 tuổi nhưng rất hăng hái góp sức cùng bà nội. Bà kể rằng, lúc trước còn nhỏ hai đứa cháu rất sợ thấy máu, chứng kiến nhiều vụ việc kinh hoàng nhiều đêm chúng còn mơ thấy ác mộng, nhưng cùng bà làm mãi nên chúng không còn nhút nhát như trước. Không những thế, bà còn lôi cuốn được bảy người xe ôm cùng 14 hộ dân trong xóm cùng tham gia vào đội cứu hộ.

Anh Quý chia sẻ: "Trước chỉ có gia đình tôi làm công tác này, nhiều người ngại phiền hà lại cũng có người sợ. Nhưng thấy mẹ tôi tham gia hăng hái nên nhiều người cũng cùng cứu giúp khi có tai nạn xảy ra”.

Còn sức khoẻ còn làm

Khu vực ngã tư trên quốc lộ 5 đoạn qua xã Phúc Thành là địa bàn khá phức tạp về giao thông bởi đây là một trong những cửa ngõ chính vào thị trấn Phú Thái lại nằm sát đường sắt Hà Nội - Hải Phòng. Do đó khi có tàu chạy qua, các phương tiện tham gia giao thông đỗ kín một đoạn trên quốc lộ 5. Tình trạng nhốn nháo này gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Anh Quý kể: "Vào những giờ cao điểm, học sinh từ ba trường cấp 3 gần đây ùa ra nhiều. Lúc ấy, đường đông, tốc độ xe nhanh, ngã tư lại không có đèn đỏ hay đèn giảm tốc mà các cháu vẫn lao sang nên tai nạn xảy ra liên tục. Tôi và mẹ lúc nào cũng luôn trong tư thế chuẩn bị để nếu có tai nạn là kịp thời ứng cứu".

Xã hội - Nữ 'hiệp sĩ' giao thông U60 kể chuyện 'vác tù và hàng tổng' (Hình 2).

Kỷ niệm chương của hội Chữ thập đỏ Việt Nam trao tặng cho bà Liên

Nhớ lại những ca cứu hộ đã tham gia, bà Liên kể: "Kinh khủng nhất là những trường hợp tử vong ngay khi tai nạn xảy ra. Còn những ca gãy hay lìa tay chân, vỡ đầu thì nhiều không kể xiết. Mới đây, có một anh thanh niên trên thị trấn Phú Thái bị xe nghiến gãy xương đòn nằm úp mặt xuống đường. Khi tôi ra mọi người đều cản vì nghĩ đã chết rồi. Nhưng tôi ra chặn ô tô để xem xét thì phát hiện may mắn là anh vẫn còn sống. Có lẽ, tuổi tôi cao số, làm mãi thành quen, ở bệnh viện đã mổ xẻ cấp cứu nhiều nên không sợ".

Bà giúp đỡ người bị nạn từ cái tâm của một người làm ngành y, nhưng nhiều khi vẫn không tránh khỏi sự hiểu lầm của nhiều người. Vào tháng 8/2008, anh Ngô Văn Khiêm 35 tuổi ở An Dương (Hải Phòng) khi qua đoạn đường này thì xảy ra va chạm với một xe máy khác. Khi bà Liên cùng con trai chạy ra thì anh đã bất tỉnh, đầu chảy máu. Bà tiến hành sơ cứu để anh tỉnh nhưng sau một giờ, anh liên tục bị nôn. Bà Liên cùng con trai đã thuê xe ô tô chở anh về nhà nhưng khi đến nơi người nhà tưởng hai mẹ con bà gây tai nạn nên đòi giữ xe và người không cho đi. Bà giải thích và còn hứa giúp họ trông coi tư trang và xe máy của anh Khiêm ở nhà họ mới tin.

Rồi lại có những trường hợp như anh Nguyễn Khắc H bị ô tô đâm gãy xương chân cứ đòi ra viện để đưa đến bà chăm sóc. Biết anh bị nhiễm HIV, bà phải mua dụng cụ y tế riêng, bảo đảm an toàn để giúp H chữa trị vết thương. Nhờ sự giúp đỡ tận tình của bà, anh không bị mất đôi chân rồi nhất quyết xin nhận bà làm mẹ nuôi.

Gia đình bà giúp người gặp nạn có nhiều niềm vui và cũng lắm nỗi buồn. Đúng 30 tết năm 2011, có vụ tai nạn xảy ra sau khi đưa nạn nhân đi cấp cứu mới phát hiện đã bị mất 20 triệu. Anh Quý con trai bà bị điều tra và lập biên bản. Sau đó nhờ có sự giúp sức của quần chúng nên công an đã tìm ra thủ phạm. Bà bảo, vì không có tổ chức nào chứng kiến những việc làm của mình nên nhiều khi bị người ta nghĩ là mình có nghề nên lợi dụng để kiếm tiền.

Với lương hưu ít ỏi hơn 2 triệu đồng, hàng ngày bà phải tranh thủ đi chăm sóc y tế cho các bệnh nhân khi có yêu cầu để tăng thu nhập. Gia cảnh bà kinh tế khó khăn, lại phải lo cho hai đứa cháu đang ăn học. Căn nhà của gia đình xây từ năm 1987 giờ đã cũ kỹ, trong nhà không có đồ đạc gì quý giá ngoài chiếc ti vi cũ. Nhiều lúc, bà phải đi từ 4h sáng đến trưa khám chữa bệnh để kiến thêm thu nhập. Vậy mà khi có người cảm ơn đưa tiền, bà vẫn không nhận. Trong khoản chi tiêu ít ỏi của gia đình, bà còn phải bỏ ra một phần mua bông gạc và dụng cụ y tế cho quá trình sơ - cấp cứu.

Hơn 30 năm làm công tác cứu hộ giao thông bà không nề hà gian khổ và những khó khăn mình gặp phải. Bà chia sẻ rằng chỉ mong các ban ngành có liên quan quan tâm tạo điều kiện và hỗ trợ một phần kinh phí để mua thêm dụng cụ y tế phục vụ cho các ca cứu nạn. Khi được hỏi sẽ làm Hiệp sĩ giao thông đến bao giờ, bà cười vui vẻ: "Còn sức khỏe là tôi còn làm".

Danh hiệu Hiệp sĩ giao thông.

Trong nhà bà Liên có rất nhiều giấy khen, bằng khen, huy hiệu, kỷ niệm chương. Ngoài bằng khen của hội Chữ thập đỏ Việt Nam vì những đóng góp cho hoạt động nhân đạo bà còn nhận được kỷ niệm chương của bộ Giao thông vận tải vì đã có công lao đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển giao thông vận tải Việt Nam. Vừa qua tại chương trình Total Hiệp sĩ giao thông bà Liên đã vinh dự được trao tặng danh hiệu Hiệp sĩ giao thông. Mới đây nhất vào ngày 24/8, bà được về Hà Nội dự lễ tuyên dương và nhận bằng khen của bộ trưởng bộ Giao thông vận tải trong chương trình Những tấm gương quần chúng tiêu biểu tham gia xây dựng giao thông và bảo đảm an toàn giao thông do bộ Giao thông vận tải và ủy ban An toàn giao thông quốc gia phối hợp tổ chức.

Thanh Loan