Bí mật ca đỡ đẻ cặp song sinh Việt - Đức 26 năm trước

Bí mật ca đỡ đẻ cặp song sinh Việt - Đức 26 năm trước

Thứ 2, 13/05/2013 | 11:23
0
Hơn hai thập kỷ trôi qua, kể từ khi cặp song sinh Việt - Đức (SN 1981, ngụ thị trấn Sa Thầy, Tỉnh Kon Tum) ra đời, người ta vẫn nhắc tới họ như một ca song sinh hiếm gặp nhất trên thế giới. Người nữ hộ sinh năm nào, giữ kín những tâm tư, để giờ mới có dịp giãi bày...

Ca đỡ khó nhất thế giới

Quá trình cứu sống, tách rời cặp song sinh dính liền nhau của y học Việt Nam đã gây chấn động nền y học Việt Nam và thế giới. Tuy nhiên, phần thông tin về quá trình đỡ đẻ cho cặp song sinh này đến nay hầu như không người nào biết tới. Để tìm hiểu thông tin về ca sinh hy hữu, khó đỡ này chúng tôi đã tìm tới người nữ hộ sinh năm xưa đã từng góp phần cứu sống hai sinh linh bé nhỏ.

Tiếp xúc với chúng tôi, ký ức của người nữ hộ sinh năm nào vẫn không thể quên ca đỡ kỳ lạ mà trong đời bà chỉ gặp một lần duy nhất. Ca đỡ này in sâu vào tâm hồn và đã khiến bà ám ảnh đến suốt cuộc đời. Thậm chí, đi vào cả những giấc mơ của bà. Khi Việt - Đức cất tiếng khóc chào đời chính bà Nguyễn Thị Thu Hoa (SN 1962) là người ẵm bồng đầu tiên. Cả đêm hôm ấy bà không hề chợp mắt.

Xã hội - Bí mật ca đỡ đẻ cặp song sinh Việt - Đức 26 năm trước

Nữ hộ sinh Nhuyễn Thị Thu Hoa.

Thật lạ lùng, đêm đó trời bỗng đổ mưa tầm tã giữa tiết trời cao nguyên tháng 2 năm 1981. Trong bóng đêm tối mịt có mấy người khiêng một phụ nữ trên chiếc võng ướt sũng tới trạm xá xã Sa Sơn (thị trấn Sa Thầy, tỉnh Kon Tum). Người phụ nữ nằm trên võng đang chuyển dạ chuẩn bị sinh quằn quại vì đau đớn. Đón sản phụ vào, bà Hoa đã linh tính đây là một ca đỡ đẻ khó. Người phụ nữ chuyển dạ đêm đó tên là Nguyễn Thị Huệ nhà cách trạm y tế xã khoảng hơn 1km.

Bà Hoa chia sẻ: "Khi bà Huệ chuyển dạ, tôi tiến hành khám nhanh thì phát hiện bà Huệ mang song thai. Tuy nhiên, tôi chỉ xác định được một tim thai, thai còn lại không xác định được nhịp tim. Sau khi Việt-Đức ra đời tôi mới biết do cả hai nằm trong cùng một bọc ối, hơn nữa dụng cụ y tế thời đó còn lạc hậu nên không phát hiện được những tim thai đặc biệt".

Ban đầu bà cũng chỉ nghĩ đây là một ca song thai bình thường. Thường thì sản phụ sinh đôi, sẽ mất nhiều sức lực hơn sinh đơn. Chính vì lý do đó khâu chuẩn bị sức khỏe cho sản phụ là ưu tiên hàng đầu và hết sức quan trọng. Nhằm tránh cho bà Huệ đuối sức trong quá trình sinh nở có thể nguy hiểm đến tính mạng, bà Hoa đã tiêm thuốc trợ sức đồng thời truyền nước cho bà Huệ trước khi sinh. Trong cơn mưa tầm tã người nhà của bà Huệ sốt ruột chốc chốc lại ghé mắt vào trong phòng hộ sinh xem xét. Trong khoảng hơn 30 phút cả người nhà và hộ sinh đều lo lắng chờ đợi bởi không thấy đứa bé nào ra đời.

Từng có kinh nghiệm đỡ đẻ cho nhiều người trong đó bà đã gặp không ít ca song sinh, bà Hoa chia sẻ: "Thường thì các sản phụ mang song thai thì các bé ra đời có sẽ một người ngược, một người xuôi. Tức là, nếu đầu của bé đầu tiên ra trước, thì chân của bé thứ hai sẽ ra sau và ngược lại. Hai đứa bé song sinh sẽ có hai bọc ối khác nhau. Trước khi đỡ đẻ cho trường hợp của anh em Việt-Đức tôi từng nghe nhiều cặp song sinh dính liền nhau, nhưng chưa từng nghe thấy có cặp song sinh nào dính nhau kỳ lạ như trường hợp tôi từng làm". Và bà cũng không ngờ, đó lại là cặp song sinh khiến cả thế giới phải biết đến.

Những nỗi niềm đi suốt cuộc đời

Thoáng một chút suy tư như trở lại thời khó khăn đã qua, bà Hoa chia sẻ: "Thời đó cái gì cũng thiếu thốn, cả trạm xá chỉ có hai nữ hộ sinh trực cả ngày lẫn đêm rất vất vả. Trong kíp đỡ cho anh em Việt-Đức có tôi và một nữ hộ sinh khác tên là Nguyễn Thị Thu Hương cùng thực hiện. Tuy lúc đó trang thiết bị y tế còn rất khó khăn, nhưng ý chí con người luôn được đề cao trên hết. Chúng tôi hiểu rằng mình làm việc không phải chỉ để kiếm sống, mà trên tất cả vẫn là đạo đức nghề nghiệp. Chúng tôi luôn cố gắng hết mình vì công việc. Ban ngày thì đi đỡ đẻ tại nhà của sản phụ, ban đêm thì trực tại trạm xá. Những ca khó sinh, chúng tôi càng phải cố gắng hơn, vì tính mạng của mẹ con sản phụ chúng tôi chưa bao giờ bỏ cuộc. Trong đó  ca song sinh Việt-Đức khiến chúng tôi đã vượt qua nhiều trở ngại nhất, cuối cùng sau nhiều nỗ lực chúng tôi đã đỡ đẻ thành công cho hai anh em song sinh dính liền nhau, do bị ảnh hưởng của chất độc màu da cam".

Theo bà Hoa, cái khó của việc đỡ ca song sinh dính nhau Việt-Đức là chiều dài quá cỡ của cặp song thai. Mặt khác, phần dính nhau ở phần bụng của hai anh em là chân của Đức không ngay thẳng mà có hình dáng như chiếc bừa nên rất khó đưa ra ngoài. Hơn một giờ vật lộn với sản phụ và cặp song sinh, hai nữ hộ sinh phải rất vất vả mới hoàn thành được nhiệm vụ.

Bà Hoa nhớ lại: "Cái khó là phải làm sao để "lái" cho hai chân cong của đứa bé phía sau ra ngoài. Trong khi đó, đứa bé chưa ra khỏi bụng mẹ rất mỏng manh. Hơn nữa, thân hình của hai bé dính nhau nên dài gấp đôi đứa trẻ bình thường. Thân hình của em bé ra trước rất trơn và nhớt, chỉ giữ thôi đã rất vất vả. Trong khoảng thời gian hơn một tiếng đồng hồ tay của chúng tôi mỏi không tài nào tả được vì phải giữ đứa bé rồi "lái" làm sao cho đúng hướng". Những nỗi niềm, cảm giác lúc đó theo bà suốt cuộc đời.

Xã hội - Bí mật ca đỡ đẻ cặp song sinh Việt - Đức 26 năm trước (Hình 2).

Đức trong cặp song sinh Việt- Đức một lần đến Nhật.

Thời khắc quyết định sinh tử

Bà Hoa thoáng suy tư rồi cho biết: "Mới nhìn thấy phần lưng của hai đứa bé dính liền nhau chúng tôi vô cùng bối rối xen lẫn sự hoảng sợ. Cả hai nhìn nhau mà không nói nên được thành lời nhưng lúc đó tôi cũng không nghĩ nhiều bởi nếu bỏ cuộc thì cả sản phụ và hai bé sẽ bị nguy hiểm đến tính mạng. Trong khi đó, bên ngoài người thân của chị Huệ vẫn chưa biết thông tin gì, họ vẫn chờ đợi, khoảng 12h ngày 25/2/1981 cặp song sinh Việt- Đức ra đời. Tuy nhiên, khi hai anh em Việt- Đức chào đời tất cả những người có mặt đều hoảng hốt vì hình dáng kỳ dị của cặp song sinh".

Chính cha hai đứa bé cũng không dám nhìn con, ông chỉ hút thuốc rồi than vãn. Bà Huệ lúc này đã quá mệt nên ngủ thiếp đi mà chưa kịp nhìn mặt con. Chúng tôi sợ sản phụ sẽ xúc động dẫn đến băng huyết nguy hiểm đến tính mạng nên hai anh em Việt-Đức được đặt dưới chân mà không cho bà Huệ nhìn thấy.

Lúc này, nghe được thông tin về ca sinh lạ rất nhiều người dân hiếu kỳ đã tập trung tại trạm y tế xã để nhìn cho bằng được. Thậm chí, hàng ngàn người dân địa phương đã kéo tới sở y tế tỉnh thỏa mãn óc tò mò. Theo bà Hoa, khi ra đời hai anh em song sinh rất khỏe mạnh và khóc rất to. Sau khi hoàn tất công việc của mình, sự việc nhanh chóng được báo cáo với ông Thầu A Ngố (trạm trưởng trạm y tế xã Sa Sơn), ông Ngố cũng chết lặng trước hình hài của cặp song sinh.

Khoảng hơn hai phút sau mới có thể cất tiếng nói, bà Hoa vẫn nhớ như in lời vị trạm trưởng hôm đó: "Nếu là chú thì chú cũng không thể đỡ được, các cháu rất giỏi". Lo lắng cho sự an nguy của hai anh em Việt-Đức ông Ngố đã báo công an xã Sa Sơn tới để giải quyết vụ việc. Tiếp theo đó công an xã đã báo cáo lên sở Y tế tỉnh Kon Tum. 5h sáng hôm sau, sở Y tế tỉnh Kon Tum đưa người cùng lồng ấp lên đón mẹ con cặp song sinh  họ về sở Y tế của Tỉnh.

Cuộc đời, năm tháng, kể từ ngày ấy bà không còn gặp hai anh em Việt-Đức nữa nhưng trong tâm trí bà luôn nhớ mãi ngày hôm đó như một kỷ niệm để đời. Với chúng tôi, những người biết chuyện này, cũng xin mạn phép gọi đó là một kỳ tích khác, bên cạnh kỳ tích về ca mổ khiến cả thế giới biết đến. Bởi ngay từ phút chào đời, đã có những quyết tâm kỳ diệu, bất chấp những khó khăn, hạn chế về phương tiện kỹ thuật, mà chỉ cần hai chữ: Tình người.   

Mong muốn một cuộc hội ngộ người xưa

Bà Nguyễn Thị Thu Hoa cho biết: Trong những năm qua bà luôn dõi theo cuộc đời thăng trầm của hai anh em Việt-Đức. Trong thâm tâm bà luôn mong muốn những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với người mà bà yêu quý với những thời khắc quyết định cả số phận. Sau 26 năm chôn giấu "bí mật" ở trong lòng, hiện tại bà mong muốn có một cuộc hội ngộ giữa mẹ của cặp song sinh và cậu bé Nguyễn Đức hiện còn sống năm nào.

Trung Nguyên

Hai anh em sinh đôi kết duyên với hai chị em song sinh

Chủ nhật, 12/05/2013 | 22:10
Ngày đám cưới, bà con hàng xóm kéo đến đầy nhà, đầy sân. Ai cũng muốn được nhìn tận mắt cô dâu, chú rể giống, khác nhau thế nào. Những bậc làm cha làm mẹ vui mừng nhìn thấy con cái yên bề gia thất. Những câu chuyện xung quanh hai anh em sinh đôi cưới được hai chị em sinh đôi vẫn luôn khiến rất nhiều người quan tâm bàn tán.

Cặp song sinh kỳ lạ chỉ giao tiếp bằng mắt

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:57
June và Jennifer được mệnh danh là “cặp song sinh trầm lặng” của xứ Wales bởi ngoài giao tiếp bằng ánh mắt và thứ ngôn ngữ không ai hiểu nổi, họ hoàn toàn câm lặng trước thế giới.

Ly kỳ đám cưới 2 cặp song sinh

Chủ nhật, 05/05/2013 | 22:41
Lễ thành hôn của 2 cặp song sinh vừa diễn ra tại ấp Vĩnh Thuận, xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành - An Giang. Nhiều cụ ông, cụ bà móm mém cho biết đây là lần đầu tiên trong đời họ tham dự một đám cưới lạ lùng như thế.

Bí mật trường thọ của cặp song sinh Việt cao tuổi nhất

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:55
Cả đời hai cụ lam lũ, tần tảo nuôi các con khôn lớn, trưởng thành rồi chăm các cháu cho các con yên tâm làm ăn. Mọi người cũng khó có thể hiểu điều gì làm nên sức sống dẻo dai cho 2 chị em song sinh Vi Thị Đắc và Vi Thị Các (xã Đồng Cam, huyện Cẩm Khê, Phú Thọ) cao tuổi nhất (103 tuổi) Việt Nam.